Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 5 tháng 6 năm 2016 | 9:6

Cán bộ kiểm lâm “đau đáu” giữ nguồn dược liệu quý

Công tác tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, có thâm niên gắn bó với rừng, Thạc sĩ lâm học Phạm Tiến Thịnh đã tìm hiểu, bảo tồn và phát triển nhiều cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao mà lâu nay người dân bản địa chưa biết hết.

“Chảy máu” nguồn dược liệu quý bản địa

Cán bộ Thịnh lớn lên ở huyện Mù Căng Chải – nơi cổng trời Khau Phạ quanh năm sương mù, do vậy, nhiều người dân ở đây đau ốm đi đến trạm xá gặp không ít khó khăn. Trong hoàn cảnh chưa kịp tiếp cận y tế hiện đại thì cây rừng (dược liệu) là lựa chọn hiệu quả không kém gì thuốc Tây. Tuy nhiên, nguồn thuốc dược liệu quý này không phải người dân nào cũng biết và sử dụng.

Trước thực trạng này, hơn 10 năm nay, bên cạnh công tác làm chuyên môn, anh Thịnh luôn trăn trở làm sao để bảo tồn, gìn giữ những cây thuốc bản địa, làm sao để phổ biến cho nhân dân biết được giá trị, công dụng và kiến thức sử dụng các loại cây dược liệu, cây thuốc bản địa để từ đó biết cách giúp mình, giúp người và giúp đời.

Anh Thịnh tâm sự: “Các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu được mệnh danh là núi thuốc Tây Bắc nên các loại thảo dược ở đây khá phong phú. Trong cuộc sống thường ngày, ngoài việc can thiệp của y tế hiện đại thì các kinh nghiệm và các bài thuốc gia truyền trong dân gian ở đây có ý nghĩa to lớn trong việc chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là khu vực vùng núi xa xôi cách trở như Mù Căng Chải, Trạm Tấu... Do đó, mình có cơ hội thì cứ nghiên cứu, biết rồi thì chia sẻ để mọi người cùng tìm hiểu, chắc chắn trong một vài trường hợp sẽ có ích”.

Tuy nhiên, nguồn lâm sản phụ đó không phải vô tận, các loài thảo dược quý ở trên địa bàn bây giờ không còn nhiều, một số loại đã liệt vào sách đỏ có nguy cơ bị tuyệt chủng như: Sâm vú diệp, Thất diệp nhất chi hoa, Lan kim tuyến, Lan Hoàng Thảo, Lan thạch hộc, Cốt toái bổ và các loại sâm...  Nghiêm trọng hơn là đối với một số cây thuốc vốn được coi là quý ở bản địa, do bị tìm kiếm không ngừng hoặc vô tình bị tàn phá đang đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt …

Đặc biệt, trong những năm gần đây, nguồn tài nguyên cây thuốc của Việt Nam bị một số nhà khoa học và công ty nước ngoài lợi dụng khai thác các nguồn gen quý hiếm đưa về nước hoặc bị khai thác bán cho các nước khác để kiếm lời. Tình trạng “chảy máu” tài nguyên dược liệu diễn ra khá trầm trọng đối với các dược liệu hoang dại ở các tỉnh biên giới. Do khai thác tài nguyên kéo dài cộng với nhiều nguyên nhân tác động khác, nguồn cây thuốc tự nhiên nói chung đều bị suy giảm.

Đây là thực tế nhức nhối mà những người có tâm như anh ngày đêm đau đáu trong lòng, nếu không có giải pháp kịp thời cũng như sự chung sức chung lòng của toàn dân thì chúng ta sẽ phải trả giá đắt trong một ngày không xa.

Vừa làm giàu, vừa bảo vệ rừng

Những năm qua, các loại dược liệu nhóm 1A, đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn cho các cá nhân, tổ chức trong toàn tỉnh xây dựng các mô hình ươm trồng nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Một số nơi không thông qua sự cấp phép của cơ quan có thẩm quyền, không chứng minh được nguồn gốc các loại dược liệu, không có được sự hướng dẫn kĩ thuật gây trồng cụ thể nên dược tính thấp, người dân tìm đầu ra khó khăn do không tuân thủ quy trình thủ tục giấy tờ của cơ quan chức năng, gặp rất nhiều khó khăn khi xuất khẩu.

Là người có tâm nên ngoài việc tuyên truyền pháp luật cho bà con, anh Thịnh còn nghiên cứu thêm nhiều cuốn sách như: Hải thượng y tông tâm lĩnh, sách thuốc cho mọi nhà, cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam..., học hỏi thêm từ các lương y nổi tiếng, tham gia vào Hội Đông y tỉnh Yên Bái để trau dồi thêm kiến thức.

Anh Thịnh tiết lộ: “Muốn nhân dân tham gia bảo tồn các nguồn lâm sản phụ của rừng thì phải gắn liền với giá trị kinh tế, trồng là phải bán được và phải đủ lãi để đảm bảo cuộc sống cũng như có vốn để tái sản xuất”. Hiểu rõ tâm lí đồng bào các dân tộc vùng cao “cán bộ nói tốt thì cán bộ làm trước đi”, anh đã và đang nghiên cứu kỹ thuật cây trồng một số loại cây thuốc ở các tỉnh khác di thực về Yên Bái, nghiên cứu nhân giống thuần chủng các loại cây thuốc có nguy cơ tuyệt chủng của bản địa để nhân rộng các mô hình trong toàn tỉnh và xa hơn là cho các địa phương trong cả nước.

Hiện tại, anh Thịnh đang có 1 vườn ươm khoảng 20 vạn giống cây Thất diệp nhất chi hoa và các loại quý hiếm khác, dự kiến triển khai gây trồng trên các huyện vùng cao... Đây là tín hiệu đáng mừng cho nhân dân các dân tộc vùng cao và cho ngành đông y nói chung.

Về lợi ích kinh tế, anh Thịnh cho biết: “Cả nước có khoảng 200 loại dược liệu có tên trong sách Đỏ thì Yên Bái có  gần 100 loại, đây đều là những cây thuốc có giá trị kinh tế cao như Lan kim tuyến hiện tại có giá thị trường từ 900.000 - 1.500.000 đồng/kg khô, trồng và thu hoạch trong 1 năm; cây Thất diệp nhất chi hoa có giá từ 500.000 - 750.000đ/kg, thời gian trồng và thu hoạch 4 đến 5 năm”.

“Kỹ thuật ươm trồng khá đơn giản, chỉ cần có chút kiến thức sẽ có kết quả cao, người dân hoàn toàn có thể khá giả, thậm chí giàu có trên chính mảnh đất đồi núi trùng điệp của mình mà chẳng phải đi đâu xa. Trong một vài trường hợp, việc xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu còn góp phần vào việc hạn chế nạn đốt phá rừng. Mình đã và đang triển khai kế hoạch rồi”, anh Thịnh cho biết thêm.

Trên thực tế, các loại cây dược liệu thường sống dưới tán cây nên người dân tận dụng các tán cây trong rừng để phát triển chắc chắn không chỉ bảo tồn được nguồn dược liệu mà công tác bảo vệ rừng cũng được nâng cao theo đó nạn chặt phá đốt rừng sẽ được hạn chế.

Anh Thịnh (bên trái) hướng dẫn người dân nhận biết cây dược liệu dưới tán rừng.

Bảo tồn các nguồn dược liệu quý hiếm là việc làm cấp thiết, do vậy, ngoài việc các tổ chức, cá nhân cần vào cuộc thì công tác tuyên truyền vận động nhân dân, đặc biệt là bà con ở vùng sâu, vùng xa là rất đúng hướng và thiết thực. Bởi lẽ, việc bảo tồn cây thuốc dân tộc khác với việc bảo tồn các loại cây khác, vì nó gắn liền với tri thức sử dụng của dân tộc thiểu số.

Chúng ta có thể hiểu nôm na, cây thuốc gồm hai yếu tố cấu thành: cây cỏ đơn thuần là một nguồn gen (vật thể) và cách làm thuốc là tri thức (phi vật thể). Vì lẽ đó, nếu yếu tố tri thức mất đi thì cây thuốc trở thành cây hoang dại, phi tác dụng.

Tình trạng chặt phá rừng ở vừng sâu, vùng xa vẫn diễn ra dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp từ răn đe đến giáo dục thì việc tuyên truyền phát triển trồng cây dược liệu gắn với vấn đề kinh tế cho đồng bào dân tộc vùng cao quả thực là giải pháp kép, cần nhân rộng.

Hoàng Văn

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top