Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 7 tháng 4 năm 2019 | 20:9

Cần chú trọng giáo dục toàn diện để ngăn ngừa các mầm mống xung đột

Cộng đồng quốc tế cần tiếp tục củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển bền vững, chú trọng giáo dục toàn diện cho mọi người dân, nhằm ngăn ngừa các mầm mống xung đột và thúc đẩy khuôn khổ pháp lý quốc tế cho hợp tác giáo dục.

Cộng đồng quốc tế cần tiếp tục củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển bền vững, chú trọng giáo dục toàn diện cho mọi người dân, nhằm ngăn ngừa các mầm mống xung đột và thúc đẩy khuôn khổ pháp lý quốc tế cho hợp tác giáo dục; đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng lao động, phục vụ phát triển kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận chung IPU-140. Ảnh TTXVN

 

Với chủ đề chung “Các nghị viện là nền tảng để tăng cường giáo dục vì hòa bình, an ninh và pháp quyền", sáng 7/4 (theo giờ địa phương, tức chiều theo giờ Hà Nội), tại thủ đô Doha, Qatar, Đại hội đồng lần thứ 140 Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-140) đã tiến hành Phiên thảo luận toàn thể. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu tại phiên họp này.

Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi tới các đại biểu lời chào trân trọng nhất; đồng thời chân thành cảm ơn nước chủ nhà - Nghị viện Nhà nước Qatar đã dành sự đón tiếp trọng thị cho đoàn Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng với kinh nghiệm của nước chủ nhà Qatar, Đại hội đồng IPU lần thứ 140 sẽ thành công tốt đẹp, tạo dấu ấn sâu sắc nhân kỷ niệm 130 năm ngày thành lập IPU.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ thế kỷ XXI, với những thành tựu mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, đang phát triển ngày càng nhanh, mạnh mẽ, đem lại sự thay đổi căn bản cho nhân loại, nhưng thế giới cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố địa chính trị, kinh tế, vấn đề khủng bố, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sự chia rẽ trong cộng đồng dân cư, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng đối với chất lượng cuộc sống của mọi người dân.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hòa bình, an ninh và phát triển bền vững là mục tiêu của tất cả các nước, đòi hỏi mọi quốc gia cần gia tăng nỗ lực chung để xây dựng những nền tảng căn bản, trong đó giáo dục vừa là một phương thức, đồng thời cũng là một điều kiện tiên quyết. Đó cũng chính là lý do Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đều gắn giáo dục trong các mục tiêu cụ thể, nêu cao tầm quan trọng của giáo dục đối với hòa bình, an ninh và pháp quyền.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong bối cảnh thế giới ngày nay, giáo dục góp phần thúc đẩy đối thoại, nâng cao hiểu biết lẫn nhau, chống chủ nghĩa bài ngoại, ngăn ngừa chủ nghĩa cực đoan - mầm mống của tư tưởng bạo lực. Giáo dục cần phải toàn diện trên mọi lĩnh vực và có tính bao trùm, hướng tới mọi đối tượng, mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt chú trọng bảo đảm các nguyên tắc công bằng và bình đẳng. Trong quá trình này, các nghị sĩ đóng vai trò quan trọng trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, phân bổ ngân sách, giám sát chính phủ triển khai các kế hoạch hành động trong lĩnh vực giáo dục; đồng thời các nghị sĩ còn là cầu nối, giúp nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân trong xã hội về ý nghĩa quan trọng của giáo dục vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.

Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh mọi nỗ lực của IPU trong việc thúc đẩy các nghị viện thành viên dành ưu tiên cho giáo dục, thể hiện qua các nghị quyết của Đại hội đồng IPU năm 1993, năm 2001 và năm 2017; đồng thời đánh giá cao chủ đề của Đại hội đồng IPU lần này đã nêu bật ý nghĩa quan trọng của giáo dục và vai trò của các nghị viện trong việc thúc đẩy giáo dục vì mục tiêu hòa bình, an ninh và pháp quyền. Điều này cho thấy tầm nhìn dài hạn, nhân văn của IPU, phát triển hướng tới một tương lai bền vững hơn cho hợp tác đa phương giữa các quốc gia nói chung và ngoại giao nghị viện đa phương.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ trong tiến trình phát triển đất nước, hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn đặt ưu tiên phát triển đi đôi với bền vững, đề cao giáo dục là quốc sách hàng đầu, góp phần nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghệ 4.0.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, có 7/10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những hệ thống giáo dục đạt phát triển ấn tượng. Bên cạnh đó, đào tạo nghề cũng được Việt Nam hết sức chú trọng, kết hợp với giáo dục phổ thông và đại học nhằm bổ sung lực lượng kĩ sư khoa học cơ bản, kỹ thuật công nghệ.

Đóng góp vào những thành tựu đó, Quốc hội Việt Nam đã thông qua và sửa đổi nhiều văn bản luật quan trọng như Hiến pháp, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và tăng cường giám sát nhằm nâng cao chất lượng đổi mới giáo dục ở Việt Nam, hiện đang tiến hành sửa đổi Luật Giáo dục nhằm mục tiêu xây dựng nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh Việt Nam.

Để tăng cường vai trò của Quốc hội trong việc thúc đẩy giáo dục vì hòa bình, an ninh và pháp quyền, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề xuất một số nội dung. Trước hết, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển bền vững, chú trọng giáo dục toàn diện cho mọi người dân, nhằm ngăn ngừa các mầm mống xung đột và thúc đẩy khuôn khổ pháp lý quốc tế cho hợp tác giáo dục; đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng lao động, phục vụ phát triển kinh tế. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của các nghị viện, nghị sĩ, hoàn thiện khung pháp lý trong nước, xây dựng nhà nước pháp quyền, giám sát thực thi và phê chuẩn ngân sách phù hợp cho các chương trình cải cách, đổi mới giáo dục đào tạo bền vững; đồng thời bảo đảm thực thi công bằng, bình đẳng giữa mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt đối xử hay kỳ thị để mọi người dân được tiếp cận với giáo dục.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân còn nhấn mạnh đến việc tiếp tục giám sát triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trong tiến trình này, IPU, Liên Hợp Quốc và các tổ chức đa phương quốc tế và khu vực cần hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ các nghị viện thành viên trong việc triển khai trên thực tế. IPU cần tiếp tục đổi mới hoạt động, nhằm tăng cường hiệu quả và vai trò đối với các nghị viện thành viên, thúc đẩy nghị viện thành viên thực hiện các khuyến nghị trong các nghị quyết đã được Đại hội đồng thông qua.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu tầm quan trọng của việc tăng cường đối thoại, hợp tác quốc tế, quan hệ đối tác giữa các quốc gia và các tổ chức khu vực, quốc tế, tạo nguồn lực hỗ trợ tối đa các quốc gia gặp nhiều hạn chế trong việc triển khai các chương trình giáo dục toàn diện, bao trùm vì sự phát triển bền vững; đồng thời nhấn mạnh Quốc hội Việt Nam cam kết sẽ luôn là thành viên có trách nhiệm, sẵn sàng cùng IPU và nghị viện các nước thực hiện các nghị quyết, sáng kiến của IPU góp phần vào việc xây dựng hòa bình và phát triển bền vững vì lợi ích của nhân dân các nước trên thế giới./.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top