Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 26 tháng 1 năm 2017 | 2:59

Bùi Đức Long: Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016

Với giải pháp “Xử lý ra hoa đậu quả không đào rễ trên cây cam đường Canh”, ông Bùi Đức Long ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn  - Bắc Giang) đã giúp gia đình và nhiều nông dân trong vùng giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận trong quá trình chăm sóc cam.

Giải pháp này đã giúp ông mang về giải nhất cuộc thi “Sáng tạo nhà nông tỉnh Bắc Giang” lần thứ VI và giải ba toàn quốc năm 2015. Không những thế, ông còn được biết đến là tỷ phú trồng cam của huyện Lục Ngạn và là một trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016.

Từ trồng cam Canh, gia đình ông Long có thu nhập lên tới 4 tỷ đồng/năm.

Người mang cây cam Canh về đất Lục Ngạn

Những ngày cuối tháng 11/2016, khi tham dự Hội thảo “Giải pháp phát triển vùng cây ăn quả có múi tại huyện Lục Ngạn” do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức, tôi được gặp ông Long và được nghe ông phát biểu về các giải pháp phát triển cây có múi của huyện Lục Ngạn. Tuy nhiên, tôi đã không thể trao đổi được với ông một cách cụ thể vì ông quá bận. Để tìm hiểu về quá trình lập nghiệp với cam Canh của ông Long, tôi phải nhờ ông Nguyễn Văn Bái, Chủ tịch Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Bắc Giang liên hệ đặt lịch trước.

Trên đường vào nhà ông Long, ông Bái cho biết, có thể nói, ông Long là người đầu tiên mang cây cam đường Canh về trồng tại đất Lục Ngạn. Sau một thời gian trồng, thấy có hiệu quả, nhiều người dân trong huyện bắt đầu trồng theo. Hiện, diện tích cam của Lục Ngạn đã lên tới cả nghìn hecta, từ cây cam, nhiều hộ có thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Không dừng lại ở đó, ông Long còn đi đầu trong áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng cam. Hiện, ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ trang trại trồng cây ăn quả có múi huyện Lục Ngạn với 22 thành viên, tổng diện tích cây ăn quả có múi đạt 85 ha, tổng doanh thu 33 - 35 tỷ đồng/năm. Câu lạc bộ thường xuyên sinh hoạt để các thành viên trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi; liên kết trong sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và thông tin cho nhau về đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là nơi để ông Long phổ biến kỹ thuật “Xử lý ra hoa đậu quả không đào rễ trên cây cam đường Canh”, mô hình tưới nước nhỏ giọt cho các thành viên câu lạc bộ.

Qua tìm hiểu, tôi được biết, năm 2003, qua một số phương tiện thông tin đại chúng, ông Long thấy ở tỉnh Hưng Yên có nhiều mô hình trồng cam đường Canh hiệu quả, nhiều gia đình giàu lên từ cây cam này. Thấy vậy, ông đã cất công xuống Hưng Yên và tỉnh Hà Tây (cũ) - nơi gốc gác của giống cam quý này để tìm hiểu. Nhiều người biết ý định của ông đã khuyên không nên trồng vì cam Canh là loại cây khó tính, trong đó vợ ông là người phản đối quyết liệt nhất.

Thế nhưng, ông Long vẫn quyết định dồn hết số tiền 200 triệu đồng gia đình tích góp được đầu tư vào trồng cam. Ban đầu, ông mua 1,5 mẫu đất sình lầy rồi thuê người, máy móc làm luống trồng 700 cây. Với mục đích lấy ngắn nuôi dài, thời gian đầu, ông trồng xen đu đủ với cam. Sau một năm, những cây đu đủ đầu tiên đã cho thu hoạch. Năm 2005, ngay trong vụ cam đầu tiên, gia đình ông có lãi hơn 170 triệu đồng, vụ thứ hai lãi gần 300 triệu đồng.

Có ít lãi trong tay, năm 2007 và năm 2010, ông Long tiếp tục mua đất mở rộng diện tích trồng cam, đến nay diện tích cam của gia đình đã lên tới 5ha. Vụ cam năm 2016, dự kiến sản lượng đạt 70 - 80 tấn, trừ chi phí ông còn lãi 2,8 - 3 tỷ đồng. Trang trại cam của ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 7 - 8 lao dộng với mức lương 6 triệu đồng/tháng và 40 - 50 lao động thời vụ.

Ông Long tâm sự: “Khi quyết định trồng cam, vợ chồng tôi giận nhau gần nửa năm trời, không nói chuyện với nhau. Nghĩ lại tôi cũng thấy mình liều, không một ai ủng hộ, từ người thân cho đến hàng xóm đều can ngăn. Cũng dễ hiểu bởi từ xưa đến nay, chỉ thấy người ta trồng cam trên đất đồi chứ ít thấy ai trồng cam ở chân ruộng trũng. Ban đầu tôi cùng mấy người làm thuê làm mọi việc từ lên luống, làm bầu, trồng, chăm sóc 700 cây cam. Mãi đến khi cam phát triển xanh tốt vợ tôi mới hết giận”.

Với phương pháp "Xử lý ra hoa đậu quả không đào rễ trên cây cam đường Canh", cây cam ra quả nhiều, ít sâu bệnh hơn, năng suất tăng, mã quả đẹp, giảm tỷ lệ quả nứt nên tiêu thụ thuận lợi.

“Trong 3 lần đầu tư thì lần thứ 3 là tốn nhiều thời gian, nhiều tiền và công sức nhất. Năm 2017, vườn cam mới bắt đầu cho thu hoạch nhưng chi phí đến lúc thu hoạch lên tới 4,5 tỷ đồng. Nếu nói về độ lì và liều, tôi nghĩ chắc không có ai lì và liều như tôi”, ông Long cho biết thêm.

Kỹ sư “không bằng”

Chia sẻ về kỹ thuật trồng cam, ông Long cho biết, khâu quan trọng nhất quyết định đến năng suất, chất lượng và giá trị của quả cam là thời điểm sau thu hoạch và thời điểm xử lý cho cây ra hoa kết trái. Tuy nhiên, các khâu này rất tốn nhân công và chi phí. Đặc biệt, cây dễ mắc bệnh nhưng tỷ lệ đậu quả không cao, quả dễ nhiễm bệnh, đồng thời không chủ động được thời gian thu hoạch, làm ảnh hưởng tới giá bán.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, năm 2010, ông Long đã nghiên cứu và thí nghiệm phương pháp xử lý ra hoa đậu quả không đào rễ trên cây cam đường Canh. Với phương pháp này, chủ vườn không cần đào rễ mà dùng phân kali phối hợp với khoanh cành. Lúc đầu, ông Long thí điểm trên 20 gốc. Cuối tháng 11 âm lịch, khi cây bung gần hết lộc non, ông dùng kali sunfat pha theo nồng độ 0,1kg với 20 lít nước phun ướt đều trên bề mặt lá.

Sau khoảng 7-10 ngày, tiến hành tưới kali clorua dưới gốc theo tỷ lệ 0,2kg hòa với 8 lít nước/1m đường kính tán lá, tưới đều từ tán cây trở vào gốc. Sau 10 ngày tưới, lá cây chuyển từ màu xanh sang vàng nhẹ thì dùng dao mỏng tiện một vòng cách gốc 0,3 - 0,4m để cây suy yếu tạm thời, giúp cây tích tụ dinh dưỡng và kích thích ra hoa.

Từ 15 - 20 ngày sau khi cây phân hóa mầm hoa thì phun kích thích ra hoa theo khuyến cáo. Sau khi hoa nở bung hết khoảng 1 tuần thì tiện gốc lần hai, nếu cây yếu thì để lại 1-2cm vỏ. Kết quả, cả 20 cây cam đều sai quả. Vụ cam năm 2011, ông Long đã mạnh dạn áp dụng phương pháp này trên 1.000 cây, đến nay, ông đã áp dụng cho cả 5ha với 10.000 gốc cam.

Ông Long tâm sự, trước đây gia đình phải thuê tới 60 - 70 lao động về đào rễ cây với chi phí 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Lúc đấy những cây không kịp khoanh rễ ra rất ít hoa, nhiều trường hợp do đào đất sâu quá khiến rễ cây chết hoặc ngừng ra hoa nhiều năm liền. Hiện, toàn bộ diện tích cam Canh của gia đình đều được chăm sóc theo phương pháp này.

“Áp dụng phương pháp xử lý ra hoa đậu quả không đào rễ trên cây cam Canh, ông giảm được gần 70 triệu đồng tiền nhân công/5ha cam. Còn cây thì ra hoa nhiều hơn, tỷ lệ đậu quả đạt cao hơn. Trong khi đó, cây ít mắc bệnh, năng suất tăng, mã quả đẹp, giảm tỷ lệ quả nứt nên tiêu thụ thuận lợi. Đồng thời, người trồng cam chủ động được thời gian thu hoạch do vậy có lợi về giá bán”, ông Long phân tích.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn đánh giá: “Biện pháp chăm sóc cam Canh của ông Long là hướng đi mới, cho hiệu quả cao. Chúng tôi đang phối hợp cùng ông Long triển khai nhân rộng ở một số xã và nhận được phản hồi tốt từ các hộ”.

Với giải pháp “Xử lý ra hoa đậu quả không đào rễ trên cây cam đường Canh”, ông Long đã đoạt giải nhất Cuộc thi “Sáng tạo nhà nông tỉnh Bắc Giang” lần thứ VI và giải ba toàn quốc năm 2015. Đặc biệt, năm 2016, ông Bùi Đức Long vinh dự là một trong 63 nông dân được tặng danh hiệu: Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016.

Hoàng Văn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top