Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 17 tháng 5 năm 2020 | 16:47

Chủ động phòng, chống cháy nổ mùa nắng nóng

Mùa hè năm 2020 được dự báo có nền nhiệt cao, thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan, dẫn đến nguy cơ cháy, nổ cao. Bởi thế cần nhiều biện pháp của cơ quan chức năng và sự phối hợp của người dân trong chủ động phòng ngừa "bà hỏa" viếng thăm.

Nguy cơ rình rập

Từ đầu năm đến nay, tại Hà Nội đã xảy ra không ít vụ cháy. Tiêu biểu như tối 28-3 xảy ra vụ cháy tại ngôi nhà ba tầng trên phố Hồ Ðắc Di (quận Ðống Ða); ngày 29-3 vụ cháy tại phường Phú Lương (quận Hà Ðông) đã thiêu rụi ba cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng; sáng 22-4 đã xảy ra cháy tại số nhà 47 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm) và vụ cháy nhà nghỉ Hồng Nhung trên địa bàn phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm).

Hay như, trưa ngày 16-5, thực khách tại quán ăn số 211 phố Tô Hiệu, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy đã gặp phen hoảng hốt. Thời điểm đang có đông thực khách, bất ngờ khu bếp nấu hở khí gas đã bùng cháy. Cả đầu bếp lẫn khách chạy tán loạn ra ngoài. Rất may lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Cầu Giấy đã kịp thời có mặt xử lý, nên không gây hậu quả về người và thiệt hại tài sản không đáng kể.

Nghiêm trọng nhất là vụ hỏa hoạn lớn xảy ra vào khoảng 11 giờ 20 phút trưa 6-5, tại tòa nhà ba tầng của Công ty Song Ngân, đang cho Công ty Biovet thuê làm kho, xưởng sản xuất thuốc thú y (nằm trong Khu công nghiệp Phú Thị - huyện Gia Lâm). Ngoài gây thiệt hại nặng về tài sản, đám cháy còn khiến ba công nhân Công ty Biovet tử vong. Ðiều đáng nói, tòa nhà này đã bị Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) - Công an TP Hà Nội, kiểm tra, ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động vì chưa nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhưng vẫn cố tình cho thuê, sử dụng.

 

0c6893404827e13e884d18c174848496.jpg
Cảnh sát PCCC tích cực chữa cháy tại kho xưởng may mặc ở tầng ba Công ty Song Ngân nằm trong khu công nghiệp Phú Thị, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: Phạm Hải

 

Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết, các quy định về PCCC đối với kho xưởng, cơ sở sản xuất tập trung đông người được quy định rất chặt chẽ, chỉ cần thiếu tuân thủ sẽ dễ dẫn đến hậu quả khôn lường. Những năm gần đây, các cơ quan chức năng TP Hà Nội liên tục kiểm tra việc tuân thủ công tác PCCC trong các tòa nhà cao tầng, khu xưởng và công khai những đơn vị vi phạm, đồng thời yêu cầu các chủ công trình phải mau chóng khắc phục những bất cập trong bảo đảm an toàn công trình mà trong quá trình thi công, họ đã "lờ đi", nhưng không phải chủ công trình nào cũng tuân thủ. Thậm chí, còn có trường hợp cố tình vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng như vụ việc tại Công ty Song Ngân nói trên.

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Ðô thị (Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội) cho hay: Ðịa bàn thành phố có hàng trăm cơ sở vi phạm về PCCC, trong đó nhiều cơ sở không bảo đảm điều kiện ngăn cháy, không trang bị hệ thống báo cháy tự động, không trang bị hệ thống chữa cháy tự động, không trang bị hệ thống họng nước trong nhà, không đủ lối thoát nạn…

Ðiều khiến KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) lo ngại, còn nằm ở năng lực của lực lượng PCCC tại chỗ còn yếu, thiếu phương tiện. Thêm nữa, hạ tầng cũng là vấn đề cản trở công tác chữa cháy, nhiều vụ cháy ở sâu trong khu dân cư với ngõ nhỏ khiến phương tiện chữa cháy không vào được. Thực tế này đòi hỏi ý thức tự giác và tuân thủ PCCC của người dân, của các cơ quan, tổ chức phải được nâng cao.

Phòng ngừa hiểm họa cháy, nổ từ khí gas

Theo phân tích của chuyên gia PCCC thì nhiệm vụ kiểm tra thiết bị liên quan đến khí gas là rất quan trọng, ai cũng phải thực hiện nếu có bình gas trong nhà. Đối với quán kinh doanh đồ ăn, nếu dùng gas để làm chất đốt thì nhiệm vụ quan trọng này phải được thực hiện theo từng giờ và có quy trình nghiêm ngặt đối với những đầu bếp liên quan đến sử dụng khí gas. Đó là những nguyên tắc sống còn như: “Khóa van bình gas chặt khi không sử dụng”, kiểm tra thường xuyên các đường vòi dẫn khí gas để kịp thời thay thế tránh gây cháy, nổ, lắp đặt thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas…

Đặc biệt, đối với cơ sở kinh doanh mà có chứa nhiều bình gas bên trong để phục vụ đun nấu, thì quy định về kho chứa gas phải nằm ngoài tách khỏi khu nhà nấu nướng và có phòng khách ăn uống. Hệ thống chứa gas và an toàn phòng chống cháy, nổ khí gas phải được thẩm duyệt của cơ quan có trách nhiệm.

 

gas.jpg
Hiện trường vụ nổ khí gas tại phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng

 

Quy định đã rõ, nhưng thực tế ghi nhận thì lại không mấy ai thực hiện. Sự lơ là và xem nhẹ việc tuân thủ an toàn phòng chống cháy, nổ khí gas của người dân đều được trả giá bằng những vụ nổ gây sập nhà và hư hại tài sản.

Có nhiều nguyên nhân gây cháy, nổ khí gas, song sự chủ quan của con người thể hiện rất rõ. Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, ngoài việc không trang bị thiết bị an toàn cháy, nổ khí gas thì nhiều quán do nhân viên thay đổi liên tục, có khi nhân viên mới được tập huấn, hướng dẫn sử dụng thành thạo phương tiện PCCC, phòng chống, cháy nổ khí gas xong thì lại chuyển chỗ làm khác. Việc thay đổi nhân viên mới và cũ dẫn đến những quy trình, quy định an toàn PCCC đối với khu bếp nấu có sử dụng khí gas cũng bị ảnh hưởng, cùng với đó là việc giám sát thiếu chặt chẽ của chủ cơ sở.

Với những tình huống hở khí gas, biện pháp an toàn nhất là không được bật bất cứ hệ thống điện công tắc nào trong khu vực. Hãy khóa van gas cẩn thận và dùng tấm bìa cứng hoặc vật dụng tương tự đẩy khí gas ra ngoài, đồng thời di tản những người trong nhà ra khỏi ngôi nhà và thông báo cho Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114.

Trường hợp, nếu bình gas đã xảy cháy thì bình tĩnh dùng bình bột xách tay phun thẳng vào đám lửa. Lưu ý, bình gas trong trường hợp hở, bốc cháy thì không thể phát nổ được, do đó cần bĩnh tĩnh xử lý.

Bình/chai chứa gas đặt thẳng đứng, nơi thông thoáng, không đặt cạnh các nguồn khí nén khác và cách xa nguồn nhiệt 1m. Các mối nối giữa dây với van, bếp phải chặt và kín.

Không tự ý tháo dỡ các phụ kiện của bình/chai chứa gas, không dùng lực quá mạnh để đóng hoặc mở van bình/chai chứa gas. Không để thiết bị sử dụng gas đè lên dây dẫn gas hoặc để dây dẫn gas gần nguồn nhiệt.

Luôn vệ sinh sạch sẽ bếp, dây dẫn gas, van bình nhằm loại bỏ điều kiện động vật gặm, cắn dây. Thường xuyên kiểm tra rò, rỉ bằng nước xà phòng, tuyệt đối không được dùng bật lửa, diêm soi dò chỗ hở. Luôn khóa van cổ bình khi không sử dụng.

Biện pháp xử lý khi phát hiện rò, rỉ khí gas: Tuyệt đối không làm phát sinh tia lửa như: bật/tắt công tắc điện, quạt điện, sử dụng điện thoại di động. Ngay lập tức khóa van cấp gas; mở thông thoáng các cửa, dùng quạt thủ công để làm phát tán khí gas.

Nếu thấy chỗ rò, rỉ thì dùng vải ướt quấn quanh chỗ rò, rỉ hoặc dùng xà phòng bánh để bịt lỗ rò, rỉ tạm thời; Nếu xảy ra sự cố khi đang sử dụng, phải dùng chăn ướt phủ lên bếp hoặc bình cho tắt lửa hoặc dùng bình chữa cháy phun dập tắt đám cháy; Báo ngay cho nhà cung cấp đến xử lý.

Những lỗ hổng trong phòng cháy, chữa cháy

Theo quy định tại Nghị định số 79/2014/NÐ-CP của Chính phủ, hướng dẫn Luật PCCC thì Cảnh sát PCCC có trách nhiệm kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ hằng quý đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra, liệu có chuyện "xuê xoa" trong quá trình kiểm tra?

Một số ý kiến chỉ ra ở thành phố lớn như Hà Nội lực lượng phụ trách bị quá tải, một cán bộ trung bình phụ trách 150 cơ sở (theo quy định chỉ tối đa không quá 100 cơ sở). Ðại úy Lương Thị Xuân Thu (Trường đại học PCCC) cho biết: "Hệ thống văn bản pháp luật quy định về an toàn PCCC vẫn còn chậm được soát xét, bổ sung nên có nhiều nội dung chưa phù hợp. Như các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chủ yếu là quy định về an toàn PCCC trong thiết kế, nghiệm thu công trình, chưa quy định rõ về các yêu cầu bảo đảm an toàn PCCC trong quá trình sử dụng; nội dung các quy định chồng chéo, lỗi thời; quy định về công tác nghiệp vụ cơ bản liên quan đến kiểm tra an toàn PCCC còn nhiều tồn tại; việc kiểm tra giám sát của chỉ huy đơn vị đối với cán bộ kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức…".

Ðại tá, TS. Lê Quang Hải, Phó Hiệu trưởng Trường đại học PCCC cũng chỉ ra: "Bên cạnh những mặt đã làm được, hoạt động thanh tra chuyên ngành PCCC còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Phạm vi thanh tra rộng, số đối tượng thanh tra nhiều nhưng số cuộc thanh tra còn ít; còn một số lĩnh vực có nguy cơ cao nhưng chưa được chú ý".

 

sa5.jpg
Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng an toàn PCCC đối với khí gas

 

Ðể giải quyết tình trạng này, ông Lê Quang Hải đưa ra giải pháp: Trưởng đoàn thanh tra phải nắm vững các quy định của pháp luật về tranh tra chuyên ngành; mỗi thành viên trong đoàn thanh tra đều có nhiệm vụ riêng do trưởng đoàn thanh tra phân công. Việc nhận thức rõ trách nhiệm sẽ giúp mỗi thành viên trong đoàn chủ động hơn với nhiệm vụ của mình; báo cáo kết quả thanh tra phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan, công khai và đánh giá trung thực các vấn đề còn thiếu sót.

Cả nước đang trong mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện sẽ rất cao, dễ gây quá tải cho nhiều thiết bị. Chỉ cần một sơ sểnh nhỏ cũng sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, để công tác PCCC được tốt hơn, ngoài việc người dân, chủ cơ sở, chủ công trình phải tuân thủ các quy định pháp luật về phòng, chống cháy nổ thì lực lượng chức năng phải chủ động, cương quyết hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ, kiểm tra đôn đốc việc tuân thủ các quy định của pháp luật, nhắc nhở các công trình vi phạm về an toàn PCCC mau chóng khắc phục những thiếu sót trong thi công công trình.

 

PV (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top