Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 1 tháng 6 năm 2021 | 16:22

Báo động tình trạng cháy rừng tại nhiều địa phương

Từ giữa tháng 5 đến nay, trên địa bàn cả nước có nắng nóng kéo dài với nhiệt độ từ 35 – 37 độ C, khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng, nhiều địa phương đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp phòng, chữa cháy rừng (PCCCR).

Nghệ An 2 vụ cháy rừng trong 1 ngày

Thông tin từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) Nghệ An, trước đó, vào lúc 14 giờ 55 phút ngày 30/5, Trung tâm chỉ huy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an Nghệ An) nhận được tin báo cháy rừng thông, keo tại xóm 8, xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Ngay lập tức Phòng Cảnh sát PCCC.

Chính quyền địa phương  đã huy động các lực lượng trên địa bàn và các xã lân cận (khoảng 300 người) triển khai công tác chữa cháy rừng.

 

a3.jpg
Đám cháy rừng thông, keo tại xóm 8, xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu (Nghệ An)

 

“Ngay sau khi nhận thông tin cháy rừng ở Diễn Lộc, Diễn Châu, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Diễn Thành huy động tối đa cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện, trang thiết bị cơ động đến hiện trường thực hiện nhiệm vụ chữa cháy”, Thiếu tá Nguyễn Lương Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Diễn Thành cho biết.

Do đây, là khu rừng thông, có thực bì dễ cháy cộng với thời tiết nắng nóng nên công tác dập lửa gặp nhiều khó khăn. Sau hơn một giờ tích cực dập lửa, đám cháy cơ bản được khống chế, không để cháy lan ra xung quanh.

Chiều cùng ngày, tại khu vực núi Nguộc, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương (Nghệ An) cũng xảy ra một vụ cháy rừng. Khu vực rừng bị cháy chủ yếu là thực bì.

Sau khi nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã chỉ đạo lực lượng, phương tiện khẩn trương đến hiện trường, phối hợp với các lực lượng khác và người dân tham gia dập tắt đám cháy và ngăn chặn cháy lan.

Tuy nhiên, đề phòng các đám cháy bùng phát trở lại các lực lượng vẫn duy trì bộ phận thường trực để sẵn sàng ứng phó.

Hiện, nguyên nhân 2 vụ cháy trên đang được cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An điều tra làm rõ.

Nhiều giải pháp được đưa ra sau vụ cháy

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, thời tiết khu vực tỉnh Nghệ An từ ngày 31/5-5/6 cường độ nắng nóng tiếp tục gia tăng, nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao, nhất là tại các huyện đồng bằng, nền nhiệt phổ biến từ 38-39 độ, độ ẩm tương đối thấp. Thời gian có nhiệt độ trên 36 độ từ 10-18 giờ.

Cảnh báo cháy rừng các khu vực trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ ngày 31/5-5/6/2021 cấp dự báo cháy rừng: Từ Cấp IV (Cấp nguy hiểm: Thời tiết khô hanh, hạn kéo dài có nguy cơ xảy ra cháy lớn, tốc độ lan tràn lửa nhanh) đến Cấp V (Cấp cực kỳ nguy hiểm: Thời tiết khô, hạn, kiệt kéo dài, có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh trên các loại rừng).

 

a5.jpg
Các đội PCCC&CNCH (Công an Nghệ An) tiến hành dập tắt đám cháy rừng

 

Trước tình hình này, Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách về bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh Nghệ An đề nghị UBND các huyện, thành, thị; lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng  tập trung cao nhất, chỉ đạo làm tốt công tác phòng chống cháy rừng:

Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 10/CT-UBND ngày 26/02/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2021. Làm tốt công tác cảnh báo, dự báo cấp cháy rừng đến người dân; cắt cử, phân công lực lượng thường trực 24/24h phòng cháy chữa cháy rừng nhất là tại các huyện nguy cơ cháy cao như Nghi Lộc, Yên Thành, Diễn Châu, Thanh Chương, Nam Đàn, Đô Lương, Thành Phố Vinh, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai. Các Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR; các chủ rừng duy trì chế độ thường trực tại các chòi canh lửa và tại đơn vị để kịp thời phát hiện, xử lý khi cháy rừng xảy ra.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và ven rừng của người dân; nghiêm cấm các hoạt động xử lý thực bì bằng sử dụng lửa và những hoạt động có sử dụng lửa khác: như đốt vàng mã, đốt ong lấy mật, đốt rác... có nguy cơ gây ra cháy rừng khi dự bảo cấp cháy rừng cấp IV trở lên, nhất là các khu rừng trọng điểm như khu mộ bà Hoàng Thị Loan, khu vực Núi Chung, khu mộ vua Mai Hắc Đế, lâm viên núi Quyết, khu vực Đền Cuông...

Khi cháy rừng xảy ra, Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND huyện, thành, thị có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo, điều động lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy chữa cháy theo phương án đã được phê duyệt; Đối với các khu rừng gần với khu dân cư, kho tàng, khi xảy ra cháy, phải chủ động có phương án di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân và các lực lượng khi tham gia chữa cháy rừng.

Kiểm tra, rà soát lại Phương án phòng cháy chữa cháy rừng để khắc phục ngay những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện phương án tác chiến chữa cháy rừng tại các địa phương, nhất là công tác huy động lực lượng, hậu cần và chỉ huy chữa cháy rừng để chủ động ứng phó trong trường hợp có cháy rừng xảy ra.

Sau khi dập tắt đám cháy, đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng tại chỗ canh phòng hiện trường, rà soát dập tắt hết tàn lửa, đề phòng cháy rừng bùng phát trở lại.

Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện, thị xã, thành phố kịp thời tham mưu báo cáo nhanh các vụ cháy rừng trên địa bàn về BCH các vấn đề cấp bách về bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh Nghệ An năm 2021 kịp thời, đúng quy định (qua Chi cục Kiểm lâm). 

Phú Yên: Tăng cường công tác kiểm tra, chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cho biết, tình trạng nắng nóng đang diễn biến phức tạp, hiện thảm thực bì ở một số khu rừng trên địa bàn tỉnh đã khô, nếu không cẩn thận rất dễ phát sinh lửa và gây cháy rừng, nhất là các địa phương ở miền núi. Để chủ động ứng phó, đến nay hầu hết các địa phương, chủ rừng đã xây dựng phương án, kiện toàn ban chỉ huy và thành lập các tổ, đội bảo vệ và PCCCR.

Theo UBND xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp ở địa phương hơn 2.240ha, trong đó diện tích đất có rừng trồng đến nay hơn 2.280ha. Ông Trần Quốc Thạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hội, cho biết: Do địa hình phức tạp với độ dốc cao nên gặp khó khăn trong việc đi lại, ảnh hưởng đến công tác huy động nhân lực, trang thiết bị, dụng cụ PCCCR khi có cháy rừng xảy ra. Kinh phí cho việc mua sắm các trang thiết bị PCCCR chưa được cấp trên phân bổ nên chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Địa phương kiến nghị tỉnh và huyện quan tâm bố trí kinh phí bảo vệ rừng và PCCCR hàng năm kịp thời, đầy đủ để hoạt động lâm nghiệp tại địa phương thuận lợi hơn; đồng thời tiến hành xây mới, sửa chữa các hệ thống bảng, biển tuyên truyền, bảng cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn để phát huy vai trò công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và PCCCR.

Trước vấn đề này, Chi cục Kiểm lâm Phú Yên đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra công tác PCCCR trên địa bàn 7 huyện, thị gồm 8 đơn vị là chủ rừng (các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và các tổ chức trồng rừng kinh tế), 2 hạt kiểm lâm và 6 UBND cấp xã.

 

a31.jpg
Đại diện các cơ quan kiểm tra công tác PCCCR năm 2021 tại khu rừng trồng của Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên ở huyện Sơn Hòa. Ảnh: ANH NGỌC

 

Qua công tác kiểm tra Ông Nguyễn Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, cho biết: Tất cả đơn vị được kiểm tra đã xây dựng phương án PCCCR, tuy nhiên phương án của UBND các xã về nội dung chưa thật sự cụ thể, còn chung chung, khả năng áp dụng vào thực tế chưa cao, đa phần chưa đảm bảo các nội dung theo quy định, chưa đề cập tình huống cháy để có đề xuất từng giải pháp triển khai huy động lực lượng, phương tiện, hậu cần chữa cháy rừng cho phù hợp với đặc điểm từng vùng, địa hình trọng điểm cháy trên diện tích quản lý.

Các hạt kiểm lâm đã góp ý về phương án PCCCR của các chủ rừng và UBND xã, tuy nhiên việc góp ý chưa đạt hiệu quả cao. Các hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng xây dựng phương án PCCCR đạt tỉ lệ rất thấp. Công tác tuyên truyền các quy định về bảo vệ rừng và PCCCR có triển khai, nhưng chưa được thường xuyên, sâu rộng, chưa phù hợp với thực tế ở một số địa phương.

Để khác phụ tình trạng trên, Ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo, "trong thời gian tới các địa phương và các chủ rừng khẩn trương bổ sung, hoàn thiện các phương án PCCCR, khắc phục những thiếu sót mà đoàn kiểm tra công tác PCCCR đã nêu. Hiện Phú Yên nằm trong khu vực báo động nguy cơ cháy rừng, các địa phương cần thông báo rộng rãi cho chủ rừng và người dân biết để tạm dừng mọi hoạt động có sử dụng lửa trong rừng, ven rừng và dùng lửa đốt thực bì trong suốt mùa khô năm nay. Các đơn vị liên quan cần thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng, kịp thời thông báo cho các chủ rừng và người dân biết để chủ động phòng cháy rừng và triển khai lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy rừng".

 

 

 

PV (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top