Buổi lễ phát động Bữa ăn an toàn Hà Nội tại quận Thanh Xuân với trên 1.000 người tham gia đã khép lại, song chương trình hành động của Hà Nội về Bữa ăn an toàn giai đoạn 2017-2020 bắt đầu mở ra. Gặp gỡ người dân trong khu chung cư 34T (phường Nhân Chính - nơi diễn ra buổi lễ), các doanh nghiệp, nhà quản lý…, chúng tôi ghi nhận được nhiều điều xung quanh vấn đề này.
Người dân mua hàng tại quầy ở chung cư 34T.
Người dân tin tưởng, hy vọng
Bà Nguyễn Thị Nhân, sống ở chung cư 34T, cho biết: “Hôm trước tôi cũng tham gia buổi lễ phát động, sau đó đi thăm các gian hàng thực phẩm, thấy hàng hoá khá phong phú. Lúc đầu tôi mua thử mỗi thứ một ít, sau thấy tươi ngon, nhất là thịt lợn, nên hôm sau tôi mua tiếp chân giò và thịt thăn để làm ruốc bông. Không riêng tôi, người dân trong chung cư 34T cũng ra đây mua hàng. Sau lễ phát động, Hà Nội duy trì được mô hình này thì quá tốt, những người nội trợ như chúng tôi không phải mất công tìm kiếm. Rất tiện lợi mà giá cả không chênh lệch là bao”.
Mặc dù ở chung cư 24T, cách đó khá xa, nhưng sau khi được bạn bè giới thiệu, trên đường đi làm về, chị Phạm Thị Mai San cũng đến mua thực phẩm ở các gian hàng. Chị San cho biết, trước đây, chị có thói quen mua hàng ở chợ truyền thống, chỉ tin vào chỗ quen biết mà không nghĩ đến việc cần phải truy xuất nguồn gốc, thực phẩm cũng phải có “lý lịch” mới đảm bảo an toàn... “Mấy hôm nay mua hàng ở đây thấy khá tươi ngon, giá cũng không cao lắm, lại có nguồn gốc rõ ràng, tôi sử dụng thấy yên tâm hơn hẳn. Nhiều người trong khu chung cư 24T của tôi cũng mua hàng ở đây, tuy nhiên điều chúng tôi quan tâm là sau lễ phát động, các gian hàng này bán ở đâu, làm thế nào để người nội trợ mua được tiện lợi nhất”.
Nhận thấy gian hàng bán xúc xích của Công ty CP Nông nghiệp An Đông FARM (Thái Bình) khá đông khách, tôi đã trao đổi nhanh với Giám đốc Lê Trọng Hà. Ông Hà cho hay, năm 2016, đơn vị đã thành lập nông trại chăn nuôi với quy mô 10.000m2 ở Thái Bình. Năm 2017, chính thức thành lập công ty và mở thêm 5.000m2 nông trại ở Hà Nam. “Lợn ở trang trại của chúng tôi được nuôi theo quy trình khép kín, loại chuồng để mở tự nhiên, không điều hoà, mỗi chuồng chỉ từ 10-12 con. Lợn “rong chơi” cả ngày ngoài sân, tối mới vào chuồng; thức ăn chủ yếu là cám ngô, gạo, khô đậu tương; một ngày chúng được tắm 2 lần, được nghe nhạc sau khi ăn 1 giờ để thư giãn; nuôi 6 -7 tháng thì xuất chuồng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đầu tư hệ thống giết mổ khép kín, xúc xích được chế biến, thực hiện tại Hà Nội theo công nghệ Đức, giá bán 90.000 đồng/gói/400g”, ông Hà cho biết.
Ý kiến nhà quản lý
Mặc dù không có gian hàng trưng bày ở lễ phát động như các doanh nghiệp khác, song ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội - đơn vị có tiềm năng được Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố giới thiệu tham gia chương trình cũng nhiệt tình tham quan và thăm dò thị hiếu người tiêu dùng.
Ông Dũng cho biết, công ty có nhà máy chế biến thức ăn và hệ thống trang trại chăn nuôi lợn khép kín truy xuất nguồn gốc ở các huyện ngoại thành Hà Nội và các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương. Sản phẩm là thịt lợn pha lọc, bán buôn cho các siêu thị, tiểu thương ở chợ và các bếp ăn tập thể, đóng khay phục vụ gia đình; chế biến giò chả và các món ăn chín. Cũng theo ông Dũng, tính ưu Việt của chuỗi là làm tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi, nhất là hạ giá cám, vì trong chăn nuôi thức ăn, chiếm 70% giá thành sản phẩm. Công ty đã làm lợi cho nông dân nhờ có nhà máy chế biến thức ăn, người chăn nuôi không phải mất chi phí mua cám như ở đại lý. Trong cơn khủng hoảng giá lợn vừa qua nông dân trong chuỗi sản xuất của ông không bị lỗ nặng là vì vậy.
Người tiêu dùng cũng được “ăn theo” từ chuỗi trên về giá cả, công ty lấy lợi nhuận của các khâu để làm lãi, nhờ vậy giá thực phẩm đến tay người tiêu dùng không cao. Ngoài ra, đây còn là chuỗi thịt lợn đầu tiên ở Việt Nam được truy xuất nguồn gốc khép kín, thực hiện việc dán tem ngay trên từng sản phẩm, tất cả các thông tin như bắt lợn ngày nào, ngày giết mổ, chế biến, số điện thoại người chăn nuôi… đều có thể truy xuất dễ dàng.
Với chủ đề “Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn”, chương trình Bữa ăn an toàn giai đoạn 2017 - 2020 của Hà Nội nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư trong việc tiêu dùng thực phẩm an toàn; đáp ứng bữa ăn hàng ngày, góp phần bảo vệ sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo đó, có 5 nhà đồng hành cùng Hà Nội: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà báo, doanh nghiệp, người tiêu dùng; và 4 đơn vị trên địa bàn tham gia: Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương. Từ nay đến năm 2020, sẽ có 30 chung cư thực hiện Bữa ăn an toàn Hà Nội và được triển khai qua 4 giai đoạn: tháng 5/2017- 31/12/2017, lựa chọn 5 chung cư để thực hiện. Năm 2018 nhân rộng mô hình ra 10 chung cư; giai đoạn 3 năm 2019 có 15 chung cư; giai đoạn 4 duy trì 30 chung cư.
Bà Hồ Thị Mai Chinh, Phó trưởng Ban chỉ đạo, Chủ nhiệm Chương trình “Bữa ăn an toàn” Hà Nội, cho biết: “Sau lễ phát động, Ban chỉ đạo sẽ thực hiện một số nhiệm vụ như: tiếp tục xây dựng các gian hàng cố định tại các chung cư cao tầng ở Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, trên cơ sở những thành công và những điều cần phải khắc phục qua các gian hàng tại khu chung cư 34T vừa qua. Ngoài ra, tiếp tục công việc truy xuất nguồn gốc của các nhà cung cấp một cách nghiêm túc; gắn quyền lợi người tiêu dùng với trách nhiệm của 5 nhà nói trên để chung tay kiểm soát thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn. Bên cạnh đó, cũng cần khuyến cáo người cung cấp không lợi dụng “Bữa ăn an toàn” để đưa hàng hoá không đạt chất lượng, chưa được kiểm soát đến người tiêu dùng, làm mất uy tín của chương trình. Các nhà báo sẽ tham gia giám sát chương trình này, Ban tổ chức sẽ chỉ đạo theo 2 hướng: nếu làm tốt, khen thưởng, tuyên dương; nếu không tốt, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc”.
Hy vọng, với những bước đi thận trọng ngay từ ban đầu, Chương trình Bữa ăn an toàn của Hà Nội sẽ thành công như dự định, lấy lại niềm tin người tiêu dùng Thủ đô về thực phẩm Việt.
Theo ông Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, để tiếp cận gần hơn tới người tiêu dùng, chương trình “Bữa ăn an toàn” sẽ xây dựng gian hàng cố định tại các chung cư với sự tham gia của những sản phẩm đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm từ nhiều nhà sản xuất; thành lập trang thương mại điện tử "buaanantoan.vn" giúp người tiêu dùng lựa chọn được thực phẩm bảo đảm với giá cả hợp lý; phát hành “thẻ ATM Bữa ăn an toàn” giúp người tiêu dùng thanh toán trực tuyến nhanh chóng và thuận tiện… |
Dương An Như
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.