Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 5 tháng 6 năm 2022 | 9:13

Việt Nam sản xuất thành công vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi

Sau một thời gian nghiên cứu, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất thương mại thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi.

Việc sản xuất thành công vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi là sự kiện lịch sử đánh dấu cột mốc quan trọng để chính thức thương mại vaccine này trên phạm vi toàn cầu.

Sự kiện lịch sử

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam đã chính thức sản xuất được vaccine thương mại phòng bệnh tả lợn châu Phi, đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm vô trùng, an toàn và hiệu lực, độ dài miễn dịch kéo dài 6 tháng. Từ đó, góp phần bảo vệ an toàn cho chăn nuôi, sản xuất lợn thịt. Việc sản xuất thành công vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi là sự kiện lịch sử.

“Chúng ta có thể tự tin sản xuất vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi đáp ứng được nhu cầu phòng, chống dịch bệnh trong nước và hướng tới xuất khẩu sản phẩm vaccine. Đến thời điểm này, chưa có quốc gia nào công bố sản xuất thành công vaccine thương mại. Vì vậy, dư địa xuất khẩu vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi được sản xuất tại Việt Nam sang các nước là rất lớn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Vaccine được công bố có tên thương mại NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm, từ khi bệnh tả lợn châu Phi được phát hiện, có hơn 4.000 công trình nghiên cứu liên quan đến virus tả lợn châu Phi và phát triển vaccine của các nhà khoa học được công bố. Tuy nhiên, trên thế giới chưa có vaccine thương mại phòng bệnh tả lợn châu Phi.

z3464867963008_432878dc9176e9f1cebc5a2ab301265a.jpg

Tiêm phòng vaccine trên đàn lợn.

 

Chia sẻ về quá trình nghiên cứu vaccine, ông Nguyễn Văn Long, quyền Cục trưởng Cục Thú y cho biết, đầu tháng 11/2019, các nhà khoa học của Hoa Kỳ đã công bố nghiên cứu thành công chủng virus dịch tả lợn châu Phi nhược độc đã được cắt bỏ đoạn gen ASF-G-Delta I177L.

Đây là tiền đề rất quan trọng cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngay trong tháng 11/2019, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cử lãnh đạo Cục Thú y sang Hoa Kỳ dự họp, gặp trực tiếp với các chuyên gia Hoa Kỳ để bàn phối hợp nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi.

Từ tháng 2/2020, việc nghiên cứu, sản xuất vaccine chính thức được thực hiện cùng với sự phối hợp của các chuyên gia Hoa Kỳ. Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y thống nhất và ký thỏa thuận chung hợp tác kỹ thuật với Viện Nghiên cứu Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ làm cơ sở cho các bên triển khai thực hiện. Từ tháng 7/2020, Bộ chỉ đạo cho phép nhập khẩu chủng giống virus dịch tả lợn châu Phi nhược độc cắt gen dùng để nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng, chống bệnh tả lợn châu Phi tại Việt Nam.

Ngay sau khi tiếp nhận chủng giống ASF-G-Delta I177L từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (tháng 9/2020), Công ty Navetco đã khẩn trương triển khai nghiên cứu. Qua 5 lần thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, kết quả 100% số lợn tiêm vaccine được bảo hộ. Còn trong điều kiện sản xuất có 80% số lợn tiêm vaccine được bảo hộ.

“Kết quả nghiên cứu, sản xuất vaccine NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco sau khi được các nhà khoa học độc lập đánh giá rất kỹ lưỡng đã được chấp nhận công bố trên các Tạp chí khoa học uy tín của thế giới và Tạp chí Khoa học thú y của Việt Nam. Ngày 17/5/2022, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng đã có thư chính thức gửi Cục Thú y Việt Nam xác nhận vaccine NAVET-ASFVAC đảm bảo an toàn, hiệu lực”, ông Nguyễn Văn Long cho biết.

Dự kiến mức giá vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi

Là quốc gia đầu tiên sản xuất thành công vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi là tin vui đối với toàn ngành Nông nghiệp và PTNT và các hộ chăn nuôi hiện nay. Và điều mọi người quan tâm là, giá vaccine dịch tả lợn châu Phi là bao nhiêu?

Trả lời câu hỏi của phóng viên cũng như mối quan tâm của nhiều người chăn nuôi, ông Trần Xuân Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Thuốc thú y Trung ương - Navetco, cho biết, dự kiến giá vaccine dịch tả lợn châu Phi khoảng 34.000 - 36.000 đồng/liều, tương đương vaccine phòng bệnh tai xanh.

“Mức giá này, người chăn nuôi, chủ trang trại hoàn toàn có thể chấp nhận được vì một số vaccine cũng có giá tương đương”, ông Hạnh nói.

Cũng theo ông Hạnh, khả năng mức giá này sẽ còn xuống vì trong giai đoạn đầu doanh nghiệp phải trả phí chuyển giao, mua giống cho đối tác bên Hoa Kỳ.

Về tiềm năng xuất khẩu vaccine dịch tả lợn châu Phi, ông Hạnh cho biết, phía đối tác Hoa Kỳ sau khi biết thông tin Việt Nam sản xuất thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi đã đề nghị Việt Nam chuyển giao cho Dominica, vì nước này đang có dịch, hay Philippines, các nước trong khu vực cũng muốn được chuyển giao, sử dụng vaccine này cho chăn nuôi.

“Đối với nhu cầu sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi trong nước và kể cả xuất khẩu, khả năng, nguồn lực của công ty hoàn toàn có thể đáp ứng được”, ông Hạnh khẳng định.

Hiện có 3 doanh nghiệp tham gia nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi: Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco (Công ty Navetco), Công ty TNHH MTV AVAC, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco.

 

An Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top