Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi đã làm nhiều tỉnh, thành thiệt hại nặng; còn hiện nay, dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp. Là tỉnh có đàn gia súc, gia cầm lớn, Bắc Giang đã và đang đẩy mạnh công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.
Chuẩn bị công bố hết dịch tả lợn châu Phi
Ngay khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại một số địa phương, Bắc Giang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng phương án, kế hoạch cũng như kiện toàn ban chỉ đạo, thành lập các đoàn kiểm tra, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng chống dịch.
Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị nên sau 7 tháng có dịch, Bắc Giang đã kiểm soát và khống chế được dịch.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, cuối năm 2019, UBND tỉnh Bắc Giang đã phân bổ 291.460.000.000 đồng hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy. Ngày 10/2/2020, tỉnh Bắc Giang tạm ứng kinh 107.116.432.500 đồng từ ngân sách tiếp tục hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi. Số lợn tiêu hủy 276.756 con, tổng trọng lượng 14.698,7 tấn.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Dương, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang, cho biết, đến nay tỉnh có 230/230 xã đã qua 30 ngày không có lợn chết do dịch tả châu Phi. Chi cục đang tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương, hướng dẫn thẩm tra các điều kiện để công bố hết dịch khi đủ điều kiện.
Cùng với đó, Bắc Giang xác định tái đàn lợn là nhiệm vụ quan trọng nhưng phải đảm bảo an toàn, không vội vàng, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện nghiêm các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học cũng như điều kiện nuôi.
Các cơ sở chăn nuôi muốn tái đàn phải được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc cơ sở chăn nuôi đã đăng ký tham gia chương trình giám sát dịch bệnh hoặc cơ sở chăn nuôi có quy trình và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Lợn sử dụng trong tái đàn phải khỏe mạnh và có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, khuyến cáo, bà con nông dân tái đàn vừa phải, tránh tái đàn với quy mô lớn để giảm bớt áp lực về dịch bệnh.
Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm
Bắc Giang hiện có 17,770 triệu con gia cầm. Do nhiều tỉnh lân cận có dịch cúm nên công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, được tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống.
Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang đã thành lập 03 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại 10 huyện, thành phố. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ dịch bệnh, hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở và cán bộ khuyến nông cơ sở, đảm bảo dịch bệnh phải được phát hiện sớm từ khi mới phát sinh để xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.
Với phương châm phòng bệnh là chính, năm 2019, Bắc Giang đã tổ chức tiêm phòng 11,900 triệu liều vắcxin cúm gia cầm, trong đó tỉnh hỗ trợ kinh phí mua 2,5 triệu liều. Năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng Kế hoạch dự trù hỗ trợ cho người chăn nuôi 1,529 triệu liều vắcxin cúm để tổ chức tiêm phòng. Tuyên truyền để người chăn nuôi chủ động mua vắcxin tiêm phòng triệt để cho đàn gia cầm.
Hằng năm, Bắc Giang triển khai hai đợt vệ sinh tiêu độc khử trùng tập trung, trong đó, tỉnh, huyện hỗ trợ một phần kinh phí hóa chất, các xã hỗ trợ mua vôi bột, hộ chăn nuôi góp công và mua một phần vôi bột.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang đã phân bổ 8.900 lít hóa chất cho 10 huyện, thành phố triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng (đợt 1) môi trường từ ngày 10/02/2020 đến 10/3/2020. Mỗi xã chủ động mua 10 tấn vôi bột để thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng tại địa phương mình; tuyên truyền để mỗi trang trại mua ít nhất 1 tấn vôi bột để thực hiện vệ sinh khử trùng tại cơ sở. Việc vệ sinh tiêu độc khử trùng chỉ thực hiện sau khi vệ sinh cơ giới sạch sẽ, tần suất thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng mỗi tuần một lần.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý chặt nguồn gốc gia cầm tại các chợ, điểm kinh doanh có liên quan đến hoạt động buôn bán, vận chuyển, thu gom, tập kết, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm. Tăng cường kiểm tra và xử lý các điểm giết mổ gia cầm trái phép, các trường hợp vi phạm.
Nhờ chủ động trong việc phòng chống dịch, từ năm 2019 đến nay, Bắc Giang không có dịch cúm gia cầm xảy ra.
Yên Thế chủ động phòng chống dịch cúm
Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế, cho biết, Yên Thế hiện còn 2 triệu con gà. Trước Tết, huyện đồng loạt ra quân làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng ở các đường làng ngõ xóm, các chợ, nơi tập trung đông người, hết 55 tấn vôi bột và 800 lít hóa chất; chăm sóc chống đói rét, tiêm phòng vắcxin theo đúng quy định.
Sau Tết, huyện tiếp tục làm vệ sinh hết 25 tấn vôi và 10.000 lít hóa chất. Ở các hộ dân, 5-7 ngày làm vệ sinh một lần. Có khoảng 500.000 con gà thuộc diện phải tiêm phòng, đến nay đã tiêm được gần 300.000 con, dự kiến sang tuần là tiêm hết.
Theo ông Đông, Phòng đã phối hợp chặt chẽ với Tổ kiểm dịch của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm soát chặt lượng gia cầm ra ngoài địa bàn; đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra nguồn vào, đảm bảo rõ nguồn gốc, đôn đốc các hộ, thương lái khi vào thu mua phải thực hiện nghiêm việc tiêu độc khử trùng các phương tiện.
Về giải pháp thời gian tới, huyện sẽ tập trung vệ sinh tiêu độc khử trùng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tập trung tiêm phòng triệt để, giám sát, quản lý tổng đàn, nâng cao chất lượng, tạo điều kiện cho thương nhân, thương lái vào thu mua, thông qua các kênh liên hệ, giới thiệu các hộ chăn nuôi quy mô lớn.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời tiết giao mùa ảnh hưởng tới việc vệ sinh tiêu độc khử trùng, dịch bệnh phát sinh ở nhiều tỉnh tác động đến tâm lý người tiêu dùng nên gà thịt hiện tiêu thụ chậm.
Theo ông Đông, trước Tết giá gà 75.000 - 80.000 đồng/kg (thu lãi 30 - 35 triệu đồng/1.000 con). Sau Tết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá bán chỉ còn 55.000 - 60.000 đồng/kg (đảm bảo có lợi nhuận nhưng không cao). Nhận định diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm và dịch Covid-19 nên trước Tết Nguyên đán, Yên Thế đã định hướng các hộ nuôi giảm đàn cho phù hợp. Người dân đã thực hiện tốt việc này.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu tháng 1 đến ngày 24/2/2020, cả nước xuất hiện 34 ổ dịch cúm gia cầm; trong đó có 29 ổ dịch do virus cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do viruscúm A/H5N1 tại 10 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Trà Vinh, Thái Bình, Bình Dương, Ninh Bình và Hải Phòng (1 ổ dịch tại Quảng Ninh đã qua 21 ngày). Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy là hơn 100.000 con. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo đúng quy định của Luật Thú y, “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025” và các văn bản chỉ đạo khác. Bộ tiếp tục tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức phòng, chống dịch bệnh. Bộ sẽ tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành vi rút, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; tăng cường giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Các địa phương tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh; tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch. Bộ cũng sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trong việc chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam tổ chức phòng, chống dịch có hiệu quả… |
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.