“Từ góc độ quản lý Nhà nước về báo chí, Bộ TT&TT sẽ quan tâm tìm hiểu và có biện pháp ngăn chặn những hình thức cấu kết ‘bất lương’ trong làng báo”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn một lần nữa đưa ra những thông điệp mạnh mẽ về đạo đức báo chí nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, 21/6.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn: Công luận khó tính, nhưng cũng rất công bằng
Thưa Bộ trưởng, mạng xã hội (MXH) đang phát triển rất mạnh mẽ ở Việt Nam. Nhưng đáng lo ngại là hiện nay, hầu như bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của MXH, là đối tượng để người sử dụng mạng đăng tải những thông tin bịa đặt, bôi nhọ nhằm mục đích xấu. Việc một học sinh nghi bị xâm hại tình dục ở Thủ Đức là một ví dụ: Đến nay cơ quan điều tra xác định đó chỉ là tai nạn, nhưng cộng đồng mạng trước đó đã đưa ảnh, tên tuổi, các thông tin cá nhân của một thầy giáo lên mạng, mặc nhiên coi là nghi phạm rồi ra sức chia sẻ, bình luận, kết tội?
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Trên MXH, xu hướng suy nghĩ, phát ngôn tiêu cực đang ở thế áp đảo so với những bài viết, bình luận mang tính hướng thiện và xây dựng. Đó là một thực tế rất đáng lo ngại.
MXH mang lại cho mỗi người một phương tiện và diễn đàn chưa từng có để thực hiện quyền tự do ngôn luận. Rất nhiều người đang sử dụng thành thạo công cụ này để kết nối, tương tác với bạn bè, người thân, với cộng đồng, thậm chí làm được nhiều việc tốt.
Thế nhưng với nhiều người khác, MXH cũng mang lại một cảm giác “an toàn” và “phấn khích” khi có thể hùa nhau nói xấu, bình luận ác ý, thậm chí chửi rủa cay nghiệt, thô tục, xúc phạm lẫn nhau, bôi nhọ cả những người mình chưa hề quen biết, công kích những sự việc mà mình chưa hề kiểm chứng. Khi sử dụng MXH như một thứ vũ khí để quy kết, chụp mũ, gây hại, những cá nhân này thường tự khoác cho mình những lời lẽ hết sức “tâm huyết”, những lời kêu gọi cho một thứ “công lý” đi ngược lại với những chuẩn mực của một xã hội phải tôn trọng luật pháp.
Sự việc thầy giáo N.T.Đ. ở TPHCM cùng những người thân trong gia đình bị lăng nhục, xỉ vả, đe dọa trên MXH suốt hơn hai tháng chỉ vì một nghi vấn vô căn cứ là một nỗi xấu hổ đối với những người sử dụng MXH ở Việt Nam. Ấy vậy, khi Công an TPHCM đã chính thức có kết luận về việc không có chuyện xâm hại tình dục đối với vụ việc trên, gần như không có ai trong số những người đã lăng nhục thầy Đ. và vợ con thầy lên tiếng nói một lời xin lỗi. Điều đó làm cho sự xấu hổ lại càng tăng thêm. Đối với tôi, sự thể hiện thái quá của hình thái “đạo đức mạng” thực chất đôi lúc lại che đậy một sự suy thoái về đạo đức, tâm hồn và ứng xử trong đời thực.
Tuy vậy, để cho thật sự công bằng, có lẽ chúng ta sẽ phải dày công tìm hiểu xem tại sao những “năng lượng tiêu cực” đó lại đầy rẫy trên MXH trong giai đoạn này. Nó là nhất thời, tự phát, hay còn có những nguyên nhân sâu xa khác mà cả xã hội cùng phải quan tâm phân tích để tìm lời giải? Lời giải cho câu chuyện MXH ở nước ta chưa thể dừng ở những kết luận đơn giản, một chiều.
Một bộ phận báo chí, nhất là ở mảng văn nghệ, showbiz đang bị động, chạy theo MXH, đôi khi bị MXH giật dây có chủ ý. Có những nhà báo chỉ nhăm nhăm theo dõi Facebook của các nhân vật nổi tiếng để xào xáo, đưa ra các bài viết đầy tính ám chỉ, suy diễn. Nhiều cá nhân sử dụng MXH đã chủ động lôi kéo, thậm chí "gài bẫy" báo chí để có lợi cho mình. Làm báo bây giờ, với một bộ phận nhà báo và cơ quan báo chí, là công việc quá dễ dàng, thậm chí dễ dãi, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Sự lười biếng trong tác nghiệp, suy thoái về đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận những người làm báo nếu vẫn tiếp diễn sẽ rất đáng lo ngại, vì nó sẽ khuếch đại những mảng tối khác trong xã hội, và nguy hiểm hơn, nó kéo sự chú ý cũng như năng lượng của công luận vào những câu chuyện tầm phào, vô bổ.
MXH ở ta hiện nay đúng là đang được dẫn dắt bởi một tập hợp các cá nhân có “ảnh hưởng”, trong đó cũng có không ít phóng viên, nhà báo. Họ được gọi là các KOL (Key opinion leader), tạm hiểu nôm na là những người “lãnh đạo dư luận mạng”.
Những ý kiến của nhóm người này thường được tán dương, chia sẻ, bình luận với một số lượng người theo dõi rất lớn. Bên cạnh ảnh hưởng tích cực thì những hiệu ứng “tiêu cực” cũng không phải là ít. Có những người từ ảo tưởng về một vị thế “dẫn dắt dư luận” lại trở thành người bị “dắt mũi”.
Đối với làng báo, phần lớn những tin tức vụn vặt, vô bổ, thậm chí nhảm nhí đều xuất phát từ tâm lý muốn lôi kéo sự chú ý nhất thời của cộng đồng mạng, để rồi trở thành cái “loa rè” của MXH từ lúc nào không biết. Nếu như một bộ quy tắc ứng xử trên MXH là cần thiết, thì hơn lúc nào hết, các phóng viên, nhà báo và các tòa soạn càng cần phải đề cao cảnh giác và trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, tránh để sự dễ dãi trên MXH đè bẹp các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
Ảnh minh họa
Vậy nhà báo có quyền đưa những thông tin có được từ hoạt động nghề nghiệp của mình lên mạng, những thông tin liên quan đến các tổ chức cá nhân có thể gây ảnh hưởng rộng rãi cả tiêu cực lẫn tích cực, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Đây là vấn đề mà các cơ quan báo chí, các tòa soạn, ban biên tập cần quy ước, thỏa thuận rõ ràng với đội ngũ phóng viên, nhà báo của mình. Phải xác định được rõ trong trường hợp nào thì việc nhà báo tương tác trên MXH sẽ có lợi cho công việc chung, còn trong trường hợp nào thì tòa soạn sẽ không cho phép.
Nhà báo là hình ảnh thu nhỏ của một cơ quan báo chí, và phải đại diện cho lợi ích của cơ quan đó. Tất cả những việc làm tự phát trên môi trường MXH nhân danh nghề nghiệp đều là sự mất kiểm soát từ phía bản thân phóng viên, nhà báo và sự buông lỏng quản lý của tòa soạn.
Hiện nay, có nhiều nhà báo đã chủ động lập và tham gia nhiều diễn đàn khác nhau trên MXH, trong đó có những nhóm diễn đàn (group, fanpage) nghe tên rất “kêu”, nhưng thực ra chủ yếu làm nhiệm vụ phát tán các thông tin nhằm mục đích “ra oai” với các tổ chức, các doanh nghiệp.
Từ góc độ quản lý Nhà nước về báo chí, Bộ TT&TT sẽ quan tâm tìm hiểu và sẽ có biện pháp ngăn chặn những hình thức cấu kết “bất lương” trong làng báo. Chúng tôi cũng kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và độc giả, khán thính giả cùng giám sát báo chí, để báo chí thực sự đề cao sứ mạng phục vụ người đọc, người xem bằng những thông tin xác thực và phản biện xã hội có chất lượng.
Đã có nhiều lãnh đạo cấp tỉnh, nhiều cơ quan công quyền phải tổ chức họp báo để phản bác, cải chính những thông tin được MXH tung ra. Một điều buồn là những thông tin dạng tiêu cực lại dễ được cộng đồng tin và chia sẻ nhiều hơn những thông tin lành mạnh, tốt đẹp. Vậy theo Bộ trưởng, làm thế nào để những điều tử tế, nhân văn được lan tỏa tích cực, sâu rộng trên MXH, lấn át những tin xấu, tiêu cực?
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của việc biểu đạt ý kiến, quan điểm nhiều chiều trên MXH nói riêng và trong đời sống hằng ngày nói chung. Nhiều cơ quan, tổ chức trước đây chưa hề có khái niệm phải phản hồi những thông tin trái chiều như thế nào, nay cũng buộc phải nhảy vào cuộc, sao có thể tránh khỏi vấp váp, thậm chí nhiều khi làm cho sự việc còn tệ hơn.
Trên MXH thì nhiều khi xu hướng tiêu cực vẫn đang áp đảo, vấn đề này ta vừa đề cập ở phần trên, ở đây không bàn thêm nữa. Câu trả lời cho chuyện này chỉ có thể là cần phải tiếp tục học cách sống chung và tương tác có hiệu quả với công chúng thông qua MXH.
Chúng ta không nên quên rằng lời nói đẹp cần phải đi đôi với việc làm tốt, với hiệu quả đích thực. Do vậy, để những điều tử tế, nhân văn được lan tỏa rộng hơn trong xã hội, vẫn cần phải có những việc làm tử tế, những cách làm nhân văn, chứ không phải chỉ cần mỗi “lời hay, ý đẹp”. Công luận rất khó tính, nhưng rồi cũng vẫn sẽ công bằng.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo báo Nhân dân
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.