Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 1 năm 2018 | 1:19

Cây bơ “thần tài” lộ diện

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, diện tích trồng bơ của tỉnh hiện đạt 1.676ha, tập trung tại các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, TP. Bảo Lộc và TP. Đà Lạt. Điều đáng nói là, nhà vườn đã phát hiện nhiều cây bơ “thần tài” cho thu hoạch quanh năm, được cơ quan chuyên môn bình tuyển làm nguồn gen quý hiếm để nhân rộng sản xuất.

Cây bơ đầu dòng 034 thuộc sở hữu duy nhất của trang trại Dậu Loan ở thị trấn Lộc Thắng, Bảo Lâm.

“Bơ mồ côi” 034 kể chuyện

Trước khi rong ruổi qua phân trại bơ đầu dòng 034 ở xã Lộc Thành (TP. Bảo Lộc), tôi đã mục sở thị trang trại bơ Dậu Loan có cây “bơ rừng thần tài” nằm trên địa giới tổ 1, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm. Chính “bơ rừng thần tài” này là cây giống gốc duy nhất để nhân chồi ghép thành 600 cây bơ 034 đạt 6 năm tuổi ở phân trại xen canh với 2,6ha cà phê thuộc xã Lộc Thành (TP. Bảo Lộc).

Mới hay vợ chồng anh Nguyễn Văn Dậu (sinh năm 1969) và chị Trần Thị Loan (sinh năm 1971), bắt đầu mua vườn cà phê 4.000m2 ở tổ 1 (thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm) vào năm 1991, trên đó phát hiện một cây “bơ mồ côi” cao vút giữa trời, thân và cành sần sùi nhưng cứng cáp. Hiện, anh Dậu đã rào thép gai diện tích 8m2 bảo vệ quanh bồn cây bơ “thần tài” 034, bám rễ trên địa hình sườn đồi thoai thoải. “Cây bơ 034 đã bước sang tuổi 37. Chiều cao trung bình 12m, tán phủ rộng mỗi bên 4m, cách đây 10 năm, cây đậu trái dày đặc, bất ngờ gặp cơn gió lớn làm gãy đổ 2 cành, nay còn lại tổng cộng 25 cành. Hàng năm tuyển chọn được 6.000 mắt chồi để ghép thành 6.000 cây bơ giống 034 thế hệ mới….”, anh Dậu giới thiệu trực tiếp với tôi dưới tán cây bơ 034.

Năm 1993, cây bơ “thần tài” thu hoạch đều đặn từ tháng 5 đến tháng 8 và từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, tổng sản lượng khoảng 100kg. Gia đình anh Dậu thấy hình dáng trái bơ dài như trái bầu, trái bí, nên gọi mời bà con xung quanh đến hái ăn cho biết đặc sản mới. Nào ngờ với chất lượng dẻo thơm đặc trưng, lại cơm dày hạt lép đã nhanh chóng lan tỏa đến “tai mắt” của thương lái trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, họ tìm đến nâng giá thu mua cho đến khi lập đỉnh cao gấp 10 lần giá bơ thông thường. Kể từ đó, anh Dậu – chị Loan tích cực tìm cách nhân giống cây bơ “thần tài” 034 có một không hai của mình, nhưng các giải pháp từ chọn hạt gieo ươm (chọn hạt dày nhất của hạt lép) đến bó đất chiết cành đều thất bại.

Mãi đến năm 2009, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bảo Lâm xuống kiểm tra một lần nữa và khẳng định bơ “thần tài” có chất lượng khác biệt, đã thống nhất với anh Dậu- chị Loan chọn 20 trái đưa ra TP. Bảo Lộc dự thi. Cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng tổ chức vào tháng 6/2009 với cả trăm giống bơ trái chín của nông hộ tham gia từ các huyện, thành trồng bơ trong tỉnh Lâm Đồng. Kết quả, bơ “thần tài” Dậu Loan đoạt giải nhì (không có giải nhất) với mã số 034. Từ đó mã số 034 trở thành tên giống bơ “thần tài” thuộc chủ sở hữu của trang trại Dậu Loan. Tháng 10/2010, Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng công nhận cây bơ 034 đạt tiêu chuẩn đầu dòng…   

Từ bơ “thần tài” thu nhiều tỷ đồng

Trở lại cuộc thi vào tháng 6/2009 do Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng tổ chức, bơ “thần tài”  034 sau khi được công nhận cây giống đầu dòng đã được chủ nhân Dậu Loan không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu thêm nhiều biện pháp nhân giống khác nhau, kết quả đã đúc kết quy trình ghép mầm chồi trong nhà kính. Năm 2010, Dậu Loan “trình làng” 1.000 cây bơ 034 ghép đầu tiên và được nhà vườn các xã Lộc Phú, Lộc Đức, Lộc Nam của huyện Bảo Lâm mua hết về trồng xen với cây cà phê. Đến năm 2011, Dậu Loan đồng loạt xuất vườn 1.000 cây bơ ghép để trồng xen trong chính diện tích cà phê trang trại của mình, mật độ 150 cây/ha. Trong 2 năm 2016 và 2017, 1.000 cây bơ 034 thế hệ F1 này chính thức đủ số tuổi, “chung sức” cùng với cây bơ 034 “mồ côi” giống gốc cung cấp mầm chồi cho trang trại Dậu Loan mỗi năm sản xuất 15.000- 20.000 cây ghép.

Năm 2017, trang trại Dậu Loan xuất vườn 20.000 cây bơ ghép 034.

Kết thúc năm 2017, bơ ghép 034 ở trang trại Dậu Loan và ở các diện tích xen canh cà phê khác trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, trung bình 1ha trồng 150 cây sinh trưởng từ 4-7 năm tuổi đã đạt tổng sản lượng 15 tấn trái. Với giá bán 150.000 đồng/kg (không đủ bán theo nhu cầu khách hàng), tổng doanh thu đạt hơn 2,25 tỷ đồng. Trừ chi phí, lãi ròng 2 tỷ đồng/ha. Chưa kể số thu cà phê nhân trên diện tích 1ha này.

Đến chọn “bơ tứ quý” cho mùa sau

Cuộc thi đáng kể tiếp theo vào ngày 10/6/2014, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng đã bình tuyển 6 cây giống bơ đầu dòng đoạt giải (gồm 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải 3 và 02 giải khuyến khích) với những đặc tính vượt trội như: sinh trưởng tốt, năng suất cao và ổn định, chất lượng trái ngon, hình dáng đẹp…Và đặc biệt, trong số đó có 5 cây “bơ tứ quý” thu hoạch cả chính vụ và trái vụ đã khai sinh những tên mới là BLĐ/041, BLĐ/045, BLĐ/046, BLĐ/047 và BLĐ/056.

Theo đó, cây bơ đoạt giải nhất BLĐ/056 của hộ ông Phạm Hoàng Lư, địa chỉ thôn 6, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm. Về nguồn gốc của cây, vào mùa mưa năm 1990, ông Lư ra chợ mua trái bơ về ăn thấy thơm ngon nên giữ lại hạt gieo ươm trong vườn. Đến thời điểm đi thi, cây sinh trưởng 24 năm tuổi, phát triển tốt, năng suất trái 2 vụ/năm, trái lớn, dạng bầu dài, thịt vàng, dẻo, béo. Tại hội thi đã thuyết phục ban giám khảo khi kiểm tra, đánh giá chất lượng trái bơ với tổng điểm đạt 94,5/100 điểm.

Tương tự, 3 cây bơ trái vụ ở Bảo Lộc đoạt 1 giải nhì là BLĐ/047 (hộ ông Trịnh Văn Điện, thôn 10, xã ĐamBri) và 2 giải 3 gồm BLĐ/045 (hộ ông Nguyễn Viết Đạo, tổ 18, phường 2), BLĐ/046 (hộ ông Trần Minh Hồng, số 54A, Lý Thái Tổ, phường 2) đều được chủ nhân mua ngoài thị trường về ăn cảm nhận hương vị đặc biệt rồi ươm hạt ngay trong vườn. Cây bơ khi thu hoạch trái đi thi đoạt 1 giải nhì và 2 giải 3 này có tuổi trồng từ 15 - 20 năm, có trái nặng 1kg.

Còn lại 2 cây “bơ tứ quý” đoạt giải khuyến khích đều trồng trên địa bàn huyện Bảo Lâm, được chủ hộ thu thập từ mầm của cây bơ mẹ (cây bơ hạt) tại phường Lộc Phát (Bảo Lộc). Đó là cây bơ BLĐ/041 (hộ ông Bùi Văn Chính, thôn 12 , xã Lộc Ngãi) ghép mầm lên cây bơ hạt trong vườn nhà vào năm 2008. Đến nay, trái bơ BLĐ/041 thu hoạch có chất lượng ổn định cơm vàng, rất dẻo, béo, không xơ.

Và cây bơ BLĐ/043 (hộ ông Nguyễn Văn Thể, thôn 3, xã Tân Lạc) ghép mầm lên cây bơ hạt trong vườn nhà vào năm 2006, đậu trái có hình dạng trái bí, người tiêu dùng khá ưa chuộng.

Đến tháng 10/2014, Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng ra quyết định công nhận 06 cây bơ đoạt giải nêu trên đáp ứng các tiêu chuẩn cây đầu dòng. “Việc đăng ký và cấp chứng nhận cây đầu dòng cho 6 cây bơ đoạt giải là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ sở sản xuất và nông hộ khai thác nguồn vật liệu phục vụ công tác phát triển giống, đồng thời giúp lưu giữ, bảo tồn nguồn gen quý hiếm, làm phong phú thêm cho bộ giống bơ của tỉnh Lâm Đồng...”,Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng khẳng định.

Thu thập trong 3 năm liên tiếp (năm 2015 đến 2017), Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng đánh giá 6 cây bơ đầu dòng bình tuyển có khả năng sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh hại, trọng lượng và năng suất trái ổn định qua các năm. Cụ thể xây dựng vườn mô hình nhân chồi 1.500m2 tại hộ bà Lê Thị Bảo Yến (thôn 9, xã Tân Lạc, Bảo Lâm), mật độ 444 cây/ha. Bước qua năm thứ 2 và thứ 3, mỗi cây bơ đầu dòng ở đây đạt lần lượt 21 và 29 cành. Mỗi cành khai thác từ 2 đến 4 chồi ghép.

Riêng tại Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng (51, Hà Giang, Bảo Lộc), vườn sản xuất giống bơ đầu dòng 500m2 nhà kính có bố trí hệ thống tưới, hệ thống lưới che ánh sáng, đạt quy mô 20.000 bầu ươm/năm. Kết quả, Trung tâm đã cung cấp cho nông dân 14.800 cây bơ ghép “tứ quý” trong 2 năm 2014 - 2015 và 15.000 cây năm 2015 - 2016.

Trung tâmđã chuyển giao cho các nông hộ chủ vườn giống bơ đầu dòng về 2 quy trình trồng, chăm sóc vườn nhân chồi và kỹ thuật khai thác mầm ghép. Đồng thời tiếp tục theo dõi, đánh giá từ nay đến giai đoạn cây bơ giống đầu dòng kinh doanh ổn định, từ đó khuyến cáo nông dân các giải pháp kỹ thuật đầu tư phù hợp, hiệu quả từng vùng sinh thái ở Lâm Đồng…

Văn Việt

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top