Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 12 năm 2020 | 13:44

Bắc Giang: Đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh đối với đàn lợn, gà phục vụ Tết

Bắc Giang hiện có trên 1 triệu con lợn, 18,4 triệu con gia cầm, trong đó có một lượng lớn chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán.

Thêm nữa, với vị trí nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng nên là đường vận chuyển hàng hóa quan trọng nhưng cũng là kẽ hở trong việc lây lan dịch bệnh.

 

t36.jpg
Hiện, Bắc Giang có khoảng 5 triệu con gà, 300.000-400.000 con lợn được người chăn nuôi chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán.

 

Để bảo vệ đàn gia cầm, đàn lợn, Bắc Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp để phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn nguồn lây.

Phóng viên Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Xin ông cho biết, nguồn thực phẩm là lợn và gà phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Bắc Giang đã chuẩn bị đến đâu?

Bắc Giang hiện có hơn 1 triệu con lợn, 18,4 triệu con gia cầm, trong đó riêng đàn gà đạt gần 16 triệu con. Theo thống kê có khoảng 5 triệu con gà, 300.000-400.000 con lợn được người chăn nuôi chuẩn bị phục vụ Tết.

Để bảo vệ đàn lợn, cơ quan chuyên môn tham mưu cho tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2021-2025, trong đó tỉnh cấp kinh phí để vệ sinh tiêu độc khử trùng, hướng dẫn nuôi theo mô hình sinh học, hỗ trợ kinh phí lấy mẫu đi xét nghiệm khi lợn vận chuyển từ tỉnh khác về hoặc lợn trong tỉnh xuất bán.

Đối với đàn gà, tỉnh có kinh phí để phục vụ phòng chống dịch, được thực hiện ngay từ đầu năm như: tiêm phòng, tiêu độc khử trùng theo định kỳ.

Gần Tết, nhu cầu vận chuyển hàng hóa ra/vào Bắc Giang khá lớn, khả năng lây lan dịch cao. Tỉnh có kế hoạch như thế nào để ngăn chặn nguồn lây, thưa ông?

Từ nay đến Tết Nguyên đán 2021, lượng vận chuyển hàng hóa rất lớn. Để tăng cường công tác kiểm soát, đưa sản phẩm đảm bảo an toàn ra thị trường, cơ quan chuyên môn của tỉnh đã giao nhiệm vụ rất cụ thể, anh em đi kiểm soát đến tận các trang trại chăn nuôi để khi xuất đi các tỉnh hoặc xuất đến các điểm giết mổ sẽ truy xuất, kiểm soát được tận gốc đối với đàn lợn và đàn gà.

Đối với vận chuyển trên đường, tỉnh đã thành lập các tổ kiểm tra liên ngành hoạt động liên tục làm sao chủ động ngăn chặn việc nhập lậu gia súc, gia cầm, xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển không có giấy phép.

Năm 2019, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, lợn bị chết tập trung ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, gần như trang trại quy mô lớn không bị mắc dịch. Thời gian tới, tỉnh có kế hoạch gì để hướng tới sản xuất tập trung, hạn chế dịch bệnh, thưa ông?

Bắc Giang hiện có gần 400 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, các gia trại chăn nuôi dưới 3.000 con khoảng mấy nghìn hộ, còn lại là các hộ nuôi nhỏ lẻ.

Năm 2019, qua thống kê thiệt hại về dịch tả lợn châu Phi, chủ yếu là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ chưa thực hiện chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, nên khi tái đàn rất khó, khi đã tái đàn cũng rất dễ bị dịch trở lại. Do vậy, cơ quan chuyên môn không khuyến khích phát triển ở các hộ này mà khuyến khích đưa các hộ đủ điều kiện phát triển lên chăn nuôi tập trung với quy mô lớn. Còn những hộ không phát triển được thì nên chuyển sang chăn theo hướng khác mà khả năng nuôi theo an toàn sinh học dễ hơn như: chăn nuôi gà, chim, thỏ, dê…

Đặc biệt, tại cuộc họp HĐND tỉnh vừa qua, ngành nông nghiệp đã tham mưu, thông qua Hội đồng cơ chế chính sách phát triển theo chuỗi, hướng dẫn tất cả các hộ chăn nuôi chưa đủ điều kiện chăn nuôi quy mô lớn thì tham gia các chuỗi cùng doanh nghiệp để chăn nuôi an toàn sinh học. Khi tham gia chuỗi, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ kỹ thuật, trang thiết bị, trong đó Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí.

Năm 2020, Bắc Giang đã tham gia một số chuỗi, trong chăn nuôi có chuỗi liên kết tiêu thụ gà nuôi theo mô hình an toàn sinh học. Khi hộ nuôi tham gia, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ giống, thức ăn theo chuỗi khép kín, thu mua tiêu thụ sản phẩm giúp người dân. Đây là xu hướng phát triển trong thời gian tới của tỉnh.

Xin ông cho biết thêm về thực trạng nuôi theo mô hình an toàn sinh học đối với đàn lợn, đàn gà cũng như thực hiện chuỗi liên kết đối với 2 loại con này?

Hiện, khoảng 50% tổng đàn lợn của Bắc Giang nuôi theo mô hình an toàn sinh học, 50% còn lại  sẽ tiếp tục áp dụng tăng dần lên. Năm 2021, có khoảng 10 lớp tập huấn cho các hộ chăn nuôi nhỏ, hướng dẫn họ chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học.

Bắc Giang hiện có 10 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với sản lượng chiếm khoảng 10% tổng đàn lợn. Dự kiến giai đoạn 2021-2025 sẽ chiếm tỷ lệ lớn hơn, từ đó tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm.

Đối với gà nuôi theo mô hình an toàn sinh học, sẽ chiếm khoảng 60% tổng đàn của tỉnh, đa số các hộ nuôi gia cầm đều sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý môi trường, kể cả chăn nuôi gà đồi.

Cuối năm là thời điểm rất nhiều dịch bệnh có thể xảy ra. Đê bảo vệ đàn gà, đàn lợn, đặc biệt là lượng gà, lợn phục vụ Tết, Bắc Giang đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Cơ quan chuyên môn đã tham mưu cho tỉnh sớm tổ chức các đợt tiêm phòng đại trà ngay từ đầu năm. Dự kiến, tháng 1/2021 sẽ tiêm phòng đại trà các loại vắc xin, một là vắc xin Nhà nước hỗ trợ, hai khuyến cáo người dân đầu tư thêm những loại vắc xin cơ bản khác tiêm phòng ngay từ tháng 1 để chủ động phòng chống.

Chi cục cũng đang phát động Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng trước Tết Nguyên đán. Hiện, đang xin tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí để cùng người dân thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng, nâng cao ý thức người dân trong phòng chống dịch bệnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Chặng đường 25 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

    Chặng đường 25 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

    “Trong những ngày đầu tháng 12 này, Khu đền tháp Mỹ Sơn cùng với Đô thị cổ Hội An tròn 25 năm ngày được Unesco công nhận Di sản văn hóa của nhân loại. Niềm vinh dự này, không phải địa phương nào cũng có được, tôi xin được chia sẻ niềm vui và niềm tự hào này đối với thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên, chúc cho công tác bảo tồn các di sản ngày càng tốt đẹp, đạt được những thành công hơn nữa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nói.

  • Kon Tum: Hội diễn giới thiệu 15 ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông

    Kon Tum: Hội diễn giới thiệu 15 ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông

    Ngày 2/12, ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết, qua phát động đã có 15 ca khúc tham gia cuộc thi sáng tác ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông.

  • Hà Tĩnh tổ chức Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

    Hà Tĩnh tổ chức Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

    Tối 28/11, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật các tỉnh: Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Lâm Đồng và Hà Tĩnh.

Top