Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 31 tháng 5 năm 2017 | 3:49

Cân nhắc việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự

Sáng nay (31/5), Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này. Nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến về việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo tại Hội trường

Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) có 9 Chương, 78 Điều, quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thiệt hại được bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường, kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả, trách nhiệm hoàn trả, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.

Về xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự (các điều 34, 35 và 36), đa số ý kiến thống nhất với quy định xác định cơ quan giải quyết bồi thường như dự thảo Luật theo nguyên tắc chung là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng chịu trách nhiệm bồi thường. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm bồi thường tại khoản 3 Điều 34 của dự thảo Luật thuộc về Viện kiểm sát vì cho rằng trong giai đoạn này Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố và do đó cần xác định Viện kiểm sát là cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong hoạt động tố tụng hình sự, các trường hợp gây oan cho công dân thường liên quan đến trách nhiệm của nhiều người thi hành công vụ trong các cơ quan tiến hành tố tụng đã tham gia điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Để giải quyết bồi thường cho người bị oan, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành và dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội đều thống nhất nguyên tắc xác định cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng sẽ chịu trách nhiệm thay mặt Nhà nước giải quyết bồi thường. Tuy nhiên, trong thực tế, đặc biệt là trong các giai đoạn tiến hành tố tụng có những “điểm rơi khó xác định một cách rành mạch cơ quan nào là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng. Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội đã quy định rõ hơn việc giải quyết vấn đề này trên cơ sở nguyên tắc nêu trên, đồng thời bảo đảm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong từng giai đoạn tố tụng.

 

Đại biểu Bùi Văn Xuyền – Thái Bình phát biểu tại Hội trường

Nhất trí với nguyên tắc xác định cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng sẽ chịu trách nhiệm thay mặt Nhà nước giải quyết bồi thường, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy – Tp Hồ Chí Minh cho rằng quy định như vậy sẽ rõ ràng về thẩm quyền, tránh đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan. Đại biểu cũng nêu rõ, cơ quan gây oan sau cùng giải quyết bồi thường là phù hợp với thực tế khách quan vì sau quá trình tố tụng, quan điểm giải quyết của cơ quan này vẫn kết tội người bị oan. Hơn nữa, giao cơ quan làm oan người sau cùng giải quyết bồi thường để từ đó phân tích rõ nguyên nhân, quá trình, bản chất, hậu quả của việc gây thiệt hại, giúp cơ quan này có ý thức nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong quản lý công chức của mình, bảo đảm trách nhiệm khắc phục hậu quả một cách triệt để do chính công chức, viên chức của mình gây ra. Đồng thời, là người có kết luận sau cùng oan sai trong quá trình giải quyết, công chức, viên chức nào có liên quan thuộc các cơ quan khác đến việc làm oan này, có nghĩa là có quyết định, có cùng quan điểm kết tội thì phải có nghĩa vụ liên đới hoàn trả cho nhà nước và chịu trách nhiệm bị xử lý.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền – tỉnh Thái Bình đồng tình với quan điểm tại Khoản 3, Điều 34 của dự thảo luật về trách nhiệm bồi thường thuộc về Viện kiểm sát. Vì giai đoạn này thì Viện kiểm sát đã tham gia thực hiện quyền công tố và kiểm sát các hoạt động điều tra như phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn lệnh tạm giam của cơ quan điều tra, kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam, quyết định tạm giam. Sau khi cơ quan điều tra hoàn tất hồ sơ chuyển sang Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát thực hiện quyền công tố, xem xét và trả lại hồ sơ điều tra bổ sung. Sau khi cơ quan điều tra thực hiện nhiệm vụ điều tra bổ sung và có kết luận điều tra bổ sung xong thì lại chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát và Viện kiểm sát lúc này ra quyết định đình chỉ vụ án vì lý do là người bị khởi tố không thực hiện hành vi phạm tội hoặc không có hành vi cấu thành tội phạm. Điều này đã được quy định trong luật hiện hành và qua báo cáo của Chính phủ cũng như trong thực tiễn không có vướng mắc lớn, do đó việc thay đổi là không cần thiết. Hơn nữa nếu quy định như Khoản 3, Điều 34 cũng có thể dẫn tới việc trả hồ sơ rồi đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và có thể dẫn tới kéo dài thời gian bồi thường làm ảnh hưởng đến việc giải quyết bồi thường.

 

Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy – Tp Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội trường

Không đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Dũng - tỉnh Quảng Nam tranh luận, trong tố tụng hình sự, nguyên tắc trách nhiệm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đã được phân định, mỗi cơ quan đều có trách nhiệm để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình và đồng thời phải có trách nhiệm giải quyết những hậu quả do thực hiện nhiệm vụ của mình gây ra. Do đó, nếu quy định chỉ Viện kiểm sát chịu trách nhiệm thì sẽ tạo ra việc các cơ quan khác sẽ không ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Mặt khác, đại biểu cho rằng việc giao cho Viện kiểm sát đứng ra làm hết việc này thì cũng là một áp lực đối với ngành kiểm sát, do đó quy định như dự thảo là hợp lý.

Về quan điểm trong các giai đoạn tiến hành tố tụng có những “điểm rơi” khó xác định một cách rành mạch cơ quan nào là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu – tỉnh Nghệ An cho rằng việc xác định điểm rơi chỉ cần chia ra 2 nhóm quan hệ là có thể dễ dàng xác định. Nhóm quan hệ thứ nhất: là nhóm quan hệ với Viện kiểm sát và Tòa án, đây là nhóm quan hệ trung tâm giữa bên buộc tội và bên kết tội. Ai ra quyết định buộc tội sai thì người đó phải đền bù, ai ra quyết định kết tội sai thì người đó phải đền bù. Theo đó, tại Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 7 của Điều 35 thì Viện kiểm sát đền bù là đúng, toàn bộ Điều 36 thì Tòa án đền bù là đúng. Mối quan hệ thứ hai: là mối quan hệ giữa Viện kiểm sát với cơ quan điều tra, trong mối quan hệ này thì người ra quyết định sau cùng là người có quyết định hiệu lực pháp lý cao nhất. Ví dụ, cơ quan điều ta đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn thì Viện kiểm sát phải đền bù, đó là nguyên tắc. Do đó, việc xác định cơ quan nào là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng không hề khó khăn.

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top