Để cường dân tộc, các sỹ phu yêu nước đã phát động phong trào “chấn hưng thực nghiệp” ở nước ta đầu thế kỉ XX bằng việc thành lập các “nông hội”, “thương hội”.
Các sỹ phu dùng văn chương, báo chí để kêu gọi người dân tham gia với những bài hò, vè đã in sâu trong lòng người.
Phong trào ra đời cùng thời đại
Bước sang đầu thế kỷ XX, trên phạm vi thế giới, chủ nghĩa tư bản đã chuyển từ tự do cạnh tranh sang độc quyền, cùng với đó là quá trình đẩy mạnh việc xâm lược và tìm kiếm thị trường thuộc địa. Ở nước ta, do chịu tác động từ chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, đã chuyển từ nước phong kiến độc lập sang thuộc địa nửa phong kiến, tình hình đất nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng, nền kinh tế què quặt, lạc hậu, đời sống nhân dân cực khổ.
Trong bối cảnh đó, xuất phát từ những yêu cầu của dân tộc, các sĩ phu yêu nước như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp,... đã phát động phong trào Duy Tân với mục đích “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Được tổ chức dưới nhiều hình thức như: Du học, chấn hưng thực nghiệp, cải cách giáo dục, canh tân văn hóa... Những chủ trương trong phong trào Duy Tân đã dẫn đến sự ra đời hoạt động chấn hưng thực nghiệp và Trung kỳ được xem tiêu biểu nhất.
Với những chủ trương, biện pháp nhằm cải thiện đời sống nhân dân, phát triển kinh tế đất nước, hoạt động chấn hưng kinh tế được tiến hành trên nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ... Những sĩ phu yêu nước đã vận động, khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế bằng khả năng và điều kiện vốn có của mình dưới nhiều hình thức như lập “nông hội”, “thương hội”, mục đích là hợp tác, đoàn kết giúp nhau trong việc làm ăn, buôn bán, với chủ trương làm giàu cho quê hương, đất nước.
Bắt đầu từ Quảng Nam, nhiều “nông hội”, “thương hội” ra đời và ngày càng mở rộng, có thể kể đến như: Nông hội Mỹ Sơn ở Duy Xuyên, với diện tích khá lớn, khoảng 40 - 50 mẫu. Hay ở Quảng Ngãi, có Hội canh nông ở làng Tình Phú do Nguyễn Bá Loan làm Hội trưởng, đã sản xuất trên diện tích 40 mẫu với sự tham gia của gần 70 hội viên… Với những biện pháp mở các cuộc khẩn hoang nhằm tăng diện tích canh tác; nhiều chủng loại cây trồng được đưa vào thâm canh như quế, ngô, đậu, sắn, chè, ngũ cốc... Phong trào mở vườn chè, lập vườn quế ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh việc phát triển nông nghiệp, các hoạt động về công - thương nghiệp cũng diễn ra sôi nổi; nhiều công ty, hội buôn là con đẻ của phong trào Duy Tân đã tạo ra trường hoạt động cho mình trên địa bàn khá rộng như: Công ty Phượng Lâu buôn tơ lụa từ Bắc kỳ vào Trung kỳ, Quảng Nam hiệp thương công ty buôn bán từ Quảng Nam đi Sài Gòn và Hà Nội, Liên Thành - công ty buôn bán ở Phan Thiết buôn vào Sài Gòn và sang tận Cao Miên (Campuchia)...
Tuyên truyền vận động
Để hoạt động chấn hưng thực nghiệp có kết quả, các sỹ phu dùng văn chương, báo chí để kêu gọi, tập hợp quần chúng tham gia, với những bài ca, hò, vè đã in sâu trong lòng người; lập những trường học để dạy việc thực nghiệp. Nội dung của những bài thơ, hay những bài ca, hò, vè lên án những tồn tại lạc hậu của xã hội đương thời, hướng dẫn nhân dân từng vấn đề thiết yếu trong việc duy tân đất nước. Cụ thể, khuyên học các môn khoa học, công nghệ, học kinh doanh, học buôn bán,... như bài Phú cải lương của Nguyễn Thượng Hiền, hay “Bài ca khuyên hợp thương” của Trần Quý Cáp. Các cụ tìm những đầu đề hấp dẫn, khêu gợi, đề ra những biện pháp cải tạo sản xuất cho phù hợp với nhu cầu cuộc sống của người dân, phù hợp với tâm lý quần chúng nhân dân.
Trong quá trình tham gia các “nông hội”, “thương hội”, nhân dân được nghe những bài hò, vè về khuyến nông, khuyến thương, từ đó nhận thức rõ hơn bản chất của bọn thực dân Pháp và phong kiến Nam Triều. Trong đó như, bài Hợp quần doanh thuyết của Nguyễn Thượng Hiền cũng đã nêu lên những chủ trương kêu gọi nhân dân làm kinh tế như: góp tiền lập hội buôn bán gây lời, phát triển sản xuất thủ công nghiệp… và bài Phú cải lương, ông đã dùng ngôn ngữ “dân gian” để trình bày ý tứ “cách tân” đất nước dễ đi vào lòng người.
Ngoài ra, các sĩ phu yêu nước còn lập trường học để dạy cho nhân dân vấn đề thực nghiệp, tổ chức những buổi diễn thuyết nhằm tuyên truyền những chủ trương,.. Nhà trường còn ra sức cổ động, hô hào công cuộc chấn hưng bằng cách đưa vấn đề thực nghiệp vào làm nội dung chính trong dạy, học. Bên cạnh đó, còn chủ trương vận động nhân dân bỏ những hủ tục lạc hậu như: mê tín dị đoan, ma chay, cưới hỏi rườm rà, cờ bạc, rượu chè,... để xây dựng những nếp sống mới, văn minh tiến bộ hơn.
Từ đó, người dân hình thành được quan điểm mới mẻ về nông nghiệp, tiếp thu phương thức sản xuất với biện pháp canh tác tiến bộ trong khai hoang lập nghiệp. Theo đó, diện tích trồng trọt tăng lên, các loại giống cây trồng có năng suất cũng được đưa vào canh tác, xuất hiện nhiều yếu tố mới trong lao động sản xuất.
“Cuộc cách mạng kinh tế”
Từ nhận thức “dân là chủ của đất nước”, những sĩ phu yêu nước tiến bộ đã vận động nhân dân thực hiện hoạt động chấn hưng thực nghiệp nhằm cải thiện đời sống. Các sĩ phu yêu nước nhận thấy, để phát triển đất nước, xoá bỏ các chướng ngại làm trì trệ xã hội và làm cho đất nước giàu mạnh thì phải tiến hành chấn hưng nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân; phát triển kinh tế đất nước dưới thời thuộc địa, nhưng mục đích cao nhất là giải phóng dân tộc.
Với sự phát triển của những “hội nông”, “hội thương”, nhu cầu trao đổi hàng hóa tăng lên, từ đó dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của yếu tố kinh tế thị trường, thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển. Trong buôn bán, trao đổi đã đưa đến giao lưu giữa các dân tộc, vùng miền, làm gắn kết thêm khối cộng đồng dân tộc và tạo điều kiện thuận lợi trong việc tập hợp lực lượng đấu tranh. Với mục tiêu “Dân thịnh, nước cường”, các sĩ phu yêu nước đã đem hết tinh thần và vật chất nhằm tiến hành một cuộc cách mạng kinh tế.
Cụ thể như “Hội canh nông” ở làng Tình Phú - Quảng Ngãi do Nguyễn Bá Loan làm Hội trưởng không chỉ là nơi kinh doanh buôn bán mà còn là nơi liên lạc và cung cấp tài chính cho các hoạt động khác của phong trào Duy Tân ở Quảng Ngãi. “Nông hội và thương hội đã như bóng với hình nâng đỡ lấy nhau làm người hậu cần cho phong trào Duy Tân” (Nguyễn Sinh Duy - 2005, Quảng Nam và những vấn đề sử học, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, trang 97).
Khi đánh giá về phong trào Duy Tân, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân nhận định, đây là phong trào yêu nước. Ông nói rõ: “Phong trào đi từ các nông hội, học hội ở Quảng Nam, các tỉnh miền Trung và theo con đường mới rất phát đạt từ Phan Thiết (Công ty Liên Thành), tiếp theo miền Bắc mở Đông Kinh Nghĩa Thục vào Nghệ Tĩnh (Triêu Dương thương quán), các hội buôn từ đó phát triển vào Nam là một phong trào không những nặng nề về kinh tế, giáo dục, văn hóa mà còn cả chính trị, kết quả là vụ nhân dân nổi lên chống thuế (1908)”.
PGS.TS. Trương Công Huỳnh Kỳ, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm Huế), đánh giá: “Trong tình hình dân tộc đang chìm đắm trong ách nô lệ của thực dân phong kiến, bằng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau, hoạt động chấn hưng thực nghiệp đã góp phần làm sống lại ý thức tự cường dân tộc. Mục tiêu dân tộc là trên hết, ngoài hoạt động sản xuất, buôn bán thì hoạt động chấn hưng thực nghiệp còn là nơi nuôi dưỡng và thúc đẩy phong trào Duy Tân và những phong trào yêu nước. Từ đó, đưa đến nhiều cuộc đấu tranh chống áp bức, cường quyền, tiêu biểu là cuộc chống thuế ở Trung kỳ năm 1908, đây được xem là đỉnh cao của phong trào đấu tranh nhân dân ở nước ta đầu thế kỉ XX.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.