Nếu xem 2,45 tỉ USD từ việc xuất khẩu rau quả trong 9 tháng qua là chuyện lớn, thì việc gia tăng xuất khẩu lá chuối, lá tre, đọt khoai lang, lá khoai mì… thu về triệu USD không thể xem là chuyện nhỏ.
Nhiều người ở miền Tây biết giá trị của lá chanh, lá chuối nhưng chưa biết đó là nguồn hàng có tiềm năng xuất khẩu. Ảnh: NGỌC BÍCH
Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Tuy nhiên, để đặt chân vào thị trường vốn bị che phủ bởi nguồn hàng của Trung Quốc, Thái Lan, lá chuối cũng phải đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và những quy định ngặt nghèo từ những đối tác. Ví dụ: Khổ lá rộng từ 12-20 inch, dài 6 feet, liền mảnh - không rách…
Cơ quan giám định thực vật và động vật (APHIS) bắt buộc các nhà xuất nhập khẩu phải có đầy đủ các thông tin liên quan đến sản phẩm như tên khoa học, nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm. Sau khi xử lý sát trùng kỹ, lá chuối được đóng gói. Các kiện hàng được đóng bao bì đúng quy cách trước khi giám định, phải có lỗ thông gió, cứ mỗi hai hàng ngang trong một kiện phải chèn nẹp gỗ dày khoảng 1cm theo phương thẳng đứng, không được che lỗ thông gió trên thành kiện hàng. Bao bì bắt buộc phải khử trùng khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Nguồn cung còn phải cung cấp thông tin lá chuối “lành bệnh” và không có nguy cơ gây hại. Khi chấp nhận về mặt kỹ thuật, APHIS sẽ phải công bố nhân chuẩn cho đăng ký sản phẩm liên bang và quyết định cho phép nhập khẩu. Nghe qua, sao quá khó!
Hãy xem các sàn thương mại điện tử như Amazon rao bán: “Lá chuối không chỉ đẹp mà còn có mùi hương và hương vị tinh tế...” với giá 17,95 USD/kg (tương đương hơn 410.000 đồng), kể phí vận chuyển tính ra hơn 600.000 đồng/kg. Lá chuối xuất xứ từ Thái Lan bán trên eBay giá 25,39 USD/kg (tương đương 580.000 đồng/kg) chưa tính phí vận chuyển, lá chuối từ Trung Quốc - bán với giá 20 USD (tương đương hơn 450.000 đồng/kg), chưa tính phí vận chuyển, lá chanh có lúc có giá bán 100gram 28 USD.
Trang eBay minh bạch mức phí vận chuyển quốc tế cho 1kg lá chuối là 17 USD.
Một Việt kiều, người Cần Thơ ở New York, nói: Chưa nói những tàu lá được dùng trang trí, ở các chợ của người Hoa, lá chuối được dùng để bọc quanh những miếng thịt quay hay hấp ở nhiệt độ thấp trong thời gian dài để tạo hương vị cho những loại bánh từ gạo, nếp. Những năm không có lá chuối gói bánh - nhà nào làm bánh - chưa ăn đã dặn - gỡ khéo khéo để giữ lá lại làm bánh tiếp.
Ở Nhật, một tàu lá chuối tươi được niêm yết 2.280 yên (gần 500.0000 đồng/lá), mua gấp đôi thì giá 1.980 yên/lá; 3 lá 760.000 đồng và nếu cần sử dụng nhiều thì mua theo combo 5 chiếc lá chuối với giá 5700 yên ( khoảng 1.168.000 đồng) - thiên hạ xôn xao.
Có vẻ như làn sóng ngầm kinh doanh lá đang bùng lên khi các thương nhân chuẩn bị nguồn hàng cho năm mới. Nhưng lạ chưa, không riêng gì lá chuối, trên các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee... lá bàng tươi được rao bán với giá từ 10.000-130.000 đồng/kg, lá bàng khô với giá từ 200-1.000 đồng/lá, lá tía tô tươi cũng được rao bán với giá từ 20.000-75.000 đồng/kg, lá tía tô khô giá 26.000-245.000 đồng/kg; lá đinh lăng tươi có giá 20.000-120.000 đồng/kg, lá khô được bán với giá 40.000-85.000 đồng/kg; lá dâu tằm tươi giá bán từ 30.000-70.000 đồng/kg, lá dâu tằm khô từ 35.000-180.000 đồng/kg; lá lốt khô có giá 30.000-135.000 đồng/kg; lá đu đủ đực khi được sấy khô được bán với giá 35.000-120.000 đồng/kg, lá mơ được bán với giá từ 28.000-50.000 đồng/kg, lá mơ khô có giá 70.000-100.000 đồng/kg. Lá chanh được rao bán với giá từ 74.000-148.000 đồng/kg, lá sen tươi có giá từ 28.000 đến 40.000 đồng/kg, lá sen khô được rao bán với giá 20.000-80.000 đồng/kg.
Nguồn tin Hải Quan cho biết, 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu các loại lá tre, lá khoai mì, đọt khoai lang, lá chuối… đã thu về 6,059 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 4,4%. Trong đó lá khoai mì đã thu về 1,6 triệu USD, lá tre là 1,1 triệu USD; lá chuối, đọt khoai lang lần lượt thu về 0,84 triệu USD, 0,52 triệu USD. Riêng tháng 8, lá khoai mì thu về 291.000 USD, so với cùng kỳ đã tăng 101,3%, đọt khoai lang tăng 115,4% so với cùng kỳ, thu về 93.000 USD. Ðồng thời, các loại lá như lá tre, lá chuối và các loại lá khác đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số.
Trong khi đó, “vương quốc” khoai lang Bình Tân đang “lặt lìa” khi quá tập trung vào việc trồng khai lang bán củ và diện tích đang thu hẹp do kinh doanh tiểu ngạch đã hết thời.
An Giang, từ 5 năm trước có Start Up-er trẻ nghĩ tới việc khởi nghiệp bằng cách nhân 15.000 cây chúc để tạo vùng nguyên liệu cho trái và lá. Một cô giáo nghĩ ra việc làm tinh dầu và mỹ phẩm với hương lá chúc tự nhiên. Lúc đó lá chúc bán với giá 80.000 đồng/kg, 1 chai tinh dầu chừng 10cc bán với giá 100.000 đồng (giá quá hời). Ở Ðồng Tháp, các Start Up chú ý khai thác lá sen làm thành hàng chục loại sản phẩm, nhiều loại trà từ lá sen được chứng nhận OCOP. Nhưng có thể nói rằng khi các sàn thương mại điện tử, các nhà nhập khẩu “kính thưa các loại lá” thì thị trường mới sôi động
Chưa thể nói trước điều gì khi cuộc chạy đua “lặt lá” nhưng rõ ràng thị trường ngách bao giờ cũng là câu chuyện bất ngờ, trừ một điều bất di bất dịch là tiêu chuẩn và chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Những loại lá gia vị dễ trồng ở Việt Nam xuất khẩu rất có giá nếu được trồng theo đúng quy trình, chuẩn mực và minh bạch hóa”, một thương nhân nói khi tham dự Lễ hội gia vị do Trung tâm BSA tổ chức tại TP Hồ Chí Minh: “Cái khó ở xứ mình là hễ cái gì ồn ào thì sẽ có những chiêu cạnh tranh không lành mạnh”. Câu chuyện nông sản có lòng tin hay hoài nghi chất lượng; tự công nhận lẫn nhau hay tìm tới cơ quan chứng nhận, đã đến lúc phải có cách làm thực tế và hiệu quả hơn, người này nói.
Saigon Co.op trang bị xe kiểm soát lưu động giống như một phòng thí nghiệm thu nhỏ, để kiểm soát ngay tại vùng trồng của đối tác (nhà cung cấp), nếu có vấn đề gì thì cảnh báo ngay với người trồng. Trước đây, Vineco - thuộc Vingroup - tổ chức những lớp học, chi tiền tỉ để xây dựng vùng trồng, test mẫu từ thực địa nhưng khi chuyển đổi chủ sở hữu thì mọi việc lại khác. “Lỗ hổng lớn nhất hiện nay là luật pháp chưa bắt buộc rau củ quả tươi phải có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, phải được sản xuất theo tiêu chuẩn”, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội AFT nói trong một cuộc hội thảo gần đây.
Những sáng kiến, các mối tương quan giữa người trồng, người mua - bán, có vẻ như chưa được tập hợp đầy đủ. Nhưng có thể nói rằng, với con số nho nhỏ từ Hải quan cho thấy thị trường và những góc khuất cần sự tinh tế, hệ sinh thái tinh thông hơn soi rọi để tìm ra cơ hội mới, dẫn dắt cuộc chơi với những sản phẩm thân thiện môi trường.
“Talaad Thái là một hình mẫu về việc kiểm soát và hỗ trợ nhà cung cấp nông sản chuẩn mực: Lần đầu thấy sản phẩm không ổn sau khi test, họ sẽ thông báo cho người sản xuất và có cách hỗ trợ tập huấn tiêu chuẩn; lần sau vẫn vậy họ sẽ thông báo chính quyền để có cách giúp đỡ. Nếu vẫn tiếp tục thì nguồn hàng của xã, thôn đó sẽ bị cấm cửa vào chợ. Tất nhiên, họ không bán ở đâu được nữa,” - Ths. Nguyễn Ðém, thành viên Mekong Organic, cho biết.
Ðâu chỉ là những chiếc lá? Có một điều chắc chắn rằng hệ sinh thái phát triển nông sản an toàn, minh bạch từ nền nông nghiệp thông minh, chân thật sẽ còn nhiều cơ hội hơn nữa.
Châu Lan/Báo Cần Thơ
Hôm nay (22/12), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đã đến dự Lễ khánh thành Dự án tái thiết khu dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai). Lễ khánh thành được kết nối qua cầu truyền hình trực tiếp đến các khu tái định Nậm Tông, xã Nậm Lúc và Kho Vàng, xã Cốc Lầu (Bắc Hà).
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng về tư duy của ngành lúa gạo đối với ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Vì vậy, nông dân cần thay đổi phương thức canh tác, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo thương hiệu lúa gạo an toàn, phát thải thấp… để phát triển bền vững.
Nhằm tăng cường hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản, với trọng tâm là phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản vừa phối hợp tổ chức Diễn đàn Thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm, đầu tư xanh cho tăng trưởng xanh ngành nông nghiệp - Tiềm năng hợp tác đầu tư với doanh nghiệp công nghệ, nông nghiệp thông minh Nhật Bản.