Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đề nghị giới công nghệ Việt Nam tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, tránh hành vi khiêu khích, thách thức không cần thiết đối với các nhóm hacker nước ngoài.Trả lời câu hỏi về vụ tin tặc tấn công vào một số hệ thống thông tin của sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, cuộc tấn công diễn ra vào lúc 16h ngày 29/7. Trước đó 2 giờ Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) đã phát đi cảnh báo số 1 về yêu cầu kiểm tra và xử lý sự cố mã độc khẩn cấp.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời báo chí chiều 29/7. Ảnh: Ngọc Thành. |
Theo Bộ trưởng, thời gian tới không chắc chắn những cuộc tấn công tương tự có diễn ra nữa hay không, vì rất khó ngăn chặn triệt để mọi cuộc tấn công trong không gian mạng. “Những mối nguy cơ sẽ ngày càng cao hơn, chúng ta càng phải nâng cao cảnh giác, đầu tư cho con người và kỹ thuật”, ông nói.
Lãnh đạo Bộ Thông tin cho rằng phải tìm ra thủ phạm mới có bằng chứng đầy đủ để buộc tội. "Cần điều tra về mặt kỹ thuật, chúng ta cần bình tĩnh, thận trọng, tránh suy diễn”, ông nhấn mạnh và đề nghị giới công nghệ Việt Nam cũng như các bên liên quan tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, tránh hành vi khiêu khích, thách thức không cần thiết đối với các nhóm hacker nước ngoài, không kêu gọi dùng hacker Việt Nam tấn công hacker nước này, nước khác.
Liên quan đến vấn đề các nhà mạng Việt Nam dùng thiết bị Trung Quốc, người đứng đầu Bộ Thông tin cho biết, đúng là có thực trạng nhà mạng lớn hiện nay ở Việt Nam sử dụng thiết bị công nghệ Trung Quốc và cũng có khả năng thiết bị đó có vấn đề. Ví dụ laptop của hãng Lenovo (Trung Quốc) đã bị phát hiện vi phạm quyền riêng tư của người sử dụng.
Việc nhà mạng mua thiết bị Trung Quốc do nhiều yếu tố như điều kiện lịch sử; luật đấu thầu có những hạn chế, nhất là về giá thành; cách tiếp cận linh hoạt của doanh nghiệp Trung Quốc; một số hãng công nghệ Trung Quốc có thương hiệu toàn quốc… Hơn thế, về luật hiện nay không có sự phân biệt đối xử.
Theo Bộ trưởng Tuấn, thời gian tới cơ quan quản lý nhà nước sẽ có đánh giá toàn diện hơn, có tiêu chuẩn cụ thể để đảm bảo an toàn thông tin khi mua các hệ thống thông tin quan trọng. Nhưng phải khẳng định không thể đảm bảo an toàn an ninh thông tin nếu chỉ phụ thuộc vào một công nghệ hay một doanh nghiệp nào và cũng không có thiết bị nào đảm bảo tin tưởng hoàn toàn.
“Chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc kinh doanh, trong điều kiện cần thiết phải biết hy sinh lợi ích doanh nghiệp để đặt lợi ích dân tộc, quốc gia lên hàng đầu, góp phần cùng nhà nước đảm bảo an toàn thông tin trong mọi điều kiện, hoàn cảnh”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Sự cố tin tặc tấn công được ghi nhận vào chiều 29/7 khi hàng loạt màn hình hiển thị thông tin chuyến bay tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất cùng hệ thống phát thanh của sân bay bất ngờ bị chèn nội dung kích động, xuyên tạc về biển Đông. Cùng thời điểm, Vietnam Airlines xác nhận trang mạng chính thức của Vietnam Airlines đã bị chiếm quyền kiểm soát và chuyển sang trang mạng xấu ở nước ngoài. Trên trang xuất hiện các ngôn ngữ kích động. Dữ liệu của 400.000 hội viên khách hàng thường xuyên bị công bố. Việc bị hacker tấn công khiến hơn 100 chuyến bay bị chậm, hành khách ùn ứ tại các quầy làm thủ tục. Đến 17h10, trang mạng của Vietnam Airlines đã được khôi phục. 18h, các hệ thống công nghệ thông tin và hệ thống dữ liệu của Vietnam Airlines bị tấn công đã được cô lập và đang trong quá trình khắc phục. Theo Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật, tin tặc chỉ xâm nhập được vào giao diện màn hình hiển thị các thông tin về chuyến bay của Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, không xâm nhập hệ thống tra cứu, đặt vé. Hệ thống điều hành bay, an ninh của các sân bay này vẫn hoạt động bình thường. |
Theo Võ Văn Thành - Võ Hải/vnexpress.net
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.