Mặc dù có hệ thống pháp luật để kiểm soát và quy định về quy chuẩn bảo đảm phòng cháy, chữa cháy, tuy nhiên, các sự cố về cháy nổ ở quán karaoke, vũ trường, nhà cao tầng… vẫn xảy ra, thậm chí, nhiều vụ cháy nổ gây hậu quả thiệt hại lớn về tài sản và người, cảnh tang thương vẫn hiện hữu. Vậy đâu là nguyên nhân?
Thời gian qua, tình trạng cháy, nổ đang có chiều hướng diễn biến ngày một phức tạp, khó lường, nhất là các vụ cháy tại khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh… Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, như vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương ngày 06/9/2022 làm 33 người thiệt mạng; vụ cháy kho xưởng ngày 10/9/2022 khiến 3 mẹ con tử vong ở Thanh Oai (Hà Nội); vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) ngày 01/8/2022 khiến 3 chiến sĩ cảnh sát PCCC hy sinh...
Trước hàng loạt vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nặng về nhân mạng, tài sản, dư luận đặt ra hàng loạt vấn đề: Quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC) có đủ chặt chẽ, phù hợp với tình hình hiện nay? Vì sao vẫn tồn tại nhiều cơ sở kinh doanh, nhà cao tầng… đang có vấn đề về PCCC mà vẫn được đưa vào sử dụng?
Khó kiểm soát cơ sở karaoke được hoán cải từ nhà ở
Điểm lại những vụ cháy trong khoảng 5 năm gần đây, dễ dàng nhận thấy, các địa điểm, cơ sở kinh doanh như karaoke, bar... lại là nơi hiểm họa xảy ra cháy nổ.
Trong 5 năm qua, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy (gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng), làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước tính trên 7 nghìn tỷ đồng và trên 7.500ha rừng. Xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, 190 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính nhiều tỷ đồng.
Nêu ra lý do tại sao vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke chưa nghiệm thu PCCC vẫn được đưa vào sử dụng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết: “Khi xin cấp phép xây dựng, họ xin cấp phép nhà ở riêng lẻ chứ không xin cấp phép kinh doanh karaoke. Nhưng sau đó họ lại cải tạo, sửa sang xây dựng để kinh doanh karaoke không xin phép”.
Quán karaoke An Phú sau vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, chủ sở hữu, người vận hành không có các kỹ năng hướng dẫn PCCC, nhân viên không có kỹ năng về chống cháy nổ, thoát hiểm… nên khi xảy ra sự cố rất khó xử lý.
Cùng quan điểm với ông Hùng, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội), chỉ rõ: “Các quán karaoke ở Hà Nội hay bất cứ một địa bàn nào đều được hoán cải từ các ngôi nhà thiết kế để ở, khi chủ nhân chưa sử dụng thì cho thuê kinh doanh karaoke, hoặc quán karaoke thuê mặt bằng rồi dựng nhà khung thép để kinh doanh. Từ sự thiếu thiết kế đúng quy chuẩn ban đầu dẫn đến quá trình cải tạo chắp vá, khiến xuất hiện nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ”.
Còn đối với nhà cao tầng, một số chuyên gia cho rằng, hiện nay, một số lượng lớn dự án nhà cao tầng được xây dựng từ khi quy định về PCCC còn đơn giản, sơ sài nên công tác PCCC chưa đảm bảo và tiềm ẩn về nguy cơ cháy nổ.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Tổng Giám đốc MHDI, cho biết, các toà chung cư khu đô thị Cầu Diễn được xây dựng từ năm 2004 và đưa vào sử dụng năm 2006.
Trước khi đưa vào sử dụng năm 2006, cơ quan cảnh sát PCCC đã nghiệm thu theo quy định và chứng nhận các toà nhà đủ điều kiện PCCC. Quá trình quản lý vận hành, Tổng công ty thường xuyên cử kỹ thuật bảo dưỡng các trang thiết bị PCCC.
Tuy nhiên, hệ thống PCCC của các toà nhà theo thiết kế của Luật PCCC năm 2001, trong khi đó, hiện nay các toà nhà mới xây đều theo Luật PCCC năm 2013 có nhiều điểm khác, nên các toà nhà xây dựng từ những năm 2004-2006 không theo được tiêu chuẩn mới này.
Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư chú trọng đến yếu tố lợi nhuận, đưa người dân vào ở dù chưa nghiệm thu PCCC nhằm mục đích thu hồi vốn.
Cụ thể, tại chung cư Viễn Đông Star (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), 3 năm nay, cư dân phải sống trong nỗi bất an, bởi các tồn tại của chủ đầu tư chưa được giải quyết dứt điểm. Hơn 100 hộ dân tại đây luôn nươm nớp lo sợ. Lo cháy, lo thiếu điện...
Được biết, dự án này đã từng bị xử lý 5 lần với số tiền hơn 300 triệu đồng do liên quan đến vi phạm PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) .
Cần chế tài đủ mạnh
Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót và nâng cao hiệu quả, duy trì thường xuyên công tác PCCC, CNCH tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; quyết tâm kiềm chế, làm giảm số vụ cháy và thiệt hại về người, tài sản, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương tổng kiểm tra toàn quốc về công tác PCCC, nhất là những địa bàn, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ cháy.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu, xử phạt nghiêm minh và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở đưa vào hoạt động không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH. Việc giám sát, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện một cách nghiêm ngặt, nghiêm minh, chặt chẽ, không lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong giám sát, kiểm tra, hướng dẫn.
Từ những thực tế đang diễn ra, có thể thấy, hiện nay, chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực PCCC chưa đủ mạnh, chưa bảo đảm tính răn đe, dẫn đến tình trạng chây ỳ, kéo dài không khắc phục vi phạm. Việc xử phạt vi phạm nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa nghiêm, thậm chí buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý.
Cụ thể, nhiều chủ đầu tư cố tình cho người dân vào ở trước khi cảnh sát phòng cháy chữa cháy kiểm tra. Nhiều chủ đầu tư đã bị xử phạt vì cho cư dân vào ở, trong khi thiết bị phòng cháy chữa cháy chưa đầy đủ, không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, số tiền phạt hiện nay còn thấp, không đủ răn đe.
Theo đánh giá của Đại tá Nguyễn Trường Sơn, chế tài mạnh nhất và hiệu quả nhất không chỉ là biện pháp đình chỉ từ cơ quan chức năng mà còn cần phải có sự giám sát của chủ cơ sở và ý thức của chính khách hàng. Nếu ý thức chấp hành kém, chủ nhân chỉ vì lợi nhuận thì dù có bị xử lý nhưng họ vẫn sẽ lén lút hoạt động.
Do vậy, thời gian tới, các cấp thẩm quyền, cơ quan quản lý cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, siết chặt hơn nữa công tác kiểm tra, quản lý đối với những cơ sở, kinh doanh, nhà cao tầng… Phải kiên quyết áp dụng các biện pháp chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với người đứng đầu, chủ cơ sở, chủ đầu tư, tránh tình trạng “ném đá ao bèo”.
Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng để nhân dân tự giác chấp hành pháp luật về PCCC và CNCH; xây dựng phong trào toàn dân PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Ngoài ra, với nhóm nhà cao tầng vi phạm quy định chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng sau thời điểm năm 2001, lực lượng chức năng cần phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức mời các chủ đầu tư có công trình vi phạm, lãnh đạo chính quyền địa phương để họp, bàn thống nhất các biện pháp, giải pháp, cam kết tiến độ, lộ trình, thời gian thực hiện đối với từng công trình, từng lỗi vi phạm cần khắc phục.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.