Sinh ra ở Thủ đô và đang làm việc ở Công ty Điện lực Hà Nội với mức thu nhập không hề thấp nhưng chị Trần Thị Thu Hằng vẫn quyết tâm về quê kinh doanh, làm giàu trên quê hương.
Chị Trần Thị Thu Hằng, GĐ HTX chăn nuôi lợn Kỹ Phong chăm sóc đàn lợn.
Sau vài ba lần hẹn, tôi mới gặp được chị Hằng ở trang trại chăn nuôi trên địa bàn xã Kỳ Phong (Kỳ Anh - Hà Tĩnh). Hỏi ra mới biết, dù là chủ trang trại lớn với cả chục nhân công nhưng mọi việc đều do Giám đốc HTX chăn nuôi lợn nái Trần Thị Thu Hằng quán xuyến, từ mua thức ăn, bán sản phẩm đến chăm sóc đàn lợn trên 1.800 con nên lúc nào chị cũng bận rộn.
Chị Hằng kể, tháng 3/2014, sau một lần về quê (bố ở xã Sơn Châu - Hương Sơn, mẹ ở xã Mai Phu - Lộc Hà), nghe thông tin tỉnh Hà Tĩnh có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là chăn nuôi lợn nái ngoại để cung cấp lợn thương phẩm cho người dân, chị Hằng đã đến vùng Cồn Mu, thôn Tân Phong, xã Kỳ Phong, để đầu tư xây dựng trại lợn nái 100% máu ngoại; khu đất rộng gần 4ha, chủ yếu là cây tạp, nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh và của xã Kỳ Phong, phù hợp với chăn nuôi lợn.
Với đam mê, khát vọng muốn thành lập trang trại chăn nuôi lợn, được sự hỗ trợ chính sách của tỉnh, chị Hằng mạnh dạn làm việc với lãnh đạo xã, huyện. Sau khi nghe chị Hằng trình bày ý định sẽ mở trang trại chăn nuôi, lãnh đạo huyện đồng ý và tạo điều kiện giao đất.
Trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại của chị Hằng liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi Mitraco thuộc Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh. Theo đó, công ty cung ứng con giống, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, Công ty Thiên Lộc cung ứng thức ăn,…
Khi được giao đất, chị Hằng đầu tư trên 12 tỷ đồng san lấp mặt bằng, xây dựng 2 dãy chuồng, mua con giống và thức ăn,… Đến tháng 10/2014, hoàn thành giai đoạn 1, thả 300 con lợn nái hậu bị, 100% máu ngoại, nhưng mọi việc không dễ dàng với người phụ nữ Hà thành vừa chân ướt chân ráo chuyển nghề. Từ việc lựa chọn con giống, chăm sóc nuôi dưỡng đến tiêu thụ sản phẩm, chị đều phải học hỏi.
Trải qua nhiều khó khăn ban đầu, đến nay, trang trại đã có trên 200 con lợn sinh sản, với gần 2.000 con lợn giống thương phẩm. Trang trại của chị đã xuất chuồng được gần 1.500 con lợn cho 4 tổ hợp tác chăn nuôi các xã Kỳ Lạc, Kỳ Trung và Kỳ Tân. Ngoài ra, Giám đốc Hợp tác xã Trần Thị Thu Hằng còn có nhiều hoạt động hỗ trợ các xã thành lập các tổ hợp tác chăn nuôi lợn thương phẩm, cung ứng con giống, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Với cách làm này, trừ chi phí, mỗi năm chị lãi khoảng 1 tỉ đồng. Không chỉ dừng ở đó, thời gian tới, chị sẽ xây dựng thêm 2 dãy chuồng để nâng tổng đàn lên quy mô 600 con lợn nái nhằm đảm bảo nguồn giống cung cấp cho người dân chăn nuôi lợn thương phẩm ở các vùng lân cận.
Hỏi về kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn, chị Hằng cho biết: “Chăn nuôi lợn cần liên kết doanh nghiệp và hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ; vấn đề mấu chốt nhất là đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia liên kết, nhất là hộ chăn nuôi, nếu người nuôi lợn thương phẩm không có lãi sẽ bỏ cuộc thì lợn giống cũng không tiêu thụ được. HTX còn liên kết với Công ty Thiên Lộc để cung ứng thức ăn trực tiếp cho hộ dân, sau đó bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Chúng tôi tính giá lợn giống thấp hơn giá thị trường và hỗ trợ chi phí vận chuyển đến tận hộ; trang trại thường xuyên có lợn giống, với trọng lượng từ 7 -10kg để đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi, nếu trọng lượng trên 15kg thì hai bên thống nhất giá cả”.
Mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại xã Kỳ Phong là điển hình trong xây dựng nông thôn mới, đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vinh danh tại Hội nghị tổng kết chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2015, triển khai nhiệm vụ 2016.
Ngô Thắng
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.