Những chiếc tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định có giá trị đầu tư hàng chục tỷ đồng đã đồng loạt “nằm bờ” vì bị gỉ sét, hư hỏng. Trong khi ngư dân lo lắng thì các công ty lại tìm cách thoái thác trách nhiệm.
Tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng bị gỉ sét.
Vừa ra cửa biển, tàu hỏng hộp số
Vụ cá Nam năm nay (kể từ đầu tháng 4) đã trôi qua nhiều ngày song nhiều tàu vỏ thép của ngư dân xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) đành ngậm ngùi “nằm bờ” dù vừa đóng mới.
Tàu vỏ thép số hiệu BĐ 99086-TS của ông Đinh Công Khánh, thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh hạ thủy tháng 9/2016. Một tháng sau, con tàu này đi chuyến biển đầu tiên ở ngư trường Trường Sa. Thế nhưng, đánh bắt mới 10 ngày thì hầm đá bị lỗi làm 1.200 cây đá tan chảy thành nước. Thuyền trưởng đành đưa tàu vào bờ, ngậm ngùi chịu lỗ. Khắc phục xong, đầu tháng 2 âm lịch năm 2017, chủ tàu sắm “tổn”, mua bạn đi chuyến biển thứ hai. Lần này, tàu vừa ra đến cửa biển Đề Gi thì hộp số máy chính bị hỏng, sau đó được đưa về cảng cá Đề Gi và nằm bờ cho đến giờ.
“Tàu tôi đóng tại Xí nghiệp đóng tàu Công ty TNHH MTV Nam Triệu (quận Kiến An, TP.Hải Phòng) với kinh phí hơn 18,5 tỷ đồng. Tàu cứ nằm bất động thế này, tôi sốt cả ruột. Trong khi đó, công ty đóng tàu không có động thái tích cực sửa chữa”, ông Khánh nói như khóc.
Chung số phận, tàu vỏ thép số hiệu BĐ 99016-TS của ông Lê Văn Thãi (ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh) cũng “trùm mền” từ nhiều tháng nay. Con tàu này cũng do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng với trị giá 18,7 tỉ đồng. “Từ lúc tàu hạ thủy (7/2016) đến trước Tết Nguyên đán 2017, tôi có đưa tàu đi 2 chuyến biển. Quá trình hoạt động cũng xảy ra tình trạng bong bật mối hàn ở một số vị trí. Đầu tháng 4/2017, tôi chuẩn bị cho chuyến biển thứ 3 thì phát hiện máy chính bị hỏng”, ông Thãi mếu máo nói.
Tương tự, tàu vỏ thép số hiệu BĐ 99567-TS, công suất 811 CV của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (56 tuổi, trú thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng với tổng kinh phí 15,2 tỷ đồng, cũng liên tục mắc lỗi.
Hợp đồng một đằng, đóng thép một nẻo
Theo ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định), qua kiểm tra 3 tàu vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng thì tất cả đều có tình trạng thân vỏ tàu, trang thiết bị đều bị gỉ sét, hư hỏng và xuống cấp trầm trọng, máy tàu hiệu Mitsubishi bị hư hỏng.
Trong khi đó, ông Trương Văn Đài, Phó giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, cho biết: “Tàu xuống cấp, nước sơn bị bong tróc, thiết bị trên boong bị hư hỏng là do nước mặn của thời tiết. Trong thời gian đóng tàu, công ty có chuyển đổi từ thép Hàn Quốc/Nhật Bản sang thép Trung Quốc với giá trị tương đương”.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định, qua kiểm tra 4 tàu đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu thì thân, vỏ tàu bị gỉ sét, máy chính Mitsubishi đều bị sự cố và hư hỏng, máy phát điện bị hư hỏng, hầm bảo quản không giữ được lạnh, 1 tàu làm nghề lưới chụp có hệ thống gọn bị han gỉ, đứt gãy. Ông Bùi Hữu Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu, lý giải: “Tại Bình Định, công ty đóng 20 tàu cá theo Nghị định 67/NĐ-CP nhưng nhiều tàu bị trục trặc, sự cố. Tàu hư một phần do bà con sử dụng chưa thành thạo, dẫn đến hư hỏng. Về phần sơn vẫn chất lượng, nhưng gỉ sét là do nước biển rất mặn” (!?).
Tuy vậy, cách lý giải của 2 công ty khiến ngư dân bức xúc và lãnh đạo địa phương không đồng tình. Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nói: “Tôi yêu cầu 2 công ty phải khẩn trương khắc phục tất cả những hư hỏng, sự cố cho ngư dân. Đã hợp đồng máy chính hiệu Mitsubishi thì phải nguyên đai nguyên kiện của hãng này. Hợp đồng làm tàu là thép Hàn Quốc chứ không phải thép Trung Quốc, trừ trường hợp ngư dân đồng ý và chấp nhận hạ giá thành. Đề nghị Công ty Đại Nguyên Dương không nên thu tiền thiết kế phí nằm trong dự án đóng tàu vì khoản này Nhà nước đã hỗ trợ. Đồng thời, đề nghị các cơ sở đóng tàu phải lấy cái tâm, cái trí để phục vụ đất nước. Ngư dân mang tàu ra khơi bị đâm va, hỏng máy nằm lênh đênh trên biển có khi mất cả tính mạng, nên chúng ta phải nghĩ cho ngư dân”.
Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: “Nếu ngư dân khởi kiện các cơ sở đóng tàu ra tòa vì không chịu sửa chữa, tôi giao cho Chủ tịch UBND các huyện ven biển có trách nhiệm hướng dẫn cho ngư dân làm thủ tục. Hiện tại, hợp đồng làm thép Hàn Quốc, yêu cầu công ty bây giờ phải tháo ra, làm lại thép Hàn Quốc, hợp đồng với ngư dân như thế nào làm như thế đó. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến vụ việc này”. |
Phú Mỹ
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.