Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 11 năm 2017 | 3:13

Bão số 12: Ninh Thuận di dời dân vùng xung yếu, Khánh Hòa họp khẩn

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 12, các tỉnh thuộc khu vực bị ảnh hưởng đang dồn lực ứng phó.

Ninh Thuận chủ động di dời dân ở những vùng xung yếu

Ninh Thuận hiện có 2.770 tàu, thuyền đang hoạt động trên biển. Thực hiện công điện của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận đang khẩn trương triển khai công tác phòng, chống cơn bão thứ 12, trong đó, chú trọng đến việc rà soát số lượng tàu thuyền đang hoạt động đánh bắt hải sản ngoài khơi, tăng cường kêu gọi các tàu, thuyền về nơi tránh trú an toàn.

 

bao so 12 ninh thuan di doi dan khanh hoa hop khan hinh 1
Tàu thuyền neo đậu xếp lớp bên trong cửa biển Phan Thiết, Bình Thuận

 

Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng tỉnh Ninh Thuận, đến thời điểm này, có 2.266 tàu thuyền, với 12.208 thuyền viên đã về nơi neo đậu an toàn.

Hiện còn 587 tàu thuyền, với hơn 5.000 thuyền viên đang hoạt động khai thác trên biển, các đơn vị đã liên lạc được với số tàu thuyền này và đang trên đường vào bờ tránh trú bão.

Ngoài số lượng tàu thuyền của tỉnh đang tạm tránh trú bão tại Cảng cá Cà Ná, hiện nay, số lượng tàu thuyền của các tỉnh bạn đến neo đậu tại Cảng chiếm số lượng khá lớn, chủ yếu là các tỉnh miền Trung, với 193 chiếc và 770 thuyền viên.

Trạm kiểm soát biên phòng Cà Ná, Đông Hải, Ninh Chữ và Cảng cá Cà Ná, Đông Hải hướng dẫn các tàu thuyền di chuyển vào phía trong cảng, không neo đậu ngoài cửa biển.

Khoảng cách giữa các tàu được đảm bảo tránh va đập, luồng, tuyến cũng được phân định quy cũ để tăng diện tích cho các tàu vào cảng và tạo điều kiện cho các thuyền viên lên bờ. 

Cùng với việc di dời tàu thuyền, chủ động phòng tránh bão, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các ngành, địa phương theo dõi diễn biến của thời tiết; tổ chức trực 24/24h nắm chắc tình hình, kịp thời chỉ đạo phương án ứng phó cần thiết. Đối với các công trình xây dựng trọng điểm đang thi công cần có phương án di dời, đảm bảo tuyệt đối an toàn tài sản, tính mạng con người.

Riêng về tình hình hồ đập, theo báo cáo của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, hiện nay 21 hồ đập trên địa bàn tỉnh, lượng nước tích đạt trên 78% dung tích thiết kế.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhằm đảm bảo cho các hồ, đập vận hành an toàn, điều tiết nước hợp lý, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi đã chỉ đạo Ban Quản lý các hồ, đập tăng cường công tác trực 24/24h, bám sát mực nước trong hồ để kịp thời vận hành, điều tiết xả lũ phù hợp.

Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các địa phương cần có kế hoạch chủ động di dời dân ở những vùng xung yếu, ven sông suối, hồ đập, vùng nguy cơ sạt lở cao, vùng lũ quét.

Bình Thuận chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 12

Sáng 3/11, trên bến sông Cà Ty, bên trong cửa biển Phan Thiết, Bình Thuận rất đông tàu thuyền đã vào tránh bão.

Hàng trăm chiếc tàu công suất lớn nằm cạnh nhau, kín cả bến sông. Một số tàu cá công suất nhỏ chuyên đánh bắt gần bờ, sáng nay khi bán xong hải sản cũng đã tạm ngưng công việc, tìm chỗ đậu, giăng buộc dây neo cẩn thận.

Hầu hết ngư dân đều cảnh giác trước mức độ nguy hiểm của cơn bão số 12.

 

bao so 12 ninh thuan di doi dan khanh hoa hop khan hinh 2
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng làm việc với tỉnh Bình Thuận

 

Ông Nguyễn Văn Hiệp, ngư dân phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết nói: “Mấy anh em đây đang đánh bắt ở khu vực Đông Bắc đảo Côn Sơn, khi nghe tin áp thấp nhiệt đới là chạy về trước khoảng 2 ngày. Vào bờ, nghe tin áp thấp nhiệt đới đã thành bão số 12 đang đổ bộ vô các tỉnh Nam Trung Bộ nữa, cho nên giờ phải ở nhà chờ qua cơn bão mới đi biển trở lại”.

Cũng trong sáng 3/11, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng dẫn đầu, đến kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 12 tại tỉnh Bình Thuận.

Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới và bão số 12, tỉnh Bình Thuận đã triển khai nghiêm túc công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, sở ngành liên quan sẵn sàng chuẩn bị phương án ứng phó.

 

bao so 12 ninh thuan di doi dan khanh hoa hop khan hinh 3
Sáng nay, rất đông tàu thuyền đánh cá neo đậu dọc hai bên bờ sông Cà Ty, Phan Thiết.

 

Trong sáng nay, tất cả 7.399 tàu thuyền với hơn 379.000 ngư dân của tỉnh đã vào nơi trú ẩn an toàn.

Trên 400 tàu thuyền được kéo lên bờ. 85 lồng bè nuôi cá trên biển ở đảo Phú Quý và huyện Tuy Phong đã chằng néo, gia cố.

Các hồ chứa trên địa bàn đều bố trí cán bộ, nhân viên trúc trực 24/24h, điều tiết nước, đảm bảo an toàn hồ đập.

Các địa phương đã chuẩn bị sẵn phương án 4 tại chỗ, sẵn sàng sơ tán dân ở các khu vực vùng núi có nguy cơ sạt lở. Theo dõi các điểm sạt lở ở các tuyến giao thông từ Bình Thuận đến Lâm Đồng.

Theo thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, diễn biến thời tiết hiện nay rất phức tạp do có thêm đợt không khí lạnh, khả năng dự báo rất khó nên tỉnh phải sẵn sàng đề phòng những tình huống có thể xảy ra.

Khánh Hòa họp khẩn, cho học sinh nghỉ học

Một trong hai tỉnh nằm ở khu vực bão số 12 có thể đổ bộ, sáng 3/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa tổ chức họp khẩn.

3 ngày qua, khu vực phía Bắc tỉnh Khánh Hòa có mưa lớn, gây ngập lụt tại một số địa phương.

 

bao so 12 ninh thuan di doi dan khanh hoa hop khan hinh 4
Biển Nha Trang đã cắm biển cấm tắm

 

Mưa lớn làm 1 người mất tích, 5 nhà dân bị sập, hư hỏng, hơn 1600 ha lúa, hoa màu, ao hồ nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Hiện, tỉnh Khánh Hòa đang tập trung ứng phó với bão số 12.

Theo dự báo, đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa trong vòng 35 năm qua.

Các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương kiểm tra việc neo, đậu, sắp xếp tàu, thuyền tại các địa điểm tránh, trú bão, tổ chức sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm; bố trí lực lượng chốt chặn, kiên quyết không để người dân qua lại các đoạn đường ngập lụt, vùng sạt lở; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa; cấm tàu đánh cá, tàu du lịch và các phương tiện đường thủy khác hoạt động.

Các ngư dân, hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng, bè trên biển phải trở vào bờ trước 16h hôm nay.

Sáng nay, tỉnh Khánh Hòa đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Hiện nay, các tàu cá hoạt động trên các vùng biển  đã nắm được thông tin về cơn bão số 12 và chủ động phòng tránh.

Theo rà soát của các địa phương, trước khi bão đổ bộ phải sơ tán hơn 133.000 người.

Trong sáng nay, các lực lượng vũ trang đã xuống các địa phương, cấp phát bao cát, giúp dân chằng chống nhà cửa, chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men sẵn sàng ứng phó mưa bão.

Ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu tất cả các đơn vị, địa phương cùng người dân không được chủ quan, triển khai ngay các biện pháp ứng phó với bão số 12.

Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sư tỉnh Khánh Hòa đang phối hợp với các địa phương tổ chức sơ tán người dân trên các lồng bè vào bờ tránh trú bão; điều động hơn 2600 cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ cùng 45 ca nô, 15 ô tô ứng phó với bão.

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đề nghị, công tác ứng phó cơn bão số 12 phải quyết liệt, lãnh đạo các địa phương phân công đến từng địa bàn xung yếu chỉ đạo công tác phòng tránh thiên tai.

Thủy điện Trị An tăng xả tràn

Theo thông báo của Công ty Thủy điện Trị An, để ứng phó với cơn bão số 12, nhà máy Thủy điện Trị An dự kiến sẽ xả tràn với lưu lượng lớn từ 15h chiều nay (3/11).

Hồi 12h ngày 2/11, mực nước ở hồ chứa Thủy điện Trị An đạt cao trình 61,47m, lưu lượng nước trung bình đổ về hồ đạt 740m3/giây, lưu lượng nước qua tuabin phát điện là 820m3/giây.

 

bao so 12 ninh thuan di doi dan khanh hoa hop khan hinh 5
Hồ Trị An chuẩn bị xả tràn chống lũ

Trước diễn biến cơn bão số 12 có khả năng gây mưa lớn trong khu vực, nếu lưu lượng nước về hồ tăng đột biến, nhà máy Thủy điện Trị An sẽ xả nước qua tràn hồ chứa với lưu lượng 150m3 đến 310m3/giây, đưa tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du từ 1.000m3 đến 1160m3/giây.

Tùy theo diễn biến thời tiết, lưu lượng nước xả xuống hạ du của nhà máy có thể thay đổi, nhà máy sẽ liên tục thông báo để chính quyền và nhân dân chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại. Đây là lần thứ 4 trong năm, Thủy điện Trị An xả tràn điều tiết.

Bến Tre gọi thuyền vào bờ, gia cố đê điều

Chủ động ứng phó với bão số 12, tỉnh Bến Tre tiếp tục thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”.

Chính quyền và các ngành chức năng tỉnh tổ chức trực 24/24h, phân công nhiệm vụ cụ thể để kêu gọi hơn 1.400 phương tiện khai thác hải sản vào nơi trú ẩn an toàn, gia cố đê bao tại các vùng nuôi trồng thủy sản, ven biển, cửa sông.

 

bao so 12 ninh thuan di doi dan khanh hoa hop khan hinh 6
Áp thấp nhiệt đới gây mưa to và triều cường dâng cao tại sông Hàm Luông đe dọa các nhà dân ven sông

 

Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tuần tra qua đó cứu sống được 5 ngư dân ngụ tại xã Phước Hưng, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bị nạn trên biển trôi dạt trên bờ; đề nghị Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Khu vực 3 hỗ trợ cứu một tàu cá của ngư dân huyện Ba Tri bị hỏng bánh lái trôi dạt ngoài khơi vào khu an toàn.

Hiện Bến Tre đang vận động và hỗ trợ người dân huyện Thạnh Phú thu hoạch lúa, có kế hoạch bảo vệ 46.000 ha ao nuôi thủy sản và lập danh sách các hộ dân vùng cù lao ven cửa sông, cửa biển để có phương án di tản đến nơi an toàn khi có bão xảy ra. 

UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng hàng trăm bến thủy, bến khách ngang sông hoạt động chưa đảm bảo an toàn khi mưa bão.

Bình Định còn 1 tàu cá hoạt động ở vùng nguy hiểm

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tiềm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai phương án ứng phó với bão số 12.

Từ hôm qua đến sáng nay, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương tỉnh Bình Định đã kiểm đếm, thông báo cho gần 6.500 tàu cá với hơn 44.500 lao động trên biển biết hướng đi của bão số 12 để chủ động di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Hiện còn 1 tàu cá hoạt động ở vùng biển nguy hiểm đang được ngành chức năng và gia đình thông tin để tàu tìm nơi trú tránh an toàn.

Theo dự báo, do ảnh hưởng của bão số 12, trên địa bàn tỉnh Bình Định sẽ có mưa to trên diện rộng.

UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động bố trí người và phương tiện ứng trực đối phó với bão lũ.

Toàn tỉnh hiện còn hơn 4.300 ha lúa đã chín tới, các địa phương đang vận động bà con nông dân khẩn trương thu hoạch và có phương án chằng chống nhà cửa, chuẩn bị lương thực, thực phẩm đề phòng bão lũ gây chia cắt.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định cũng huy động hơn 1.700 cán bộ, chiến sĩ, và hơn 70 phương tiện sẵn sàng ứng cứu người dân khi mưa lũ xảy ra.

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu phải đảm bảo an toàn cho các công trình đê kè, hồ đập, các công trình đang thi công; bố trí lực lượng ứng trực những vùng xung yếu, không cho người dân qua lại các vùng ngập lụt nặng./

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top