Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Ban Chỉ đạo quốc gia yêu cầu các địa phương nâng cao mức cảnh báo, triển khai các biện pháp bảo vệ chặt chẽ các địa điểm xung yếu như bệnh viện, nhà dưỡng lão, cơ sở bảo trợ xã hội,…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chúng ta phải tăng cường các giải pháp để thực sự chung sống an toàn trong dịch bệnh. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Ngày 18/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, các chuyên gia và thành viên Ban Chỉ đạo nhận định, diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn đang tiếp tục tăng nhanh, chưa có dấu hiệu chững lại. Đặc biệt, làn sóng dịch bệnh thứ 2 đang bùng phát mạnh ở những nước mở cửa trở lại sau một thời gian thực hiện cách ly xã hội.
Việc một số nước tuyên bố sản xuất thành công vaccine là tín hiệu tích cực ban đầu, chưa thể giúp thế giới đẩy lùi ngay được đại dịch trong một sớm một chiều.
Về tình hình dịch bệnh trong nước, Ban Chỉ đạo khẳng định các biện pháp ứng phó với ổ dịch ở Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả. GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết ổ dịch Đà Nẵng, Quảng Nam đang được kiểm soát. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây. Các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung cũng đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đối với ổ dịch ở tỉnh Hải Dương chúng ta phải truy vết thật nhanh, xét nghiệm thật nhanh để khoanh vùng dập dịch… Ảnh: VGP/Đình Nam |
Trong những ngày gần đây, đã nổi lên ổ dịch ở tỉnh Hải Dương với ca nhiễm đầu tiên ghi nhận ở quán "Thế giới bò tươi". Bộ Y tế xác định khả năng nguồn bệnh xâm nhập vào quán từ khoảng ngày 25-27/7, cùng chủng virus ở Đà Nẵng. Từ địa điểm này dịch lây lan ra cộng đồng. Hiện đã ghi nhận tổng số 11 trường hợp mắc COVID-19. Trong những ngày tới có thể có thêm ca nhiễm mới.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, ngay từ khi phát hiện ca nhiệm đầu tiên, tỉnh Hải Dương đã và đang quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó. Bộ Y tế cũng đã cử các đoàn xuống hỗ trợ, phối hợp cùng địa phương khẩn trương truy vết thật nhanh, xét nghiệm thật nhanh để khoanh vùng dập dịch…
Nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là hiện hữu và phải đặc biệt lưu ý, tiếp tục nâng mức cảnh báo ở các địa phương, nhất là những đô thị lớn, nơi tập trung đông người, mật độ dân số cao.
Bày tỏ quan ngại khi nhiều địa phương vẫn còn biểu hiện chủ quan, lơ là, Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải nâng cao cảnh giác để có thể phát hiện sớm các ca lây nhiễm trong cộng đồng, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó tránh để dịch bệnh xâm nhập, diễn biến phức tạp.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng đề nghị củng cố đội ngũ các “tổ đặc nhiệm” để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống phát sinh. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Chia sẻ nhận định trên, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng, ổ dịch ở Hải Dương xuất phát từ không gian mở (nhà hàng), rất khó kiểm soát người đến, người đi,… do vậy cần tiến hành đánh giá cụ thể, rút ra bài học để các địa phương thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh tại những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm, phát tán dịch bệnh cao. Bên cạnh các giải pháp y tế, cần triển khai các biện pháp cộng đồng phù hợp, giảm áp lực cho ngành y tế.
Cho rằng vừa qua Bộ Y tế đã triển khai rất hiệu quả các biện pháp về đào tạo, hỗ trợ, chi viện nhân lực kỹ thuật cao cho địa phương, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cần tiếp tục phát huy thực hiện tốt giải pháp này, tiến hành rà soát lại, củng cố đội ngũ các “tổ đặc nhiệm” để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống phát sinh.
Về giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng, các chuyên gia quan ngại khi các địa phương, cơ quan đang triển khai các biện pháp còn khác nhau. Đề nghị phải có chỉ lệnh mới, để triển khai các biện pháp thống nhất, nghiêm ngặt, siết chặt "hệ thống phòng thủ", không để dịch bệnh xâm nhập vào cơ quan công quyền, cơ sở sản xuất kinh doanh, trường học, các tuyến giao thông công cộng, đặc biệt là các địa điểm xung yếu như bệnh viện, trung tâm dưỡng lão, các cơ sở bảo trợ xã hội tập trung các nhóm yếu thế… đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Nhận định dịch bệnh còn kéo dài, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh phải tiếp tục nâng cao cảnh giác trong thời gian dài với những biện pháp để chung sống an toàn với dịch bệnh. Tất cả các cơ quan phải có văn bản hướng dẫn, quán triệt lại và tổ chức kiểm tra việc thực hiện.
Các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài,… vào Việt Nam làm việc; tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc để bảo đảm trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm, vật tư y tế, nâng cao năng lực xét nghiệm, truy vết... đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.
Trước thông tin gần đây xuất hiện tình trạng cơ sở y tế tư nhân tổ chức dịch vụ xét nghiệm COVID-19, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định đây là hoạt động không được phép. Các bệnh viện, cơ sở y tế đủ điều kiện xét nghiệm phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Các địa phương phải quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Tại cuộc họp, các chuyên gia và nhiều đại biểu nêu kinh nghiệm quản lý một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao tại các nước và trong bối cảnh dịch còn kéo dài chúng ta cần thực hiện mạnh hơn một số giải pháp kỹ thuật nhằm xác định, định vị người có nguy cơ để phục vụ việc truy vết và thực hiện chiến lược xét nghiệm có hiệu quả.
Nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy vết các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm hiệu quả, các chuyên gia kiến nghị Ban Chỉ đạo thống nhất giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, trao đổi, thống nhất các nội dung về kỹ thuật, pháp lý, cơ chế kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quy định mang tính bắt buộc chủ thuê bao di động cài đặt các ứng dụng (khai báo y tế điện tử, NCOVI, Bluezone) trên điện thoại thông minh (theo lộ trình phù hợp) để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên tinh thần "chống dịch như chống giặc", tất cả vì lợi ích chung của cộng đồng.
Bên cạnh các biện pháp "định vị mềm" nêu trên để nâng cao hiệu quả truy vết những trường hợp nghi ngờ, cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm triển khai biện pháp “định vị cứng” của một số nước tiên tiến đã áp dụng cho một số đối tượng có nguy cơ cao như đeo vòng điện tử,...
Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ ngành, địa phương triển khai ngay các biện pháp để bảo vệ an toàn cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch (như bác sĩ, công an, quân đội,…); kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan chức năng trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn dịch tễ.
Mọi người dân cần thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch như hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, rửa tay thường xuyên... Một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch là mọi người dân nên và phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, các địa phương cần đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh.
Các thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh lại tính quyết định của thành công trong phòng, chống dịch bệnh là sự vào cuộc của mọi người dân. Nhiều trường hợp tuân thủ đầy đủ các quy định khai báo, cách ly sau khi đi về từ vùng dịch. Các cơ quan chức năng cũng xử lý nghiêm nhiều trường hợp về từ vùng dịch nhưng không khai báo, không thực hiện cách ly. Một số địa phương đã chủ động có các biện pháp chỉ đạo mới, cần thiết trong phòng, chống dịch.
“Một trong những yếu tố quyết định thành công của giai đoạn 1 là chúng ta đã bằng tất cả các giải pháp tổng hợp, từ chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, nêu gương cho đến xử phạt, đã huy động được mọi người dân thực sự vào cuộc chủ động phòng, chống dịch vì mình, vì người thân và toàn xã hội.
Thời gian qua do thực tế chúng ta kiểm soát được dịch bệnh tốt dài ngày cho nên có tâm lý lơi lỏng. Bây giờ là lúc phải nhìn vào thực tế dịch bệnh còn kéo dài, ít nhất 1 năm nữa vaccine mới có thể đến với mọi người. Chúng ta phải tăng cường các giải pháp để thực sự chung sống an toàn trong dịch bệnh”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.