Vụ cá nam chính thức “mở biển” từ đầu tháng 4, nhưng ngư dân Bình Thuận đang khan hiếm người đi biển.
Hiện, đã gần một tháng “mở cửa” biển, song Bình Thuận đang phải đối mặt với nhiều áp lực, nhất là chi phí tăng và khan hiếm nguồn lao động đi biển.
Lao động trẻ không muốn kế tục nghề biển. Ảnh: Đ. Hoà
Sau khi giá xăng, dầu và điện tăng, các mặt hàng phục vụ khai thác hải sản như đá, nước uống, gas cũng tăng mạnh.
Cảng cá Phan Rí Cửa, Tuy Phong những ngày cuối tháng 4, ghe thuyền không tấp nập như thường thấy dù đã chính vụ. Thường, sau khi kết thúc vụ bấc, ngư dân lại tất bật vào vụ cá nam, tháng 4 - 10 dương lịch.
Đây là vụ cá nổi di chuyển ngoài khơi vào gần bờ. Thời tiết tương đối tốt, nên hoạt động sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, những tháng đầu vụ, nhiều ngư dân buồn bã vì sản lượng khai thác đạt thấp.
Ngư dân Lê Văn Hải, khu phố Hải Tân, chia sẻ: “Tàu chúng tôi đi 2 ngày nhưng chỉ thu về 2 tấn cá các loại, nếu trừ chi phí xăng dầu là lỗ. Phí tổn ngày càng tăng, trong khi khai thác lại bấp bênh, do nguồn lợi hải sản giảm, giá cũng thường xuyên biến động”.
Nhiều ngư dân cho biết, từ đầu vụ đến nay, sản lượng thấp hơn so với mọi năm. Đi 10 chuyến, có khoảng 2 - 3 chuyến có lãi. Nguyên nhân do ngư trường đang có xu hướng cạn kiệt, dẫn đến thất thu.
Những loại hải sản truyền thống mọi năm khá phong phú, giá trị cao như mực nang, mực ống, cá thu, cá ảo…, nay một số loại vắng bóng. Thay vào đó, chỉ có cá nục nhỏ, cá cơm, cá chỉ vàng.. giá thấp.
Mặt khác, giá dầu tăng, các mặt hàng phục vụ khai thác cũng tăng theo, bạn thuyền lại khó tìm, khiến cả chủ tàu lẫn lao động đều kém vui.
Thiếu lao động đi biển, là một trong những khó khăn lớn nhất của ngư dân trong 5 năm trở lại đây, nhất là mùa cao điểm.
“Thông thường, khai thác hải sản xa bờ trên 15 ngày, cần 10 - 12 lao động, nhưng do không tìm được người, nên đôi lúc chỉ có 5 - 7 lao động cũng phải xuất bến, dù biết hiệu quả sản xuất không cao”.
Chủ tàu Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Chúng tôi đỏ mắt mới kiếm đủ bạn đi biển. Vì vậy, phải mất nhiều thời gian hướng dẫn cho người mới vào nghề. “Họ làm việc chậm, hiệu quả thấp, dễ làm cá giảm chất lượng, rách lưới. Sau vài chuyến, chủ tàu lỗ, được chia tiền ít, họ nghỉ làm”.
Hiện, các tàu “khát” lao động đến mức, trước khi ra biển, phải ứng trước cho bạn 5 - 7 triệu đồng để “giữ” chân. Đặc biệt là bạn lặn ứng rất nhiều, hơn chục triệu đồng/ người.
Nhiều trường hợp, sau khi nhận tiền, mượn cớ không đi làm, nhưng lại không trả tiền ứng trước.
Theo Chi cục Thủy sản Tỉnh: thiếu lao động nghề cá đang là vấn đề nan giải, nhưng lực bất tòng tâm. Phần vì lao động trẻ không muốn kế nghiệp nghề biển, phần do e ngại, vì chủ tàu chưa mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới để tăng mức độ an toàn, và hiệu quả sản xuất.
Để giải quyết vấn đề này, các lực lượng chức năng cần củng cố hoạt động của các tổ, đội tham gia đánh bắt hải sản, để hỗ trợ nhau trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật tàu cá; đảm bảo kịp thời và hiệu quả, thông tin giữa tàu cá và đất liền, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn. Có như vậy mới sớm thu hút được lao động đi biển.
Cảng cá An Hòa đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản
Bộ nông nghiệp &PTNT vừa công bố danh sách cảng cá được chỉ định để xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Đây là đợt công bố danh sách lần thứ 3, năm 2019. Theo đó, có thêm 10 cảng cá: 5 cảng loại 1, và 5 cảng loại 2, của các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Trà Vinh, trở thành cảng cá chỉ định, có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Cảng cá An Hoà được xác nhận nguồn gốc khai thác
Riêng Quảng Nam có duy nhất cảng cá An Hòa, xã Tam Giang (Núi Thành) đủ tiêu chuẩn.
Đến nay, toàn quốc có tổng cộng 57 cảng cá được chỉ định, để xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, gồm 24 cảng loại 1 và 33 cảng loại 2.
Nghệ An: Chỉ có 8 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện, tỷ lệ tàu cá ở Nghệ An lắp đặt thiết bị này rất ít.
Tỷ lệ tàu lắp thiết bị giám sát hành trình khai thác trên biển rất ít
Theo quy định Luật Thủy sản 2017, tất cả các tàu cá có chiều dài trên 15 m, phải gắn thiết bị giám sát hành trình, để quản lý khai thác trên biển.
Đây cũng là một trong những yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) nhằm gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam về đánh bắt bất hợp pháp.
Thực tế, nhiều chủ tàu chưa hiểu Luật, nên không mặn mà với gắn thiết bị giám sát, bởi họ nghĩ, thiết bị hành trình chỉ để quản lý, giám sát chứ không mang lợi ích khai thác, đánh bắt hải sản.
Bởi vậy, đến thời điểm này, số tàu gắn thiết bị giám sát rất ít. Chi cục Thủy sản cho biết, đến tháng 4/2019, cả tỉnh mới có 8 tàu được gắn thiết bị giám sát hành trình.
Xã Quỳnh Long, là địa phương đánh bắt hải sản hàng năm lớn nhất huyện Quỳnh Lưu. Phần lớn tàu thuyền đánh bắt bằng các nghề: Giã cào, lưới vây, chụp 4 sào, câu mực.
Vì vậy, cần phải gắn thiết bị giám sát hành trình, để khẳng định không đánh bắt trái phép trên vùng biển.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Ngọc Chắt - Chủ tịch Hội nghề cá xã, toàn xã hiện có 19 chiếc tàu, có chiều dài trên 24m và 65 tàu có chiều dài 15 đến 24m. Những tàu này bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Song, mới có 4 chiếc được ngư dân gắn thiết bị giám sát.
Xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) là địa phương có số tàu to, máy lớn nhiều nhất tỉnh: 42 chiếc có chiều dài từ 24m, và 104 chiếc 15 - 24m. Song, hiện tại cả xã mới có 1 chiếc tàu trên 24 m..
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng, về kiểm tra việc thực hiện Luật 2017, ông Nguyễn Văn Liên - Phó Chủ tịch xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, cho rằng: Địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp, vận động bà con thực hiện Luật 2017.
Song, do điều kiện kinh tế ngư dân còn khó khăn, nên chưa có tàu nào được gắn thiết bị giám sát. Theo ông Liên, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ bà con mua hệ thống giám sát hành trình.
Ông Nguyễn Chí Lương - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Nghệ An hiện có 3.521 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó có 1.089 tàu từ 15 - 24m và 234 tàu 24m trở lên.
Thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, Chi cục xác định, nhiệm vụ quan trọng nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để bà con ngư dân hiểu.
Ông Lương cho biết thêm, tại Hội nghị triển khai giải pháp cấp bách khắc phục thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC), do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo các địa phương triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về Luật Thủy sản.
Tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm tàu cá, ngư dân có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu nghề cá trong tháng 5/2019.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị, nghiêm túc thu hồi giấy phép tàu cá vi phạm khai thác IUU. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.
Đầu tư các dự án 4 tỉnh miền Trung từ bồi thường của Formosa
Tại Quyết định 476/QĐ-TTg ngày 1/5/2019, Thủ tướng Chính phủ giao các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thực hiện các dự án: “Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá” và dự án “Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản”, từ khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Ảnh minh hoạ
Cụ thể: xây dựng, nâng cấp các cơ sở dịch vụ, hậu cần nghề cá cho cộng đồng ngư dân ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế để khôi phục, phát triển thủy sản.
Đồng thời phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh, và nguồn lợi thủy sản, nhằm tái tạo hệ sinh thái rạn san hô, hình thành sinh cảnh nhân tạo cho các loài thủy sản cư trú, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Nguồn kinh phí này sẽ được giao trực tiếp cho các tỉnh, để triển khai các dự án.
Trong đó, tổng mức vốn mỗi tỉnh tối đa không quá 400 tỷ đồng; không thực hiện điều chỉnh tăng tổng mức vốn đầu tư trong quá trình thực hiện.
Tổng kinh phí dành cho 02 dự án, tại Quảng Bình và Thừa Thiên Huế tối đa không quá 340 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện các dự án đến hết ngày 31/12/2020.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc 4 tỉnh nói trên. Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo chức năng, thẩm quyền.
Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì kiểm tra sự phù hợp của mục tiêu, quy mô, tổng mức vốn, tiến độ thực hiện; chịu trách nhiệm hướng dẫn các tỉnh nói trên về chuyên môn trong quá trình thực hiện dự án. Kiểm tra, giám sát tiến độ, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc theo chức năng, thẩm quyền.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.