Từ đầu năm đến nay, tại Hà Nội, xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm do các cháu bé ngã từ nhà cao tầng, gây ra những mất mát vô cùng đau xót.
Đây là cảnh báo cho các gia đình có trẻ nhỏ trước khi vào sống trong chung cư cao tầng, cần phải tính đến những biện pháp an toàn.
Hậu quả đau lòng
Chung cư cao tầng là một lựa chọn của người dân đô thị, nhất là các gia đình trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm về sự tiện lợi thì vấn đề đang được dư luận quan tâm là sự an toàn cho trẻ nhỏ đối với khu vực cửa sổ, ban công, nơi được xem là “tử huyệt” của chung cư.
Ngày 28/2, một bé gái ở căn hộ tầng 12A tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân) trèo qua lan can phía ngoài và rơi xuống. Rất may, bé gái sinh năm 2018 đã được anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) làm nghề chở hàng nhanh chân leo lên mái tôn ngay dưới vị trí bé gái treo mình và kịp đỡ được khi bé tuột tay rơi xuống. Ngay sau đó, bé gái được đưa đi bệnh viện cấp cứu và rất may không nguy hiểm đến tính mạng.
Tiếp đó, khoảng 20h30 ngày 19/4, bé gái 4 tuổi ở tòa G, chung cư Xuân Mai Complex (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) bất ngờ bị rơi xuống từ tầng 24 của tòa nhà. Thời điểm xảy ra sự việc, nhiều người đi bộ qua khu vực chung cư phát hiện và hét lớn. Tuy nhiên, chẳng có phép màu nào xảy ra, cháu bé tử vong ngay sảnh trước tòa nhà.
Bước đầu cơ quan công an xác định, cháu bé rơi từ cửa sổ ở phòng ngủ tầng 24. Thời điểm xảy ra vụ việc, khu vực phòng ngủ có cửa sổ mở hé, lại chưa được lắp đặt lưới an toàn.
Mặc dù báo chí đã nhiều lần cảnh báo, các cơ quan chức năng khuyến cáo, tuy nhiên, dường như nhiều người dân vẫn chủ quan không thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn, che chắn trước cửa sổ, ban công, nhiều trường hợp phụ huynh lơ là với con cái dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể, mới đây, tại chung cư Vinaconex 1 (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), khoảng 10 giờ 5 phút ngày 1/7, nhân viên kỹ thuật của Ban quản lý chung cư trong quá trình đi kiểm tra đã phát hiện cháu bé khoảng 5 tuổi đi lạc tại thang bộ tầng 9 tòa A1 chung cư Vinaconex 1, ngay lập tức nhân viên này đã dẫn cháu bé xuống tầng 1 tòa A1. Tại đây, lễ tân đã gọi điện cho bố cháu bé tại căn hộ trên tầng 11 xuống đón cháu lên nhà.
Tuy nhiên, đến 10 giờ 45 phút cùng ngày, bố cháu bé xuống tầng 6 họp cùng nhân viên và để lại con ở tầng 11. Đến khoảng 11 giờ, bố cháu bé chạy xuống tầng 1 hô hoán con bị rơi xuống sảnh văn phòng tầng 3 Công ty Trung Chinh.
Ban quản lý tòa nhà ngay sau đó đã hỗ trợ đưa cháu bé tới bệnh viện cấp cứu nhưng cháu bé không qua khỏi.
Giải pháp nào?
Có thể nói, để xảy ra nhưng hậu quả đau lòng ở trên do sự chủ quan của bố mẹ đối với con cái, những nơi nguy hiểm đối với trẻ nhỏ không được rào, chắn kỹ càng.
Trẻ em là độ tuổi thích đùa nghịch, tìm hiểu về thế giới xung quanh và chưa ý thức được những nguy hiểm xảy ra xung quanh mình. Sự vô tư của trẻ cộng với thái độ chủ quan của bố mẹ đã vô tình tạo nên những sự việc đau lòng. Do vậy, cần ý thức cho trẻ nhỏ rằng, cửa sổ, ban công chính là nơi nguy hiểm nhất cần phải tránh xa. Cùng với đó, các bậc cha mẹ nên thật cẩn trọng quan sát mọi hành vi của trẻ để tránh việc leo trèo, chơi đùa ở những khu vực này, tuyệt đối không để trẻ ở nhà một mình khi không có người lớn bên cạnh.
Trên thực thế, không phải phụ huynh nào cũng có thời gian, điều kiện để theo sát trẻ nhỏ, vì vậy, giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này là lắp lưới, rào, chắn an toàn tại một số khu vực nguy hiểm. Sau khi lắp đặt xong, phải luôn luôn kiểm tra độ căng siết của dây, đảm bảo không để trẻ thò đầu ra bên ngoài.
Cùng với đó, khi chọn mua nhà, phụ huynh nên chọn căn hộ có lan can ban công chiều cao tối thiểu 1,4m; không nên chọn ban công có thiết kế thanh ngang mà phải làm thanh dọc có khoảng cách không quá 10cm để tránh trường hợp trẻ chui qua.
Phía dưới nền ban công không được để chậu hoa, máy giặt, ghế ngồi hay các đồ dùng có thể giúp các bé leo trèo. Không để bàn, ghế nhẹ tại bất kỳ nơi nào ở ban công vì trẻ em có thể kéo những thứ này ra sát lan can. Cửa ngăn cách giữa nhà với ban công nên khóa lại.
Tuy nhiên, lý thuyết là vậy, khi người dân lắp đặt lưới an toàn có một vấn đề nảy sinh, đó là việc ban quản lý nhiều khu chung cư cũng như lực lượng phòng cháy, chữa cháy thường khuyến cáo người dân không nên lắp lưới hoặc làm lồng sắt ở lan can, bởi sẽ gây khó khăn cho việc thoát hiểm cũng như cứu người khi xảy ra hỏa hoạn. Thế nên, nhiều gia đình muốn quây lồng sắt để an toàn thì lại mâu thuẫn với việc thoát hiểm.
Do vậy, nếu sợ bị cản trở thoát hiểm trong trường hợp xảy ra cháy nổ, gia chủ có thể lắp đặt các tấm lưới an toàn. Việc lắp các tấm lưới này vừa đảm bảo an toàn cho trẻ, vừa không cản trở việc cứu hộ cứu nạn, lại đảm bảo về mặt thẩm mỹ.
Nói về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), cho biết: Một công trình khi thiết kế phải đảm bảo an toàn trong việc rơi, ngã nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo cả an toàn phòng cháy chữa cháy. Nếu lắp lưới, khung sắt tại ban công mà kiên cố quá thì cũng cản trở việc thoát hiểm, cứu hộ. Việc này cũng có quy định cụ thể về đảm bảo chiều cao cho phòng cháy chữa cháy.
Để đảm bảo an toàn tại các chung cư, nhà cao tầng, theo ông Vũ Ngọc Anh, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan, đặc biệt bổ sung vào văn bản quy phạm pháp luật để các chủ đầu tư khi xây dựng chung cư sẽ có sách hướng dẫn sử dụng căn hộ. Trong đó, nêu cụ thể công năng, khuyến cáo khi sử dụng, các hạng mục trong nhà chung cư như ban công, lô gia, cửa sổ…
Đồng thời, có thể bổ sung quy định bắt buộc tài liệu hướng dẫn sử dụng khi bàn giao nhà. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe người dân vẫn là ý thức tự bảo vệ, cảnh giác của mỗi gia đình và từng cá nhân.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.