Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 8 tháng 5 năm 2016 | 10:57

Bầu cử ĐBQH: Dân phải hiểu ứng cử viên mới lựa chọn đúng

Để người dân có trách nhiệm với lá phiếu của mình thì công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND sắp tới rất quan trọng.

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sắp đến gần. Cùng với những công việc cần được hoàn tất theo đúng quy trình, việc tuyên truyền các thông tin về ứng cử viên tới cử tri thực sự quan trọng, tác động trực tiếp tới chất lượng cuộc bầu cử.


Cử tri bỏ phiếu bầu cử (Ảnh minh họa)

Việc cử tri chưa tìm hiểu kỹ về các ứng cử viên mà chỉ gạch ngẫu nhiên những người có tên trong danh sách, tình trạng đi bầu hộ, bầu thay…đã trở thành chuyện không mới trong không ít lần bầu cử. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của cuộc bầu cử. Phải chăng người dân chưa hiểu được quyền quan trọng của mình? Hay công tác tuyên truyền bầu cử chưa thực sự sâu sát, cần thiết và hiệu quả?

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, công tác tuyên truyền bầu cử cần được coi trọng đúng mức chứ không phải chỉ thực hiện cho xong theo quy trình định sẵn.

Theo ông Đinh Xuân Thảo, phải làm sao cử tri biết được người ứng cử có những thành tích gì, kinh nghiệm ra sao để cử tri hiểu và thực sự chọn họ. Đã từng có chuyện hình thức trong bầu cử, do cử tri không có điều kiện tiếp cận đầy đủ thông tin về ứng cử viên, nên mặc dù trực tiếp đi bầu nhưng cử tri gạch trong danh sách từ dưới gạch lên hoặc từ trên gạch xuống. Do đó trách nhiệm của tuyên truyền là rất lớn.

Theo ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội thì nội dung thông tin tuyên truyền về bầu cử cần được xem xét và chuẩn bị kỹ lưỡng, phải thiết thực đối với cử tri. Đó không chỉ đơn giản là các thông tin về lý lịch trích ngang, các năm công tác của ứng cử viên, đã trải qua các chức vụ gì. Quan trọng là phải cho cử tri hiểu được những người sẽ đại diện cho họ đã, sẽ và có thể làm được việc gì với những thông tin về các hoạt động đóng góp cho xã hội, cho người dân của các ứng cử viên trong lĩnh vực họ công tác.

“Về phía ứng cử viên cũng cần đánh giá rõ những ưu điểm, nhược điểm và trong ưu điểm thì phải làm rõ kết quả đạt được, chứ không phải ứng cử viên đó có bằng cấp gì, đã kinh qua công việc gì. Quan trọng là ứng cử viên đã làm được gì, kiến nghị được gì cho Đảng, Nhà nước, cho dân, thúc đẩy nó phát triển mà được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành ghi nhận và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Theo tôi, điểm đó quan trọng hơn là quá trình ứng cử viên đã kinh qua các cương vị gì”, ông Bùi Đức Thụ chia sẻ.

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Phạm Trường Dân, đoàn Quảng Nam cho rằng, một thông tin khác của các ứng cử viên cũng cần minh bạch và đầy đủ truyền đạt tới cử tri là trách nhiệm của các ứng cử viên trong phòng chống tham nhũng ở cơ quan, đơn vị, tổ chức của mình được thể hiện ra sao, vấn đề kê khai tài sản của họ được thực hiện như thế nào.

Đại biểu Phạm Trường Dân cũng cho rằng, để người dân có trách nhiệm với lá phiếu của mình thì công tác tuyên truyền phải làm sao để người dân hiểu được thông tin về người ứng cử đó, họ có đức, có tài, có trách nhiệm với dân không? Có vấn đề khúc mắc liên quan đến tham nhũng hay minh bạch tài sản không?

Bên cạnh việc xây dựng nội dung tuyên truyền bầu cử một cách hữu ích, thiết thực cung cấp cho cử tri để họ hiểu đúng, hiểu đầy đủ về các ứng cử viên thì hình thức tuyên truyền cũng là việc đáng chú ý. Tuyên truyền vào những thời điểm nào, cách thức ra sao, thông qua các phương thức nào sẽ giúp cử tri quan tâm, hiểu đúng hơn về quyền, trách nhiệm của mình và thuận lợi hơn trong tiếp nhận.

Đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai cho rằng cách thức tuyên truyền về bầu cử trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên năm 1946 là bài học có ý nghĩa sâu sắc.

“Để cho dễ nhớ thì phía anh em Việt Minh có kinh nghiệm vận động quần chúng rồi, họ đặt những bài vè. Phải nói là lòng người, lòng dân quyết định lắm. Trong quá trình làm, làm sao để người dân ý thức được rằng việc bỏ phiếu không phải chuyện của ông A, ông B mà của chính mình. Làm sao cho những việc này trở thành một phần lợi ích rất thiết thực của người dân”, ông Dương Trung Quốc bày tỏ.

Làm thế nào để người dân có thông tin nhằm đo lường, đánh giá đúng uy tín của ứng cử viên trong từng việc làm, hành động là điều cần thiết. Bên cạnh đó, để người dân tham gia thực chất hơn vào hoạt động bầu cử, từ đó lựa chọn được người đại diện xứng đáng, không chỉ cần có những cơ chế thuận lợi công khai minh bạch thông tin mà quan trọng hơn là để họ nhận thức được giá trị và hiệu quả của bầu cử. Điều này phụ thuộc vào cách thức, biện pháp tuyên truyền bầu cử hiệu quả, hữu ích và phù hợp.

Theo Minh Trang/VOV.VN

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top