Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 29 tháng 9 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 6 năm 2018 | 14:31

“Bố” Vinh - lặn lội, trăn trở với trăm con

Nhắc đến cái tên “bố” Vinh, bạn nhỏ nào ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Lào Cai cũng nể phục, kính trọng. Vì người “bố” với tấm lòng như người mẹ này, đã che chở, nâng đỡ cho nhiều bạn nhỏ trưởng thành từ những cảnh đời cùng cực.

anh-2.JPG

“Bố” Vinh (ngoài cùng bên phải) đưa học sinh giỏi đi nhận phần thưởng của Chủ tịch nước.

 

Rộng mở tấm lòng thơm thảo

Tiếp quản Trung tâm bảo trợ xã hội từ tháng 3/2006 (sau này đổi tên thành Trung tâm Công tác xã hội Lào Cai), Giám đốc Vũ Văn Vinh thực sự ám ảnh khi tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của những mảnh đời éo le của các bạn nhỏ nơi đây. Bởi phần lớn các em được tiếp nhận vào trung tâm đều mồ côi cha mẹ, không có ai nuôi dưỡng. Có em còn họ hàng, cô dì, chú bác nhưng gia cảnh nghèo quá không thể cưu mang.

Nhà em Hầu Thị Hoản (Bắc Hà), quá nghèo nên trong một lần đi kiếm nấm rừng về ăn, cả nhà em bị ngộ độc chết hết. Hoản may mắn sống sót và được đưa về Trung tâm công tác xã hội. Lúc đó, em chừng 6-7 tuổi, nhìn lấm lem, còi cọc, nhưng đến nay, Hoản đã trở thành cô sơn nữ xinh xắn trở về quê lập gia đình. Các bố, mẹ trong trung tâm chưa kịp mừng cho Hoản tìm được hạnh phúc và mái ấm riêng, thì đã phải đôn đáo lo lắng khi Hoản sinh con thiếu tháng. Đứa bé yếu ớt, với cân nặng 1,5kg phải nằm viện cấp cứu. Bao nhiêu ngày mẹ con Hoản nằm viện, là bấy nhiêu ngày các bố, mẹ thay nhau hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Ông Vinh bàn bạc với cán bộ trung tâm cân đối nguồn tài chính để hỗ trợ mẹ con Hoản 3 triệu đồng.

Trước đó, em Lý Sín Tỷ, ở xã Tả Cù Tỷ (Bắc Hà), bố mất do tai nạn giao thông, mẹ ốm đau bệnh tật qua đời, vào trung tâm khi mới 6 tuổi. Lớn lên, trở về quê lấy chồng, con Tỷ không may bị úng bộ phận sinh dục phải đưa đi cấp cứu. Chồng thì làm thuê bên Trung Quốc, vợ đưa con ra bệnh viện chỉ có một manh áo trên người và 200.000 đồng trong túi. Tỷ chỉ còn cách cầu cứu “bố” Vinh.

Ông Vinh kể: Nhận được tin, tôi lập tức cử anh em trung tâm ra giúp đỡ nói chuyện với bệnh viện để con Tỷ được đặc cách điều trị. Đồng thời, trung tâm hỗ trợ kinh phí mặc dù Tỷ đã vào diện hết tuổi được bảo trợ. Các bố mẹ khác thì hò nhau gom quần áo cũ, ai có cái gì hỗ trợ cái ấy, mỗi người một ít chung tay giúp đỡ hai mẹ con Tỷ. Để kịp thời mổ cho đứa trẻ, tôi là người phải đại diện gia đình ký bảo lãnh. Khi báo tin được cho bố đứa bé, chủ sử dụng lao động chỉ trả cho mấy trăm nghìn đi xe ôm. Cũng may, vì được cấp cứu kịp thời nên đứa bé sớm khỏe lại. Ra viện, các khoản chi phí trong 10 ngày điều trị, trung tâm đứng ra lo liệu, hai mẹ con Tỷ kệ nệ ra về với 2 bao quần áo và gần 3 triệu đồng, nên rất phấn khởi và biết ơn.

Tâm sự thật lòng, ông Vinh cho hay: “Những trường hợp như vậy, ở đây cũng không phải là ít. Hơn chục năm nay, số trẻ trưởng thành rời trung tâm cũng lên đến gần 200 người và đã hết tuổi được bảo trợ. Nhưng bao nhiêu năm nay nuôi, dạy các con, chúng tôi biết các con đã coi trung tâm là gia đình, tình cảm gắn bó giữa các con và bố, mẹ vẫn là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất để các con hòa nhập với cộng đồng. Có đến 4-5 bạn nhỏ học xong đã đi làm, không còn gia đình hoặc họ hàng thì ở xa, nên năm nào, các con cũng tìm về trung tâm ăn Tết cùng”.

Hạnh phúc dưới mái nhà chung

Vào nương náu dưới mái nhà này, đến nay không chỉ có 80 trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ mà còn có 11 cụ già không nơi nương tựa, 2 người khuyết tật và 8 đối tượng tâm thần. Năm 2017, Trung tâm cũng tiếp nhận và hỗ trợ 86 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị mua bán trở về và khoảng hơn 40 trẻ tự kỷ.

Đối với mỗi nhóm lại có những nỗi vất vả riêng, ví như, trong nhóm trẻ em thì trẻ em lang thang là khó khăn nhất vì các em có gia đình nhưng bố mẹ không quan tâm, quản lý. Các em được đưa về trung tâm tư vấn, giáo dục rồi trả về gia đình, có những em hòa nhập được nhưng cũng có em lại tiếp tục đi lang thang.

Với người tâm thần, có trường hợp tâm thần nặng có hành vi đốt nhà, giết người hoặc đi lang thang... Khi đưa vào, trung tâm phải phân loại, đánh giá, bệnh nặng thì đưa đến Bệnh viện Tâm thần trung ương, bệnh nhẹ thì trung tâm sẽ phối hợp với Khoa tâm thần của bệnh viện tỉnh nuôi dưỡng và phục hồi chức năng, hầu hết đều có chuyển biến rất tích cực.

Vất vả là thế, nhưng “bố” Vinh cũng không giấu được tự hào khi nhắc đến gần 200 đứa con đã trưởng thành từ mái nhà này. Phần lớn các em đi học tại Trường Hoa Sữa ở Hà Nội, được đào tạo nghề nấu ăn: chế biến các món ăn Âu - Á, các loại bánh ngọt  Pháp, pha chế sinh tố, đồ uống các loại… hoặc theo học nghề du lịch trong lĩnh vực khách sạn, buồng, bàn… Sống trên quê hương có sẵn tiềm năng du lịch, nên các em ra trường là có việc làm ngay, thậm chí, các nhà hàng, khách sạn tự đến tìm nguồn cung lao động cho đơn vị mình.

“Bố” Vinh cũng đặc biệt trìu mến khi nhắc đến đứa con Lò Thuận (dân tộc Thái) ở huyện Than Uyên. Thuận là người con rất có ý chí và nghị lực. Ra trường xin được việc làm ổn định, Thuận lập gia đình và xây được nhà ở Bản Hồ trị giá 400-500 triệu đồng. Đến nay, nhờ chăm chỉ làm ăn và chịu khó học hỏi, vợ chồng Thuận làm mô hình du lịch homestay, thu nhập khá và tương đối ổn định. Thuận đã kết nối các tổ chức từ thiện khác đến giúp đỡ các em ở trung tâm. Vào mỗi dịp Quốc tế thiếu nhi (1/6) hay Tết Trung thu, Thuận cùng các tổ chức, nhà hảo tâm tổ chức các cuộc vui chơi bằng tiếng Anh, vừa thu hút các em tham gia hoạt động tập thể, vừa khuyến khích các em có động lực để học ngoại ngữ, cuối cùng là phần thưởng nên cuộc chơi rất sôi nổi và bổ ích.

Xác định chỉ có con đường học vấn mới cho các con một tương lai tươi sáng, nên phong trào khuyến học luôn được ông Vinh và cán bộ Trung tâm chú trọng. Vì vậy, nhiều năm nay, con em của Trung tâm đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai về các thành tích như giải nhất môn Lịch sử, giải nhất môn Toán cấp tỉnh… Đặc biệt, còn được tỉnh bầu chọn đi nhận phần thưởng học sinh giỏi toàn diện từ Chủ tịch nước.

Như những bậc phụ huynh trăn trở với tương lai của con em mình, bố “Vinh” cũng lo lắm vì hiện đang có 6 người con học Đại học, có em đã ra trường nhưng chưa xin được việc làm. Trong đó, có 4 người con đang học nhưng đã quá 22 tuổi (độ tuổi hết sự bảo trợ của nhà nước nên không còn được miễn học phí tại các trường đại học, cao đẳng). Lý do cũng là vì hoàn cảnh của các em đặc biệt, được đi học muộn hơn so với độ tuổi hoặc do lỡ dở phải học lại. “Bố” Vinh nhẩm tính, mỗi năm cộng cả tiền học phí lẫn chi phí sinh hoạt phải lên đến mười mấy triệu đồng/người con, song Trung Tâm phải quyết tâm lo bằng được cho các con. Bên cạnh đó, còn phải liên hệ với các đơn vị tạo điều kiện để các con ra trường có được việc làm ngay.

Để có điều kiện lo cho các con, cũng như những người sống dưới mái nhà, ông Vinh đang nỗ lực tìm nguồn lực để mở rộng diện tích, tăng thêm phòng ốc, trang thiết bị… để người già, người tàn tật, đối tượng tâm thần, trẻ sơ sinh với nạn nhân bị mua bán… không phải ở chung cùng dãy nhà. Đặc biệt là, có chế độ chăm sóc y tế đảm bảo để khám, điều trị cho những nạn nhân bị thương hoặc bị bệnh nặng.

 

 

 

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Mỗi khi đất nước có thiên tai, dịch bệnh thì truyền thống yêu nước, tinh thần "tương thân, tương ái", “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo” luôn là bản chất tốt đẹp của người dân Việt Nam lại được phát huy.

  • Tạp chí Kinh tế nông thôn chung sức cùng người dân Lào Cai khắc phục hậu quả sau mưa lũ

    Tạp chí Kinh tế nông thôn chung sức cùng người dân Lào Cai khắc phục hậu quả sau mưa lũ

    Hoàn lưu của cơn bão số 3 (Yagi) đã khiến tỉnh Lào Cai bị thiệt hại nặng về người và tài sản. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã nén đau thương cùng nhau nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống trong sự sẻ chia của đồng bào khắp mọi miền đất nước.

  • Bảo Việt dành 5 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

    Bảo Việt dành 5 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

    Để kịp thời chung tay cùng đồng bào các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) gây ra, Bảo Việt đã trích quỹ an sinh xã hội của Tập đoàn và các đơn vị thành viên để ủng hộ 5 tỷ đồng cho các tỉnh bị ảnh hưởng cơn bão số 3.

Top