Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 21 tháng 2 năm 2024 | 14:14

Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì thải bỏ nhựa ra môi trường

Với chỉ khoảng 33% rác thải nhựa được tái chế, Việt Nam đang lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì thải bỏ nhựa ra môi trường. Cần có sự hợp tác công tư và cam kết, nỗ lực mạnh mẽ từ các bên, nhất là doanh nghiệp lớn để thay đổi thực trạng này.

Kinh tế tuần hoàn từ nhựa cần được nhân rộng

Báo cáo "Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam - cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa" do IFC công bố cho biết mỗi năm có khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ 1,28 triệu tấn (33%) được tái chế, phần còn lại bị thải bỏ, dẫn đến lãng phí 2,2-2,9 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Báo cáo phân tích ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam do ngân hàng Thế giới (WB) và quỹ Problue công bố năm 2022 đã uớc tính có khoảng 3,1 triệu tấn rác nhựa thải ra trên đất liền hằng năm và ít nhất 10% trong số chất thải chưa được quản lý tốt đã ra sông, biển.

Rác thải nhựa bị đẩy xuống đại dương. (Ảnh: onegreenplanet.org)

Việt Nam vì vậy trở thành một trong năm nước hàng đầu trên thế giới gây ô nhiễm nhựa trên đại dương. Rác thải nhựa chiếm phần lớn lượng chất thải được tìm thấy ở các khu vực ven sông và ven biển, chiếm 94% tổng lượng rác thải và 71% trọng lượng. Hơn 60% các loại rác thải nhựa là nhựa dùng một lần.

Nêu quan điểm của mình bà Nguyễn Thị Bích Vân - Chủ tịch Unilever Việt Nam cho biết, "Cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này là bẻ hướng dòng chảy để nhựa được tuần hoàn, quay lại phục vụ đời sống thay vì bị thải bỏ".

Từ đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 cắt giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính ở mức 15,8% (trong điều kiện tự thực hiện) và 43,5% (được các nước hỗ trợ). Các doanh nghiệp lớn, đầu ngành đã chia sẻ những kinh nghiệm thực thi tái chế nhựa và kiến nghị nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Là nhà sản xuất có 35 triệu sản phẩm được người dân Việt Nam sử dụng mỗi ngày, bà Vân nhấn mạnh, Unilever Việt Nam hiểu việc tái chế nhựa, kéo dài vòng đời của các loại bao bì có ý nghĩa như thế nào với môi trường cũng như chính doanh nghiệp.

Mục tiêu của Unilever là đến năm 2025, tất cả bao bì nhựa phải có khả năng tái chế, giảm một nửa lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì, đồng nghĩa cần tăng cường sử dụng nhựa tái sinh, thu gom và xử lý lượng nhựa nhiều hơn lượng bao bì bán ra. Để nhựa có thể tuần hoàn, các yếu tố quan trọng gồm thiết kế, hợp tác, nhận thức cũng cần được thúc đẩy.

Từ nhiều năm qua, Unilever Việt Nam đã thực hiện các sáng kiến để cải thiện vật liệu bao bì phù hợp với kinh tế tuần hoàn. Đến nay, Unilever Việt Nam đã đạt 63% bao bì có khả năng tái chế hoặc dễ dàng phân hủy, đồng thời cắt giảm 52% lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì nhờ vào việc cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái chế.

Trong khi đó, việc hợp tác đã được đẩy mạnh bằng hàng loạt ký kết giữa Unilever và các đối tác. Tháng 2/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường và 3 doanh nghiệp Unilever Việt Nam, SCG và Dow tiên phong ký kết sáng kiến Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa (gọi là PPC).

Mục tiêu của PPC là quản lý vòng đời sản phẩm và nâng cao nguồn cung nguyên liệu bền vững, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trên quy mô toàn quốc. Đến nay, sau 3 năm, PPC đã có gần 30 thành viên từ các thành phần khác nhau trong vòng tuần hoàn nhựa: các tổ chức nhà nước, các nhà tái chế như Duy Tân, đơn vị thu gom như Vietcycle, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, đối tác phân phối bán lẻ như Central Retail…

"Trong vòng 3 năm, PPC của chúng tôi đã thu gom và tái chế 25.000 tấn rác thải nhựa đưa vào phục vụ đời sống. Một điều quan trọng là chúng tôi đã kết nối và cải thiện đời sống cho 2.500 lao động ve chai, phần lớn là phụ nữ", bà Vân chia sẻ.

Kết quả này đến từ nhiều sáng kiến, chương trình như hồi sinh rác thải nhựa để nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác, chất lượng của nhựa tái chế sau thu gom; phát triển mạng lưới cơ sở thu gom; xử lý, sản xuất nhựa tái sinh tại nhà máy đạt tiêu chuẩn.

Từ kinh nghiệm của Unilever, bà Vân khuyến nghị, kinh tế tuần hoàn nhựa cần được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc với sự hợp tác của cơ quan nhà nước, nhà thu gom, tái chế, các tổ chức quốc tế, nhà phân phối…

Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư lớn hơn cho công nghệ tái chế hiện đại, hệ thống thu gom bài bản và đặc biệt là có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhựa tái sinh.

"Chúng ta cần thay đổi mối quan hệ với nhựa một cách bền vững hơn để trước mắt là giải phóng giá trị vật liệu lên đến gần 3 tỷ USD/năm đang bị lãng phí. Cao hơn là giảm phát thải khí nhà kính và giảm ô nhiễm môi trường như mục tiêu đề ra", bà Vân nói.

Bảo vệ môi trường từ tái chế rác thải nhựa

Công trình khoa học “Hoàn thiện công nghệ, thiết bị tái chế rác thải nhựa phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng” của TS Trương Ngọc Tuấn cùng cộng sự đã khắc phục một số hạn chế cơ bản của ngành nhựa tái chế, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chiến lược để giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, vấn đề ô nhiễm nhựa, gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội.

TS Trương Ngọc Tuấn (bên phải) và cộng sự nghiên cứu, thực hiện công trình khoa học. Ảnh: NVCC.

Trước tình hình đó, nhằm khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, TS Trương Ngọc Tuấn (công tác tại tỉnh Thanh Hóa) cùng các cộng sự đã lên ý tưởng, nghiên cứu, hoàn thiện được công nghệ, thiết bị tái chế rác thải màng co PVC và rác thải nhựa PVC, sản xuất sản phẩm nhựa PVC với giá cả cạnh tranh phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Ông Tuấn cho biết, trong quá trình nghiên cứu sản xuất công trình đã khắc phục các hạn chế cơ bản sau đây của ngành nhựa tái chế. Đơn cử, như không phải tạo hạt nhựa trước khi đưa vào công đoạn thổi ống, hạn chế tối đa nhựa thải, tiêu hao năng lượng là điện năng cũng như nhân công, tránh lãng phí nguyên liệu nhựa trong quá trình tạo hạt. Đồng thời, chất lượng sản phẩm gia tăng đáng kể so với sản phẩm tái chế thông thường trên thị trường không tốt do máy đùn 1 trục vít độ nén và độ chính xác kém.

“Vấn đề đặt ra hiện nay của tái chế rác thải nhựa là làm sao để tận dụng tối đa được lượng rác thải nhựa để tái chế được mà vẫn đảm bảo các yếu tố môi trường, cũng như tiết kiệm tối đa các nguồn năng lượng. Chính vì vậy, công trình khoa học của nhóm có mục đích là hoàn thiện dây chuyền sản xuất để có thể khắc phục được những hạn chế này” - TS Tuấn cho hay.

Theo TS Tuấn, công trình khoa học “Hoàn thiện công nghệ, thiết bị tái chế rác thải nhựa phục vụ nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng” đã góp phần ổn định kinh tế tại địa phương, tạo tiền đề cho việc xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghệ tái chế rác thải, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, khu vực Bắc miền Trung và phạm vi cả nước. Thành công của công trình nghiên cứu đã từng bước định hình triển vọng mới trong việc biến rác thải thành nguồn nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm với giá cả cạnh tranh phục vụ ngành xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp đang cung ứng trên thị trường.

"Nhóm tác giả tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các khâu chuyển giao đề tài để đem đến nhiều hiệu quả tích cực hơn với cộng đồng, với xã hội. Chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ về chính sách nhà nước trong xử lý rác thải môi trường, quảng bá, thúc đẩy sử dụng sản phẩm do đề tài nghiên cứu này mang lại" - TS Tuấn cho biết.

Biến rác thải nhựa thành viên nén nhiên liệu thân thiện môi trường

Trăn trở với rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường biển, hai học sinh Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (TP Rạch Giá, Kiên Giang) đã mày mò, nghiên cứu kết hợp vỏ trấu, rác thải nhựa xay nhuyễn với bột đá vôi dolimit, làm ra viên nén nhiên liệu thân thiện môi trường.

Hai học sinh là em Trương Thành Phúc, lớp 11 lý, và em Hoàng Đức Tín, lớp 10 hóa, Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt.

Em Trương Thành Phúc từng chia sẻ với báo chí, Kiên Giang quê em là tỉnh được thiên nhiên ưu ái với nhiều bãi biển đẹp, thu hút nhiều khách du lịch trên khắp thế giới. Thế nhưng rác thải lại trở thành vấn đề đau đầu, nhất là rác thải nhựa đang làm xấu đi cảnh quan nơi đây. 

Tín (trái) và Phúc - học sinh Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (TP Rạch Giá, Kiên Giang) đã nghiên cứu và biến rác thải nhựa thành viên nén nhiên liệu thân thiện với môi trường, đoạt giải nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2023-2024 - ẢNH: CHÍ CÔNG

Phương án được lựa chọn nhiều nhất hiện nay là chôn lấp nhưng gây tốn diện tích và ta phải đối mặt với ô nhiễm môi trường như vi nhựa, nước rỉ và khí nhà kính nguy hiểm phát sinh trong quá trình phân rã…

Không những thế khi đốt khói độc và mùi hôi còn  ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường; phương án tái chế để tái sử dụng thì còn rất nhiều bất cập. Chính vì thế ý tưởng chính của dự án là biến rác thải nhựa trở thành sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao.

Từ thực tế ấy, Phúc và Tín bắt tay vào nghiên cứu và tìm cách tận dụng rác thải nhựa để làm sạch biển. Thế nhưng để làm ra viên nén có nguồn gốc từ rác thải nhựa lại không hề đơn giản. 

Phúc và Tín gặp khó trong việc tìm ra chất xúc tác trợ cháy, làm sao để vật liệu đó phải thân thiện với môi trường. Sau nhiều lần thử nghiệm, cả nhóm đã tìm ra chất xúc tác trợ cháy phù hợp là vỏ trấu. Bởi lẽ trấu chứa khoảng 75% chất hữu cơ dễ bay hơi sẽ cháy trong quá trình đốt và khoảng 25% còn lại chuyển thành tro.

Ngoài ra Phúc còn quyết định thêm một số chất trợ cháy xúc tác khác khi đốt và tìm các phụ gia nổi bật ở Kiên Giang như cao lanh, đá vôi, bột đá vôi dolomit. 

Cả hai đã chọn chọn bột đá vôi dolomit vì nó giảm phát thải kali và clo có trong tro bay. Từ đó, chế tạo thành công sản phẩm viên nén với hàm lượng chuẩn 62,5% nhựa, 20,8 trấu và 10,7% dolomit

Khi lò đốt ở nhiệt độ cao, chúng em thấy viên nén nhiên liệu cháy nhanh, nhiệt lượng tỏa tốt hơn than đá, giảm hiện tượng tạo cặn xỉ khi đốt củi trấu nên rất phù hợp trong việc phục vụ sản xuất công nghiệp”, Phúc cho biết thêm.

Nhóm cũng đã đến Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhờ trợ giúp của các nhà khoa học để tìm ra công thức tối ưu và có điều kiện thực nghiệm. Nhờ máy móc hiện đại mà hai học sinh đã có thể  hoàn thành xuất sắc nghiên cứu của mình.

Theo bà Lâm Ngọc Ny - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, nhà trường luôn tạo điều kiện cho cả hai tham gia trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật và liên kết với viện nghiên cứu cho các em ấy lên tìm hiểu sâu, thực hiện tốt dự án của mình. 

Sản phẩm viên nén nhiên liệu thân thiện môi trường của của Phúc và Tín đã  giành giải Nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật tỉnh Kiên Giang năm 2023 - 2024.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ dantri, daidoanket, tuoitre...)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top