Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 1 năm 2016 | 9:8

Chính phủ họp thường kỳ tháng 01

Ngày 29/01, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2016.

Tại phiên họp, Chính phủ nghe và thảo luận về Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế-xã hội tháng 1/2016 và một số nội dung quan trọng khác.

Trong tháng 1/2016, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tập trung giao kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư và dự toán ngân sách Nhà nước; đề ra chương trình hành động triển khai thực hiện kế hoạch.

Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng đầu năm 2016 tiếp tục chuyển biến và đạt kết quả khả quan.  

Giá tiêu dùng ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2016 không tăng so với tháng 12/2015; sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Khu vực dịch vụ phát triển ổn định; tổng cầu và sức mua tiếp tục được cải thiện. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tăng, nhập siêu giảm mạnh; thu hút và giải ngân vốn FDI tăng cao so với cùng kỳ; vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân đạt khá.

Hoạt động phát triển doanh nghiệp tiếp tục có chuyển biến; số doanh nghiệp đăng ký mới và quy mô doanh nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là gia đình chính sách, người nghèo, người già neo đơn… được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Tuy nhiên, sự phục hồi chậm, thiếu vững chắc của kinh tế thế giới, giá dầu thế giới giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, rét hại, rét đậm gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp và khả năng dịch bệnh lây lan vẫn còn cao. Đặc biệt ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã báo cáo về công tác chăm lo, hỗ trợ cho gia đình chính sách, người có công, người nghèo trong dịp Tết này. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về tình hình, ảnh hưởng của rét đậm, rét hại đối với nước ta và các biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp, việc bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về phương án tổ chức kỳ thi năm 2016 để có thể sớm công bố.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, giá dầu giảm mạnh, vấn đề Biển Đông diễn biến phức tạp.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành phát huy những kết quả đạt được, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

“Bộ, ngành nào cũng đã đề ra chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 2016. Bây giờ, cần quyết liệt đôn đốc việc triển khai thực hiện”, Thủ tướng lưu ý và yêu cầu tập trung triển khai một số nhiệm vụ. Đó là phải kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân các dự án, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng, bảo đảm tiến độ.

Thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra theo Nghị quyết 19/2015 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt mục tiêu bằng ASEAN-4 vào cuối năm nay.

Chỉ đạo thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; chủ động hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuẩn bị và nhanh chóng thích nghi với các thỏa thuận TPP, FTA và các cam kết của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại theo từng ngành hàng cụ thể nhằm củng cố, khai thác và phát triển thị trường xuất khẩu.

Tăng cường và đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra thị trường; phòng chống, phát hiện và xử lý nghiêm nạn buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả, nhất là trong dịp Lễ, Tết nhằm đảm bảo ổn định thị trường, góp phần tăng thị phần cho hàng Việt Nam.

 Kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung - cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách người có công, an sinh xã hội bảo đảm cho đối tượng chính sách và người nghèo có Tết. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán, bảo đảm vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong, mỹ tục. Ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động thu lợi bất chính.

 Về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2016, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ tốt nhất cho học sinh, giảm chi phí, tốn kém nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, công bố sớm phương án thi để học sinh có thời gian chuẩn bị và cho rằng, nên bố trí cụm thi quốc gia ở tất cả các tỉnh, thành phố, chứ không chỉ có 38 cụm thi quốc gia như năm 2015.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, tăng cường phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tăng cường phòng chống cháy nổ, nhất là tại các khu đông dân cư, khu công nghiệp, nhà xưởng. Thủ tướng lưu ý phải chủ động kế hoạch phương tiện đi lại, bảo đảm đi lại thuận tiện cho người dân về quê ăn Tết, quyết tâm giảm được số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông.

Các ngành, các cấp chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo điều hành của Chính phủ; các cam kết quốc tế trong các Hiệp định Thương mại tự do (cả những mặt thuận lợi, cơ hội lẫn khó khăn, thách thức khi tham gia).

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2013/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng; việc thu, nộp tiền vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam; việc nộp lợi nhuận sau thuế còn lại theo Nghị định số 204/2013/NĐ-CP đối với doanh nghiệp do tổ chức Đảng thành lập và quản lý..

PV.

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top