Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 4 năm 2018 | 13:59

Chi phí logistics lớn 'đè' con tàu kinh doanh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, nhiều nhất là Bộ Giao thông vận tải, trong đó có việc xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng để phát triển logistics Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.

Sáng nay, 16/4, phát biểu khai mạc Hội nghị về logistics, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại câu nói của một trong những người thành lập đất nước nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ - Benjamin Franklin: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị về logistics- Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng cho biết đây là một trong 15 hội nghị chuyên đề dự kiến được tổ chức trong năm nay để giải quyết một số vấn đề trọng yếu, nhằm vào 4 nội dung lớn là nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và dịch vụ, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đặc biệt, tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn.

Gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất

Theo Thủ tướng, vấn đề logistics đã được đề cập trong văn kiện Đại hội Đảng và các bộ, ngành đã triển khai. Tuy nhiên, khái niệm, cách tổ chức thực hiện, nhất là các biện pháp tổng hợp để xử lý vấn đề này còn hạn chế. Chi phí logistics ở nước ta còn cao, thậm chí rất cao.

“Tại hội nghị này, chúng tôi mời đông đủ tất cả các địa phương, các ngành trong cả nước để hiểu đầy đủ hơn, tổ chức thực hiện tốt”, Thủ tướng nói.  Khái niệm logistics không phải mới nhưng ít người hiểu một cách đầy đủ, đó là chỉ tổ chức vận tải giao thông đơn tuyến, đơn lẻ và chủ yếu đường bộ. Có tình trạng, theo Thủ tướng, “xe của anh vận tải hàng hóa thì có đến 40 – 50% xe quay về mà không chở hàng, làm sao chi phí lại không cao được”.

Thủ tướng khẳng định vai trò to lớn của logistics đối với nền kinh tế Việt Nam, trị giá hàng tỷ USD, là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển. Đồng thời, đây là một dịch vụ kinh doanh hấp dẫn được nhiều công ty trong và ngoài nước triển khai, mà “ta không làm thì các nước bạn sẽ làm và đặc biệt, chúng ta chưa có doanh nghiệp mạnh làm logistics”. Phải có doanh nghiệp mạnh làm logistics với sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, quy hoạch của Nhà nước, Thủ tướng nêu rõ. Chức năng ngành logistics không chỉ là giao nhận, vận tải mà còn bao gồm các hoạt động khác như kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hóa hư hỏng...

Cho rằng khái niệm này rất rộng, Thủ tướng đề nghị các địa phương cần nắm rõ. Ngành giao thông vận tải và công thương cần tổ chức vấn đề này cho tốt bởi “nếu làm tốt về logistics sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển, kho bãi... làm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận”.

Dẫn câu nói của một trong những người thành lập đất nước nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ mà chân dung của ông được in trên tờ tiền được sử dụng phổ biến nhất là đồng 100 USD - Benjamin Franklin: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn, liệu có nhấn con tàu kinh doanh, tính cạnh tranh xuống thấp?

“Vì vậy, phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó, chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam; bên cạnh đó, việc đầu tư chưa hợp lý giữa các phương thức vận tải, việc kết nối kém đã góp phần làm tăng chi phí vận tải và logistics”, Thủ tướng nói.

Theo đánh giá của Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam tương đương với khoảng 20,9% GDP (trong đó, chi phí vận tải chiếm tới 60%), gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển (Trung Quốc chiếm 19% GDP, Thái Lan khoảng 18%, Nhật Bản khoảng 11%, các nước thuộc khối EU khoảng 10%).

Vì vậy, Thủ tướng nêu rõ, cùng với những nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại lớn trên thế giới và khu vực, thì việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là giảm chi phí logistics phải được quan tâm đúng mức và thực hiện có hiệu quả với các hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Tại Hội nghị hôm nay, các đại biểu cần quán triệt Kế hoạch hành động này để triển khai, nhất là một số ngành then chốt. “Bàn tay Nhà nước cần xắn vào đây. Cho nên, tôi và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng, các cơ quan của Đảng, Quốc hội có mặt ở đây hôm nay để thảo luận, làm thông suốt vấn đề này hơn trong cấp ủy, chính quyền các cấp”, Thủ tướng nói.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cần sửa đổi, bổ sung quy định nào

Gợi ý thảo luận tại Hội nghị, Thủ tướng nêu 4 vấn đề với tinh thần làm rõ tồn tại, hạn chế và đặc biệt, tập trung vào các giải pháp thực thi hiệu quả. Trước tiên là về thể chế, chính sách. Cần thảo luận làm rõ các quy định pháp luật hiện nay về logistics đã đủ chưa, cần sửa đổi, bổ sung quy định nào? Nhấn mạnh vai trò của kho bãi trong logistics, Thủ tướng nêu thực trạng có địa phương có cảng nội địa tốt nhưng không dành vị trí tốt làm kho bãi mà đưa kho bãi xa cảng, từ đó đẩy chi phí vận tải lên cao.

Nội dung thảo luận thứ hai là về hạ tầng và kết nối hạ tầng của các lĩnh vực giao thông thúc đẩy phát triển logistics. Hiện kết nối các tuyến giao thông với cảng, nhà ga, sân bay, cảng cạn... chưa được đồng bộ, vậy cần điều chỉnh, bổ sung như thế nào? Làm sao để các trung tâm logistics, cảng trung chuyển kết nối hàng hóa (hệ thống bến cảng, sân bay...) phát huy được tiềm năng và lợi thế, phát huy hiệu quả các công trình đầu tư. Cần làm gì để nâng cao hiệu quả liên kết của các chủ đầu tư, các công trình trên cùng một khu vực?

Thứ ba là thảo luận về tính kết nối của các loại hình vận tải. Cho rằng yếu kém trong kết nối các loại hình vận tải là một tồn tại ở Việt Nam, Thủ tướng cho biết, vận tải đường thủy, đường sắt chi phí thấp nhưng thị phần còn thấp (đường biển 4,7%, đường thủy nội địa 17,7%, đường sắt 0,39%), còn vận tải đường bộ chiếm tới gần 80%. “Mà như vậy tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, hư hỏng đường sá. Chúng ta có mấy đồng bạc làm đường này, đường kia, anh chở siêu trường, siêu trọng như vậy thì đường nào chịu nổi, nếu không chuyển phương thức. Tồn tại này rất lớn mà các cấp, các ngành quán triệt, nhận thức để tổ chức”, Thủ tướng lưu ý.

Thứ tư, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về phát triển doanh nghiệp và nguồn lực phục vụ logistics. Thủ tướng nêu vấn đề về tính kết nối, chia sẻ cộng đồng của một số nhóm doanh nghiệp cùng hoạt động trong một tuyến, ngành hàng chưa hợp lý như tình trạng vận tải một chiều… Vì vậy, cần có nguồn nhân lực để phát triển dịch vụ logistics.

Thủ tướng cho biết,  hôm qua, khi nói chuyện với Bộ trưởng GTVT ông có đề nghị mời một số tiến sĩ chuyên ngành logistics phát biểu tại Hội nghị hôm nay, “phải có nhiều ý kiến của những người chuyên về lĩnh vực này để Nhà nước xây dựng chính sách phát triển, vì đây là vấn đề mới”.

Thủ tướng mong muốn các đại biểu kiến nghị các định hướng lớn, các nhiệm vụ cụ thể, có nhiệm vụ trước mắt, có nhiệm vụ lâu dài để thực hiện chủ trương phát triển dịch vụ logistics, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí logistics.

“Chúng ta lo sản xuất trái cây, gạo, sản xuất thiết bị máy móc mà những dịch vụ chiếm tỷ lệ cao như này không giảm xuống thì nền kinh tế không thể cạnh tranh được”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Giảm mạnh chi phí logistics

Phát biểu kết luận hội nghị về logistics hôm nay, 16/4, Thủ tướng cho rằng đây là hội nghị rất thiết thực, giải quyết được nhiều vấn đề mà như phát biểu của TS. Nguyễn Đình Cung là giải quyết tình trạng vô cảm, vô lý, vô trách nhiệm trong việc tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhất trí với ý kiến của TS. Nguyễn Đình Cung, Thủ tướng bổ sung thêm một vấn đề nữa cần chấn chỉnh là “vô thời hạn”.

Nhấn mạnh tinh thần tổ chức hội nghị thì phải có sản phẩm, kết quả cụ thể, Thủ tướng cho biết, bên cạnh việc nâng cao nhận thức về vấn đề mới mẻ này thì sau hội nghị sẽ có Chỉ thị về phát triển logistics.

Mặc dù có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực logistics, tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, chi phí logistics ở Việt Nam còn quá cao, khó cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ.

Phải giảm chi phí logistics xuống hơn nữa, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 60%, cộng cả lưu kho, bốc dỡ là khoảng 91%, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là khâu quan trọng nên chúng ta cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng nêu rõ quan điểm, logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế và phát triển dịch vụ logistics thành một ngành kinh tế đem lại giá trị gia tăng cao; gắn dịch vụ này với phát triển hàng hóa xuất nhập khẩu. Phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp.

Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng của khu vực. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics.

Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi cho nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, một khâu yếu của nền kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Thủ tướng cho rằng, cần quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống để tạo chuyển biến tình hình dịch vụ logistics. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp để làm tốt dịch vụ này.

Cổng Thông tin thương mại của Việt Nam phải duy trì hoạt động tốt hơn nữa để tăng cường tính cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics. Áp dụng quản lý rủi ro chuyên ngành là điều rất cần thiết với tinh thần hậu kiểm hơn là tiền kiểm, kiểm tra rủi ro chứ không phải kiểm tra đồng loạt.

Cần có chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics hết sức cụ thể ở từng ngành, nhất là ngành giao thông vận tải và công thương với 5 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết, triển khai các nhiệm vụ trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải 10 nhiệm vụ, Bộ Công Thương 7 nhiệm vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 3 nhiệm vụ, 2 nhiệm vụ đối với Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Đối với các địa phương, cần có quy hoạch và sử dụng quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, các cảng cạn từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại.

Đối với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng liên quan thì căn cứ quy định của pháp luật, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ để định hướng thay đổi hành vi trong thương mại quốc tế, gắn kết giữa doanh nghiệp chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, thay đổi điều kiện giao hàng "mua CIF, bán FOB", nâng cao ý thức của doanh nghiệp chủ hàng, tạo cơ sở cho doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tham gia vào nhiều công đoạn trong chuỗi cung ứng với hàm lượng giá trị gia tăng ngày càng cao.

Các doanh nghiệp logistics cần chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá phí các dịch vụ.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải và Văn phòng Chính phủ tổng hợp và tiếp thu tối đa các ý kiến của các cơ quan, các đại biểu tại hội nghị để đưa vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để phát triển logistics Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.

Theo Đức Tuân

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top