Phát biểu tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần dành ưu tiên cao nhất cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế để phục vụ 3 khâu đột phá chiến lược...
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần dành ưu tiên cao nhất cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế để phục vụ 3 khâu đột phá chiến lược, trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, quán triệt yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường công khai, minh bạch, khắc phục được các hạn chế, bất cập, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.
Ngày 18/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 11/2021.
Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về các đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi) do Bộ Tài chính xây dựng, Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) do Bộ Y tế xây dựng, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng, Luật Lưu trữ (sửa đổi) do Bộ Nội vụ xây dựng, Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) do Ngân hàng Nhà nước xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao dịch điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng.
Sau khi các thành viên Chính phủ thảo luận, Thủ tướng Chính phủ kết luận, Chính phủ đã thống nhất thông qua đề nghị xây dựng các dự án luật nói trên, giao các cơ quan chủ trì xây dựng tiếp thu các ý kiến thảo luận rất sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng tại phiên họp để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, phân tích rõ các căn cứ về chính trị, pháp lý và thực tiễn, trình các cấp có thẩm quyền, bảo đảm chất lượng, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Đánh giá kỹ tác động của các đề xuất chính sách mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ xác định dành ưu tiên cao nhất cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, phục vụ ba khâu đột phá chiến lược. Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và các nghị quyết của Chính phủ từ khi được kiện toàn cũng nhấn mạnh cần ưu tiên cho công tác này. Trong nhiều tháng qua, Chính phủ đều có các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Thủ tướng đánh giá cao các cơ quan đã căn cứ chương trình làm việc, tích cực chuẩn bị các hồ sơ, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để trình các cấp có thẩm quyền.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chung với việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương các khóa; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ. Các cơ quan quản lý nhà nước tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch, pháp luật, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực bảo đảm công khai, minh bạch và tăng cường kiểm tra, giám sát. Trong quá trình thiết kế chính sách, pháp luật, cần giải quyết hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội, đẩy đẩy hợp tác công tư trên nền tảng phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế…
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ưu tiên bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác này, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ trưởng khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bỏ sót vấn đề, để khoảng trống pháp lý giữa các luật. Song song với việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, cần nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện pháp luật, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo quan điểm người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể của mọi chính sách, con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.
Thủ tướng yêu cầu bám sát, tiếp thu các ý kiến tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, chú trọng tổng kết thực hiện các quy định trước đây, đánh giá kỹ tác động của các đề xuất chính sách mới, chú trọng việc lấy ý kiến các đối tượng tác động và các chuyên gia, nhà khoa học để cập nhật, điều chỉnh, hoàn thiện hồ sơ, chính sách sát thực tiễn, phù hợp với tình hình đất nước, khắc phục, hạn chế tối đa các bất cập, yếu kém, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do quy định chưa phù hợp thực tiễn… theo tinh thần có kế thừa, đổi mới và phát triển.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày đề nghị xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Quán triệt những định hướng lớn trong xây dựng các luật
Về đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm tính linh hoạt, cơ động theo cơ chế thị trường, xử lý hài hòa, hợp lý quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội, phù hợp tình hình thực tiễn. Cơ quan quản lý nhà nước tập trung xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, điều kiện, các bộ ngành, địa phương bám sát thị trường để chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Việc xây dựng luật sửa đổi phải khắc phục được các bất cập, hạn chế, các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm... liên quan tới giá. Chú ý công cụ bình ổn giá, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, bỏ qua an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Về đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Thủ tướng nêu rõ, đây là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội rất quan tâm tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Thủ tướng yêu cầu phân tích kỹ thêm tác động của các chính sách trên cơ sở bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân gắn với bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển tốt hơn, lành mạnh hơn. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý, chuyển đổi số, tăng cường kiểm tra, giám sát, phân cấp, phân quyền, bảo đảm công khai, minh bạch.
Thủ tướng yêu cầu quán triệt, bám sát các quan điểm mới về an sinh xã hội trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 20 của Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, nhất là bảo đảm nguyên tắc đóng – hưởng, nguyên tắc chia sẻ rủi ro, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh cho người dân…
Về đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Thủ tướng yêu cầu tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 93 năm 2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần đối với người lao động; quán triệt, bám sát các quan điểm mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 28 của Trung ương khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, phân tích kỹ tác động chính sách, nhất là với đối tượng điều chỉnh để cụ thể hóa, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, chính sách bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao dịch điện tử, Thủ tướng nêu rõ, đây là lĩnh vực có những thay đổi rất nhanh trong thời gian qua nên việc sửa đổi, bổ sung Luật là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, phạm vi giao dịch điện tử rất rộng, do đó, phạm vi điều chỉnh của luật cần cân nhắc phù hợp, hiệu quả trên cơ sở rà soát các luật khác có liên quan. Thủ tướng lưu ý một số vấn đề như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quy định hiện hành, xử lý các khoảng trống pháp lý; các vấn đề liên quan an ninh mạng, hoàn chỉnh và chia sẻ cơ sở dữ liệu, quản lý các nền tảng số, trong đó có các nền tảng số của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam…
Thủ tướng lưu ý một số vấn đề mới khi đề nghị xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) trong bối cảnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Cụ thể, đó là các chính sách về lưu trữ tư nhân, lưu trữ điện tử; nâng cao năng lực chuyển đổi số, bảo đảm an ninh mạng; trưng mua, trưng dụng tài liệu lưu trữ; quyền khai thác dữ liệu… Thủ tướng yêu cầu cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, có các công cụ phù hợp, hiệu quả để phát huy mặt tích cực, hạn chế tối đa tác động tiêu cực có thể phát sinh.
Thủ tướng nhấn mạnh việc đề nghị xây dựng Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) là vấn đề rất quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục lấy ý kiến các đối tượng liên quan và tham khảo kinh nghiệm, pháp luật của các nước; hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống rửa tiền, góp phần phòng chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực, thất thoát tài sản…
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.