Thời gian qua, nhiểu địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An như Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ... xảy ra hiện tượng sắn bị bệnh khảm lá. Người dân trồng sắn tại Nghệ An đang hết sức lo lắng khi bệnh khảm lá lây lan mạnh và đang tiếp tục gia tăng.
Theo thống kê từ Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh hiện trồng trên 11.800ha sắn, trong đó có trên 3.600ha nhiễm bệnh khảm lá. Bệnh khảm lá sắn khiến sản lượng sắn nguyên liệu giảm 30 - 40% so với không nhiễm bệnh nên gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân ở vùng nguyên liệu.
Theo người dân trồng sắn, nơi đây là vùng nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy với diện tích trên 9.000ha, với năng suất bình quân đạt trên 268 tạ/ha sắn nguyên liệu. Các huyện như Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu… là địa phương có diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn cao nhất.
Huyện Thanh Chương có tổng diện tích sắn khoảng 2.000ha, và xuất hiện nhiều nhất tập trung tại các xã Thanh Ngọc, Thanh Hòa, Thanh Nho... với tổng diện tích nhiễm bệnh khoảng gần 20ha.
Trước thực trạng bệnh khảm lá sắn xuất hiện tại địa phương, huyện Thanh Chương đã tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát các vùng trồng nguyên liệu sắn. Đồng thời, có công văn đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các ngành chức năng, chính quyền địa phương và các hộ dân trồng sắn kịp thời nhổ bỏ, tiêu hủy và xử lý diện tích sắn nhiễm bệnh.
Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch huyện Thanh Chương cho biết: “Tổng diện tích sắn toàn huyện hiện nay là 2000 ha. Trong đó, các giống chủ yếu KM94, CT11 ngoài ra có giống NA94… Hiện, bệnh khảm lá sắn đã xuất hiện tại các xã Thanh Ngọc, Thanh Hòa, Thanh Nho... với tổng diện tích nhiễm bệnh khoảng 20 ha. Trong đó, diện tích bị nặng: 3,5 ha, trung bình 7,5 ha, nhẹ: 9 ha.
Đối với loại bệnh này hiện chưa có thuốc đặc trị nên chỉ có cách nhổ bỏ, tiêu hủy và xử lý mầm bệnh tận gốc để tránh lây lan sang các diện tích khác. Đồng thời tuyên truyền, tập huấn cho người dân sớm phát hiện mầm bệnh, cách xử lý và bố trí cán bộ chuyên môn phối hợp với cán bộ nông vụ nhà máy chế biến tinh bột sắn kiểm tra, giám sát các vùng trồng”.
Huyện Tân Kỳ có diện tích 2.400ha sắn nhưng đã có tới 1.700ha nhiễm bệnh khảm lá. Hiện, người dân đang tập trung nhổ bỏ, tiêu hủy và xử lý đất trồng.
Tại huyện Anh Sơn, đến thời điểm hiện nay, do bệnh khảm lá sắn, có những hộ mất đến 80%, những hộ ít thì mất đến từ 10 - 20% diện tích cây sắn nguyên liệu.
Theo phân tích của các nhà chuyên môn, nguồn bệnh khảm lá sắn lây lan chủ yếu là do sử dụng giống sắn đã bị bệnh để trồng. Do vậy, việc kiểm soát nguồn bệnh lây lan theo giống nhiễm và sử dụng giống kháng bệnh là vấn đề quan trọng nhất hiện nay. Tuy nhiên, hiện giống sắn đang trôi nổi, chủ yếu do người dân tự để giống, xin giống của nhau chứ chưa có nơi cung cấp giống đáng tin cậy, nguồn giống chưa được kiểm soát có sạch bệnh hay không.
Hiện nay, để phòng chống bệnh khảm lá sắn, một số địa phương như Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn đang thử nghiệm mô hình giống sắn sạch bệnh trên một số diện tích, từ đó nhân ra diện rộng. Đồng thời, vận động bà con các vùng trồng chia sẻ giống sạch bệnh trong cộng đồng. Người có giống không bị bệnh chia sẻ cho người có ruộng sắn bị bệnh; tuyệt đối không nhập hom giống từ các nơi khác về, khó kiểm soát mầm bệnh.
Trước tình hình bệnh khảm lá sắn bùng phát trên diện rộng, Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An đã có thông báo xuống các địa phương về việc khẩn trương chỉ đạo các cơ sở sản xuất và bà con nông dân, nhất là các huyện miền núi kịp thời triển khai các biện pháp nhằm ngăn ngừa và phòng, chống bệnh khảm lá trên cây sắn đang có nguy cơ bùng phát mạnh hiện nay, cụ thể như sau:
Không nên trồng sắn liên tục nhiều năm trên một vùng đất và tuyệt đối càng không nên trồng lại sắn trên đất vừa qua sắn đã bị nhiễm bệnh khảm lá mà phải chuyển sang trồng các loại cây trồng khác như: Ngô lấy hạt (nếu còn thời vụ), ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi hoặc đậu, lạc, vừng càng tốt. Không nên trồng các cây trồng thuộc nhóm ký chủ của bọ phấn trắng như: Cây thuốc lá, thuốc lào, cà chua, ớt cay, khoai tây, bầu bí, bông, cà pháo…
Chọn và trồng những giống sắn không hoặc rất ít bị nhiễm bệnh khảm lá như: Giống sắn KM94, KM95… hiện đang được trồng nhiều ở một số vùng ở huyện Thanh Chương, Yên Thành. Không nên lấy hom giống của những giống sắn vừa qua đã bị bệnh khảm lá để trồng lại và cũng không nên trồng những giống sắn từ nơi khác nhập vào không rõ nguồn gốc.
Ở những vùng sắn chưa bị bệnh, nhưng cần đề phòng nguy cơ bệnh có thể lan truyền từ vùng đã bị bệnh đến vùng chưa bị bệnh, tốt nhất là chủ động phun thuốc diệt trừ bọ phấn trắng để đề phòng bệnh phát sinh bằng các loại thuốc như: Pymetrozine (Chess 50 WP, chesstar 50 WG, Sagametro 50WG, Schezgold 500WG…). Khi phun, làm theo hướng dẫn ghi ở ngoài bao bì, nhãn mác gói thuốc. Phun thuốc có hiệu lực nhất vào giai đoạn ấu trùng của bọ phấn trắng.
Phương pháp xử lý cây sắn, ruộng sắn, nương sắn khi đã bị bệnh khám lá tùy theo mức độ bệnh, thời kỳ cây sắn bị bệnh để xử lý theo đúng quy trình hướng dẫn của Chi cục trồng trọt và BVTV. Trong đó cần lưu ý: Những nơi có tỉ lệ cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá 70% trở lên thì phải nhổ cả cây, cả ủ (nếu có), cả rễ và toàn bộ thân lá… thu gom lại đốt cháy hết hoặc đào hố sâu bỏ vào, rắc vôi lên, xong lấp đất lại. Những ruộng sắn khác có tỉ lệ cây sắn bị bệnh ít hơn, nếu chưa có củ và đã có củ (thì tận dụng nhổ lấy củ) còn lại thân, lá, rễ của những cây đã bị bệnh nhổ thu gom lại để xử lý như nói ở trên.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.