Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 6 năm 2022 | 13:36

Ẩn họa nguy hiểm cháy nổ trong giai đoạn cao điểm mùa khô nóng

Từ các vụ “bà hỏa” ghé thăm cho thấy công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn về phòng, chữa cháy.

Giải cứu 11 người mắc kẹt trong đám cháy tiệm bánh ở TP.HCM

Khoảng 5h sáng 11/6, tiệm bánh trên đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP.HCM bất ngờ cháy lớn. 

Theo thông tin từ lực lượng Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an TPHCM, khoảng 5 giờ ngày 11-6, tiệm bánh Thuận Phát nằm trên đường Đỗ Xuân Hợp (P.Phước Long B, TP.Thủ Đức) xảy ra cháy lớn.

 

h-1.jpg
Nhiều tài sản bên trong tiệm bánh bị thiêu rụi

 

Lửa dữ nhanh chóng bao trùm toàn bộ bên trong tiệm bánh này và có dấu hiệu lan rộng ra xung quanh.

Nhận tin báo, lập tức Đội Cảnh sát PCCC&CNCH (CATP.Thủ Đức) nhanh chóng cắt cử phương tiện và cán bộ có mặt. Tổ công tác do Thiếu tá Phạm Văn Túc, Phó Đội trưởng làm chỉ huy. 

3 xe cứu hoả cùng 22 CBCS ngay sau đó đã triển khai phương án cứu nạn, dập lửa. Thời điểm này bên trong tiệm bánh còn có nhiều người mắc kẹt, Thiếu tá Túc nhanh chóng cho triển khai lực lượng trinh sát vào biển lửa cứu người. 

Sau khoảng 10 phút truy tìm tung tích người gặp nạn, các trinh sát PCCC và CNCH đã giải cứu 11 người thoát ra ngoài an toàn. Bước đầu xác định diện tích cháy khoảng 240m2. 

Hiện nguyên nhân gây ra cháy lớn đang được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra làm rõ. 

Tiền Giang: Một phụ nữ bị chết cháy trước căn tin trường cấp 2

Theo thông tin ban đầu, khoảng 20h15 ngày 11.6, ông Nguyễn Văn Lợi (50 tuổi, ngụ xã Nhị Bình, huyện Châu Thành), là bảo vệ của Trường THCS Bùi Văn Hòa, nghe từ sân của trường học này có tiếng kêu cứu.

 

img_20220612_225003.jpg
Hiện trường vụ việc

 

Khi ông Lợi chạy đến thì phát hiện chị N.T.L (36 tuổi, ngụ xã Nhị Bình) đang bị ngọn lửa bao trùm dưới nền đất. Chồng của chị L. và những người xung quanh lao vào dập lửa nhưng chị đã tử vong ngay sau đó.

Nhận tin báo, Công an huyện Châu Thành phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ tiến hành phong tỏa, khám nghiệm hiện trường và điều tra vụ việc.

Bước đầu cơ quan điều tra nhận định nhiều khả năng chị L. đã mua xăng về trước cửa căn tin trường học rồi đổ xăng lên người và châm lửa đốt.

Hiện vụ việc đang được công an huyện Châu Thành tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Hiểm họa khó lường

Nguy cơ cháy nổ mùa nắng nóng càng khó lường hơn khi tháng 5/2022, toàn quốc đã xảy ra 154 vụ cháy làm chết 10 người, bị thương 3 người; thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng 33,23 tỷ đồng và 6,36ha rừng.

So với tháng 4/2022, tăng 22 vụ cháy (tăng 18,18%); số người chết tăng 2 người, số người bị thương giảm 2 người; thiệt hại về tài sản tăng 10,73 tỷ đồng (tăng 47,6%). Đáng chú ý, phần lớn các vụ cháy là cháy nhà dân; cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh và cháy nhà ở kết hợp kinh doanh.

Theo phân tích của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), nguyên nhân các vụ cháy trong tháng 5/2022 chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện; do sơ xuất, bất cẩn khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; do sự cố kỹ thuật và do vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho hay, trước những diễn biến phức tạp từ tình hình cháy nổ vào thời điểm mùa khô, lực lượng sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; sử dụng điện an toàn để phòng tránh cháy, nổ.

Lực lượng cũng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng App “báo cháy 114” và quan tâm trang thông tin điện tử và Zalo “Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.”

Nhằm hạn chế xảy ra các vụ cháy, nhất là vào mùa nắng nóng, các tỉnh, thành phố trên cả nước đang đẩy mạnh tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy. Như tại Hà Nội, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mùa nắng nóng năm 2022. Theo đó, cùng với triển khai thực hiện các văn bản của thành phố, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo ủy ban nhân dân cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ...

 

1406chay1.jpg
Lực lượng chức năng phong tỏa hiện trường để tiến hành điều tra nguyên nhân vụ cháy tại nhà số 116 B9 khu tập thể Kim Liên làm 5 người thiệt mạng. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

 

Thành phố cũng yêu cầu các địa phương làm tốt công tác điều tra cơ bản, kịp thời phát hiện, thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở trên địa bàn được phân công; tăng cường kiểm tra đối với khu dân cư, cơ sở, hộ gia đình trên địa bàn theo phân công, phân cấp; kịp thời phát hiện, kiến nghị, hướng dẫn chủ cơ sở, chủ hộ gia đình khắc phục ngay các tồn tại; duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.

Đồng thời, giám sát chặt chẽ các công trình vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy đã ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động trên địa bàn quản lý.

Theo Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy và phòng cháy hiệu quả trong cao điểm hè 2022, đơn vị đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, trong đó, xác định trọng tâm là tuyên truyền, vận động người dân dỡ bỏ “chuồng cọp,” tạo lối thoát nạn thứ hai tại các khu tập thể, chung cư.

Cùng với đó là thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho các chủ cơ sở kinh doanh ngành nghề dịch vụ… Trong đó, mô hình “Khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy” đang được triển khai mạnh mẽ tại cơ sở.

Mô hình được xây dựng theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) nhằm huy động nhanh nhất lực lượng trong dân để chớp “thời điểm vàng” 5-7 phút đầu khi xảy ra cháy./.

 

 

 

 
Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top