Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 20 tháng 11 năm 2022 | 20:25

Xây dựng Lâm Đồng trở thành động lực tăng trưởng của Tây Nguyên

Chiều 20/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2022.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết, năm 2022 mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực, ước thực hiện đạt và vượt toàn bộ 18/18 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, trong đó vượt 6 chỉ tiêu.

Tỉnh Lâm Đồng đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương một số nội dung liên quan xây dựng kết cấu hạ tầng như: hỗ trợ tỉnh xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương; sớm triển khai dự án đường bộ cao tốc Nha Trang – Liên Khương, Liên Khương – Buôn Ma Thuột và ưu tiên thực hiện một số tuyến giao thông có tính chất kết nối liên vùng khác.

hủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng, biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền, người dân, doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trong những năm qua, nhất là trong năm 2022, kinh tế - xã hội khôi phục nhanh.

Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ những tiềm năng, thế mạnh và những tồn tại hạn chế của tỉnh. Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Lâm Đồng thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đặc biệt những lĩnh vực có tiềm năng lớn như du lịch, dịch vụ, logistic, nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, dược liệu; tập trung xây dựng một số sản phẩm thương hiệu quốc gia, đẩy mạnh du lịch theo hướng hiện đại, có nhiều sản phẩm chất lượng cao gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về danh lam thắng cảnh, điều kiện tự nhiên, đặc sản riêng có, môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.

Thủ tướng đề nghị tỉnh Lâm Đồng cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch để tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện. Phát triển, quản lý đô thị và bố trí dân cư, bảo đảm phù hợp với điều kiện đặc trưng về sinh thái, bản sắc văn hoá Tây Nguyên, lấy Đà Lạt làm trung tâm. Cần tiếp tục xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường hợp tác công tư, chú trọng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước, quốc tế và theo hướng xanh, phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ cao.

Thủ tướng đề nghị, Lâm Đồng cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình, mục tiêu quốc gia, nhất là các dự án, công trình trọng điểm như các tuyến cao tốc kết nối; đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thông tin, viễn thông, thủy lợi; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong ngành, lĩnh vực tiềm năng; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; thúc đẩy chuyển đổi số; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc

Tỉnh Lâm Đồng cần triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội; chú trọng quản lý đất đai, tài nguyên, rừng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống tốt đẹp, các di tích lịch sử, văn hoá tiêu biểu các dân tộc Tây Nguyên.

Thủ tướng đề nghị Lâm Đồng giữ vững ổn định chính trị, ninh, trật tự, an toàn xã hội; tập trung đấu tranh, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội; đẩy mạnh thực hiện các kết luận thanh tra, điều tra và thi hành các bản án, góp phần tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, củng cố niềm tin của Nhân dân; coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.

Tiếp tục tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và đạo tào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đối với các ý kiến đề xuất, kiến nghị của tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí giải quyết với ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành; đồng thời có ý kiến trực tiếp đối với từng đề xuất, kiến nghị của tỉnh; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Lâm Đồng để xem xét, giải quyết, trên cơ sở đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình chung và đặt trong mối quan hệ với cả vùng, cả nước. Trong đó, những vấn đề thuộc chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của Bộ, ngành nào thì Bộ, ngành đó chủ trì, phối hợp giải quyết, vấn đề vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét.

Về các kiến nghị của tỉnh Lâm Đồng, trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng cơ bản nhất trí với việc giải quyết các kiến nghị của tỉnh, trên nguyên tắc đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; tạo cơ chế khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phối hợp, giải quyết theo thẩm quyền các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Chính phủ, địa phương thăm gian hàng các sản phẩm

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Chính phủ, địa phương thăm gian hàng các sản phẩm.

Trước đó, vào sáng 20/11/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã tham dự khai trương Triển lãm ảnh Tây Nguyên xanh Hài Hoà - Bền Vững và thăm các gian hàng trưng bày sản vật vùng Tây Nguyên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phối hợp cùng tỉnh Lâm Đồng thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ thăm Công ty TNHH Dalat Hasfarm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ thăm Công ty TNHH Dalat Hasfarm

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác thăm Ga Đà Lạt

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác thăm ga Đà Lạt

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm Công ty TNHH Dalat Hasfarm chuyên để sản xuất, phân phối ngọn giống, hoa cắt cành và hoa chậu tại thành phố Đà Lạt. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thăm ga Đà Lạt là nhà ga tàu hỏa được người Pháp xây dựng từ những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ 20 là nhà ga đầu mối trên tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt dài 84 km. Nhà ga có phong cách kiến trúc độc đáo, có ba mái hình chóp, là cách điệu ba đỉnh núi Lang biang hoặc nhà rông Tây Nguyên.

 

Minh Cường - Thanh Hòa
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top