Các nhóm vấn đề về giá xét nghiệm Covid-19, quy định cách ly tập trung và thích ứng an toàn trong trạng thái bình thường mới được nhiều đại biểu quan tâm.
Sáng 10/11, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội XV, chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Có hay không việc Bộ Y tế buông lỏng giá xét nghiệm?
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, trong thời gian qua nhiều nơi ghi nhận việc loạn giá xét nghiệm Covid-19, mỗi nơi mỗi giá, có nơi thu phí đến 450.000 đồng/lần xét nghiệm.
“Liệu có lợi ích nhóm trong việc nhập khẩu kit xét nghiệm, gây bức xúc trong nhân dân. Tại sao có chuyện này xảy ra và trách nhiệm của Bộ trưởng khi để giá xét nghiệm trôi nổi như thế?”, đại biểu đoàn Đồng Tháp đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm, đại biểu Đặng Hồng Sỹ, đoàn Bình Thuận cũng bày tỏ, Việt Nam là một trong 4 nước đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2 và qua phương tiện thông tin đại chúng năm 2020, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia sản xuất được kit xét nghiệm và một số nước đã đặt mua.
“Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta chủ yếu là nhập khẩu kit xét nghiệm. Tôi đề nghị Bộ trưởng cho biết, tại sao không sử dụng kit xét nghiệm trong nước là không được sản xuất phải nhập từ nước ngoài. Nếu có sản xuất thì đã sử dụng ở đâu? ở địa phương nào? Giá xét nghiệm sáng 9/11 mới chính thức có còn trước đây giá mỗi cơ sở rất khác nhau. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm trong quản lý giá xét nghiệm”, đại biểu Đoàn Hồng Sỹ nêu rõ.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, là một trong 4 quốc gia phân lập thành công virus và giải trình tự gen virus. Bộ Y tế đã quan tâm đầu tư sản xuất sinh phẩm (kit xét nghiệm).
“Chúng ta đã hỗ trợ thúc đẩy sản xuất test nhanh kháng nguyên, hiện có hai đơn vị sản xuất cái này. Hai đơn vị chuyển giao từ nước ngoài. Chúng tôi đang thúc đẩy để đảm bảo đủ nhu cầu trong nước. Ngoài ra, có hai đơn vị sản xuất được kit kháng thể. Phương châm là làm sao chúng ta sẽ chủ động được kit xét nghiệm”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, giá cả thiết bị, sinh phẩm phụ thuộc vào nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, thời điểm mua; khi dịch bệnh mới bùng phát, thiếu nguồn cung, các quốc gia tranh mua,... nên giá cao; sau khi nguồn cung được mở rộng, giá giảm...
Bộ Y tế đã chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phải công khai, niêm yết giá trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ để các địa phương tham khảo, quyết định mua sắm... Đồng thời, Bộ Y tế cũng tăng cường cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu test kit, tạo điều kiện nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới, mở rộng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường vận động doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ để bảo đảm đủ số lượng, chất lượng test kit, sinh phẩm,... phục vụ công tác phòng chống dịch;...
Lý giải việc giá xét nghiệm mới được công bố chính thức, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, tới tháng 9/2021, khi Bộ chỉ đạo giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào thì các đơn vị nhận lỗi do mải mê quá nên không thực hiện được.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng liên tục điều chỉnh chiến lược xét nghiệm cho phù hợp với từng thời điểm diễn biến dịch bệnh, để triển khai công tác xét nghiệm tiết kiệm, hiệu quả; liên tục có văn bản nhắc nhở các địa phương đảm bảo việc thực hiện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm theo đúng quy định của pháp luật,...
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết giá xét nghiệm Covid-19 không thuộc mặt hàng quản lý giá theo quy định của luật giá và có sự chênh lệch giữa các nơi. “Đối với giá xét nghiệm, theo quy định của Bộ là thực thanh thực chi, mặt khác đối với các đơn vị tư nhân, chúng ta không áp dụng hình thức quản lý giá, do đơn vị tự chịu trách nhiệm, phải niêm yết, công khai”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.
Về vấn đề thứ hai, Bộ trưởng khẳng định đã cố gắng tách bạch người quản lý về mặt tài chính riêng, nhưng một số địa phương do UBND quyết định nên Bộ Y tế không chỉ đạo được. Tới đây, Bộ này sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan để minh bạch hóa toàn bộ quá trình bổ nhiệm, xây dựng quy định và thể chế để hạn chế sai phạm.
Cách ly an toàn, linh hoạt
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đặt vấn đề, nhiều cử tri sống tại chung cư rất lo lắng về chính sách của một số địa phương trong đó có TP. Hà Nội về việc bắt buộc đưa F1 phải đi cách ly tập trung mà không xem xét theo trường hợp cụ thể. Ví dụ người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm túc 5K nhưng chỉ cần đi chung thang máy với F0 trong khoảng vài chục giây là đã trở thành F1 và bị bắt buộc đưa đi cách ly tập trung trong thời gian khoảng 14 ngày. Trong khi đó, họ hoàn toàn có đủ điều kiện để tự cách ly tại căn hộ và cam kết thực hiện việc cách ly.
“Cách làm này gây lãng phí về nguồn lực, dễ gây tổn hại về tinh thần, dễ lây nhiễm chéo và không phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Với trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về y tế, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết ý kiến về vấn đề này?”, đại biểu đoàn Quảng Bình nêu ý kiến.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, căn cứ trên Nghị quyết 128 và Quyết định 4800, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc xét nghiệm, cách ly đối với những trường hợp đi từ những vùng dịch trở về, đối với cấp độ 3 và cấp độ 4 được phân ra làm nhiều quy định.
Thứ nhất, người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine chỉ cần theo dõi y tế ở nhà 7 ngày và xét nghiệm ngày thứ nhất, người đã khỏi bệnh cũng như vậy. Những người đã tiêm 1 mũi vaccine thì cách ly tại nhà 7 ngày, người chưa tiêm mũi nào sẽ cách ly tại nhà 14 ngày. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào các điều kiện của từng địa phương và trong khuyến cáo của Bộ Y tế là tùy mức độ, tùy địa phương và nhất là vấn đề về việc bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch đối với những khu vực có mật độ dân cư cao như chung cư hay những khu vực có nhiều người dân sinh sống mà chưa được tiêm vaccine thì cố gắng bảo đảm việc cách ly một cách linh hoạt để bảo đảm tính an toàn.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.
Đối với trường hợp này, Bộ Y tế cũng kiến nghị áp dụng cho cụ thể. Đối với những khu chung cư đông người mà tỷ lệ tiêm chủng chưa cao thì phải áp dụng hình thức cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Đây là những điều mà Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn.
Về việc những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, đeo khẩu trang và không tiếp xúc nhưng chẳng may vô tình đi cùng thang máy với F0 và hoàn toàn có đủ khả năng tự cách ly tại căn hộ và trong trường hợp đó có bắt buộc phải đưa họ đi cách ly tập trung hay không, Bộ trưởng cho biết, tình trạng này cũng đã xảy ra đối với một vài địa phương và đối với TP. Hà Nội.
Bộ Y tế đã trao đổi với TP. Hà Nội trong những trường hợp như vậy thì không bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày và trong hướng dẫn của Bộ Y tế đã nêu rất rõ trường hợp như vậy chỉ cách ly tại nhà 7 ngày. Đồng thời, Bộ Y tế đã có văn bản đưa ra các mức độ về những đối tượng tiêm 2 mũi vaccine, 1 mũi vaccine, người chưa tiêm và người đã khỏi bệnh thì như thế nào.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị đối với các địa phương áp dụng để tạo sự thống nhất trong vấn đề thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ. Bởi vì hiện nay đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả thì phải quản lý những rủi ro và làm tốt trên bình diện chung của tất cả các địa phương để tạo sự thống nhất, đồng bộ.
“Vaccine tiêm cho trẻ em không gây ảnh hưởng đến sinh sản”
Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho biết, hiện nay, các địa phương đang triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Vấn đề này đem lại niềm vui và đáp ứng mong mỏi của nhiều gia đình. Tuy nhiên, có một số cử tri còn lo lắng cho rằng, vaccine chế tạo theo công nghệ mRNA có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sự phát triển bình thường của trẻ em.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ về vấn đề này và các cơ sở khoa học để Bộ Y tế cho triển khai tiêm vaccine đại trà cho trẻ em từ 12-17 tuổi để cử tri yên tâm?”, đại biểu đoàn Tây Ninh đặt câu hỏi.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, đây là vấn đề được rất nhiều cử tri quan tâm. Đối với việc tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em sau khi tổng kết đánh giá, nghiên cứu trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và các nhà khoa học, đặc biệt là căn cứ hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, Cơ quan kiểm soát Thuốc và Thực phẩm của Hoa Kỳ đã chính thức cho phép tiêm vaccine theo công nghệ mRNA cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Hiện nay, đã có gần 40 quốc gia tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em bằng sản xuất theo công nghệ này.
“Cách làm của các nước cũng giống như chúng ta, tiêm từ lứa tuổi cao xuống lứa tuổi thấp, nhóm có nguy cơ bệnh lý nền, sau đó mở rộng đối tượng tiêm chủng. Vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA được sử dụng là vaccine của Pfizer-BioNTech. Vaccine này sẽ không xâm nhập trực tiếp vào gene, nên ý kiến cho rằng tiêm vaccine có thể gây đột biến, gây ảnh hưởng sinh sản đối với trẻ em cho đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định là không, nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục theo dõi”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, loại vaccine thứ hai được sử dụng theo công nghệ vaccine bất hoạt, tức là công nghệ vaccine của Sinopharm, hiện nay đã được 4 nước trên thế giới áp dụng cho trẻ nhỏ hơn và cũng được đánh giá đảm bảo an toàn cho trẻ.
“Tôi khẳng định, tất cả các vaccine đã cấp phép và sử dụng ở Việt Nam đảm bảo an toàn chất lượng và theo đúng cái chuẩn chung của thế giới và chúng tôi đã tham khảo các tổ chức thế giới khi đưa các loại vaccine này dùng cho trẻ em”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Ưu tiên phủ vaccine cho toàn bộ dân số
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) đề nghị tư lệnh ngành Y tế nêu nguyên tắc phân bổ vaccine khi hiện nay ở một số địa phương người dân chưa có mũi 1 vaccine Covid-19 trong khi có địa phương đã bắt đầu triển khai tiêm cho trẻ em và tính đến mũi 3.
Đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) lại băn khoăn về công tác dự báo diễn biến dịch thời gian qua đã đạt kết quả ra sao và Bộ Y tế dự báo diễn biến dịch từ nay tới năm 2022 sẽ như thế nào?
Đồng thời, đại biểu đoàn Đắk Lắk cũng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giải thích vấn đề chậm tham mưu chiến lược triển khai vaccine Covid-19 và tính công bằng trong phân bổ vaccine bởi có những địa phương đã hoàn thành tiêm cho trẻ em và có địa phương chuẩn tiêm mũi 3, trong khi đó nhiều tỉnh thành ở miền Trung, Tây Nguyên vẫn chưa có đủ vaccine để tiêm.
Giải đáp vấn đề nguyên tắc phân bổ vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết việc phân bổ vaccine dựa trên Nghị quyết 21 của Chính phủ, trong đó có địa bàn ưu tiên trọng điểm và đối tượng ưu tiên. Vì vậy, Bộ ưu tiên cho địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp trước; thứ hai là nơi nguy cơ cao như tập trung khu công nghiệp; đầu mối giao thông, trung tâm kinh tế, mật đô dân cư lớn… Ngoài ra, cũng tập trung cho đối tượng ưu tiên trước như người cao tuổi trên 50, 65 tuổi vì đây là nhóm người rủi ro nhất.
Việc tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói trước mắt sẽ ưu tiên cho địa bàn trọng điểm trước, còn trong tháng 11 sẽ cố gắng bao phủ mũi 1 vaccine trong phạm vi toàn quốc.
“Đến hiện tại, Bộ Y tế mới có kế hoạch tiêm mũi 3 nhưng chưa triển khai và dự kiến thực hiện sớm nhất vào cuối tháng 12. Song mục tiêu ưu tiên vẫn là phủ vaccine cho toàn bộ dân số nhanh nhất. Dự kiến là 2 tuần đầu tháng 11 phủ toàn bộ mũi 1 và trả mũi 2. Lúc đó, chúng ta mới tính đến tiêm mũi 3 cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền…”, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.
Kỳ vọng sớm có vaccine của Việt Nam
Trả lời câu hỏi về thời gian cụ thể vaccine Covid-19 của Việt Nam sẽ được phê duyệt và đưa vào sử dụng của đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội), Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết hiện trong nước có 2 đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng.
Về vấn đề cấp phép, ông Long cho biết Bộ Y tế chỉ cắt ngắn những thủ tục về mặt hành chính còn về chuyên môn và an toàn phải đảm bảo tối đa trên cơ sở xem xét của Hội đồng Y đức và Hội đồng Cấp phép. Hai hội đồng này thời gian qua liên tục làm việc, hướng dẫn bổ sung dữ liệu với các nhà sản xuất để có thể cấp phép.
“Chúng tôi cũng kỳ vọng sớm có vaccine của Việt Nam để sớm chủ động được nguồn vaccine”, ông Long nói.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.