Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 7 năm 2021 | 14:9

Áp dụng chuyển đổi số trong công tác PCCC

Khi có cháy, người dân ấn nút 114 ngay trên app, ngay lập tức cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ biết ngay vị trí người đang gọi và tình hình hiện trường vụ việc thông qua chức năng video call trên ứng dụng người gọi truyền về

Xác định tính chất, vị trí cháy chính xác ngay từ cuộc gọi APP “Báo cháy 114”

Thực hiện thí điểm ứng dụng chuyển đổi số trong công tác PCCC và CNCH (APP-114) của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - Bộ Công an, lực lượng CATP Hà Nội đã triển khai kế hoạch số 460 để hiệu quả công tác chiến đấu, nhiệm vụ PCCC và CNCH.

Với mục đích cao nhất việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác PCCC và CNCH để lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chủ động nắm bắt thông tin về cháy và sự cố cháy, tai nạn qua số điện thoại 114, định vị cuộc gọi báo cháy, vị trí cháy, sự cố tai nạn góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH.

App “Báo cháy 114” là một ứng dụng hỗ trợ người dân thông báo cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) các vụ cháy, nổ và sự cố, tai nạn một cách nhanh và chính xác nhất bằng việc trực quan hóa thông qua các hình ảnh, video, âm thanh… được người dùng gọi điện hoặc gửi trực tiếp cho bộ phận tiếp nhận thông tin báo cháy, sự cố tai nạn tại Trung tâm thông tin chỉ huy (tổng đài 114).

 

99264da8-025e-40bf-4440-27241f4c5e69.jpg
APP "Báo cháy 114"

 

App “Báo cháy 114” Giúp cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH xác minh được ngay các vụ cháy, nổ và tai nạn, sự cố là thật hay giả, vị trí chính xác địa điểm xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố;

Đánh giá được cơ bản tình hình vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố; đồng thời đưa ra phương án để triển khai công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp. Giảm thiểu tối đa thiệt hại do các vụ cháy, nổ và tai nạn, sự cố xảy ra. App “Báo cháy 114” bảo đảm quy trình số hóa một số hoạt động của các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH nói chung, đơn giản hóa các quy trình nhận tin và xác minh tin báo cháy, nổ, tai nạn, sự cố. Nâng cao hiệu quả của các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH.

APP “báo cháy 114” là tính năng gọi line viễn thông trực tiếp tới Trung tâm thông tin chỉ huy 114, thông tin cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH về các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố tương tự như gọi điện thoại thông thường. “Gọi bằng hình ảnh trực tiếp” (gọi video Call) là tính năng gọi tới Trung tâm thông tin chỉ huy 114, thông tin cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH về các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố bằng hình ảnh trực quan và những thông tin chính xác về đám cháy, sự cố, tai nạn. Giúp Trung tâm thông tin chỉ huy 114 nhận định được tình hình thực tế và đưa ra đề xuất huy động lực lượng, phương tiện phù hợp đến xử lý đám cháy, sự cố, tai nạn.

“Yêu cầu chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ” là tính năng gửi hình ảnh hoặc đoạn video cho đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH, kết hợp với hình thức chat bằng âm thanh hoặc bằng chữ với tổng đài trực 114.

“Kỹ năng” là tính năng cung cấp các kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH đề người sử dụng có thể trực tiếp tra cứu và học tập kỹ năng PCCC và CNCH.

“Tin PCCC” là tính năng truyền tải những thông tin về những vụ cháy, sự cố, tai nạn đang diễn ra tại các địa bàn cụ thể nào đó; thông tin về tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn trong ngày, tuần, tháng trong nước và trên thế giới; những chủ trương về công tác PCCC và CNCH.

“Tôi an toàn” là tính năng báo an toàn tại vị trí xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố, thông báo này sẽ được gửi cho danh sách người thân và đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH để biết.

Công bố tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống chữa cháy bằng khí

Bộ Khoa học Công nghệ vừa có Quyết định 1577 công bố 2 Tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống chữa cháy bằng khí bao gồm: Hệ thống chữa cháy bằng khí - Tính chất vật lý và thiết kế hệ thống (TCVN 7161-5:2021, ISO 14520-5:2019) khí chữa cháy FK-5-1-12; Hệ thống chữa cháy bằng Sol-khí yêu cầu về thiết kế, lắp đặt, kiểm tra và bảo dưỡng (TCVN 13333:2021).

Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, hiện nay, hệ thống chữa cháy tự động bằng Sol-khí và khí FK-5-1-12 (Novec 1230) được nhiều nước trên thế giới sử dụng rất phổ biến với nhiều ưu điểm về hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường.

Hai tiêu chuẩn quốc gia nêu trên được ban hành sẽ giúp cho các cơ quan quản lý, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế có cơ sở pháp lý để thực hiện khi thiết kế, sử dụng các loại khí này tại Việt Nam.

 

p4772.jpg
Ảnh minh họa sơ đồ không gian hệ thống chữa cháy tự động bằng khí FK-5-1-12

TCVN 7161-5:2021 (ISO 14520-5:2019) và TCVN 13333:2021 do Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ biên soạn, Bộ Công an đề nghị, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Trong đó: - TCVN 7161-5:2021 (ISO 14520-5:2019) quy định các yêu cầu riêng biệt đối với hệ thống chữa cháy bằng khí FK-5-1-12 bao gồm các thông tin chi tiết về tính chất vật lý, đặc tính kỹ thuật, cách sử dụng, phương pháp thiết kế và điều kiện an toàn áp dụng cho hệ thống chữa cháy tự động bằng khí FK-5-1-12 tại các áp suất danh nghĩa 25 bar, 34,5 bar, 42 bar và 50 bar được nén bằng khí nitơ.

- TCVN 13333:2021 quy định về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống chữa cháy bằng Sol-khí theo thể tích, ứng dụng trong các nhà, công trình và một số ứng dụng đặc biệt khác (như tủ điện, tuabin điện...).

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, trong thời gian tới đơn vị này sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các văn bản hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất, hiệu quả, an toàn trong công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC đối với hệ thống chữa cháy tự động bằng Sol-khí và khí FK-5-1-12.

Chú trọng phòng cháy ngay từ khi xây dựng công trình

Vừa qua, ngày 5/7, Thông tư 02/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chuẩn 06:2021 chính thức có hiệu lực thi hành, thay thế QCVN 06:2020/BXD ban hành kèm theo Thông tư 01/2020/TT-BXD ngày 6/4/2020 của Bộ Xây dựng.

Theo một số chủ thầu, kỹ sư xây dựng tại TP. Biên Hòa, so với QCVN 06:2020/BXD, Quy chuẩn 06:2021 đã bổ sung nhiều điểm mới, sát thực tiễn, giúp cho các đơn vị xây dựng, chủ đầu tư đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình xây dựng, sử dụng công trình. Điển hình như làm rõ hơn cách tính chiều cao PCCC của nhà, sửa đổi một số quy định sử dụng tiêu chí chiều cao nhà thành tiêu chí chiều cao PCCC, làm rõ khái niệm “hành lang bên”, cách xác định nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng chính…

Đáng chú ý, Quy chuẩn 06:2021 đã bổ sung “khối nhà điều trị nội trú của cơ sở phòng chống dịch bệnh, phòng khám đa khoa, chuyên khoa, nhà hộ sinh” vào danh mục nhà để ở thường xuyên hoặc tạm thời (Bảng 6 - Phân nhóm nhà dựa trên tính nguy hiểm cháy theo công năng). Kéo theo đó, các khối nhà này không được phép bố trí trong các tầng hầm và tầng nửa hầm; các tầng có tối thiểu 2 lối thoát nạn; chiều cao thoát nạn tối thiểu 1,9m; chiều rộng tối thiểu 1,2m... giúp cho việc thoát hiểm khi xảy ra đám cháy của những người trong nhà dễ dàng hơn.

 

images2381163_12a.jpg
Cơ quan chức năng kiểm tra phương tiện phòng cháy, chữa cháy của một trung tâm thương mại tại P.Tân Mai (TP.Biên Hòa).

 

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, Quy chuẩn 06:2021 còn đưa các chung cư (có chiều cao PCCC từ 75-150m) vào Điều A.3, Phụ lục A quy định bổ sung về an toàn cháy đối với một số nhóm nhà cụ thể. Theo đó, các chung cư (hoặc công trình có cùng công năng) phải tuân theo các tiêu chuẩn chi tiết về bậc chịu lửa, cửa ngăn cháy, lắp đặt các dây điện và cáp… Như bậc chịu lửa tối thiểu là bậc I; tất cả các phòng không phải căn hộ (gara, phòng kỹ thuật, không gian công cộng, khoang chứa rác…) và ống đổ rác phải có đầu phun nước tự động (trừ các gian phòng yêu cầu hệ thống dập lửa dạng khí)… Từ đó, tăng mật độ phủ các phương tiện chữa cháy tự động, sớm dập tắt đám cháy khi vừa phát sinh.

Ngoài ra, Quy chuẩn 06:2021 còn làm rõ một số tiêu chuẩn tính tổng số bồn, bể cho chữa cháy trong một mạng lưới đường ống dành cho cấp nước ngoài nhà nhưng không áp dụng cho công trình riêng lẻ; sửa đổi một số nội dung trong Bảng 11 - Số tia phun chữa cháy và lưu lượng nước tối thiểu đối với hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà… giúp làm rõ hơn các tiêu chuẩn tối thiểu của hệ thống PCCC các công trình này, thuận lợi cho công tác PCCC cũng như kiểm tra an toàn PCCC tại các công trình, nhất là chung cư, nhà cao tầng.

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top