Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 1 năm 2018 | 10:1

APPF-26 khẳng định vai trò và uy tín của Quốc hội Việt Nam trong các hoạt động ngoại giao nghị viện

Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức sẽ khai mạc vào ngày 18/1 tại Hà Nội. Nhân dịp này Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa của sự kiện chính trị ngoại giao quan trọng, mở đầu cho hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm 2018.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Phóng viên: Xin Chủ tịch Quốc hội cho biết việc Việt Nam đăng cai APPF - 26 có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay ? 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Có thể khẳng định rằng, việc Quốc hội Việt Nam được APPF và các Nghị viện thành viên tin tưởng giao đảm nhiệm vai trò Chủ tịch APPF và trao quyền đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 26 của APPF đã thể hiện vai trò và uy tín ngày càng cao của Quốc hội Việt Nam trong các hoạt động ngoại giao nghị viện khu vực và quốc tế. 

Đây là một bước tiếp nối thành công của Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) được tổ chức vào tháng 3 năm 2015. Sự kiện ngoại giao đa phương của Quốc hội đầu năm 2018 này cũng là thực hiện một cách tích cực chủ trương, đường lối đối ngoại đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra. Đó là “thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”. 

Hội nghị APPF-26 là điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV, sẽ đóng góp vào thành công chung của hoạt động ngoại giao nước nhà; đồng thời thể hiện vai trò và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong APPF. Đây là dịp để chúng ta tăng cường hơn nữa quan hệ ngoại giao song phương giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội các nước; chuyển tải mạnh mẽ thông điệp và hình ảnh về một Quốc hội đổi mới, năng động, tích cực và trách nhiệm tới bạn bè quốc tế. 

Bên cạnh đó, Hội nghị APPF-26 cũng là động lực để thúc đẩy vai trò của các nghị viện đối với hoạt động hợp tác của APEC, phát huy những kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC trên kênh nghị viện. Quốc hội Việt Nam đã nêu đề xuất với hội nghị thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương nhằm xác định những trọng tâm trên con đường phát triển tiếp theo của APPF. Đây là cách kết nối chặt chẽ giữa APPF và APEC để cùng hỗ trợ APEC và các nền kinh tế thành viên thực hiện những cam kết trong Tuyên bố Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Những sáng kiến, ý tưởng của Việt Nam được bạn bè đánh giá cao và đồng lòng hưởng ứng; khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của Việt Nam trong giai đoạn đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, bước vào một giai đoạn mới với một tâm thế mới. Thông qua việc tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, uy tín quốc tế và hình ảnh của Việt Nam ngày càng được nâng cao. 

Hội nghị cũng có ý nghĩa quan trọng khi thông tin rộng rãi đến nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế về Quốc hội Việt Nam, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam với vai trò là nước chủ nhà của APPF-26. 

Phóng viên: Là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam - nước chủ nhà của APPF-26, Chủ tịch Quốc hội có thể đưa ra thông điệp chào đón các vị khách quốc tế đến từ nghị viện các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương tham dự APPF-26 sắp tới? 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch của APPF-26, tôi rất vinh dự và vui mừng chào đón các nghị sĩ của Nghị viện các nước châu Á - Thái Bình Dương đến Hà Nội - Thủ đô tươi đẹp và hòa bình của Việt Nam -  Nơi sẽ diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương sẽ được tổ chức từ ngày 18/1 đến ngày 21/1/2018. 

Việc tổ chức sự kiện này cùng với những hoạt động đối ngoại lớn khác của Đảng và Nhà nước ta thể hiện thông điệp về đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển; Quốc hội Việt Nam đổi mới, sáng tạo và hội nhập; con người Việt Nam thân thiện, năng động và cởi mở. Việt Nam quan tâm tới sự phát triển của thế giới, cam kết cùng với cộng đồng quốc tế thực hiện các nhiệm vụ chung vì mục tiêu phát triển bền vững. Quốc hội Việt Nam quan tâm tới sự phát triển chung của ngoại giao nghị viện, tham gia định hướng phát triển của các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế trong bối cảnh mới và mong muốn nâng cao vị thế, vai trò của APPF, trở thành một đối tác của APEC, thúc đẩy hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế - thương mại và hợp tác phát triển. 

Với tinh thần đó, chúng tôi mong chờ được chào đón các nghị sĩ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tới Việt Nam để tham dự Hội nghị APPF-26. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng, quý vị sẽ có một thời gian tuyệt vời tại Việt Nam, đất nước với những con người năng động, thân thiện, nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với những vẻ đẹp thiên nhiên bất tận! 

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân!./. 

Theo TTXVN

 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top