Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 6 năm 2023 | 14:50

Xây dựng gia đình Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, văn minh, hiện đại, không có ma túy và tệ nạn xã hội

Tình trạng buôn bán, sử dụng ma túy vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt, hiện nay xuất hiện nhiều loại ma túy mới khiến công tác đấu tranh gặp khó khăn hơn. Trong khi đó, người sử dụng đang ngày một trẻ hóa.

Do vậy, việc phòng chống ma túy không chỉ dừng lại ở nhà nước, xã hội, nhà trường mà cần thực hiện ngay tại mỗi gia đình.

Ma túy mới “đội lốt” hàng hóa, thực phẩm

Ma túy là những chất có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc được tổng hợp khi sử dụng không chỉ huỷ hoại sức khoẻ người dùng mà còn khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh bần cùng, tan vỡ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến phạm tội và gây mất trật tự, an toàn xã hội. Hiện nay, ma túy “núp bóng” dưới dạng hàng hóa chứa chất ma túy có dấu hiệu gia tăng. Ma túy được tội phạm “pha trộn”, “tẩm ướp”, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử... Người dân nếu vô tình sử dụng các loại hàng hóa này rất dễ ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Cơ quan chức năng cảnh báo, nhiều loại ma túy mới dưới xuất hiện, trôi nổi trên thị trường, có khả năng gây nguy hại cho thanh thiếu niên (Ảnh minh họa).

Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP. Đà Nẵng vừa thông báo về một chất ma túy mới, được phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, đó là chất ADB-4en-PINACA. Theo các mẫu thu giữ tại Đà Nẵng và một số địa phương khác, chất này có tác dụng gây ảo giác tương tự như cần sa ma túy nhưng rất khó phát hiện bằng các phương pháp thông thường khi giám định.

Đối tượng hòa tan chất ADB-4en- PINACA thành dung dịch và phun tẩm vào mẫu cỏ khô cắt nhỏ, sợi thuốc lá điếu, thuốc lào hoặc pha trộn vào dung dịch thuốc lá điện tử khi sử dụng để gây ảo giác tương tự như cần sa ma túy. Chất này không nằm trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam, do đó, sẽ gây khó khăn cho công tác đấu tranh.

Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho biết, gần đây, tội phạm đã chế tạo những chất ma túy mới, chưa có trong danh mục cấm đựng trong dung dịch thuốc lá điện tử, thông qua thuốc lá điện tử để sử dụng trái phép. Các chất ma túy mới bao gồm: 1eP-LDS, 2-FMA, 3-FEA, 3-MMC, MDMB-4en-PINACA, ADB-BUTINACA, 4F-MDMB-BUTICA, 4F-ABUTINACA. Các chất ma túy này sẽ gây ảo giác, có thể xuất hiện co giật, hôn mê, thậm chí tử vong đối với người sử dụng và những người xung quanh không may uống nhầm.

Thành phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine - một chất gây nghiện, có thể tác động xấu đến phát triển não bộ của trẻ em, ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và sự phát triển của thai nhi. Trẻ em không may nuốt, uống hoặc hấp thụ lượng lớn nicotine có thể bị ngộ độc với các biểu hiện nôn, nhịp tim nhanh, tăng tiết nước bọt, đau bụng, da tái nhợt, vã mồ hôi, tăng huyết áp, thở nhanh, mất kiểm soát cơ thể, mất cân bằng không thể đi lại, run tay, co giật.

Đơn cử, tháng 5/2022,  5 người bị ngộ độc ma túy tại huyện Đông Anh (Hà Nội) sau khi ăn socola có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA. Tháng 7/2022, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiến hành cấp cứu nữ sinh 20 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não, tổn thương gan do hút thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy. Qua xét nghiệm tại Viện Pháp y Quốc gia đã phát hiện mẫu thuốc lá điện tử này chứa chất ADB-BUTINACA.

Trẻ hóa độ tuổi nghiện ma túy

Sự xuất hiện ngày càng đa dạng về chủng loại của ma túy, nhiều trẻ em đã sử dụng. Ngoài tính đua đòi, bốc đồng, các đối tượng này còn bị lôi kéo do thiếu hiểu biết, tin vào lời giới thiệu, chơi ma túy tổng hợp không bị nghiện và không bị người khác phát hiện. Đặc biệt, vào các ngày lễ, tết, sinh nhật, nhiều đối tượng đã thuê phòng hát karaoke, quán bar, khách sạn, nhà nghỉ… rủ rê nhau để sử dụng ma túy tập thể.

Đẩy mạnh tuyên truyền tác hại ma tuý cho đối tượng học sinh, sinh viên.

Từ thực tế hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy có thể nhận thấy, một bộ phận không nhỏ người trẻ sử dụng các chất liên quan đến ma túy, ban đầu xuất phát từ những lý do như “thấy hay hay, lạ lạ, thử cho biết”, “nghe bạn rủ rê”, hút thuốc lá điện tử, shisha, bóng cười... Sử dụng lâu thành quen, rồi muốn tăng liều, dần dần có những người vướng vào ma túy từ lúc nào không hay.

Ngoài việc sử dụng, không ít bạn còn tham gia tàng trữ, vận chuyển, mua bán ma túy tổng hợp ngay trong trường học. Từ công tác xét xử những đối tượng cầm đầu đường dây mua bán ma túy cho thấy, học sinh đang là mục tiêu mà các băng nhóm buôn bán ma túy lợi dụng, khai thác phục vụ mục đích xấu bởi đây là nhóm nguy cơ cao dễ bị dụ dỗ, khống chế.

Đầu năm 2023, bà Lê Thị Minh Hằng (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) phải tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý hỏi về tình trạng con trai 17 tuổi, đang học nghề sửa chữa ô tô. Bà Hằng cho biết, con trai mình vốn là học sinh ít nói suốt thời gian học trung học cơ sở. Đến giữa năm lớp 11 thì em có dấu hiệu thay đổi như: thích tham gia học nhóm, hay ngủ vùi, ở nhà thì luôn đóng kín cửa không cho ai vào phòng. Vợ chồng bà Hằng nghĩ có thể chỉ là biểu hiện của tuổi dậy thì nên không sâu sát theo dõi.

Vào cuối năm học, bà Hằng nhận được thông báo của giáo viên chủ nhiệm đề nghị có biện pháp quản lý, giáo dục con trai vì nhà trường nghi ngờ cháu sử dụng chất gây nghiện. Khi kiểm tra phòng ngủ con trai thì phát hiện có nhiều loại vỏ nước uống giải khát màu đỏ, màu xanh giống với loại nước uống Crispy fruit mà giới trẻ ưa thích. Bà Hằng âm thầm đi kiểm tra thì tá hỏa nước uống có chứa chất kích thích gây nghiện, gây ảo giác.

Sau đó, vợ chồng bà Hằng quyết định, cho con trai bảo lưu kết quả học tập để đưa về quê ngoại ở Lâm Đồng cai nghiện. Sau 3 tháng hoàn toàn tránh xa với thú vui học đường, con trai bà đã cai được thứ nước uống “ma quái” kia. Thay vì học tiếp THPT, bà Hằng đã cho con vào trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề vừa học bổ túc văn hóa, vừa học nghề để tiện cho việc giám sát, kèm cặp của gia đình và giáo viên.

Theo thống kê được Bộ Công an, trong số hơn 200 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, đối tượng dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến 30 tuổi chiếm gần 50%. Có khoảng 60% sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15 đến 25 - độ tuổi này ngày càng bị trẻ hóa. Còn theo thống kê của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTH&XH), hiện nay khoảng 95% người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, trong số này có tới 70-75% là giới trẻ, học sinh, sinh viên từ 17-35 tuổi. Đây là con số báo động khiến xã hội phải giật mình. Tại các thành phố lớn, cha mẹ có con em trong độ tuổi học đường luôn trong trạng thái lo lắng, bất an.

Gia đình là gốc để phòng chống ma túy

Trẻ em sống phụ thuộc vào gia đình. Khi bố mẹ không hòa thuận, con cái chịu rất nhiều thiệt thòi. Đáng tiếc là, ở nhiều gia đình, mọi điều xấu, tốt trong quan hệ giữa cha mẹ lại diễn ra công khai trước mắt con, nên trẻ biết hoặc chí ít là cảm nhận được rằng bố mẹ chúng sống không hòa thuận.

Công an tỉnh Lai Châu tuyên truyền, vận động Người có uy tín tham gia phòng chống ma túy tại các xóm bản.

Phân tích những trường hợp trẻ em bắt đầu sử dụng ma túy có khởi nguồn từ sự bất ổn của gia đình cho thấy, chúng chịu tác động rất lớn của mối quan hệ giữa bố và mẹ. Quan hệ bố mẹ làm cho “môi trường” gia đình vui hay buồn, tốt hay xấu. Khi bố mẹ bất hòa, phản ứng của những đứa con chỉ có thể là im lặng, lo sợ theo dõi diễn biến của sự kiện hoặc bỏ đi chơi, đi bụi.

Phòng chống ma túy là trách nhiệm không chỉ của nhà nước mà còn thuộc về xã hội, gia đình và mỗi cá nhân. Để ngăn chặn và đẩy lùi ma túy, đặc biệt trong giới trẻ, các bậc làm cha, làm mẹ cần xác định rõ vai trò, vị thế của gia đình trong công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục con em. Các gia đình có trách nhiệm giáo dục thành viên, thân nhân về tác hại của ma tuý và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý. Quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thành viên trong gia đình tham gia tệ nạn ma tuý.

Phải giáo dục cho con em mình hiểu sâu tác hại của ma tuý để các em không bị lôi kéo vào. Không cho con em mình chơi thân, tiếp xúc với những em bỏ học, những người có biểu hiện nghiện hút ma tuý. Giáo dục thông qua sách báo, phim ảnh; băng hình, giải thích… với con em mình và trẻ xung quanh. Quản lý chặt chẽ các quá trình học tập chính khoá, học thêm, vui chơi ngoài giờ, quan hệ với bạn bè, sử dụng tiền…

Cùng với đó, mỗi gia đình phải tích cực đấu tranh với các hành vi trái phép về ma tuý của thân nhân và người khác. Phải phát hiện kịp thời và báo tin những vấn đề có liên quan đến ma tuý cho cơ quan phòng, chống ma tuý. Mỗi người đều phải nâng cao ý thức tự giác và tích cực tham gia phong trào quần chúng, ngăn chặn hiểm hoạ ma tuý là trực tiếp bảo vệ gia đình mình. Gia đình là nơi phát hiện sớm những biểu hiện tiêu cực, những vi phạm, trong đó có tệ nạn và tội phạm về ma tuý.

Để phát huy vai trò của gia đình trong phòng, chống ma túy cho giới trẻ, cần phải quan tâm đầu tư hơn nữa cho gia đình thông qua việc tổ chức trang bị kiến thức giáo dục, nhất là những kiến thức cần thiết về phòng, chống ma túy, truyền thông giáo dục sức khỏe cho các bậc cha mẹ, chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa ở cơ sở, đặc biệt là xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, các thành viên tôn trọng, quan tâm lẫn nhau. Có như vậy, gia đình mới thực sự trở thành ngôi nhà thân yêu, tạo nên sức mạnh đoàn kết, trở thành bức tường ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhập của ma túy, góp phần xây dựng lớp lớp gia đình Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, văn minh, hiện đại, không có ma túy và tệ nạn xã hội.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top