“Tôi mong các bạn trẻ sẽ luôn khiêm tốn, học hỏi, liên lục mày mò, không ngừng đổi mới sáng tạo và đó chính là chìa khóa giúp các bạn thành công”, Thủ tướng bày tỏ.
Mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng bày tỏ, muốn nghe ý kiến của thanh niên để tháo gỡ vướng mắc, từ thể chế, cơ chế, sở hữu trí tuệ và những vấn đề liên quan, làm sao tạo môi trường tốt nhất cho khởi nghiệp sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp một cách tốt nhất.
Anh Nguyễn Đức Trung, quỹ đầu tư VinaVenture dẫn ra những điểm hạn chế của Nghị định 38, như quy định Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở điều lệ quỹ, đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo sau khi nhận đầu tư. Đây là những điểm chưa phù hợp với đặc thù gọi vốn của các start-up. Anh Trung đặt câu hỏi liệu Thủ tướng, Chính phủ trong thời gian tới có chỉ đạo, định hướng gì khai thông vấn đề này.
Anh Phan Bá Mạnh, sáng lập công ty công nghệ vận tải An Vui, chia sẻ câu chuyện cách đây 2 năm anh gọi vốn đầu tư, rất may mắn gọi vốn thành công. Nhưng nhiều start-up phải mở công ty ở nước ngoài dẫn đến tình trạng "chảy máu" start-up. Anh Mạnh đặt câu hỏi là môi trường đầu tư đã cải thiện đủ hấp dẫn để sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam chưa hay phải mở doanh nghiệp tại nước ngoài mới tạo được vốn?
Thủ tướng nhận định hệ sinh thái khởi nghiệp chưa hoàn thiện và còn nhiều khó khăn. Mặc dù số lượng và chất lượng khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam tăng lên nhưng so với các nước trong ASEAN, Việt Nam còn nhiều trở ngại, đặc biệt là nguồn vốn. Thủ tướng cho rằng các thành viên Chính phủ phải có trách nhiệm trả lời, với tinh thần "mở ra chứ không trói vào", cần chỉ rõ biện pháp xử lý vướng mắc hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho hay Nghị định 38 hướng dẫn Luật Đầu tư cho phép hình thành quỹ đầu tư giúp doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy vậy, sau thời gian thực hiện, những quy định như không được hình thành pháp nhân, phải có 30 thành viên trong quỹ, tăng vốn phải tăng thêm dưới 50% vốn điều lệ… không phù hợp.
"Quy định này khá cứng và khi thực hiện tạo ra rào cản", ông Trần Văn Tùng nhìn nhận và cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu và bàn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất sửa đổi Nghị định này trong thời gian tới, giải quyết vướng mắc.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng cho biết sẽ chủ trì sửa đổi quy định này, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Thủ tướng yêu cầu hai bộ phải sửa đổi quy định sớm và bãi bỏ điều kiện, quy định không cần thiết.
Anh Phạm Ngọc Anh Tùng, Giám đốc điều hành (CEO) của sàn giao dịch nông sản Foodmap đặt vấn đề, trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, doanh nghiệp nằm ở vị trí nào trong chính sách của Chính phủ?
Anh Lưu Thế Lợi, CEO của Kyber Network mong muốn được biết, Chính phủ có cơ chế, chính sách hoặc hỗ trợ gì để thúc đẩy hiệu quả sự chủ động của bộ ngành, doanh nghiệp lớn sẵn sàng tham gia vào liên kết start-up để phát triển những sản phẩm công nghệ và thực hiện mục tiêu chuyển đổi số?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, “Doanh nghiệp cần nhất đầu ra. Đâu là đầu ra lớn nhất của một quốc gia, đó là Chính phủ. Chính phủ là một hộ tiêu dùng lớn của một quốc gia”. Chính phủ sẽ ưu tiên mua sắm các sản phẩm công nghệ và mua sắm những giải pháp mang tính đổi mới sáng tạo, có tính đổi mới sáng tạo và ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng Make in Việt Nam.
Mỏ tài nguyên lớn nhất là dữ liệu, chúng ta phải mở dữ liệu này ra. Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một nghị định về vấn đề mở dữ liệu. Bộ TT&TT cách đây một tháng đã khai trương một cổng quốc gia về mở dữ liệu (data.gov.vn) với 10.000 bộ dữ liệu. “Đây là tài nguyên, một lượng “dầu mỏ” rất lớn cho các bạn đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng nói.
Doanh nghiệp start-up làm ra sản phẩm nhưng chưa được tin tưởng, phải có một tổ chức đứng ra. Bộ sẽ đứng ra đánh giá, công bố, tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm trên trang web của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Thủ tướng mách nước thêm, nếu doanh nghiệp khó khăn về chính sách, có thể "bám" vào Bộ TT&TT, nhưng dù thế nào, nguồn nhân lực cũng quan trọng.
Cho biết thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu rõ, năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, đây là động lực cho các doanh nghiệp. Thời gian qua, Thủ tướng đã chỉ đạo ban hành một loạt chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Trong quá trình chuyển đổi số, Nhà nước đặt hàng, giao cho doanh nghiệp, là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thực hiện đề bài được giao.
Thủ tướng và đại diện các ban, bộ, ngành đối thoại gỡ khó cho các thanh niên khởi nghiệp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Khởi nghiệp không chỉ thuần túy là con đường kiếm tiền
Ghi nhận các ý kiến tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cách đây 2 năm, khi đến dự khai mạc ngày Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia lần thứ 4, Thủ tướng đã thử gõ từ khóa “khởi nghiệp” trên công cụ tìm kiếm Google thì hiện ra 13,4 triệu bài viết có liên quan. “Hôm nay tôi thử gõ lại từ khóa "khởi nghiệp" thì chỉ trong 0,54 giây đã có hơn 20,7 triệu kết quả được tìm thấy”. Điều này cho thấy không khí của tinh thần khởi nghiệp của chúng ta đang lan tỏa mạnh mẽ trên mọi miền Tổ quốc, từ giới trẻ cho đến người lớn tuổi, bất kể dân tộc, tôn giáo. Khởi nghiệp là không có ranh giới và giới hạn.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi trên bảng xếp hạng các thương hiệu khởi nghiệp toàn cầu có hàng nghìn cái tên đến từ Việt Nam như CốcCốc, VNTrip, HelloBacsi… Tuy nhiên, số lượng vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, với quy mô dân số gần 100 triệu người. Có lẽ vẫn còn nhiều khởi nghiệp sáng tạo có giá trị khác của Việt Nam chưa được cập nhật hoặc đang bị bỏ sót trên bảng xếp hạng, Thủ tướng nói.
“Tôi tin rằng mục tiêu của khởi nghiệp không chỉ thuần túy là con đường kiếm tiền, tạo dựng sự nghiệp mà còn là một triết lý sống, khẳng định mình, thử thách bản thân, kiểm tra giới hạn tiềm tàng của chúng ta”, Thủ tướng phát biểu.
Chia sẻ thêm về cụm từ khởi nghiệp sáng tạo, Thủ tướng cho biết, nội hàm của từ khóa này rất sâu sắc, trong đó chúng ta xem sự sáng tạo là một thứ tài nguyên mới. Nhân loại không còn nhiều tài nguyên tự nhiên để khai thác và Việt Nam cũng vậy, nhưng chúng ta lại có thứ tài nguyên vô tận, đó chính là sự sáng tạo của 100 triệu người dân Việt Nam, của chính tiềm năng trong mỗi con người chúng ta ở trong nước và cả người Việt Nam ở nước ngoài.
Sáng tạo phải từ con người và vì con người. Con người phải là trung tâm của sáng tạo. Người Việt Nam có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo, Thủ tướng tin nếu có đủ những dưỡng chất tốt sẽ tạo ra những con người xuất sắc cho đất nước. Chúng ta hãy cùng ươm mầm ước mơ và hiện thực hóa khát vọng khởi nghiệp sáng tạo không giới hạn của mình.
“Tôi xin nhắc lại một câu hỏi dường như rất quen thuộc với các bạn trẻ: Các bạn có sợ thất bại khi khởi nghiệp không? Tôi tin có những bạn trả lời là có”. Đó cũng là lẽ tự nhiên. Chúng ta hiểu rằng, hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một sự trải nghiệm mạo hiểm thú vị, đó là quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và khám phá khả năng của bản thân, Thủ tướng chia sẻ.
Ở Thung lũng Silicon, người ta nói “Bạn sẽ không thành công nếu chưa bao giờ thất bại. Bạn sẽ học được nhiều điều từ thất bại”. Ông bà ta cũng đã nói “thất bại là mẹ thành công”. Các bạn đã sẵn sàng chấp nhận “thử và sai” chưa? Tất cả chúng ta hãy hun đúc tinh thần khởi nghiệp không sợ hãi, Thủ tướng phát biểu. Có vấp ngã thì đứng dậy đi tiếp, không nản chí, “có công mài sắt, có ngày nên kim”.
Diễn đàn lần này không chỉ cho thấy sự trưởng thành lớn từ nhận thức cũng như hình thức tổ chức, các câu hỏi, cách đặt vấn đề, những giải pháp sáng kiến đề xuất với Thủ tướng và Chính phủ đều thể hiện chiều sâu và những lập luận chắc chắn. Điều quan trọng hơn cả là những việc các bạn đoàn viên thanh niên làm, với hàng trăm ý tưởng sáng tạo, hàng trăm doanh nghiệp mới được thành lập, trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công nghệ thông tin, giáo dục-đào tạo, y tế đến nông nghiệp, tài chính, giao thông vận tải, thương mại điện tử và nhiều lĩnh vực quan trọng khác.
Qua đó, các bạn trẻ, các doanh nhân khởi nghiệp có mặt tại Diễn đàn đã tạo nhiều việc làm, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đưa ra những ý tưởng mới để cộng đồng kinh doanh cùng tham gia phát triển, khơi nguồn cảm hứng cho những sinh viên, thanh niên khởi sự kinh doanh, kể cả những doanh nhân kỳ cựu, những tập đoàn đã có lịch sử phát triển lâu dài.
Nghi thức khai mạc Diễn đàn Thanh niên Khởi nghiệp 2020. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Nhiệt huyết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là yêu nước
Thế hệ trẻ ngày nay đang kế thừa và bộc lộ rất rõ những phẩm chất cần mẫn, thông minh và sáng tạo, cùng với lợi thế về khả năng thích ứng nhanh trước sự năng động trong môi trường kinh doanh và tiến bộ công nghệ.
Các bạn trẻ đã nhìn nhận được trách nhiệm của mình trước những thách thức trong việc tạo lập lợi thế canh tranh mới mà đất nước đang còn nhiều hạn chế như chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo....
Những phẩm chất này của thanh niên Việt Nam chính là thế mạnh, là tiềm năng và nguồn lực quan trọng góp phần đưa đất nước tiến bộ, tự tin vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
“Qua thời gian theo dõi và lắng nghe các ý kiến hôm nay, tôi thấy hoạt động khởi nghiệp của thanh niên có nhiều khởi sắc nhưng cũng gặp không ít khó khăn”, Thủ tướng chia sẻ. Đó là nhiều ý tưởng, kết quả từ các cuộc thi khởi nghiệp chưa được quan tâm, triển khai trong thực tiễn. Một số ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp còn mang tính phong trào, chạy theo số lượng mà chưa chú trọng thích đáng đến chất lượng, thiếu sự gắn kết giữa ý tưởng với doanh nghiệp.
Chúng ta chưa có được hệ sinh thái khởi nghiệp tương đối hoàn chỉnh để thúc đẩy, nuôi dưỡng khởi nghiệp, lập nghiệp; các bạn trẻ vẫn tự loay hoay, tự thân vận động; dẫn đến khó khăn vướng mắc về vốn; thiếu kiến thức, kinh nghiệm về kỹ năng quản trị-điều hành; thiếu nguồn động viên, hỗ trợ kịp thời mỗi khi có thất bại, có gian nan…
Thủ tướng khẳng định, “Chính phủ cam kết sẽ bảo hộ cao nhất quyền sở hữu trí tuệ, sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp của các bạn vì đây là tài sản vô cùng lớn, thậm chí là vô giá hoặc duy nhất của các bạn”.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương xem việc hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình. Xem xét kỹ từng kiến nghị và đề xuất các phương án xử lý phù hợp. Các bộ, các địa phương thường xuyên đối thoại, chủ động thiết lập các kênh chia sẻ thông tin, cung cấp các định hướng, quy hoạch cho doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận.
Nghiên cứu việc đưa môn học khởi nghiệp vào nhà trường. Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập sàn huy động vốn khởi nghiệp và phát triển các quỹ đầu tư, trong đó có đầu tư khởi nghiệp. Chúng ta cần có các chương trình đào tạo tăng tốc khởi nghiệp.
“Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến thế hệ trẻ. Các bạn không chỉ là tiềm năng của tương lai, là nguồn lực và tài nguyên hiện tại, mà sẽ là chủ nhân của đất nước. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để có một môi trường khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo thuận lợi nhất. Nhưng khởi nghiệp có thành công được hay không phụ thuộc vào chính bản thân các bạn”, Thủ tướng nói. Nhiệt huyết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là thể hiện lòng yêu nước, làm cho quốc phú, dân cường.
Đặt vấn đề, “cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của Việt Nam ta trong tương lai sẽ thế nào? Việt Nam có hiện thực hóa được Khát vọng hùng cường 2045 hay không?”, Thủ tướng nêu rõ, chính thế hệ trẻ hôm nay sẽ phải trả lời câu hỏi đó bằng hành động. Khởi nghiệp sẽ là một con đường biến ước mơ của bản thân thành hiện thực, đồng thời góp phần hiện thực hóa khát vọng lớn hơn của toàn dân tộc. “Tôi mong các bạn trẻ sẽ luôn khiêm tốn, học hỏi, liên lục mày mò, không ngừng đổi mới sáng tạo và đó chính là chìa khóa giúp các bạn thành công”.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.