Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 27 tháng 5 năm 2018 | 14:37

Bộ TN&MT chuẩn bị cho ngày môi trường thế giới

Vừa qua, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức Ngày Môi trường thế giới ngày 5/6 với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”.

Tập trung giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và nilon

Theo kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì môi trường và các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018 vào tối ngày 04/6/2018 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”, nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa. Dự kiến chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tại Lễ phát động, Bộ sẽ kết hợp trao “Giải thưởng Báo chí tài nguyên và Môi trường lần thứ IV” để công bố và tôn vinh các nhà báo, phóng viên có những đóng góp tích cực cho ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 – 2018.

1527215233-mg6391-resize.JPG
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại cuộc họp.

 

Trước thềm sự kiện, mới đây, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức Ngày Môi trường thế giới ngày 5/6/2018 với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng như:

Hội nghị triển khai Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực miền Trung và Tây Nguyên;

Hội thảo khoa học về “Cơ chế chính sách nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy”;

Tổ chức lớp học môi trường cho học sinh Trung học cơ sở và hoạt động đổi pin sinh thái;

Tuyên truyền vận động người dân và các hộ kinh doanh xây dựng thói quen phân loại rác tại nguồn…

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã nghe báo cáo và chỉ đạo về nội dung chương trình và kế hoạch tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” và các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018.

Thứ trưởng khẳng định: Ngày Môi trường thế giới năm 2018 với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” là một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội. Vì vậy, Lễ phát động Tháng hành động vì môi trường và các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018 phải tập trung vào tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa.

Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ tổ chức Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018 đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức.

Các hoạt động phải thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức, daonh nghiệp và đông đảo cộng đồng để tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Xử lý nghiêm các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường

Thời gian gần đây, bạn đọc tại Quảng Bình phản ánh, một số trang trại chăn nuôi gia súc quy mô lớn chỉ mới đưa vào hoạt động thử nghiệm nhưng đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Vì vậy, các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vụ vi phạm.

Thực hiện chủ trương kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, một số doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã đến Quảng Bình đầu tư các dự án phát triển chăn nuôi gia súc với quy mô lớn. Tỉnh cũng kỳ vọng các dự án này sẽ thúc đẩy ngành chăn nuôi của địa phương đi lên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khi mà hiệu quả của các dự án chưa phát huy thì người dân tại những khu vực có trang trại chăn nuôi gia súc này đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm môi trường. Ðiều này là do các doanh nghiệp chưa hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, nhất là chưa có phương án bảo vệ môi trường theo quy định nhưng đã thả nuôi gia súc với số lượng lớn.

 

63aec6a2e714b8d6a63a4fe445fbf0a3.jpg
Chất thải gây ô nhiễm môi trường của trang trại chăn nuôi Công ty TNHH Ðoàn Kết Phú Quý. Ảnh: nhandan.vn

 

Trang trại lợn của Công ty Buntaphan Quảng Bình được xây dựng cuối năm 2016 tại thôn Rào Trù, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Dù chưa hoàn thành khu xử lý chất thải nhưng doanh nghiệp này đã nhập hàng trăm con lợn nái về nuôi, gây ô nhiễm môi trường. Sau khi kiểm tra, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình ra quyết định xử phạt Công ty Buntaphan 60 triệu đồng do thực hiện không đúng một trong những nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án chăn nuôi lợn siêu nạc.

Thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, UBND tỉnh Quảng Bình cấp phép cho Công ty TNHH chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình đầu tư dự án chăn nuôi bò thịt áp dụng công nghệ cao với số lượng hàng nghìn con bò thịt nhập từ nước ngoài về vỗ béo. Tuy mới vận hành thử nghiệm nhưng đã gây nhiều phiền toái cho người dân trong khu vực. Dịp Tết Nguyên đán 2018, cuộc sống của người dân ở tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung bị đảo lộn vì ruồi xuất hiện dày đặc. Nhiều gia đình thậm chí phải mắc màn để ăn cơm. Theo phản ánh của người dân, ruồi xuất hiện nhiều là do nguồn phân của trang trại mang đi trồng ngô làm thức ăn cho bò tại các ruộng ngô lớn nằm xen kẽ trong khu dân cư, cho nên trứng và ấu trùng ruồi sản sinh từ đó. Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Việt Trung Nguyễn Ðức Trường cho biết, nhận được phản ánh của người dân, thị trấn đã kiểm tra thực tế và xác định nguyên nhân ban đầu do Công ty TNHH chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình bón phân chưa hoai mục; phía doanh nghiệp thừa nhận và tìm biện pháp khắc phục. Chính quyền thị trấn cũng chỉ đạo các tổ dân phố triển khai các biện pháp diệt ruồi.

Mới đây, ngày 16-4, nhiều người dân phường Quảng Long, thị xã Ba Ðồn tập trung tại cổng Công ty TNHH Ðoàn Kết Phú Quý để yêu cầu di dời trang trại chăn nuôi trâu, bò đi nơi khác. Ông Nguyễn Văn Long ở tổ dân phố Tiền Phong, phường Quảng Long cho biết, cuộc sống yên lành của cư dân bị đảo lộn từ khi có trang trại chăn nuôi trâu, bò quy mô lớn. Trời nắng thì mùi hôi thối nồng nặc xộc thẳng vào từng nhà, trời mưa ruồi nhặng xuất hiện dày đặc ảnh hưởng đến sinh hoạt của các gia đình. Theo nhiều người dân, việc xây dựng trang trại chăn nuôi bò ở gần khu dân cư, nhưng lại không bảo đảm vệ sinh môi trường đã gây ô nhiễm nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ. Chủ tịch UBND phường Quảng Long Ngô Văn Sáu thừa nhận, từ khi trang trại chăn nuôi đi vào hoạt động, môi trường trong khu dân cư bị ô nhiễm, phường đã nhiều lần lập biên bản đề nghị doanh nghiệp khắc phục nhưng bị phớt lờ, làm cho bà con bức xúc. Sáng 17-4, đại diện lãnh đạo UBND thị xã Ba Ðồn, phường Quảng Long, và Công ty TNHH Ðoàn Kết Phú Quý tổ chức đối thoại với người dân để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do trang trại chăn nuôi trâu, bò gây ra. Tại đây, người dân hai tổ dân phố phản đối hoạt động trang trại của công ty, đồng thời yêu cầu di dời đi chỗ khác. Lãnh đạo Công ty TNHH Ðoàn Kết Phú Qúy đã xin lỗi người dân và cam kết sau 10 ngày di dời hết số lượng trâu, bò trong trang trại; đồng thời, hợp đồng với Trung tâm Y tế dự phòng thị xã Ba Ðồn phun thuốc diệt ruồi cho các hộ gia đình ở hai tổ dân phố. Cũng trong ngày 17-4, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình đã có văn bản tạm dừng hoạt động của trang trại chăn nuôi trâu, bò của Công ty TNHH Ðoàn Kết Phú Quý.

Việc đầu tư các dự án chăn nuôi gia súc quy mô lớn tại Quảng Bình cho thấy chủ trương kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là đúng đắn và cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người dân. Tuy nhiên, bước đầu cho thấy, các doanh nghiệp, chủ dự án còn xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường. Hầu hết các dự án chưa hoàn thiện về hạ tầng, chưa có các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường nhưng đã thả nuôi trâu bò với số lượng lớn. Do đó, dự án mới đi vào hoạt động với thời gian rất ngắn hoặc đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng đã gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân bức xúc. Theo Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường Quảng Bình Phan Xuân Hào, ngay khi các dự án được cấp phép, đơn vị đã hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các công trình và bảo đảm đủ các thủ tục, hồ sơ về công tác bảo vệ môi trường theo quy định. Nhưng nhiều doanh nghiệp "vừa chạy vừa xếp hàng", vừa nuôi gia súc vừa hoàn thiện công trình bảo vệ môi trường, nên đã xảy ra tình trạng ô nhiễm nêu trên. Qua kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hầu hết các dự án đều có vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, với dự án đầu tư số vốn lớn, được xem có bài bản của Tập đoàn Hòa Phát tại Quảng Bình nhưng không thực hiện việc lập phương án bảo vệ môi trường theo quy định; không thực hiện việc báo cáo công tác bảo vệ môi trường và quan trắc môi trường trong quá trình thi công và vận hành thử nghiệm. Chưa có nhà ủ phân để thu gom và xử lý phân bảo đảm vệ sinh môi trường, phân bón chưa ủ hoai, chưa có biện pháp che chắn gây ô nhiễm môi trường. Các hồ xử lý sinh học hiếu khí và xử lý tùy nghi trong hệ thống nước thải chưa có lót bạt. Với các vi phạm về bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình 90 triệu đồng và yêu cầu công ty khắc phục ngay các vi phạm.

Nghệ An điều tra nguyên nhân cá chết trải dài 4km

Chiều 22/5, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An cho biết đang điều tra nguyên nhân cá chết trên sông Mai Giang (huyện Quỳnh Lưu).

Trước đó, sáng 20/5 một số hộ dân sống ven sông Mai Giang ở địa bàn xã Tiến Thủy, Quỳnh Yên, Quỳnh Minh, An Hòa... phát hiện cá chết trắng lòng sông, kéo dài khoảng 4km. Đa phần là cá hanh, cá đối..., nặng từ 0,5 đến 2kg.

3302020126849299349810468597255075993223168n-1527044431553317675299.jpg
00 kg cá được thu gom dọc tuyến sông Mai Giang dài 4km hai ngày qua. Ảnh: vnexpress.net.

 

Nhà chức trách địa phương thu gom được 400kg. Sở Tài nguyên lấy 5 mẫu nước, 5 mẫu trầm tích; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh đã lấy mẫu cá để phân tích. Dự kiến một tuần sau, các mẫu phân tích mới có kết quả.

Hiện tượng cá chết kéo dài đến ngày 21/5 thì chấm dứt. Lực lượng chức năng đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ số cá chết đã thu gom, tuyên truyền cho bà con nhân dân không vớt cá chết để làm thực phẩm, thức ăn cho gia súc, không xuyên tạc hiện tượng cá chết để gây hoang mang dư luận.

 

 

 

P.V (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top