Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 20 tháng 1 năm 2018 | 9:49

APPF-26 thông qua Tuyên bố Hà Nội

Chiều 20/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân,  Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) họp phiên bế mạc, thông qua 14 văn kiện, trong đó có Tuyên bố Hà Nội.

Phát biểu tại phiên bế mạc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định cùng với kết quả đạt được của những hội nghị trước, APPF-26 là bước tiến tiếp theo trong quá trình thực hiện tôn chỉ, mục đích của Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương đã được đề ra trong Tuyên bố Vancouver và Tuyên bố New Tokyo.

Tại kỳ hội nghị lần này, 14 nghị quyết về những vấn đề quan trọng, Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương” và Thông cáo chung APPF-26 đã được thông qua.

Các nghị quyết đã được thông qua cũng như qua các cuộc trao đổi, thảo luận đã cho thấy vai trò quan trọng của các nghị viện trong việc tham gia vào tiến trình thực hiện những cam kết quốc tế để bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển bền vững, vì lợi ích của nhân dân trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương...

Về kinh tế- thương mại, APPF là một cơ chế hợp tác mở, ủng hộ, bổ trợ và không thể tách rời khỏi APEC. APPF có một nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục thúc đẩy mở rộng tự do hóa thương mại, đổi mới hình thức liên kết kinh tế, thương mại phù hợp với tình hình mới.

Hội nghị đã đánh giá cao kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại thành phố Đà Nẵng. APPF cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy một châu Á-Thái Bình Dương kết nối và liên kết toàn diện, một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, công bằng, minh bạch và bao trùm, vì lợi ích của mọi người dân để không ai bị bỏ lại phía sau.

Hội nghị đã nhấn mạnh sự cần thiết phải “biến lời nói thành hành động”, kêu gọi sự hỗ trợ của các quốc gia phát triển đối với các nước đang phát triển trong việc chung tay thực hiện Chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030 của LHQ và Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu khẳng định sự cần thiết phải đẩy mạnh đối thoại và hành động chung nhằm ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có an ninh lương thực, an ninh năng lượng, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên; gia tăng nỗ lực phòng ngừa và chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan; tăng cường đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo.

Tuyên bố Hà Nội - tầm nhìn mới của APPF

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh thành công của APPF-26 là đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương”.

Kế thừa các bản Tuyên bố dấu ấn khác của APPF, Tuyên bố Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, xác định một tầm nhìn mới của APPF sau một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển. 

Tuyên bố đã điểm lại những thành tựu nổi bật của APPF, kiên trì thực hiện mục tiêu chung góp phần thúc đẩy mạnh hợp tác và đối thoại vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. APPF đã đóng góp vào các nỗ lực chung của các cơ chế toàn cầu và khu vực, như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), LHQ, APEC, ASEAN…

Tuyên bố Hà Nội cũng đã đưa ra một bức tranh về sự phát triển hiện nay của khu vực và quốc tế, trong đó có những thay đổi căn bản, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, cùng những tác động sâu rộng. Trong tiến trình đó, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác tích cực, cùng APPF và nghị viện các nước nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn đã đề ra để đưa các khuyến nghị, nghị quyết của APPF thành hành động cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn các đại biểu đã cộng tác và hỗ trợ để Quốc hội Việt Nam hoàn thành trọng trách của nước chủ nhà APPF-26.

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top