Nhiều địa phương trên địa bàn cả nước đang đề ra hàng loạt giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng trong mùa nắng nóng năm 2021.
Hà Nội: Bảo vệ "lá phổi xanh" của Thủ đô
Hiện nay, theo thống kê toàn TP Hà Nội có hơn 27.000 ha rừng, tập trung ở 7 huyện, thị xã. Thời gian qua, nguy cơ cháy rừng vẫn tiềm ẩn, đặc biệt là rừng phòng hộ Sóc Sơn do nắng nóng kéo dài, thảm thực vật dày.
Một lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết TP xác định bảo vệ rừng là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. UBND các cấp có rừng và chủ rừng cần xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ rừng và PCCC rừng; phương án huy động lực lượng phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi xảy ra cháy ở diện tích rừng quản lý...
Theo ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, diện tích rừng của Hà Nội không lớn nhưng có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Do vậy, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm Hà Nội luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng.
Chi cục đã đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị TP phê duyệt đề án "Tuyên truyền nâng cao năng lực cho các cấp chính quyền cơ sở và lực lượng kiểm lâm về công tác quản lý, bảo vệ và PCCC rừng". Bên cạnh đó, chi cục tổ chức các lớp tuyên truyền thừa hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, động vật hoang dã.
Công tác tuyên truyền đã có nhiều đổi mới. Cụ thể, tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài, tổ đội quần chúng bảo vệ rừng.
Chi cục đã xây dựng nội dung riêng phù hợp với từng nhóm các đối tượng như: Cấp chính quyền cơ sở, chủ rừng và những người dân sống gần rừng. Ngoài ra, hằng năm, lực lượng kiểm lâm còn tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn về công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội giao các lực lượng phối hợp tuần tra, kiểm tra, truy quét ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ rừng. Đồng thời đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng; đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Kiên quyết đình chỉ, thu hồi các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sai mục đích hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân vùng dự án. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và chủ rừng phải chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, sử dụng đất lâm nghiệp trái pháp luật trên địa bàn mình quản lý.
Địa phương nào để xảy ra phá rừng, lấn chiếm, khai thác đất lâm nghiệp trái pháp luật thì chủ tịch UBND cấp dưới chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp.
Thanh Hóa: Duy trì chế độ trực 24/24h trong suốt mùa nắng nóng
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thời tiết nắng nóng gay gắt, khô hạn kéo dài, cộng với gió Lào thường xuyên xuất hiện, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa đã có văn bản gửi các đơn vị có liên quan yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, các chủ rừng nhà nước và đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, canh gác tại những khu vực trọng điểm để kiểm soát các nguyên nhân gây cháy rừng, các hoạt động của người dân sinh sống trong và ven các khu rừng; Đồng thời kiểm soát chặt chẽ người ra, vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Duy trì chế độ trực 24/24h trong suốt mùa nắng nóng, khô hanh để phát hiện sớm các điểm cháy rừng.
Đối với những diện tích đang khai thác lâm sản phải thực hiện nghiêm các quy định về PCCCR, đảm bảo không để xảy ra mất an ninh rừng và cháy rừng trên diện tích rừng được giao quản lý
Đối với Chi cục Kiểm lâm chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng, ủy ban nhân dân các huyện, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương tại các khu vực trọng điểm về cháy rừng. Làm tốt công tác thông tin, dự báo, cảnh bảo cháy rừng, chế độ báo cáo, đảm bảo cập nhật, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng
Duy trì nghiêm chế độ trực ban 24/24 vào mùa cao điểm. Chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tăng cường tối đa lực lượng bám sát địa bàn tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc chính quyền địa phương, chủ rừng thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền BVR, PCCCR; Sẵn sàng hỗ trợ, tham gia chữa cháy cùng các địa phương khi có cháy rừng xảy ra
Trong thời gian nắng nóng, nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên phải bố trí trực chỉ huy PCCCR tại cấp huyện, cấp xã và chủ rừng nhà nước; Chỉ đạo trực gác, kiểm soát chặt chẽ người ra, vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, nghiêm cấm các hoạt động có sử dụng lửa trong và ven rừng rừng; Tập trung quản lý chặt chẽ các nguyên nhân gây cháy rừng ở từng khu vực, như: Dùng lửa để xử lý thực bì trồng rừng, làm nương rẫy, vệ sinh rừng sau khai thác, đốt dọn vệ sinh vườn, đốt bãi rác...; Sử dụng lửa săn bắt, đốt ong, hóa vàng mã tại các đền chùa, nghĩa trang, nghĩa địa, trong các lễ hội, khu vui chơi giải trí, tham quan, du lịch sinh thái trong, ven rừng và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng
Ứng dụng công nghệ trong quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng
Là một tỉnh có nhiều diện tích rừng nằm trong nhóm nguy cơ xảy ra cháy rùng cao, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La hiện có khoảng 57,8 nghìn ha rừng, trong đó 12 nghìn ha nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm và trên 19 nghìn ha rừng ở cấp nguy hiểm. Diện tích rừng tập trung ở các xã Suối Tọ, Quang Huy, Huy Thượng, Huy Bắc, Huy Hạ, Huy Tường, Mường Thải, Mường Bang, Tường Phong, Tân Phong, Nam Phong và Đá Đỏ.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Yên Phạm Văn Hóa cho biết, hiện đơn vị có 20 biên chế, trong đó 6 người làm việc tại văn phòng, 14 người phụ trách 27 xã, thị trấn, trung bình một cán bộ Kiểm lâm địa bàn phụ trách hai xã với diện tích từ 3 nghìn đến 3,5 nghìn ha đất có rừng. Thời điểm mùa khô hanh từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau trùng vào mùa đốt nương, làm rẫy của người dân, công tác PCCC rùng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, huyện Phù Yên có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn nên không thể triển khai các phương tiện, thiết bị hiện đại như máy bơm, xe cứu hỏa…
Do đó, khi có cháy, các đơn vị sử dụng phương tiện thô sơ như cành cây tươi, dao phát cán dài, máy cưa chạy bằng xăng... để cắt hạ thực bì, làm đường băng cản lửa.
Ông Phạm Văn Hóa cho biết thêm, hiện chế độ chi trả cho người dân tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng thấp. Một số thông tư hướng dẫn chi trả công tác chữa cháy chưa rõ ràng; tiền dịch vụ môi trường rừng đầu tư lại cho người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Do vậy, nhiều người chưa mặn mà với rừng.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Yên cho biết, năm nay, vệ tinh báo cháy của Tổng Cục Lâm nghiệp đang bảo trì. Do vậy, ở một số tỉnh Tây Bắc, vệ tinh báo cháy không hoạt động.
Xuất phát từ thực tế đó, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện đã tìm tòi, nghiên cứu ra phương pháp thông báo các điểm cháy bằng việc tích hợp một số phần mềm sử dụng trên điện thoại thông minh, máy tính bảng.
Để sử dụng tính năng này, đầu tiên phải cài phần mềm Wildfire Tracker Fireguard vào điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Phần mềm này có nhiệm vụ thu thập các dữ liệu báo cháy từ vệ tinh của NASA về. Tiếp đó, cài phần mềm xuất dữ liệu tọa độ Geo. Sau đó cài phần mềm Locus Map 4: Hiking &Biking GPS navigation and Map. Phần mềm này nhằm quản lý các bản đồ và ghi lại tuyến đường đã đi qua. Phần mềm này còn quản lý cả bản đồ dùng để theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Đây là những phần mềm sử dụng hoàn toàn miễn phí.
Sau khi cài xong các phần mềm, chỉ cần quét dữ liệu điểm cháy từ trên dữ liệu của NASA chuyển sang phần mềm Locus, màn hình sẽ hiển thị điểm cháy ở tiểu khu, khoảnh, lô, địa chỉ, loại rừng, chủ rừng là ai. Khi thấy các điểm cháy trên bản đồ, đơn vị thông tin cho chính quyền xã, kiểm lâm địa bàn, trưởng bản đến thực địa để kiểm tra.
Để ứng dụng tốt công nghệ này vào thực tiễn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Yên Phạm Văn Hóa mong muốn, các cấp, ngành trang bị cho lực lượng Kiểm lâm địa bàn máy tính bảng cấu hình cao phục vụ việc theo dõi, cập nhật diện tích rừng tăng, giảm hoặc theo dõi điểm cháy thuận lợi, kịp thời, chính xác hơn.
Hạt Kiểm lâm huyện Phù Yên là đơn vị tiên phong trên địa bàn tỉnh Sơn La ứng dụng công nghệ trong việc theo dõi và phát hiện các điểm cháy. Hiện đơn vị đã chuyển giao ứng dụng này cho Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tà Xùa, huyện Bắc Yên, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có cháy xảy ra./.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.