Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 7 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 1 năm 2016 | 10:41

ATVSTP: Nhức nhối những vi phạm

Nhìn đâu cũng thấy hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngay cả trong trường học, nơi lâu nay vẫn cam kết cung cấp thực phẩm an toàn cho học sinh thì bằng cách này hay cách khác, thực phẩm bẩn vẫn được tuồn vào. Chưa bao giờ niềm tin của người tiêu dùng lại lung lay đến thế!

Khó an tâm với thực phẩm

Lực lượng thanh tra chuyên ngành kiểm tra chất lượng nông sản.

Trong cuộc tọa đàm trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đưa ra một thông tin có vẻ làm an lòng người tiêu dùng, đó là thành phố đã chỉ đạo các đơn vị phối kết hợp với các tỉnh, thành cung ứng sản phẩm cho Thủ đô để kiểm tra chất lượng sản phẩm. Theo đó, các tỉnh, thành chịu trách nhiệm về chất lượng đầu vào, các ngành chức năng Hà Nội chịu trách nhiệm kiểm tra đầu ra, nếu có sản phẩm lỗi sẽ thông báo với các tỉnh, thành và các đơn vị sản xuất. Trong thời gian qua, thành phố kiểm tra gần 1.000 mẫu, kết quả cho thấy, các chỉ tiêu lý hóa đều tốt, chỉ gần 5% sản phẩm vượt chỉ tiêu lý hóa. “Chúng ta có thể yên tâm rằng, sản phẩm hiện nay đang cung ứng cho thị trường người tiêu dùng Thủ đô đều an toàn. Tuy nhiên, khi cung ứng qua các chợ đầu mối nên không rõ xuất xứ nguồn gốc, sản xuất ở đâu nhưng cơ bản là đảm bảo vệ sinh an toàn”, ông Chí nói.

Những lời nói này của ông Chí liệu có làm người tiêu dùng an tâm khi hàng ngày những vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm vẫn liên tục bị phát giác, ngay cả siêu thị người ta cũng tuồn rau bẩn vào, thậm chí trường học cũng không tha (điển hình là vụ cung cấp rau không rõ nguồn gốc cho các trường học trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội). Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho rằng, vi phạm ở đây chính là gian lận thương mại vì ký kết một đằng nhưng thực tế lại làm một nẻo. “Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý ở đây là phải xem xét kỹ việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng và nhà trường, tại sao vi phạm một thời gian dài mà không phát hiện ra?’, ông Việt nêu câu hỏi. Còn ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khẳng định, đây là hành vi “treo đầu dê bán thịt chó”.

“Đây là sự việc gây tác động dư luận rất xấu, phải xử lý nghiêm. Với trách nhiệm công tác liên ngành, chúng tôi đã có văn bản đề nghị nếu phát hiện đúng sự việc thì xử lý theo mức cao nhất của khung. Nhưng qua việc này, chúng tôi khuyến cáo không vì sự việc như vậy mà đánh giá toàn thể bức tranh về sản phẩm rau, thịt của Hà Nội”, ông Phong nói.

Không chỉ vấn đề thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc làm đau đầu người tiêu dùng, ngay cả các loại vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, hóa chất, kháng sinh) kém chất lượng cũng đang khiến nông dân hoang mang. Trong thời gian qua, đã có 59 tỉnh, thành trên cả nước tiến hành thanh tra 49.451 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong đó phát hiện 10.165 cơ sở vi phạm.

Cần kèm thêm hình phạt bổ sung

Chế tài xử phạt chưa đủ răn đe là một trong những nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho việc tại sao số vụ vi phạm không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng với mức độ ngày càng tinh vi. Ông Phong cho rằng, càng thanh tra chúng ta càng phát hiện được nhiều vi phạm, vì vậy phải duy trì thanh - kiểm tra thường xuyên. Vấn đề là khi phát hiện phải kiên quyết xử lý. Qua quá trình kiểm tra đôn đốc, một số địa phương làm rất nghiêm túc, xử lý mạnh mẽ nhưng cũng có những nơi làm chưa đến nơi đến chốn, như có địa phương một năm tiến hành hàng nghìn cuộc thanh tra nhưng chỉ xử lý vài cơ sở. Như vậy, chỉ đi đôn đốc là chính, không thể gọi là đi thanh tra kiểm tra. Một số địa phương báo cáo do không có chế tài xử phạt. “Nhưng tôi cho rằng, khi phát hiện sai phạm không né tránh mà kiên quyết xử phạt tối đa theo Luật xử phạt vi phạm hành chính thì không lo không đủ sức răn đe. Ví dụ, đối với tổ chức vi phạm an toàn thực phẩm, có thể phạt tối đa là 200 triệu đồng, nếu mức xử phạt đó chưa tương xứng thì luật còn cho phép phạt gấp 7 lần số hàng hóa vi phạm. Các cơ sở vi phạm ngoài việc phạt tiền, xử lý bằng hình phạt bổ sung, cần công bố kịp thời tên, địa chỉ, hành vi vi phạm”, ông Phong nói.

Trong khi đó, ông Việt lại thừa nhận, mức phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe. Theo ông Việt, thực tế, Luật xử lý vi phạm hành chính về tiền cũng tương đối nhiều, vừa qua đã có doanh nghiệp vi phạm bị phạt tới 470 triệu đồng, nhưng tiền không phải là yếu tố quan trọng nhất, quan trọng là các hình thức bổ sung. Ví dụ, khi phát hiện sai phạm, ngoài phạt tiền, chúng tôi có thể tạm dừng sản xuất, tiêu hủy sản phẩm, mạnh hơn nữa là rút giấy phép của doanh nghiệp. Đặt trường hợp, một nhà máy thức ăn chăn nuôi đang sản xuất, tự nhiên dừng sản xuất khoảng 2 tháng, đồng thời bị công khai thông tin sai phạm khiến khách hàng trả hàng về thì thiệt hại sẽ rất lớn.

“Rất may là Luật Hình sự mới được Quốc hội thông qua, tại Điều 317 có quy định các tổ chức, cá nhân tổ chức, kinh doanh buôn bán, sử dụng chất cấm, chỉ cần có hành vi là có thể hình thành tội phạm. Còn Luật Hình sự trước kia, tại Điều 155, để chứng minh được là vi phạm rất khó cho nên tỷ lệ số vụ vi phạm về chất cấm trong chăn nuôi bị đưa ra xét xử hình sự rất ít. Tôi hy vọng từ 1/7/2016, khi Luật Hình sự có hiệu lực thì sức răn đe sẽ lớn hơn”, ông Việt cho biết thêm.

Tăng cường kiểm tra dịp giáp Tết

Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu đang hoạt động hết công suất. Với đặc thù sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tiêu dùng tăng đột biến trong thời gian ngắn như vậy, nếu không có kế hoạch đảm bảo tốt an toàn thực phẩm rất dễ dẫn đến tình trạng các sản phẩm không đảm bảo an toàn trà trộn vào thị trường.

Ông Phong cho biết: Với vai trò là cơ quan tham mưu chỉ đạo giúp việc về an toàn thực phẩm, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm ban hành Kế hoạch 1066 nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho Tết Nguyên đán và lễ hội mùa xuân 2016, trong đó tập trung vào 2 hoạt động chủ yếu là thông tin giáo dục truyền thông pháp luật, kiến thức mua bán, sử dụng thực phẩm an toàn vệ sinh; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tập trung vào các cơ sở sản xuất lớn trong dịp Tết và các sản phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, rau củ quả,…

Ngoài ra, các đoàn thanh tra tập trung thanh tra ở các thành phố lớn, chợ đầu mối, các địa điểm tập trung chuyển nguồn hàng đi về các tỉnh, cửa khẩu. Các đoàn đi lấy mẫu phải kiểm tra, kiểm nghiệm ra kết quả nhanh, nếu có vấn đề phải xử lý, công bố, cảnh báo ngay.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng tiếp tục xác định 2016 là năm an toàn thực phẩm. Ngày 19/10/2015, Bộ đã ban hành Kế hoạch tháng cao điểm hành động về an toàn vệ sinh thực phẩm kéo dài cho tới hết Tết Nguyên đán. Theo đó, sẽ hướng dẫn nông dân cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… ; thường xuyên tổ chức các đoàn đi lẫy mẫu giám sát; sau khi giám sát, tổ chức xác nhận cho các cơ sở đảm bảo cung ứng sản phẩm an toàn; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và cuối cùng là tăng cường kiểm tra, giám sát hàng nhập khẩu, chỉ đạo các đơn vị liên quan quyết liệt ngăn chặn từ cửa khẩu.

Khánh Nguyên

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phát động cuộc thi ảnh “Về miền di tích, danh thắng xứ Nghệ”

    Phát động cuộc thi ảnh “Về miền di tích, danh thắng xứ Nghệ”

    Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An tổ chức lễ phát động cuộc thi ảnh nghệ thuật “Về miền di tích, danh thắng xứ Nghệ” với chủ đề “Nghệ An - miền di sản” và trại sáng tác mỹ thuật với chủ đề “Xây dựng con người, văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, xây dựng nông thôn mới”.

  • Việt Nam – điển hình của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới

    Việt Nam – điển hình của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới

    Ngày 24/7, tại Trung tâm Hội nghị Bharat Mandapam ở Thủ đô New Delhi, Ấn Độ, tại Kỳ họp lần thứ 46, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới Vishal V. Sharma đã thông qua Quyết định số 46 COM 7B.43, chính thức đồng thuận với các nội dung đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

  • Khai mạc Lễ hội Vịnh Ánh sáng quốc tế Nha Trang 2024

    Khai mạc Lễ hội Vịnh Ánh sáng quốc tế Nha Trang 2024

    Tối 13/7, tại thành phố biển Nha Trang, UBND Khánh Hòa lần đầu tiên khai mạc cuộc thi trình diễn ánh sáng độc đáo bằng hàng ngàn thiết bị bay không người lái mang tên Lễ hội Vịnh ánh sáng quốc tế Nha Trang 2024 với chủ đề “Ngân hà rực rỡ”.

Top