Thông thường, mỗi khi nghe cảnh báo ở đâu có dịch cúm là người tiêu dùng “nghỉ” tiêu thụ sản phẩm gia cầm, mặc dù dịch không hề xảy ra ở nơi họ sinh sống. Đơn cử như, đầu năm 2017, khi nghe tin một số địa phương trên cả nước có dịch cúm A/H5N1 và Trung Quốc bùng phát dịch cúm A/H7N9, lập tức giá sản phẩm gia cầm giảm mạnh, khiến người chăn nuôi lao đao.
Cán bộ thú y xã Yên Thường thăm khu chăn nuôi gia cầm của bà con thôn Lại Hùng.
Cần thiết phải cảnh báo
Đến nay, Việt Nam chưa phát hiện một ca lây nhiễm cúm A/H7N9 trên gia cầm và người, tuy nhiên, cần thiết phải cảnh báo thường xuyên vì mức độ nguy hiểm của nó.
Trung Quốc có dịch cúm A/H7N9 từ năm 2013 đến nay, với số lượng người mắc là 1.342 người (40% trong số này đã tử vong). Trong khi đó, tư tưởng chủ quan trong phòng chống dịch, thói quen ăn tiết canh của người dân vẫn cao. Ở chợ cóc, chợ tạm vẫn còn tình trạng giết mổ gia cầm nhỏ lẻ và kinh doanh mua bán gà lông. Vi rút cúm A/H7N9 thường lây qua không khí, gió, nước và tồn tại trong môi trường khá lâu; khi gặp thời tiết, khí hậu thuận lợi như mưa phùn, gió bấc, ẩm thấp, phát triển rất nhanh.
Qua điều tra thấy, cúm A/H7N9 thường tiềm ẩn và cư trú cao ở gà lông màu, nên lây truyền rất nhanh qua đường vận chuyển, kinh doanh. Vi rút cúm A/H7N9 còn nguy hiểm ở chỗ chỉ tồn tại trên cơ thể gà, nhưng không gây chết gà. Do không gây chết gà nên cúm A/H7N9 khó phát hiện, phải kiểm tra, xét nghiệm trên đàn gà mới biết được. Mặt khác, cúm A/H7N9 còn lây từ gà sang người, khi lây sang người thì nguy cơ tử vong cao.
Do tính chất nguy hiểm của cúm A/H7N9, cần phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các cơ quan chuyên môn tăng cường lấy mẫu kiểm tra để phát hiện dịch và có biện pháp ngăn ngừa. Mặt khác, tăng cường kiểm soát, vận chuyển kinh doanh, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động phòng chống dịch bệnh từ cơ sở. Thực hiện tốt việc tẩy uế, làm sạch môi trường nhằm ngăn chặn vi rút phát tán trong không khí. Thực hiện tốt việc tiêm phòng các loại vắc - xin cho gia cầm để chống kế phát cúm A/H7N9. Cơ quan chuyên môn thành lập đường dây nóng, tiếp nhận thông tin của người dân để kịp thời ứng phó khi có dịch xảy ra. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm việc kinh doanh, vận chuyển buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc; chưa nên nhập cảnh gà thời điểm này, nhất là từ Trung Quốc.
Không nên có dịch thì “nghỉ” ăn gia cầm
Xã Yên Thường (Gia Lâm - Hà Nội) có trên 300 hộ chăn nuôi gà, vịt đẻ và thịt, mặc dù trên địa bàn không có dịch nhưng khi nghe cảnh báo có dịch, lập tức sức tiêu thụ giảm hẳn.
Ông Nguyễn Đình Tiến, thôn Lại Hùng, cho biết, ông nuôi 2.000 gà công nghiệp, 2.000 vịt đẻ trứng, cách đây hơn 1 tháng, khi nghe tin có dịch cúm gia cầm, lập tức trứng gà, vịt đồng loạt giảm giá. Nếu như trước đây đạt 23.000 - 24.000 đồng/chục (bán lẻ), nay chỉ còn 20.000đồng/chục, giá bán buôn chỉ còn 16.000 đồng/chục.
Bà Trần Thị Đăng, cán bộ thú y phường Đông Vĩnh, TP. Vinh (Nghệ An) cũng cho biết, cách đây hơn 1 tháng, dịch cúm gia cầm bùng phát, hộ ông Bùi Xuân Giáp phải tiêu hủy 4.700 con vịt và 1.400 gà sinh sản. Rất may, ông đã phối hợp với địa phương “xóa sổ” kịp thời nên không ảnh hưởng đến các hộ trong phường. Được biết, TP. Vinh 10 năm nay không có dịch cúm gia cầm, năm nay mới bùng phát nhưng chỉ xảy ra ở một gia đình và đã nhanh chóng được dập tắt, nên người dân vẫn tiêu thụ sản phẩm gia cầm bình thường, giá trứng và gà, vịt thịt đều không giảm.
Trưởng ban Thú y xã Yên Thường, bà Nguyễn Thị Loan, cho biết: “Xã có 300 hộ nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng, hộ nhiều nhất 2.000 gà, 2.000 vịt; hộ ít nhất 15 - 20 con nuôi trong khuôn viên gia đình. Những gia đình nuôi gà theo mô hình trang trại (khoảng 50 hộ), mỗi ngày thu khoảng 1.800 trứng/2.000 gà đẻ. Các hộ còn lại nuôi gà ta thả vườn. Loại gà này bán rất chạy, chủ yếu khách đến lấy tại nhà, hoặc mua về làm cỗ cưới. Tình hình dịch vừa qua không ảnh hưởng đến Yên Thường, nguyên nhân chính do các gia đình thường xuyên chủ động phòng chống dịch. Ban Thú y xã tích cực tuyên truyền để các hộ biết cách phòng chống, nếu có dịch xảy ra nhanh chóng khoanh vùng. Sử dụng biện pháp phòng dịch tại hộ gia đình, không để phát tán ra ngoài. Khuyến cáo người tiêu dùng: “mào đỏ, gà khỏe” thì ăn, không phải cứ nghe tin có dịch là không dám ăn thịt gà. Nhờ chính quyền và bà con cùng phối hợp nhịp nhàng nên mấy năm nay trên địa bàn không hề xảy ra dịch cúm gia cầm”.
Trao đổi với chúng tôi, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Sơn, cho biết: “Không chỉ tuyên truyền phòng chống dịch, cần khuyến cáo bà con sử dụng sản phẩm gia cầm một cách bình thường, bởi các loại thuốc sát trùng, vôi bột, đun chín ở nhiệt độ 70 - 80 độ C trở lên sẽ diệt được vi rút cúm A/H7N9. Vì vậy, người tiêu dùng không nên quay lưng lại với sản phẩm gia cầm. Khi mua gia cầm, cần biết rõ nguồn gốc, đã được cơ quan chức năng kiểm dịch, kiểm soát giết mổ. Đặc biệt, nếu thấy gia cầm có biểu hiện không bình thường như: ủ rũ, kém ăn, sốt, xuất huyết, mào yếu, tím chân, phải báo ngay cho cán bộ thú y. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay xà phòng trước khi ăn. Nếu thấy có biểu hiện ho, sốt; đau nhức khớp xương, hắt hơi sổ mũi, buồn nôn phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời”.
Dương An Như
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.