Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 8 năm 2023 | 14:20

Xử lý chất thải trong chăn nuôi để bảo vệ môi trường

Việc xử lý chất thải đối với những trang trại, hộ chăn nuôi đang là thách thức không nhỏ đối với môi trường xung quanh. Sử dụng công nghệ sinh học và men vi sinh là biện pháp hiện nay đang được áp dụng mang lại hiệu quả.

Nan giải xử lý chất thải trong chăn nuôi

Là một đất nước có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, dân số sinh sống ở nông thôn chiếm khá cao lên đến 70%. Vì thế sản xuất nông nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng, trong những năm qua ngoài việc trồng trọt phát triển mạnh mẽ, chăn nuôi cũng là một ngành phát triển không ngừng.

Do chưa có đất dành riêng cho chăn nuôi riêng biệt, chính vì thế các trang trại, hộ gia đình chăn nuôi đều xây dựng các chuồng trại chăn nuôi ngay trong khu vực dân cư hoặc gần khu dân cư nơi sinh sống của nhân dân. Vì thế ô nhiễm môi trường là điều không thể tránh khỏi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bà con nông dân.

Nước thải từ bể chứa chảy tràn ra ao hồ xung quanh làm ô nhiễm nặng môi trường của hai trang trại chăn nuôi trên xã Xuân Mỹ

Năm 2022 nhân dân tại thôn Hồng Mỹ, xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã phản ánh đến các cơ quan chức năng về hai trang trại chăn nuôi lợn tại khu chăn nuôi tập trung của huyện ở chân núi Mồng Gà không đảm bảo quy trình xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường.

Chất thải của hai trang trại trên chảy ra môi trường chuyển thành một màu đen kịt, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Mặc dù trang trại thứ nhất khu chứa chất thải chăn nuôi lợn nái có 1 bể biogas và 2 bể lắng, nhưng hồ xử lý thứ 3 đã bị vỡ hai đầu, chất thải đặc quánh từ bể chảy trực tiếp ra môi trường.

Còn trang trại thứ hai có 3 hồ lọc và 1 bể biogas, nhưng do bể biogas một phần đã bị xẹp khiến chất thải chưa qua xử lý tràn chảy ra các bờ bao. Ngay tại đường ống nước thải từ chuồng trại chảy ra tạo thành một lớp đen, đọng lại tại các bụi cây, bãi cỏ, mùi phân lợn bốc lên nồng nặc, ô nhiễm cả khu vực.

Hệ thống bể biogas bị xẹp, hoạt động kém hiệu quả.

Nhiều hộ gia đình sinh sống gần hai trang trại này cho biết, mỗi khi có gió, mùi hôi từ chất thải lợn bay thẳng vào nhà rất khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của bà con nông dân ở đây.

Lãnh đạo địa phương cũng cho biết, trên địa bàn thôn Hồng Mỹ có 5 trang trại, trong đó 4 trại hoạt động. Địa phương thường xuyên vào kiểm tra, mới đây có phát hiện một trang trại bị rò rỉ chất thải ra ngoài phần đất của dân.

Khác với hai trang trại chăn nuôi trên để chất thải tràn ra môi trường, ông Võ Văn Mận (thôn Bình Minh, xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) đã có thâm niên gần 10 năm chăn nuôi lợn cho hay: “Đàn lợn của gia đình thường xuyên duy trì ở mức từ 30 - 40 con/lứa. Tôi đã xây dựng hầm biogas, nhưng do không thể xử lý hoàn toàn chất thải nên chuồng nuôi vẫn bốc mùi hôi thối".

Hay như người dân xã Tùng Lộc (Can Lộc) nhiều năm trở lại đây, chăn nuôi bò theo hình thức nuôi nhốt, nhất là giống bò 3B (bò Belgan Blue Breed) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tổng đàn bò liên tục tăng (đạt trên 1.000 con) thì người chăn nuôi ở đây phải đối mặt với áp lực về chất thải chăn nuôi thải ra môi trường.

Ông Trần Văn Nhị (thôn Nam Tân Dân, xã Tùng Lộc, Can Lộc) chia sẻ: “Vì nuôi nhốt trong nhà nên phải thường xuyên quét dọn chuồng và đưa chất thải của bò tập trung một khu vực. Tuy nhiên, phân bò thường nặng mùi, không thể đảm bảo vệ sinh được, ảnh hưởng đến sinh hoạt của cả gia đình và bà con lối xóm”.

Toàn tỉnh Hà Tĩnh có tổng đàn lợn đạt 400.000 con, đàn bò hơn 169.000 con, đàn trâu trên 69.000 con, đàn gia cầm trên 10 triệu con. Tuy nhiên, chỉ mới có 60% tổng đàn lợn được nuôi theo quy mô trang trại, có đầu tư bài bản về hạ tầng xử lý chất thải; chăn nuôi trâu, bò, gia cầm chủ yếu vẫn đang quy mô nhỏ lẻ, nông hộ. Vì thế việc xử lý nạn ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi đang là một vấn đề rất nan giải.

Hậu quả ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi

Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây nên  chủ yếu từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, bụi, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết chôn lấp, tiêu hủy không đúng kỹ thuật. Một kết quả kiểm tra mức độ nhiễm khuẩn trong chuồng nuôi gia súc cho thấy, tổng số vi khuẩn trong không khí ở chuồng nuôi cao gấp 30-40 lần so với không khí bên ngoài.

Đối với các cơ sở chăn nuôi, các chất thải gây ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, năng suất bị giảm, tăng các chi phí phòng trị bệnh, hiệu quả kinh tế của chăn nuôi không cao,... Sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm sút sẽ là nguy cơ gây nên bùng phát dịch bệnh. Vì vậy, WHO [2005] khuyến cáo phải có các giải pháp tăng cường việc làm trong sạch môi trường chăn nuôi, kiểm soát, xử lý chất thải, giữ vững được an toàn sinh học, tăng cường sức khỏe các đàn giống. Các chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường do vi sinh vật (các mầm bệnh truyền nhiễm) là đặc biệt nguy hiểm, vì nó sẽ làm phát sinh các loại dịch bệnh như ỉa chảy, lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm H5N1, . . ..

Theo tính toán thì lượng chất thải rắn mà các vật nuôi có thể thải ra (kg/con/ngày) là: Bò 10, trâu 15, lợn 2, gia cầm 0.2, do vậy hàng năm, đàn vật nuôi Việt Nam thải vào môi trường khoảng 73 triệu tấn chất thải rắn (phân khô, thức ăn thừa) và 25-30 triệu khối chất thải lỏng (phân lỏng, nước tiểu và nước rửa chuồng trại). Trong đó, khoảng 50% lượng chất thải rắn (36,5 triệu tấn), 80% chất thải lỏng (20-24 triệu m3) xả thẳng ra môi trường, hoặc sử dụng không qua xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ước tính một tấn phân chuồng tươi với cách quản lý, sử dụng như hiện nay sẽ phát thải vào không khí khoảng 0,24 tấn CO2 quy đổi thì với tổng khối chất thải nêu trên sẽ phát thải vào không khí 17,52 triệu tấn CO2. Các nhà nghiên cứu đã ước tính được rằng chăn nuôi gây ra 18% khí gây hiệu ứng nhà kính làm cho nhiệt độ trái đất tăng lên (biến đổi khí hậu toàn cầu), lớn hơn cả phần do giao thông vận tải gây ra.

Các yếu tố gây ra ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi có nhiều, nhưng chủ yếu là hai yếu tố, đó là NH3 và các kim loại nặng.

Kim loại nặng gây ra ô nhiễm môi trường có thể do nhiều nguồn như: Chất thải công nghiệp, chất thải chăn nuôi, phân bón, các chất hóa nông,,

Kim loại nặng có xu hướng tích lũy trong đất, đặc biệt ở lớp đất gần bề mặt và gây độc hại về lâu dài. Tính độc của kim loại nặng sẽ gây nên sự sụt giảm số lượng và sự đa dạng của vi sinh vật đất, ảnh hưởng lên vi sinh vật có lợi cho đất (vi sinh vật cải thiện sự hô hấp của đất, phân hủy chất hữu cơ, cố định nitơ, . . .). Kim loại nặng gián tiếp làm giảm sự phân hủy thuốc trừ sâu và những chất hữu cơ khác do việc tiêu diệt các loại vi khuẩn và nấm mà trong điều kiện bình thường các vi sinh vật này sẽ phân giải các chất nguy hại đó (Burton and Turner, 2003).

Ammoniac (NH3) có trong khí, trước hết là từ sự phân hủy và bốc hơi của các chất thải vật nuôi. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, sử dụng phân bón) đã được xác định là các nguồn lớn thải khí NH3 ra môi trường. Số lượng của đàn vật nuôi đã và đang tăng đáng kể, cũng tương tự là sự phát thải của NH3 từ phân bón nitơ (Sutton et al. 1993). Sự gia tăng mạnh nhất gây ra bởi nhóm vật nuôi lợn và gia cầm. Trong các hoạt động chăn nuôi, sự thải NH3 vào môi trường trước hết là từ chuồng trại, nuôi vỗ béo mở (hở), chế biến và giữ trữ phân, sử dụng phân bón trên đất.

NH3 thoát ra sẽ gây ảnh hưởng xấu (-) lên môi trường, như làm axit hóa đất và gây phì nhiêu hóa nước mặt giúp thực vật (tảo độc hại) phát triển sẽ tiêu diệt động vật nước do làm giảm lượng oxy. Điều đáng quan tâm đặc biệt là NH3 trong không khí chuồng nuôi do nó thường xuyên được tích tụ trong chuồng kém thông thoáng. Tăng mức NH3 sẽ ảnh hưởng xấu (-) đối với sức khỏe và năng suất vật nuôi. Đồng thời NH3 có thể ảnh hưởng xấu (-) lên sức khỏe con người, dù chỉ ở mức thấp cũng có thể gây sưng phổi, sưng mắt. Nồng độ cao NH3 trong không khí ảnh hưởng đáng kể tới hô hấp và tim mạch của con người.

Công nghệ đệm lót sinh học và men vi sinh giúp cải thiện môi trường chăn nuôi

Ngoài việc xây dựng hệ thống hầm biogas để xử lý chất thải làm nguồn năng lượng sạch phục vụ cho đun nấu, thắp sáng; Ủ phân bằng phương pháp sinh học cùng với việc che phủ kín; Xử lý nước thải bằng cây thủy sinh, còn có công nghệ đệm lót sinh học và men vi sinh giúp cải thiện môi trường chăn nuôi.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thoa (thôn Hồng Thịnh, xã Thịnh Lộc, Lộc Hà) sử dụng công nghệ đệm lót trong chăn nuôi lợn.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thoa (thôn Hồng Thịnh, xã Thịnh Lộc, Lộc Hà) là hộ tham gia mô hình sử dụng công nghệ đệm lót trong chăn nuôi lợn của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm. Chị Thoa cho biết: “Khu vực chuồng nuôi thiết kế 2/3 diện tích để làm đệm lót sinh học. Lớp đệm lót này có chứa vi sinh vật có khả năng lên men, phân giải chất thải của lợn nên hạn chế mùi hôi, khí độc, thân thiện với môi trường".

Tại huyện Vũ Quang, sau khi tổ chức đoàn tham quan, học hỏi mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer: trang trại - thành phẩm - thức ăn chăn nuôi - phân bón hữu cơ) của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm tại tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương đã phối hợp với doanh nghiệp này thí điểm 2 mô hình nuôi lợn trên địa bàn.

Sử dụng công nghệ đệm lót, khu vực nuôi  không có mùi hôi như trước.

Theo đó, các hộ dân đã được hướng dẫn, đầu tư xây dựng lại hệ thống chuồng trại; sử dụng vỏ trấu nghiền làm đệm lót sinh học cùng với chế phẩm vi sinh khử mùi hôi; bố trí vòi uống nước và máng thoát nước thừa một cách khoa học để đệm lót sinh học chỉ dùng cho việc xử lý phân và nước tiểu của lợn (do tập tính của lợn là khi uống nước sẽ bài tiết luôn)...

Đại diện Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm chi nhánh Hà Tĩnh thông tin: “Từ năm 2021 đến nay, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đã phối hợp với các địa phương tại Hà Tĩnh triển khai 13 mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ ứng dụng công nghệ đệm lót. Qua triển khai, mô hình bước đầu giúp người dân thay đổi nhận thức về chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học, thân thiện với môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng”.

Ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi nói riêng đang là một vấn đề nan giải vẫn chưa có những biện pháp khắc phục triệt để. Vì thế rất cần các nhà khoa học, các doanh nghiệp sản xuất men vi sinh nghiên cứu và đàu tư để tìm ra những biện pháp mới để ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi không còn là nỗi lo cho nhân dân sinh sống xung quanh.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top