Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 6 năm 2022 | 16:16

Ba chương trình mục tiêu quốc gia chậm vì "làm kỹ để tránh sai sót, tiêu cực"

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, đến hết tháng 5, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội đã thực hiện khoảng 33.500 tỷ đồng.

Tại phiên chất vấn chiều nay (9/6), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh có 70 phút để làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
 
Giải ngân 33,5 nghìn tỷ đồng phục hồi kinh tế

Phó thủ tướng cho biết ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 ngày 30/1 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đến nay, Chính phủ đã ban hành 6 nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất. Thủ tướng đã ban hành 3 quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập...

 

pham-bm.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh

 

"Đến hết tháng 5/2022 đã thực hiện khoảng 33,5 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn, giảm thuế, phí 22,6 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 35% kế hoạch", Phó thủ tướng nói, cho biết Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân hơn 4.800 tỷ đồng cho 4/5 chương trình tín dụng chính sách; các địa phương đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 2.400 người theo Nghị quyết số 11.

Giải ngân đầu tư công còn chậm

Về giải ngân vốn đầu tư công, Phó thủ tướng cho biết, đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa phải thúc đẩy kịp thời tiến độ vừa phải tính toán kỹ lưỡng để nâng cao chất lượng, hiệu quả. Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Đến hết tháng 5, cả nước đã giải ngân được hơn 22% kế hoạch. Thủ tướng lập 6 tổ công tác kiểm tra thực tế tình hình giải ngân tại các bộ, địa phương để xác định rõ nguyên nhân chậm giải ngân, có giải pháp khắc phục. Hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương cam kết có giải pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn để hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022.

Báo cáo của Chính phủ thừa nhận "giải ngân vốn đầu tư công còn chậm". 41/51 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022.

3 chương trình mục tiêu quốc gia chậm vì "làm kỹ để tránh sai sót, tiêu cực"

Ba chương trình mục tiêu quốc gia, gồm giảm nghèo bền vững; mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tổng tiền ngân sách dành cho 3 chương trình này khoảng 92.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các chương trình này thực hiện chậm. Giải trình việc này, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Thủ tướng đã lập Ban chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng, ban hành 19 văn bản để phê duyệt, quy định nguyên tắc, tiêu chí và phân bổ vốn cho 3 chương trình này. Các tiêu chí phân định, danh sách huyện nghèo, xã bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc đối tượng của chương trình giảm nghèo bền vững. Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cũng được lập, ban hành.

Thủ tướng đã giao kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách trung ương 2021-2025 cho các địa phương và giao dự toán ngân sách trung ương 2022 cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó thủ tướng cho rằng đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng do khối lượng công việc nhiều, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nên "phải rà soát kỹ để tránh những sai sót, tiêu cực có thể xảy ra".

Lãnh đạo Chính phủ nói "nhận thức rõ trách nhiệm", nên Ban chỉ đạo Chính phủ tới đây sẽ yêu cầu các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các chương trình, đề án với lộ trình cụ thể và có văn bản hướng dẫn.

Các địa phương khẩn trương giao kế hoạch vốn ngân sách giai đoạn 2021-2025 và năm 2022; có các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với địa phương và quy định liên quan theo thẩm quyền. "Quá trình thực hiện tuyệt đối không được để xảy ra tiêu cực, thất thoát ngân sách nhà nước", ông nhấn mạnh.

Các cấp, ngành ưu tiên giải quyết các vấn đề bức xúc như đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho địa bàn khó khăn.

Chương trình phổ thông mới không bỏ môn Lịch sử

Đại biểu Hoàng Thị Nguyệt hỏi, những ngày vừa qua nhiều đại biểu quan tâm môn Lịch sử sẽ là môn tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Chính phủ có chỉ đạo gì về việc này?

 

db.jpg
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt. Ảnh: Media Quốc hội

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nói đây là vấn đề dư luận hết sức quan tâm. Chủ trương của Đảng, Nhà nước về chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có môn Lịch sử đều rất cụ thể.

Giáo dục phổ thông 12 năm gồm hai giai đoạn, giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và trung học cơ sở; giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm trung học phổ thông. Giai đoạn một giáo dục cơ bản có môn Lịch sử. Còn giai đoạn hai có tính chất định hướng nghề nghiệp.

Chương trình phổ thông thiết kế theo hai giai đoạn, từ lớp 4 đến lớp 9 môn Sử và Địa lý là bắt buộc, thời lượng 560 tiết; phân môn Lịch sử chiếm 280 tiết. Hai là giai đoạn từ lớp 10 đến 12, Lịch sử là môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. Như vậy, môn Sử được dạy ở tất cả trường THPT, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên lịch sử hiện có.

Một số ý kiến cho rằng môn Sử là tự chọn dẫn đến bỏ hoặc khai tử môn Sử, "nhưng thực tế không phải như vậy". Thời gian qua, ý kiến cử tri nêu sự quan tâm, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe ý kiến cử tri, đại biểu Quốc hội, nhà khoa học, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, tổ chức hội thảo để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, đề xuất phương án phù hợp, bảo đàm việc học môn Sử, kiến thức lịch sử, nhất là lịch sử dân tộc được tăng cường.

Đầu tư 100.000 tỷ đồng phát triển giao thông đồng bằng sông Cửu Long

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé hỏi, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến đồng bằng sông Cửu Long. Phó thủ tướng cho biết giải pháp của Chính phủ để nơi này phát triển?

 

nguyen-thi-kim-be-kien-giang-2-8158-1654

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé. Ảnh: Media Quốc hội

 

Phó thủ tướng nói, đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là khi nước biển dâng. Đây là nguy cơ, thách thức rất lớn. Thời gian qua, Đảng, Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này. Trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ về vùng đồng bằng sông Cửu Long đều có nội dung ứng phó biến đổi khí hậu.

Để đầu tư nguồn lực, giai đoạn 2011-2020, ngân sách trung ương đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long không dưới 1% tổng chi ngân sách hàng năm. Năm 2011-2020, Chính phủ đã huy động được hơn 6,9 tỷ USD nguồn vốn ODA để bảo vệ môi trường, riêng hỗ trợ đồng bằng sông Cửu Long là 1,5 tỷ USD. Đồng thời, các cơ quan tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực để ứng phó biến đổi khí hậu vùng này.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt liên quan đến hạ tầng giao thông. Trong 5 năm tới Chính phủ sẽ đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng phát triển giao thông vận tải ở vùng này.

Tại hội nghị về vùng đồng bằng sông Cửu Long trước đây, Thủ tướng yêu cầu huy động 2 tỷ USD phát triển nơi này. Chính phủ tiếp tục có quy hoạch liên kết vùng, phát huy tiềm năng lợi thế vùng, xúc đẩy xúc tiến thương mại.

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top