Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 21 tháng 6 năm 2022 | 16:10

Cà Mau công bố Danh mục di sản phi vật thể Nhạc Trống lớn của người Khmer

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau vừa tổ chức Lễ công bố Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trình diễn dân gian Nhạc Trống lớn của người Khmer, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

 

Cách đây hơn 100 năm, di sản văn hoá nghệ thuật Nhạc Trống lớn đến vùng đất Cà Mau cùng với quá trình di cư, cộng cư của người Khmer. Đây là loại hình nghệ thuật tiêu biểu, giúp cho người Khmer diễn đạt các cung bậc cảm xúc, tình cảm của mình trong quá trình tổ chức hoạt động lao động, sản xuất và trong lễ hội.

a1.jpg
Chương trình văn nghệ đặc sắc của người Khmer Cà Mau tại buổi lễ.

 

Theo các vị cao niên trong cộng đồng Khmer, Nhạc Trống lớn ở Cà Mau được ông Hữu Pinh, Hữu Mốt ở Trà Vinh xuống Cà Mau lập gia đình, sinh sống ở vùng đất Tân Lộc thuộc huyện Thới Bình, mang theo và thực hành từ những năm cuối thế kỷ XIX. Đến năm 1922, các vị sư, đồng bào phật tử và người dân lân cận bắt tay nhau góp vốn xây dựng ngôi chùa có tên gọi là chùa Trâu Trắng (Bạch Ngưu), Nhạc Trống lớn ở khu vực này cũng bắt đầu được hình thành và thường xuyên chơi tại đây. Đến năm 1958, chùa đã dời về cặp tuyến Quốc lộ 63, đổi tên thành chùa Cao Dân; cùng với việc xây dựng ngôi chùa, hoạt động trình diễn loại hình nghệ thuật Nhạc Trống lớn dần đi vào tổ chức ổn định và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Khmer trong các dịp lễ tết. Hiện nay, nghệ thuật chơi Nhạc Trống lớn ngày càng được nhiều người biết đến và có nhiều thành viên trong và ngoài phum sóc khác đến học hỏi, như nhóm Phum Ph’niếc của ấp Cây Khô và Phum T’rung Khmer của chùa Rạch Giồng, là 2 nhóm nhạc thuộc huyện Thới Bình và một số thành viên ở các địa phương khác.

a2.jpg
Ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, thừa uỷ quyền trao Chứng nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Nhạc Trống lớn cho đại diện lãnh đạo huyện Thới Bình và chủ thể di sản.

 

Nghệ thuật Nhạc Trống lớn của đồng bào dân tộc Khmer huyện Thới Bình được tạo ra từ dàn nhạc Trống lớn (Plêng Skor Thom). Dàn nhạc này được đồng bào dân tộc Khmer ở Cà Mau biểu diễn phổ biến và luôn quan tâm giữ gìn lâu nay. Theo các nghệ nhân thực hành di sản “Nghệ thuật nhạc trống lớn” tại địa phương, dàn nhạc Trống lớn gồm 15 loại nhạc cụ sau: Skor Thom, Koông Thom, Skor Đay (02 cái), T’ruô – U, T’ruô – Khse bây (T’ruô Khmer, T’ruô Nguôk), T’ruô – sô, Chapay-chomriêng, Pay Puốc, Pay – O, Khloy, Khưm, Chhưng, Tà Khê và Krap. Dàn nhạc Trống lớn thường biểu diễn trên một chiếc chiếu được trải phía trước nhà. Trước khi diễn xướng, bắt buộc phải có một mâm lễ cúng tổ, được bố trí ở trung tâm của dàn nhạc. Chiếc Trống lớn chủ đạo được bố trí ở trung tâm hoặc một góc thuận tiện để nghệ nhân trình diễn. Các nghệ nhân sử dụng các loại nhạc cụ khác được bố trí ngồi quanh chiếc chiếu.

Theo ông Thạch Nam Phương, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng tỉnh Cà Mau thì dàn nhạc Trống lớn là dàn nhạc đặc trưng, được sử dụng cho các giai điệu buồn bã, tang tóc, tiết tấu chậm rãi, dìu dặt… Trong dàn nhạc này, trống lớn đóng vai trò rất quan trọng khi diễn tấu, mỗi nhịp trống phát ra có âm thanh trầm, vang xa thể hiện sự rung động cảm xúc xót thương đến tột cùng. Dàn nhạc Trống lớn của đồng bào dân tộc Khmer Cà Mau không chỉ phát triển trong tỉnh mà còn ở các tỉnh lân cận.

Nghệ nhân Sơn Xà Phál (ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ), đại diện chủ thể của di sản, rất vui mừng khi Nghệ thuật dân tộc Nhạc Trống lớn của người Khmer được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ cố gắng truyền nghề cho các thế hệ con em người dân tộc Khmer, tạo nên những lớp nghệ nhân giỏi kế thừa và phát huy nhiều hơn nữa loại hình nghệ thuật này”.

Ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho rằng, để góp phần gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nhạc Trống lớn, tỉnh Cà Mau mong chính quyền địa phương các cấp phối hợp để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật về di sản văn hoá, nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân trên địa bàn, qua đó khơi dậy ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc phát hiện, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình di sản văn hoá vật thể và phi vật thể tỉnh Cà Mau. Đồng thời, chủ động triển khai các chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh trong công tác bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Nâng cao hơn nữa đời sống văn hoá, tinh thần của người dân, thực hiện bảo tồn và phát huy tốt nhất di sản văn hoá phi vật thể đã được đưa vào Danh mục quốc gia gắn với phong trào văn hoá - văn nghệ ở cơ sở, cũng như tổ chức trình diễn trong các hội thi, liên hoan cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc. Định kỳ tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá với các tỉnh bạn, đặc biệt là Nghệ thuật trình diễn dân gian Nhạc Trống lớn của người Khmer đến với du khách và khách quốc tế.

 

Biêu Quân
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top