Hàng năm, bà con các làng nghề ở Thường Tín (Hà Nội) có sản phẩm phục vụ Tết cổ truyền thường chuẩn bị từ rất sớm để kịp đưa sắc xuân đến muôn nhà. Ví như, làng nghề hoa cây cảnh Vân Tảo, Hồng Vân phải gây dựng, uốn thế ngay từ cuối mùa xuân năm trước. Hoặc làng nghề mộc Vạn Điểm phải chuyển hàng đi TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam từ tháng 9, 10 âm lịch. Đơn giản như làng nghề rau gia vị Tân Minh, áp Tết Nguyên đán cũng phải bổ sung thêm một số loại rau cần thiết cho mâm cỗ mừng xuân mới.
Vân Tảo, làng hoa đào mới
Ông Luân (phải) bên cây đào đã được khách đặt hàng Tết.
Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội hơn 20km về phía Nam, làng hoa đào Vân Tảo những ngày này nhộn nhịp, tấp nập không khác gì làng đào Nhật Tân xưa.
Ông Bùi Văn Luân, nông dân trồng đào ở Vân Tảo cho biết, 15 năm trước, ông đã đi học nghề ở Nhật Tân (Tây Hồ) và chuyển hẳn sang trồng đào thế từ đó đến nay. Hiện, ông có 1ha đào các loại và 200 gốc đào cổ thụ mua từ Sơn La về, giá bình quân từ 1 - 6,7 triệu đồng/gốc tuổi đời 20 - 30 năm trở lên. Ở Sơn La, bà con trồng trong vườn nên đào có hoa màu trắng, đưa về Vân Tảo ghép thành đào thắm, đào phai, đào bạch, đào tuyết... Nhưng dù là loại nào thì sắc màu cũng lung linh, tươi thắm sau khi ghép. Đào gốc sau khi ra hoa thì năm sau không phải ghép nữa, chỉ việc chăm sóc và uốn thế. Trồng đào không khó, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, mưa nhiều cũng hỏng, nắng nhiều phải tưới, hãm; rét quá cũng không nở. “Đào ghép sau 1 năm có thể cho khách thuê được, giá cả tùy theo gốc, thấp nhất 5-7 triệu đồng, bình quân 10 - 15 triệu đồng, cao nhất 20 -30 triệu đồng. Dù được chăm sóc chu đáo, cẩn thận nhưng sau 25 - 30 ngày cho thuê cũng phải trả về vườn, để lâu quá khó hồi sức. Nói về giá cả thì “vô chừng” lắm, ví như năm ngoái, tôi cho khách nội thành thuê 1 gốc đào thế giá 20 triệu đồng nhưng khách cho thuê lại với giá 60 triệu đồng”, ông Luân chia sẻ.
Ông Luân cho biết thêm, làng đào Vân Tảo được hình thành từ thập niên 70 của thế kỷ trước, nhưng lúc này chỉ có một vài hộ trồng trong vườn nhà để chơi Tết. Phải đến năm 1989, khi 2 cụ cao niên trong làng khởi xướng và đem đào về trồng thì mới rộ lên phong trào trồng đào như ngày nay. Riêng ông Luân là người có công mang đào thế Sơn La về Vân Tảo. Theo đó, xã có 6 thôn, trong đó 2 thôn Nội Thôn và Đông Thai có tới 85% số hộ trồng đào; 4 thôn còn lại khoảng 15% hộ tham gia. Trưởng thôn Nội Thôn, bà Nguyễn Thị Tấn cho biết, cả thôn có 175 hộ trồng đào; năm 2015, hộ thu nhập nhiều nhất đạt 700 triệu đồng, những hộ còn lại đạt 150 - 400 triệu đồng/năm; thu nhập từ trồng đào cao gấp 9 - 10 lần trồng lúa nên bà con chuyển sang trồng đào ngày càng nhiều. Vài năm trở lại đây, cứ đến 15 - 20 tháng Chạp là “cháy” hàng, người buôn, người bán, người đi thưởng hoa ngắm cảnh, tấp nập cả một vùng.
Khác với Vân Tảo, bà con xã Hồng Vân lại thiên về cây cảnh, nổi bật nhất là mô hình nông trại của ông Phạm Văn Quỳnh, thôn Xâm Xuyên. Nông trại của ông rộng 7ha, trong đó 3ha dành cho hoa và cây cảnh với các loại như lan rừng (500 giò), giá từ 300.000 đồng đến 10 triệu đồng/giò; hàng ngàn cây hoa hồng trong vườn và trên chậu. Cây cảnh thế có đa, đề, sanh, si, lộc vừng, tùng cối, tùng La hán... bán buôn, bán lẻ quanh năm nhưng tấp nập nhất là từ đầu tháng 11 âm lịch đến 25 tháng Chạp. Bình quân thu nhập từ hoa, cây cảnh của ông Quỳnh lên đến vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng. Ngoài ra, nông trại còn phục vụ khách tham quan, chủ yếu là học sinh đến tìm hiểu về công việc của nhà nông.
Tân Minh, nơi “định cư” mới của húng Láng
Làng rau gia vị Tân Minh có tuổi đời và kinh nghiệm trồng rau hàng trăm năm nay, với những loại như: húng dũi, húng quế, húng ta, tía tô, kinh giới, rau răm, diếp cá… gần Tết âm lịch bổ sung thêm mùi ta, xà lách. Đặc biệt, húng Láng, một loại rau gia vị của làng Láng xưa, tưởng đã không còn đất sống sau quá trình đô thị hóa đã tìm được nơi “định cư” mới mà vẫn giữ nguyên hương vị đặc trưng của mình để người Hà thành không phải ngậm ngùi, tiếc nuối.
Trưởng thôn Phú Lương, ông Trần Văn Hương cho biết, đồng đất Tân Minh rất thích hợp với các loại rau gia vị nói chung, các loại húng nói riêng. Thực tế cho thấy, nhiều phụ nữ đi lấy chồng xa thường đem theo rau gia vị Tân Minh về trồng, nhưng hương vị thì không thể nào sánh được so với trồng ở quê mẹ. Ngược lại, húng Láng đem về đây trồng vẫn giữ được hương vị cũ. Húng dũi có cách trồng rất độc đáo, khi cây qua 1 tuổi thì dỡ bỏ, băm thân cây ra, rắc xuống và lấp đất, trồng cây khác vào (ví như mùi ta, xà lách, rau cải)... Sau khi thu hoạch các loại trên, húng dũi tự mọc lên, có mùi thơm đặc biệt và sạch, do đây là loại cây “kỵ” thuốc trừ sâu, nếu phun, cây sẽ vươn dài ra và chết. Ngoài phục vụ ăn uống, rau tía tô còn cung cấp cho các cửa hàng thuốc Bắc, có hộ bán 20 - 30 kg/ngày, giá 10.000đồng/kg.
Theo bà con Tân Minh, làm rau gia vị có thể tận dụng được đất đai, lao động vì công việc không quá nặng nhọc, rau gia vị có thể trồng dưới tán cây ăn quả. Hiện, Tân Minh có gần 50ha rau gia vị, 100% hộ gia đình và 1.685 thành viên hợp tác xã tham gia trồng rau. Hộ nhiều nhất 5 sào, ít nhất 1 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2); bình quân thu nhập 15 - 30 triệu đồng/hộ/tháng. Đầu ra chủ yếu cung cấp cho thị trường Hà Nội và một vài tỉnh lân cận.
Vạn Điểm, làng nghề nội thất
Bà con Vạn Điểm chuyển hàng vào TP.HCM phục vụ Tết.
Đến Vạn Điểm vào cuối tháng 9 - 10 âm lịch, chúng tôi đã thấy bà con nơi đây hối hả đóng hàng vào TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Những mặt hàng bán “chạy” nhất trong dịp Tết Nguyên đán là: bàn ghế, giường, tủ quần áo, ban thờ, tủ bếp, bàn trang điểm, kệ tivi, tranh treo tường...
Ông Nguyễn Đăng Tưởng, thôn Vạn Điểm, cho biết, ông làm nghề đã hàng chục năm nay, trong nhà thường xuyên có 28 - 30 thợ chính và phụ, trả lương quanh năm với nhiều mức, thợ chính 400.000 đồng/người/ngày; thợ khá 300.000 đồng/người/ngày; thợ đánh giấy ráp 170.000đồng/người/ngày. Doanh thu của cơ sở đạt 10 tỷ đồng/năm, lãi ròng 1 tỷ đồng.
Cũng theo ông Tưởng thì nguồn gỗ trong nước và các nước trong khu vực như Lào, Campuchia… đã cạn kiệt từ lâu, người làng Vạn Điểm chủ yếu dùng gỗ nhập từ châu Phi, song chất lượng không bằng gỗ rừng châu Á. Người dân làng mộc tuy giàu có từ nghề, nhưng mặt trái của nó là ô nhiễm môi trường cũng không kém phần nhức nhối. Hiện, Vạn Điểm có 800 – 900 hộ/2.000 hộ dân trong xã tham gia làm nghề; chủ yếu là tự phát, bà con sản xuất ngay tại gia đình, chưa có khu quy hoạch tập trung nên gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường. Chỉ tính riêng lượng giấy ráp tiêu thụ một ngày ở làng nghề đã lên tới 70 - 80kg; giấy ráp đánh thành xơ mới vứt bỏ; lượng bụi ấy cộng với bụi gỗ tung vào không khí, đất, nước khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Trong khi chờ đợi sự vào cuộc của các cấp chính quyền, bà con Vạn Điểm đã nỗ lực rất nhiều. Đơn cử như cơ sở của ông Tưởng đã xây buồng lắng lọc để lọc bụi gần 5 năm nay, với kinh phí 70 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Tưởng và nhiều người dân làng nghề, Viện Bảo hộ lao động Việt Nam nên về khảo sát, định hướng cho bà con cách xử lý bụi đã quá “ngưỡng” cho phép. Về lâu dài, Hà Nội cần có khu quy hoạch làng nghề, không nên để tình trạng tự phát kéo dài, gây ảnh hưởng sức khỏe và bức xúc trong nhân dân.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, Bí thư Huyện ủy huyện Thường Tín, ông Nguyễn Tiến Minh, cho biết: “Trong khi chờ quy hoạch làng nghề tập trung của thành phố, chúng tôi đã yêu cầu bà con phải nâng cao ý thức chống bụi, chống ồn trong khu dân cư. Trước mắt, làng mộc Vạn Điểm cần có giải pháp tình thế như: may túi vải (như túi nghiền ngô, vợt châu chấu), dài 3 - 4m (tùy theo diện tích), rộng 1m, buộc đuôi lại để hút bụi vào một phòng kín tập trung. Đã có nhiều người làm theo phương pháp này, một ngày trung bình 1 gia đình hút được 20 - 30kg bụi. Có thể dùng để đun nấu, có khách mua đem đi ép, chế biến thành sản phẩm khác, nếu nhà nào cũng có ý thức làm như vậy chắc chắn bụi sẽ giảm.
Đối với các làng nghề còn lại, rau gia vị đã quy hoạch xong, làng nghề hoa cây cảnh tương đối ổn định. Theo đó, làng đào Vân Tảo chủ yếu trồng trên đất lúa; làng hoa, cây cảnh Hồng Vân đã có quy hoạch đến năm 2020, từ nay đến hết giai đoạn phải chuyển đổi 77ha, hiện đã chuyển được trên 40ha”.
Xuân mới với nhiều hứa hẹn mới, chúc bà con các làng nghề Thường Tín sớm hoàn thành những dự định của mình.
Dương An Như
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.