Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 28 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 30 tháng 12 năm 2021 | 15:45

Chăn nuôi bền vững để bảo vệ môi trường

Cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi là sự ảnh hưởng không hề nhỏ đến môi trường, sức khỏe, đời sống của con người. Để chăn nuôi phát triển bền vững thì công tác xử lý môi trường trong chăn nuôi phải được thực hiện tốt và triệt để.

Chăn nuôi gây ra 18% khí gây hiệu ứng nhà kính

Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây nên chủ yếu từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, bụi, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết chôn lấp, tiêu hủy không đúng kỹ thuật. Một kết quả kiểm tra mức độ nhiễm khuẩn trong chuồng nuôi gia súc cho thấy, tổng số vi khuẩn trong không khí ở chuồng nuôi cao gấp 30-40 lần so với không khí bên ngoài.

Đối với các cơ sở chăn nuôi, các chất thải gây ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, năng suất bị giảm, tăng các chi phí phòng trị bệnh, hiệu quả kinh tế của chăn nuôi không cao... Sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm sút sẽ là nguy cơ gây nên bùng phát dịch bệnh.

 

42-1640745981-11.jpg
Ô nhiễm môi trường tại nhiều trang trại chăn nuôi. (Ảnh minh họa)

 

Vì vậy, WHO khuyến cáo phải có các giải pháp tăng cường việc làm trong sạch môi trường chăn nuôi, kiểm soát, xử lý chất thải, giữ vững được an toàn sinh học, tăng cường sức khỏe các đàn giống. Các chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường do vi sinh vật (các mầm bệnh truyền nhiễm) là đặc biệt nguy hiểm, vì nó sẽ làm phát sinh các loại dịch bệnh như tiêu chảy, lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm H5N1...

Theo tính toán thì lượng chất thải rắn mà các vật nuôi có thể thải ra (kg/con/ngày) là: Bò 10, trâu 15, lợn 2, gia cầm 0.2. Do vậy, hàng năm, đàn vật nuôi Việt Nam thải vào môi trường khoảng 73 triệu tấn chất thải rắn (phân khô, thức ăn thừa) và 25-30 triệu khối chất thải lỏng (phân lỏng, nước tiểu và nước rửa chuồng trại).

Trong đó, khoảng 50% lượng chất thải rắn (36,5 triệu tấn), 80% chất thải lỏng (20-24 triệu m3) xả thẳng ra môi trường, hoặc sử dụng không qua xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ước tính một tấn phân chuồng tươi với cách quản lý, sử dụng như hiện nay sẽ phát thải vào không khí khoảng 0,24 tấn CO2 quy đổi thì với tổng khối chất thải nêu trên sẽ phát thải vào không khí 17,52 triệu tấn CO2. Các nhà nghiên cứu đã ước tính được rằng chăn nuôi gây ra 18% khí gây hiệu ứng nhà kính làm cho nhiệt độ Trái đất tăng lên (biến đổi khí hậu toàn cầu), lớn hơn cả phần do giao thông vận tải gây ra.

Đi tìm lời giải bài toán môi trường trong chăn nuôi

Hà Nội là Thủ đô, nhưng chăn nuôi gia súc, gia cầm luôn đứng trong tốp đầu cả nước. Toàn TP hiện có 76 xã chăn nuôi trọng điểm, với 7,528 trại, gia trại chăn nuôi. Đàn trâu hiện có 28.481 con; đàn bò 14.770 con; đàn lợn 1,6 triệu con; đàn gia cầm 38 triệu con. Sự phát triển chăn nuôi mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, nhưng đi kèm là thách thức không hề nhỏ về ô nhiễm môi trường.
 
Với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn như hiện nay, mỗi năm hoạt động chăn nuôi thải ra môi trường trên 3 triệu tấn chất thải rắn. Đặc biệt, theo tính toán của các nhà khoa học, chăn nuôi lợn thải ra môi trường khoảng 24 lít/con/ngày. Như vậy mỗi năm Hà Nội có trên 422 triệu lít nước thải từ chăn nuôi lợn. Đây là một gánh nặng lớn đối với môi trường Thủ đô.
 
Xã Minh Châu, huyện Ba Vì là địa phương phát triển mạnh chăn nuôi bò thịt. Với tổng đàn gần 5.000 con bò, nhưng chủ yếu chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình nên vấn đề ô nhiễm môi trường chăn nuôi đang là bài toán đau đầu với chính quyền địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Hưng cho biết, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường xả thải trực tiếp ra cống rãnh thoát nước, chảy tập trung về các ao nằm xen kẽ trong khu dân cư, ứ đọng lại gây ô nhiễm không khí và nguồn nước ngầm nghiêm trọng.
 
42-1640745983-13.jpg
Sử dụng hầm Biogas đang được người chăn nuôi quan tâm.
Theo TS. Lê Văn Trí - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Sinh học và Môi trường, khi một khối lượng lớn chất thải chăn nuôi mang theo các chất hữu cơ, mầm bệnh và dư lượng hóa chất xả thẳng ra môi trường sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Trong đó, có một số vi sinh vật là các vi khuẩn gây bệnh, một số hóa chất là kháng sinh, thuốc sát trùng, hóa chất phân giải từ chất hữu cơ, kim loại nặng phát tán vào không khí, hòa vào nguồn nước, ngấm vào đất tạo ra mùi và chất độc ảnh hưởng xấu đến đời sống cộng đồng. Chất thải của gia súc tạo ra 65% lượng N2O trong khí quyển, cùng với các khí khác như CO2, CH4…
 
Chia sẻ về những khó khăn trong xử lý môi trường chăn nuôi, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn trăn trở, hiện nay tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún của Hà Nội vẫn cao. Trong khi, chăn nuôi nhỏ lẻ thường thiếu diện tích nên việc xử lý ô nhiễm môi trường đúng quy trình gần như không thực hiện được. Hiện, trên 50% chất thải chăn nuôi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không qua xử lý được xả thải thẳng ra môi trường.
 
Nhiều gợi mở từ công nghệ
 
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội chia sẻ thêm, vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi thực sự là một bài toán hóc búa. Để giải bài toán này, trong những năm gần đây Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp, như thúc đẩy, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân. Trong đó, giải pháp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học được xem là căn cơ, hiệu quả nhất.
 
Cụ thể, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý và xử lý chất thải, xây dựng hệ thống chuồng kín, xây dựng quy trình xử lý chất thải, nước thái khép kín tại trang trại chăn nuôi. Sử dụng công nghệ cao như chuồng trại có hệ thống cảnh báo và điều tiết nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng nuôi phù hợp với đặc tính của từng loại gia súc, dọn phân tự động và xử lý chất thải, quản lý đàn bằng phần mềm công nghệ thông tin trong chăn nuôi.
 
dc9aac91ddd2348c6dc3.jpg
Mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học ở Sóc Sơn.

 

Cùng với đó, ứng dụng khoa học công nghệ để xử lý chất thải như xây hầm biogas; xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học; xử lý nước thải bằng cây thủy sinh; xử lý chất thải bằng công nghệ ép tách phân; xử lý chất thải bằng phương pháp sinh học cùng việc che phủ kín…
 
TP cũng đã có một số đề tài xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi đạt hiệu quả tích cực, như mô hình ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bò tại Gia Lâm; Dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng giải pháp khoa học công nghệ trong xử lý chất thải động vật, thực vật làm phân bón cho sản xuất một số loại rau hữu cơ tại huyện Thạch Thất; Đề tài nghiên cứu, sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp thông qua chất độn lót chuồng trong chăn nuôi đại gia súc...
 
Chia sẻ về kinh nghiệm xử lý môi trường trong chăn nuôi, Tổng Giám đốc Công ty CP giống gia súc Hà Nội Bùi Đại Phong cho biết, trước đây với phương thức chăn nuôi cũ, số lượng đàn bò nuôi tại công ty khá lớn, nên việc xử lý chất thải chăn nuôi rất khó khăn. Hàng ngày phải tắm rửa cho đàn bò, cào phân, vệ sinh chuồng trại mất khá nhiều thời gian nên đòi hỏi nhân lực lao động lớn mới đáp ứng được công việc.
 
Tuy nhiên, bài toán đã được giải khi công ty ứng dụng khoa học kỹ thuật để nuôi bò trên nền đệm lót sinh học. Đây là công nghệ mới, nếu làm được và vận hành đúng cách sẽ đem lại rất nhiều lợi ích. Bên cạnh làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các chất thải được phân giải, từ đó mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, tạo môi trường sống không ô nhiễm.
 
Bên cạnh đó, ruồi muỗi, ve ký sinh trên bò và ở trong chuồng trại đã giảm rất nhiều. Mặt khác, không cần thu phân và rửa chuồng trong quá trình nuôi do đó giảm nhân công, đồng thời tiết kiện được 80% nước do hoàn toàn không phải tắm hay rửa chuồng cho đàn bò. Tận dụng làm nguồn phân bón hữu cơ vi sinh sau mỗi vụ chăn nuôi nhờ mật độ vi sinh vật hữu ích dồi dào.
 
Tuy nhiên, để triển khai rộng rãi các mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội Nguyễn Ngọc Giang kiến nghị, trong thời gian tới, TP cần có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng hệ thống xử lý chất thải, bao gồm hỗ trợ tín dụng cho hộ và cơ sở chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học, công trình xử lý chất thải bằng nguồn vốn từ quỹ bảo vệ môi trường. Cùng với đó, có chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng khí sinh học như vốn xây dựng hạ tầng, miễn giảm thuế… Tạo điều kiện về diện tích xây dựng chuồng trại có khu xử lý chất thải…
 
 
 
Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top