Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đang thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm chấn chỉnh tình trạng hộ dân nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh không bảo đảm yếu tố kỹ thuật.
Tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện Ngọc Hiển.
Theo Công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) sẽ chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương… tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về điều kiện, quy trình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh phù hợp với tình hình thực tế. Yêu cầu các doanh nghiệp hợp đồng cung ứng giống, thức ăn, vật tư đầu vào (Công ty CP, Việt - Úc, Việt Mỹ, Trúc Anh…) cho hộ nuôi tôm cam kết hướng dẫn cho nhân dân thực hiện đúng quy trình xây dựng ao đầm theo mô hình của đơn vị đã đăng ký, được Sở NN và PTNT chấp nhận nhằm bảo đảm xử lý nước thải, chất thải khi nuôi tôm, bảo đảm không ô nhiễm môi trường và an toàn về điện.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Công ty Điện lực Cà Mau phối hợp Sở NN và PTNT rà soát các quy định, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm về môi trường, về an toàn sử dụng điện trong hoạt động nuôi tôm để hướng dẫn, tuyên truyền cho hộ dân thực hiện một cách nghiêm túc, kiên quyết xử lý hành vi sai phạm.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau còn giao Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực sản xuất ở các huyện, TP Cà Mau khẩn trương thành lập các tổ công tác để: kiểm tra, chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại trong chỉ đạo sản xuất của chính quyền cấp xã. Trong đó đặc biệt lưu ý kiểm tra, khắc phục những hộ đang nuôi tôm nhưng chưa đủ điều kiện, còn xả thải ra bên ngoài; tuyên truyền cho nhân dân biết, thực hiện quy định phải đăng ký với chính quyền địa phương khi có kế hoạch đầu tư nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh; khảo sát, hướng dẫn các hộ đăng ký nuôi xây dựng ao đầm đúng quy định… Những nơi để tồn tại, phát sinh tình trạng nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh xả thải gây ô nhiễm môi trường thì cán bộ có liên quan, người đứng đầu địa phương sẽ bị xử lý trách nhiệm…
Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 9 diễn ra vào chiều 3-10, nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau phản ánh tình hình dịch bệnh trong nuôi tôm vẫn còn xảy ra do tác động của môi trường ô nhiễm nhưng chưa được giải quyết triệt để; tình trạng người dân tự phát nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh hàng trăm héc-ta ở huyện Phú Tân, Đầm Dơi… rất khó xử lý. Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh Cà Mau yêu cầu các địa phương trong tỉnh phải thực hiện nghiêm túc các thủ tục đăng ký và hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân, kiên quyết không để tự phát diện tích nuôi không bảo đảm yếu tố kỹ thuật.
“Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng người dân tự phát nuôi tôm siêu thâm canh không bảo đảm các yếu tố kỹ thuật thì chủ tịch UBND cấp đó phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND cấp quản lý trực tiếp”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.
Được biết, toàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 9.600 ao nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, diện tích đang thả nuôi chiếm khoảng 51%. Trong đó, nuôi tôm siêu thâm canh có 570 hộ với hơn 675 ha, năng suất thu hoạch bình quân từ 20-50 tấn/ha/vụ, tỷ lệ thành công chiếm hơn 85%.
Theo Hữu Tùng/nhandan.com.vn
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.