Ngày 5/12, tại Hà Nội, dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành có biện pháp xử lý, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, “không phải nghe để biết, để đó”.
Diễn đàn năm nay có chủ đề “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân: Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hoà của kinh tế Việt Nam”.
Hoan nghênh chủ đề của Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chú ý lắng nghe các báo cáo, phát biểu góp ý rất thiện chí mang tính xây dựng, kiến nghị thiết thực của các đại biểu.
Qua 4 phiên thảo luận, Diễn đàn đã đề cập tới 7 nội dung quan trọng: (i) tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; (ii) thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ; (iii) nâng cao nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo; (iv) phát triển thị trường vốn; (v) cải thiện cơ sở hạ tầng và cơ chế PPP, BOT, BO, BT…; (vi) năng lượng sạch và tái tạo; (vii) biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Thủ tướng cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. “Tôi muốn nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam là bao gồm cả các doanh nghiệp FDI đã đăng ký cấp phép (có tư cách pháp nhân Việt Nam) và các doanh nghiệp trong nước. Đây là định hướng lớn của Chính phủ về hình thành cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gắn kết, hợp tác hiệu quả trong một nền kinh tế quốc gia thống nhất”, Thủ tướng nói.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng đã chia sẻ một số ý kiến, quan điểm. Trước hết, Thủ tướng khẳng định cam kết tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chính sách pháp luật, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Thứ hai, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chủ động, tích cực tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thông qua đa dạng hóa các hoạt động đầu tư, trong đó chú trọng hình thức hợp tác công-tư (PPP). Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Thứ ba, tăng cường hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực FDI trong nền kinh tế quốc gia.
Về phía doanh nghiệp FDI, Chính phủ mong muốn có sự kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào các cải cách của Việt Nam, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, có trách nhiệm với xã hội, chung tay cùng với Việt Nam bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tính bền vững của môi trường và sự trong lành của môi trường sống cho Việt Nam.
“Các bạn hãy đến với Việt Nam bằng khối óc, tức công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức đề cao chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp”, Thủ tướng bày tỏ và khẳng định Việt Nam sẽ không đón chào những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, là nơi để trốn trách nhiệm môi trường, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi mà nhà đầu tư đã cam kết.
Thứ tư, mặc dù đánh giá cao vai trò của khu vực FDI nhưng Thủ tướng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển vững mạnh không thể không có một khu vực kinh tế tư nhân trong nước tăng trưởng hiệu quả, lớn mạnh. Đây không phải là quan điểm mâu thuẫn mà ngược lại, bổ trợ và tương tác thuận chiều cho nhau, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo sức sống và sức phát triển của toàn bộ nền kinh tế.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu những đề xuất, kiến nghị phù hợp của Diễn đàn hôm nay để sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật liên quan, trước hết là một số việc bất cập, tồn tại kéo dài. Tinh thần là luật pháp phải phù hợp với thông lệ quốc tế và tính thị trường.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các đề xuất, kiến nghị, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện và thông báo, phản hồi cho Diễn đàn biết việc tiếp thu sửa đổi, bổ sung đã được Chính phủ thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, chuyên nghiệp và trách nhiệm như thế nào.
“Tôi có trao đổi với đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và một số đồng chí Thứ trưởng có mặt hôm nay rằng chúng ta nghe phản hồi nhưng phải có biện pháp xử lý, giải quyết đúng mức, kịp thời. Không phải nghe để biết, để đó. Cái chính là Nhà nước được gì, doanh nghiệp được gì, nhân dân và người lao động được gì. Ba câu hỏi này đang đặt ra để làm chính sách tốt hơn, mà trước hết là cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, Thủ tướng nói.
Trên tinh thần đó, Chính phủ sẽ nỗ lực hành động để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể gắn kết cùng nhau hợp tác, lớn mạnh trên sân nhà - trong nền kinh tế quốc gia Việt Nam và vươn ra thế giới thành công.
PV.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.