Những ngày này, trên khắp các cánh đồng của tỉnh Yên Bái, bà con đang khẩn trương gieo trồng diện tích rau màu và chăm sóc cây trồng vụ đông.
Ngoài ra, theo dự báo, mùa đông năm nay sẽ xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại, nhất là tại các địa phương vùng cao. Để chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, địa phương đã chỉ đạo các xã tập trung tuyên truyền về phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc nhằm giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất cho người chăn nuôi.
Yên Bình tích cực chăm sóc cây trồng vụ đông
Nông dân xã Yên Bình, huyện Yên Bình chăm sóc ngô đông trên đất 2 vụ lúa.
Năm 2023, xã Yên Bình gieo trồng 80 ha cây vụ đông. Trong đó: diện tích cây ngô đông là 22 ha, gồm ngô trên đất 2 vụ lúa là 15 ha và 7 ha ngô trên đất soi bãi, ngô đồi; 22 ha khoai lang; 36 ha rau màu các loại. Thời điểm này, diện tích ngô soi bãi, nương đồi thấp, trồng trên chân ruộng 2 vụ và diện tích rau màu đã hoàn thành kế hoạch.
Đang chăm sóc ngô đông trên chân ruộng 2 vụ lúa, chị Lục Thị Nguyệt, thôn Linh Môn 1, xã Yên Bình cho biết: "Nhà tôi có gần 5 sào ruộng. Sau khi thu hoạch xong lúa mùa, tôi tập trung nhân lực làm đất để trồng ngô và rau màu để có thêm thu nhập. Hiện tại, ngô đã trồng xong được hơn 2 tuần và do gieo trồng đúng khung thời vụ nên ngô sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, thời tiết vừa qua ít mưa nên tôi phải vun gốc bón lót thêm phân đạm để cây ngô phát triển tốt hơn”.
Ông Phan Đức Hiếu - Chủ tịch UBND xã cho biết: căn cứ trên kế hoạch của UBND huyện giao về sản xuất cây vụ đông, ngay khi thu hoạch vụ lúa mùa, UBND xã kiện toàn Ban Chỉ đạo sản xuất cây vụ đông, giao nhiệm vụ cho các thành viên đôn đốc, chỉ đạo cán bộ khuyến nông hướng dẫn cho bà con các biện pháp gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật, lưu ý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng loại. Trong đó, đặc biệt chú trọng tình trạng hạn hán và rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng để cây vụ đông sinh trưởng phát triển tốt, đạt năng suất, sản lượng cũng như giá trị kinh tế.
Năm 2023, huyện Yên Bình gieo trồng 1.585 ha cây vụ đông; trong đó, 700 ha ngô đông, gồm 400 ha trồng trên đất hai vụ lúa, 300 ha trồng trên đất soi bãi; dự ước năng suất bình quân đạt 32,5tạ/ha; sản lượng dự ước đạt 2.275 tấn; trồng 315 ha khoai lang, năng suất dự ước đạt 58,1 tạ/ha; sản lượng dự ước đạt 1.830 tấn; trồng 570 ha rau các loại, năng suất dự ước đạt 119,7 tạ/ha; sản lượng dự ước 6.829 tấn.
Thời điểm này, diện tích ngô đông trên đất ruộng 2 vụ lúa và những diện tích đất soi bãi, đồi thấp đã được nhân dân các xã gieo trồng xong đúng khung thời vụ; nông dân đang tập trung trồng các loại rau màu rải vụ.
Để cây vụ đông sinh trưởng, phát triển tốt, bảo đảm năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế cao, UBND huyện Yên Bình đã chỉ các xã tổ chức huy động người dân tham gia nạo vét kênh mương nội đồng bảo đảm nước tưới, chủ động các biện pháp chống ngập úng, rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng.
UBND huyện cũng yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ và phát triển nông nghiệp huyện, các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhân dân gieo trồng và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, khung thời vụ; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm sớm phát hiện và phòng trừ có hiệu quả các loại sâu bệnh hại cây trồng; đặc biệt, khuyến khích các hợp tác xã liên kết với nông dân tạo thành chuỗi liên kết sản xuất rau sạch, bảo đảm đầu ra cho nông dân.
Ông Lã Tuấn Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: từ trung tuần tháng 9/2023, UBND huyện đã tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất vụ hè thu, triển khai kế hoạch, giao chỉ tiêu sản xuất cây màu vụ đông năm 2023; chỉ đạo các địa phương kiện toàn ban chỉ đạo và tổ chức họp triển khai kế hoạch trồng ngô đông và cây màu vụ đông năm 2023; phân công nhiệm vụ các thành viên trong ban chỉ đạo, giao kế hoạch cho các thôn, tổ; đồng thời, UBND huyện tổ chức lễ phát động trồng ngô và cây màu vụ đông; đôn đốc nông dân thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa mùa sớm để giải phóng đất trồng ngô đông và rau màu các loại bảo đảm diện tích, năng suất, sản lượng.
Cùng đó, UBND huyện yêu cầu ngành nông nghiệp bám sát địa bàn, phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chăm sóc, bảo vệ cây trồng trước tác động của rét đậm, rét hại. Các địa phương cần tăng cường chỉ đạo nông dân bón phân, làm cỏ đảm bảo nguồn nước cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt là diện tích ngô tẻ phục vụ chăn nuôi. Đối với diện tích rau màu, bố trí thành nhiều đợt để rải vụ nâng cao hiệu quả trong sản xuất; chú trọng phát triển, nhân rộng các diện tích trồng rau an toàn để tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị canh tác.
Nông dân Nghĩa Lộ tích cực chăm sóc cây trồng vụ đông
Thị xã Nghĩa Lộ đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND 14 xã, phường tích cực hướng dẫn người dân tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại; chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng phương pháp an toàn sinh học trong việc bón phân, phòng bệnh cho cây rau màu, đặc biệt là cây ngô và cà chua vụ đông để đảm bảo cho năng suất cao nhất.
Những ngày qua, trên khắp cánh đồng Mường Lò, bà con nông dân đang tích cực xuống đồng chăm sóc cây trồng vụ đông với không khí lao động sản xuất hăng say, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Tranh thủ thời tiết thuận lợi Chị Hà Thị Khuyên ở thôn Bản Viềng, xã Sơn A cùng các thành viên trong gia đình tích cực ra đồng bón phân, làm cỏ và điều tiết nước trên diện tích 500m vuông ruộng của gia đình mình để cho cây ngô sinh trưởng và phát triển.
Nông dân Nghĩa Lộ tích cực trồng chăm sóc cây ngô vụ đông.
Chị Khuyên chia sẻ: "Năm nay gia đình chị trồng toàn bộ diện tích bằng giống ngô nếp cho năng suất, chất lượng cao. Vì vậy ngay sau khi thu hoạch lúa vụ mùa, gia đình chị đã tích cực giải phóng đất, làm luống để xuống bầu ngô đúng theo khung lịch, đến nay ngô của gia đình chị đang sinh trưởng và phát triển tốt”.
Còn đối với gia đình bà Đinh Thị Chóng ở thôn Khá Thượng, xã Thanh Lương có 2.700 m vuông đất ruộng, vụ đông năm nào gia đình bà cũng trồng hết diện tích bằng giống ngô tẻ, ngô nếp. Bà Chóng cho hay: "Cây ngô vụ đông với gia đình tôi rất quan trọng bởi nó không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm cho gia đình mà còn là nguồn thức ăn chăn nuôi trâu và đàn gà trong mùa đông giá lạnh".
Vụ đông năm 2023, xã Thanh Lương có kế hoạch gieo trồng 24 ha, trong đó cây ngô 13 ha, cây rau màu các loại 11ha. Để đảm bảo đúng kế hoạch và tiến độ đã đề ra, ngay từ đầu tháng 9/2023, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ xã làm tốt công tác tuyên truyền định hướng sản xuất, đảm bảo cơ cấu giống và khung lịch thời vụ cho người dân, đến thời điểm này nông dân thị xã Thanh Lương đã làm đất và gieo trồng xong 25 ha cây trồng, vượt kế hoạch 1 ha.
Ông Đinh Công Giáp - Phó chủ tịch UBND xã Thanh Lương cho biết: "Phong trào trồng vụ đông trong nhiều năm qua đã được bà con nhân dân trên địa bàn xã thực hiện hiệu quả. Hàng năm sau khi thu hoạch xong lúa mùa, thì xã đã chỉ đạo các thôn bản đẩy mạnh tuyên truyền bà con nhân dân sử dụng các giống Ngô lai. Các loại rau màu cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất”.
Vụ đông năm 2023, thị xã Nghĩa Lộ đặt mục tiêu trồng trên 1.298 ha. Trong đó, ngô trồng trên đất 2 vụ lúa 1.100 ha; rau màu các loại 168 ha; cây khoai lang 30 ha. Năng suất phấn đấu đạt 33,2 tạ/ha, sản lượng đạt 3.657 tấn. Đến thời điểm này, bà con nông dân trên địa bàn thị xã đã hoàn thành vượt kế hoạch trồng cây vụ đông. Trong đó cây ngô vượt 49 ha, bằng 104,8% kế hoạch, rau màu các loại và khoai lang là 211,4 ha, bằng 107% kế hoạch.
Thời gian tới, UBND thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với 14 xã, phường tăng cường đôn đốc, hướng dẫn bà con nông dân tích cực ra đồng chăm sóc cây vụ đông. Đối với các loại rau màu mới trồng và trong giai đoạn phát triển thân, lá việc cung cấp đủ nước cho cây là rất cần thiết vì vậy cần điều tiết nước hợp lý để cây sinh trưởng, phát triển tốt, trong đó chú trọng các biện pháp xới xáo, làm cỏ.
Bón phân tùy vào thời kỳ sinh trưởng của từng loại rau màu cần bón phân cân đối, hợp lý, áp dụng theo quy trình sản xuất rau an toàn. Tuyệt đối không sử dụng phân chuồng chưa được ủ hoai mục để bón, tưới cho cây rau màu. Sử dụng phân hóa học phải đảm bảo đúng chủng loại, số lượng theo quy trình kỹ thuật và đảm bảo thời gian cách ly trước thu hoạch. Bên cạnh đó là triển khai đồng bộ các biện pháp phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại, đảm bảo cây vụ đông sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Đơn vị đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền và vận động nhân dân làm đất để sản xuất các cây trồng vụ đông đúng thời vụ, đảm bảo cơ cấu giống, kỹ thuật theo kế hoạch và khuyến cáo của thị xã.
Qua kiểm tra của cán bộ kỹ thuật Trung tâm đã phát hiện trên một vài diện tích cây trồng vụ đông xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại ở mức độ nhẹ và mới phát sinh không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây vụ đông.
"Tuy nhiên, vấn đề này không thể chủ quan, bởi dự báo trong thời gian tới giai đoạn chuyển mùa thời tiết còn diễn biến phức tạp do đó cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân cần tiếp tục bám đồng ruộng chủ động bón phân, làm cỏ, đảm bảo nguồn nước, phòng trừ sâu, bệnh theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn giúp cây màu vụ đông sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt là diện tích ngô tẻ phục vụ chăn nuôi" - ông Hùng nói.
Trạm Tấu chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc
Theo dự báo, mùa đông năm nay sẽ xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại, nhất là tại các địa phương vùng cao. Để chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo các xã tập trung tuyên truyền về phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc nhằm giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất cho người chăn nuôi.
Nông dân huyện Trạm Tấu nuôi nhốt và bổ sung thức ăn cho trâu, bò trong những ngày giá rét.
Huyện Trạm Tấu hiện có tổng đàn gia súc chính khoảng 47.442 con. Trong đó, đàn trâu 9.895 con, đàn bò 6.397 con, đàn lợn 31.150 con. Để chủ động phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho trâu, bò, ngựa, dê, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi tăng cường cách thức và các biện pháp tăng sức đề kháng, phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Cùng đó, cử cán bộ đến các xã, thị trấn hướng dẫn bà con che chắn chuồng trại cho gia súc, gia cầm bảo đảm điều kiện vệ sinh và phòng, chống đói rét, dịch bệnh. Chủ động dự trữ các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn vật nuôi trong những ngày nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, di chuyển đàn trâu, bò ra khỏi khu vực núi cao, không thả rông...
Đồng thời, bổ sung nguồn thức ăn tinh: cám, bột ngô, bột sắn, cháo ấm...; cho uống nước ấm pha thêm muối loãng để tăng khả năng chống rét; giữ nền chuồng khô ráo, ấm áp và tạo nguồn nhiệt sưởi ấm cho vật nuôi: đốt củi, trấu gần chuồng trại; lót nền chuồng bằng rơm, rạ, trấu để gia súc ngủ, nghỉ có đủ nhiệt ấm; cho gia súc về chuồng trại, nghỉ làm việc trong những ngày mưa rét khi nhiệt độ thời tiết dưới 12 độ C.
Ngoài ra, vận động nhân dân tiêm vắc - xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi; yêu cầu các địa phương chuẩn bị trấu, củi khô, mùn cưa để đốt lửa ấm trong trường hợp rét đậm, rét hại.
Tại xã Hát Lừu, công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc luôn được địa phương chuẩn bị từ rất sớm. Do không có bãi chăn thả tập trung như các địa phương khác, nên từ lâu người dân đã chuyển hẳn sang hình thức chăn nuôi gia súc chứ không còn thả rông gia súc. Năm nay, để phòng chống rét cho gia súc, từ cuối tháng 10, xã đã chỉ đạo các hộ chăn nuôi che chắn lại chuồng trại để tránh gió lùa giữ ấm cho gia súc.
Đối với nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc trong mùa đông, xã chỉ đạo các hộ chăm sóc tốt 9 ha cỏ trồng và trồng được hơn 5 ha ngô sinh khối và làm được gần 600 cây rơm để làm nguồn thức ăn bổ sung cho gia súc. Nhờ đó, đàn gia súc của xã luôn sinh trưởng và phát triển tốt, với tổng số gần 1.200 con trâu, bò.
Ông Lò Văn Tiếp - Chủ tịch UBND xã cho hay: "Xã đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Trên cơ sở đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, phối hợp với các đoàn thể để tập trung chỉ đạo tuyên truyền đến nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc, ngoài ra còn đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống một số bệnh thường gặp ở gia súc trong mùa đông; chỉ đạo tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin theo khuyến cáo của cơ quan thú y”.
Chia sẻ về công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh trên đàn gia súc, ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: huyện đã phân công cán bộ thường xuyên đến các thôn nắm bắt tình hình và chỉ đạo công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tiêm phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc theo đúng định kỳ; làm mới và tu sửa chuồng trại gia súc bảo đảm 3 cứng: cứng khung, cứng mái, cứng nền và tuyệt đối không để đọng nước, phân trên nền chuồng nuôi; những ngày rét đậm, rét hại và mưa, tuyết, băng giá 100% hộ chăn nuôi sử dụng bạt dứa, vật liệu khác có sẵn ở địa phương để che chắn chuồng trại giữ ấm cho gia súc; gạt băng giá phủ trên mái chuồng nuôi và thu gom băng giá xung quanh chuồng nuôi ra xa khu vực chăn nuôi để chống rét cho gia súc.
Đối với việc dự trữ thức ăn cho gia súc, vận động nhân dân dự trữ rơm khô làm thức ăn cho trâu bò; đồng thời, trồng ngô sinh khối để lấy thân, lá làm thức ăn cho gia súc hoặc tận dụng thân, lá ngô trong vụ hè thu để dự trữ làm thức ăn thô; đảm bảo dự trữ đủ lượng thức ăn thô xanh, ngô, cám gạo, cháo loãng làm thức ăn tinh bột cho gia súc bổ sung vào những ngày rét đậm, rét hại, mưa tuyết, băng giá kéo dài.
Hiện nay, huyện Trạm Tấu cũng đang vận động nhân dân chăm sóc tốt diện tích cỏ đã trồng và diện tích cỏ đã cho thu hoạch để bảo đảm có đủ thức ăn xanh, các hộ chăn nuôi thực hiện trồng thêm diện tích cỏ bằng các giống cỏ VA06, cỏ voi… để phục vụ chăn nuôi.
Với sự chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh đàn gia súc ngay từ những ngày cuối mùa thu, chắc chắn mùa đông năm nay huyện Trạm Tấu sẽ giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra và duy trì, giữ vững tổng đàn gia súc chính của địa phương.
Theo baoyenbai.com.vn
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.