Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 8 năm 2023 | 13:58

Xây dựng nông nghiệp an toàn bảo vệ sức khỏe toàn dân

Để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, một trong những vấn đề mấu chốt đó là nguồn thực phẩm, rau xanh phải được an toàn ngay từ khi sản xuất. Xây dựng nông nghiệp an toàn đang là hướng đi đang được thành phố Hà Nội hướng tới để bảo vệ sức khỏe của người dân từ trong những bữa ăn hàng ngày.

Mất an toàn thực phẩm nguồn gốc gây nên bệnh tật

Con người cần bổ sung dinh dưỡng để duy trì sự sống và phát triển, do đó thực phẩm là nguồn bổ xung và cung cấp chất dinh dưỡng chủ yếu, quan trọng nhất cho cuộc sống của con người chúng ta.

Thực phẩm giúp cung cấp dinh dưỡng hàng ngày cho cơ thể, giúp cơ thể khoẻ mạnh, chống lại các nguy cơ của bệnh tật đang có mặt ở khắp nơi trong môi trường; giúp người ta hoạt động và làm việc. Như vậy, nếu nguồn thực phẩm không hợp vệ sinh, sức khoẻ con người sẽ bị đe doạ.

Nông sản sạch an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Những năm gần đây khi đất nước phát triển, các loại thực phẩm sản xuất, chế biến trong nước và nước ngoài nhập vào ViệtNam ngày càng nhiều chủng loại. Việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất trở nên phổ biến. Các loại phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong pha chế nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn như thịt quay, giò chả, ô mai… Nhiều loại thịt bán trên thị trường không qua kiểm duyệt thú y. Tình hình sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không đảm bảo chất lượng và không theo đúng thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý. Nhãn hàng và quảng cáo không đúng sự thật vẫn xảy ra.

Ngoài ra, việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật bao gồm thuốc trừ sâu, diệt cỏ, hóa chất kích thích tăng trưởng và thuốc bảo quản không theo đúng quy định gây ô nhiễm nguồn nước cũng như tồn dư các hóa chất này trong thực phẩm.

Việc bảo quản lương thực thực phẩm không đúng quy cách tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển đã dẩn đến các vụ ngộ độc thực phẩm.

Các bệnh do thực phẩm gây nên không chỉ là các bệnh cấp tính do ngộ độc thức ăn mà còn là các bệnh mạn tính do nhiễm và tích lũy các chất độc hại từ môi trường bên ngoài vào thực phẩm, gây rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, trong đó có bệnh tim mạch và ung thư.

Do vậy, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng các bệnh gây ra từ thực phẩm có ý nghĩa thực tế rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội, bảo vệ môi trường sống của các nước đã và đang phát triển, cũng như nước ta. Mục tiêu đầu tiên của vệ sinh an toàn thực phẩm là đảm bảo cho người ăn tránh bị ngộ độc do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm hoặc có chất độc; thực phẩm phải đảm bảo lành và sạch. Vì thế nhu cầu được sử dụng những thực phẩm sạch là rất cần thiết và quan trọng trong từng bữa ăn của mỗi gia đình và mỗi người dân.

Hà Nội có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn

Trên địa bàn TP. Hà Nội có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp nói không với thuốc bảo vệ thực vật. Việc này không chỉ thay đổi phương thức canh tác, bảo vệ môi trường mà còn hướng đến một nền nông nghiệp an toàn với nhiều sản phẩm chất lượng cao để cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô.

Mô hình trồng rau thủy canh của anh Hoàng Quốc Chiến (xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Lâm Nguyễn.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt chia sẻ, Hợp tác xã có hơn 40ha sản xuất lúa hữu cơ, toàn bộ quá trình gieo trồng, chăm sóc đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, giá gạo của hợp tác xã luôn cao hơn gấp 2,5 - 3 lần so với các loại gạo sản xuất thông thường khác, cho doanh thu hơn 160 triệu đồng/ha. Để minh bạch hóa quá trình sản xuất, các camera được lắp đặt ngay trên cánh đồng, người quản lý có thể giám sát các hoạt động một cách dễ dàng.

Từ năm 2017 đến nay, anh Hoàng Quốc Chiến (xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn) và một số hộ nông dân đã liên kết trồng rau thủy canh với diện tích 2.000m2. Cây rau được trồng thủy canh trong hệ thống nhà màng, tự động cảm biến nhiệt độ, hệ thống quạt đối lưu không khí, công nghệ tưới nước nhỏ giọt, cấp dinh dưỡng và thu hồi dinh dưỡng tuần hoàn cho cây trồng. Toàn bộ quá trình sản xuất đều không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nên rau rất an toàn. Hiện nông trang công nghệ cao cho sản lượng khoảng 3 tấn rau thủy canh/tháng, giá bán trung bình 35.000 đồng/kg. Nhờ chú trọng liên kết tiêu thụ sản phẩm nên đầu ra ổn định. Doanh thu mỗi năm từ sản phẩm rau của nông trang xấp xỉ 1 tỷ đồng.

Bà Đặng Thị Cuối, sinh năm 1971, được biết đến là một người phụ nữ dám nghĩ dám làm, thực hiện thành công dự án trồng rau hữu cơ công nghệ cao tại khu bãi Tổng Màu, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng.

Trải qua nhiều gian nan vất vả, kiên trì theo đuổi mô hình trồng rau hữu cơ, đến nay, sau nhiều năm đi vào hoạt động, trang trại của gia đình bà đã phát triển với tổng diện tích 46.292m2, sản xuất rau trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, an toàn và áp dụng công nghệ sản xuất hữu cơ.

Hiện tại, hầu hết sản phẩm của Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý được các đơn vị đặt hàng ngay từ vườn với giá thành ổn định. Mỗi ngày Hợp tác xã Cuối Quý cung cấp khoảng 2 - 4 tấn rau xanh các loại cho 16 trường mẫu giáo trong huyện và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, Đất Việt… thu về từ 50 đến 100 triệu đồng. Trung bình sản lượng hàng năm đạt từ 50 - 80 tấn rau quả các loại, cho doanh thu đạt từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận, thu nhập bình quân hàng năm đạt 50 triệu đồng/người/năm.

Xây dựng nền nông nghiệp sạch để tạo ra các sản phẩm an toàn

Nhằm khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc thay thế sản phẩm có thành phần hóa học, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú Trịnh Thị Nguyệt cho rằng, các sở, ngành cần tham mưu cho TP có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, hợp tác xã, chủ thể sản xuất, kinh doanh nông nghiệp an toàn về vốn, lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho hay, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nhận thấy sự cần thiết của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc. Mặt khác, các hội, đoàn thể ở các địa phương tăng cường hướng dẫn nông dân thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng, hạn chế gây ô nhiễm môi trường...

Bên cạnh đó, đối với từng loại cây trồng, ngành nông nghiệp có những khuyến cáo cụ thể để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, không lạm dụng phân hóa học. Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Phương, về lâu dài, các DN cần cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất, gia công thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Việc này nhằm tạo ra các sản phẩm thuốc sinh học bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu lực phòng trừ, kéo dài thời gian bảo quản, dễ dàng sử dụng và phù hợp điều kiện sản xuất nông nghiệp, giá thành hợp lý. Qua đó, khuyến khích nông dân sử dụng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp VietGAP, hữu cơ.

Mô hình trồng rau an toàn là một trong những hướng đi triển vọng, tạo ra vùng nông sản hàng hóa an toàn, gắn kết theo chuỗi giá trị giúp nâng cao hiệu quả, thu nhập cho người sản xuất. Thông qua thực hiện mô hình, không chỉ giúp các hộ dân nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần nâng cao nhận thức cho các hộ dân về việc sản xuất rau an toàn đạt chuẩn, tạo ra các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top